Người Hàn Quốc không ngủ đêm Giao thừa, người Trung Quốc ăn tết gần 40 ngày

04/02/2019 09:17 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nước châu Á cùng đón Tết Nguyên Đán theo âm lịch và chia sẻ một số tập tục tương đồng với Việt Nam như thờ cúng tổ tiên, mừng tuổi...            

Dự báo thời tiết Tết nguyên đán: Miền Bắc nắng ấm, ngày 30 Tết khả năng mưa nhỏ

Dự báo thời tiết Tết nguyên đán: Miền Bắc nắng ấm, ngày 30 Tết khả năng mưa nhỏ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ 25 tháng Chạp đến 30 tháng Chạp, thời tiết tiếp tục duy trì trạng thái rét vừa vừa, không quá rét và cũng không quá ấm.

Các hoạt động chào đón năm mới âm lịch đang được tổ chức rộn ràng tại nhiều quốc gia châu Á từ Hàn  Quốc, Trung Quốc đến Việt Nam. Mỗi nước lại có phong tục riêng, làm nên sự phong phú trong cách chào đón ngày lễ cổ truyền quan trọng nhất năm này.  

          Nghỉ Tết

Khác với Trung Quốc hay Việt Nam có kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán khá dài (thường từ 7-10 ngày), tại Hàn Quốc, người dân chỉ được nghỉ khoảng 3 ngày.     

Các công sở của Hàn Quốc thường cho người lao động nghỉ Tết từ ngày cuối cùng của năm cũ (29 hoặc 30 tháng Chạp tùy năm) cho đến hết ngày mùng 2 Tết. Tuy nhiên, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ riêng của từng đơn vị và cá nhân người lao động mà có thể nghỉ dài hơn.   Dù vậy, không khí Tết vẫn còn kéo dài đến qua ngày trăng tròn đầu tiên của năm (ngày Daeboreum).

Tết Nguyên Đán truyền thống của người Trung Quốc có thể kéo rất dài, bắt đầu từ mùng 8 tháng Chạp tới 15 tháng Giêng, tức là khoảng... 40 ngày.

Chuẩn bị Tết

Dọn dẹp nhà cửa là công việc không thể thiếu để đón Tết Nguyên Đán ở cả Trung Quốc và Hàn Quốc. Trước Tết Nguyên đán, gần như mọi gia đình ở Trung Quốc đều dán hai câu đối được viết trên giấy màu đỏ dán trước cửa nhà. Phong tục này xuất phát từ trước thời nhà Tống (960 - 1279). Ngày nay, câu đối có thể được dán trên bức tường chính ở trong nhà. Ngoài ra, người Trung Quốc còn trang trí nhà bằng màu đỏ để xua đuổi tà ma và cầu mong may mắn cho năm mới.

Chú thích ảnh
Người Trung Quốc trang trí nhà bằng câu đối đỏ mỗi dịp Tết đến

Bên cạnh đó, người dân hai nước này còn dành thời gian chuẩn bị thực phẩm dự trữ cho những mâm cỗ suốt dịp Tết. Riêng tại Trung Quốc, người thân và bạn bè, hàng xóm láng giềng thường cùng nhau tụ tập làm món sủi cảo. 

Việc di chuyển trong khoảng thời gian trước Tết cũng là mối quan tâm của những người làm ăn xa muốn trở về quê hương đón Tết cùng gia đình. Trong khi ở Trung Quốc, tình trạng kẹt cứng vẫn luôn nhức nhối và người ta còn dùng từ "đại di cư" để miêu tả về làn sóng này, thì ở Hàn Quốc còn có cả kênh radio riêng để thông báo mật độ giao thông theo thời gian thực tại các điểm nút giao thông trong những ngày trước Tết.

Chú thích ảnh
Tình trạng giao thông luôn là vấn đề gây nhức nhối mỗi dịp Tết Nguyên Đán tại Trung Quốc

Một điều khá khác biệt trong văn hoá Hàn Quốc là tặng quà trước dịp Tết. Người Hàn thường tặng nhau thức ăn như hoa quả, nhân sâm, cá, mật ong, cá khô... Ngoài ra, những sản phẩm về sức khoẻ, đồ dùng cá nhân cũng là quà tặng phổ biến, chẳng hạn như xà phòng, dầu gội, kem đánh răng…

Tại Trung Quốc, theo truyền thuyết, vị thần chuyên cai quản việc bếp núc (Việt Nam gọi là Táo Quân) sẽ lên thiên đàng bẩm báo Ngọc Hoàng về mọi việc xảy ra dưới dương gian vào ngày 23 tháng Chạp (có nơi là 24). Do đó, người dân sẽ làm cơm cúng thần bếp gồm các món bánh ngọt và súp đậu với niềm tin sau khi nếm thử các món ăn, thần bếp sẽ nói những lời ngọt ngào về gia chủ.

Ngày nay, phần lớn người Trung Quốc không còn dùng bếp lò, thay vào đó là bếp ga hay điện hiện đại. Tập tục này vì thế cũng mai một dần và việc làm cơm cúng thần bếp trong ngày 23/12 âm lịch hiếm thấy xuất hiện.

