Nghi vấn 'vẽ voi' đằng sau 'siêu kênh đào' của Trung Quốc ở Nicaragua

23/12/2015 07:32 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 1 năm trời, với nhiều kèn trống gây sự chú ý, một tập đoàn của Trung Quốc đã loan báo kế hoạch xây dựng một kênh đào chạy xuyên Nicaragua để cạnh tranh trực tiếp với kênh đào Panama lừng danh.

Tập đoàn phát triển Hong Kong Nicaragua (HKND) thậm chí còn lên kế hoạch hoàn tất dự án tham vọng, trị giá 50 tỷ USD, vào năm 2020.

Nỗi lo của người bản địa

Tuy nhiên ngày hôm nay, trên con đường lầm bụi dẫn tới trụ sở HKND nằm gần miệng sông Brito ở Nicaragua, người ta chẳng thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy công việc đang tiến triển, với thành quả là một con kênh nối liền Thái Bình Dương với Đại Tây Dương.

HKND thừa nhận công việc của họ đã bị trì hoãn và hoạt động đào