Đêm giao thừa

Tại Hàn Quốc, buổi tối trước giao thừa người dân thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Trong đêm giao thừa không ai ngủ cả, vì theo truyền thuyết nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn. Các thanh tre cũng được đốt lên để tiếng nổ của nó giúp xua đuổi tà ma.

Chú thích ảnh
Người Hàn Quốc có truyền thống thức trọn đêm giao thừa 

Còn với người Trung Quốc, hoạt động đón giao thừa diễn ra từ mâm cỗ ba mươi Tết, bữa "đại tiệc" này được thưởng thức từ từ, trong đó có gia đình ăn đến lúc giao thừa. Nếu như ở Việt Nam chương trình "Táo quân" là "đặc sản" tối 30 thì ở Trung quốc cũng có chương trình đặc biệt cho thời khắc này, trở thành “bữa đại tiệc tinh thần” của đêm giao thừa. 

Trước đây, đốt pháo từng là "đặc sản" đêm giao thừa tại Trung Quốc. Tuy nhiên từ năm 2017, nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí, chính phủ Trung Quốc đã cấm pháo trên hơn 444 thành phố trên cả nước, trong đó có thủ đô Bắc Kinh. Người dân giờ đây chuyển sang dùng pháo điện thay thế. 

Nghi thức, tục lệ truyền thống

Về mặt này thì người Hàn Quốc có vẻ "rườm rà" nhất. Đầu tiên là nghi lễ cúng tổ tiên "Chesa" vào sáng mùng 1 Tết dưới sự chủ trì của trưởng nam trong gia đình. Đồ cúng bày trên mặt bàn cùng bài vị tổ tiên và giấy sớ đặt giữa nhà. Chủ gia đình thắp hương, khấn mời Tổ tiên, cả nhà cùng bái lạy làm lễ.

Sau "Chesa" là đến nghi thức "Seba", với ý nghĩa thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà, cha mẹ. Lúc này, người lớn tuổi thường sẽ ngồi ở chính giữa phòng ngủ của mình để lần lượt con cái, cháu chắt xếp hàng thực hiện nghi lễ cúi đầu quỳ lạy. 

Khi cúi, các bé gái đặt úp tay phải lên tay trái và giữ cánh tay song song với mặt đất, còn bé trai xếp tay ngược lại tạo hình chữ V. Người cúi lạy sẽ phải quỳ xuống sàn nhà và mở rộng cánh tay của mình ra.

Trước khi cúi người, trẻ em phải nói "saehae bok manee badesaeyo", có nghĩa "mong nhiều phúc lành sẽ đến với ông bà". Đồng thời ông bà cũng cúi người và chúc câu tương tự.

Sau khi hoàn thành động tác cúi đầu chào năm mới (sebae) trước người lớn và chúc họ may mắn (bok), trẻ em sẽ được người lớn thưởng tiền hoặc có khi là vàng, ngọc hay một món quà quý nào đó.

Chú thích ảnh
Con cháu thực hiện nghi thức "seba" thể hiện lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ

Trong những ngày tết, nhà nào cũng treo “Bok jo ri” ở ngoài cửa. Bok jo ri là một cái xẻng bằng rơm dùng để hốt thóc gạo rơi vãi. Người Hàn treo vật này ngoài cửa với mong muốn nhận được phúc lộc quanh năm.

Chú thích ảnh

Còn với người Trung Quốc cách đón Tết khá giống Việt Nam. Trong những ngày đầu năm ngoài việc làm mâm cỗ cúng gia tiên, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau ăn uống, đi lễ chùa cầu may và thăm hỏi, chúc Tết họ hàng. Mùng 1 là ngày giành cho gia đình, mùng 2 đi thăm bố mẹ vợ, mùng 3 là ngày kiêng kỵ, không có các hoạt động thăm hỏi...

Trong những ngày đầu năm, người Trung Quốc tránh cãi cọ, xô xát bởi họ coi đấy là điềm gở cho cả năm mới. Họ cũng kiêng quét nhà ngày đầu năm mới vì coi đó là hành động xua đuổi thần tài.

Thờ cúng tổ tiên là việc không thể thiếu trong những ngày Tết ở Trung Quốc. Có rất nhiều phong tục truyền thống để thể hiện lòng biết ơn và hiếu kính, chẳng hạn như cúi lạy trước mộ hoặc bàn thờ tổ tiên hoặc chuẩn bị thức ăn và đồ uống dâng tổ tiên.

Không thể bỏ qua tục lì xì. Những phong bao màu đỏ rực rỡ được người lớn trao cho trẻ em để xua đuổi quỷ dữ và đón chào nhiều điều may mắn trong những ngày đầu năm.

Ẩm thực

Theo phong tục Hàn Quốc, mâm lễ cúng phải chia làm 5 hàng, với khoảng hơn 20 món ăn gồm có canh bánh gạo nếp Tteokguk, rượu, bánh Tteok truyền thống, cá, nhiều loại bánh rau chiên, hoa quả. Những lễ này được đặt dưới bài vị tổ tiên, theo thứ tự từ trên xuống dưới.

Thực đơn cho ngày Tết, nhất là trong ngày mùng 1 có thể khác nhau tuỳ địa phương, nhưng phổ biến chung cho toàn quốc thường có món ttok-kuc (canh bánh gạo truyền thống được làm từ bánh gạo thái lát, thịt bò, trứng và rau). Người Hàn cho rằng, ngày Tết ăn ttok-kuk có nghĩa là “ăn” một năm khác. Do đó mà người ta có thể hỏi tuổi của nhau một cách vui vẻ bằng câu: “Cậu ăn bao nhiêu lần tteokguk rồi?”

Các món ăn khác cũng hay dùng trong dịp Tết là bánh bao, bánh pindaettok (bánh tráng kếp đậu xanh) và sujonggwa (chè quế) hay shikhye (một loại rượu pân nấu bằng gạo). Kimchi vẫn là món ăn không thể thiếu. Vào ngày Tết người Hàn Quốc có thêm món gakkimchi, nghĩa là kim chi làm với lá cải xanh trộn với vừng trắng.

Trong số các loại bánh truyền thống ngày tết Hàn Quốc, phải kể đến bánh doo-boo cam-ja-jun làm bằng đậu nành, khoai và rau quả. Hoặc bánh doo-boo dong-co-rang-deng làm bằng đậu phụ với trái cây xắt nhỏ, ăn trong khi uống trà.

Chú thích ảnh
Người Hàn Quốc có quy định rõ ràng cho mâm cúng Tết

Mâm cỗ ngày tết của người Trung Quốc vô cùng đa dạng với các món ăn như sủi cảo, há cảo, salad cá, gà Kung Pao, vịt quay, thịt lợn chua ngọt, chả giò.

Tùy vào văn hóa của mỗi vùng mà mâm cỗ có thể khác nhau, tuy nhiên bánh tổ (Nian Gao) là một món bánh không bao giờ thiếu trên mâm cỗ ngày tết của người Trung Quốc. Loại bánh này được làm từ gạo nếp loại tốt, cùng với đường và một chút gừng tươi. Theo tiếng Trung, “Gao” là bánh, “Nian” là chất dính, nghĩa là bánh nếp, bánh dính, mọi người dùng món bánh này với mong ước các thành viên trong gia đình lúc nào cũng luôn kết dính, gắn bó với nhau bền vững.

Một số món ăn truyền thống dịp Tết của người Trung Quốc khác có thể kể đến như sủi cảo, hoành thành, mì, bánh trôi nước. Trong tiếng Hán, chữ bánh sủi cảo có bộ “giao” mang ý nghĩa thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Ăn bánh hoành thánh trong năm mới sẽ có ý nghĩa là “đầu tiên”. Ăn mì sẽ có ý nghĩa là “trường thọ”, sống lâu như độ dài của sợi mỳ.

Chú thích ảnh

Ngoài ra dịp đầu năm, người Trung Quốc cũng thích ăn cá và theo truyền thống, cần ăn cá nguyên con. Ăn cả đầu và đuôi, năm mới sẽ mang đến hạnh phúc từ đầu đến cuối và vì không để thừa, món ăn này là biểu tượng cho sự sung túc.

Để tiếp khách đến chơi, mỗi gia đình Trung Quốc đều chuẩn bị một khay bánh kẹo. Mỗi loại kẹo mang một ý nghĩa riêng. Hạt dưa đỏ tượng trưng cho niềm vui, hạnh phúc, sự chân thành. Vải sấy khô là biểu tượng của quan hệ gia đình bền chặt. Quả quất gợi nhắc tới sự thịnh vượng và là món ăn không thể thiếu tại Trung Quốc. Mứt dừa đem lại sự gắn bó...

Câu chúc Tết

Câu chúc tết phổ biến nhất của người Hàn Quốc là “say hay boke-mahn he pah du say oh”, có nghĩa “ mong nhiều phúc lành năm mới sẽ đến với bạn”.

Ở Trung Quốc, dịp năm mới  người ta chào nhau bằng câu "Gong Xi" có nghĩa là "Chúc mừng!" Ngoài ra, những câu chúc phổ biến là "Gong Hei Fat Choi" theo tiếng Quảng Đông hoặc "Gong Xi Fa Chai" (Cung Hỉ Phát tài) theo tiếng Quan Thoại, "Chúc mừng năm mới",... Ở miền Bắc Trung Quốc, theo truyền thống, mọi người thường chúc: "Quá niên hảo".

Nhiều câu khác cũng được dùng, có một số câu không chỉ dành để chúc một ai đó, mà là các câu cảm thán. Ví dụ, đánh vỡ một đồ vật nào đó vào năm mới vốn được xem là điều không mau, lúc ấy, người ta phải nói ngay "Tuế tuế bình an" (nghĩa là "năm năm bình an").

Bảo Chi (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm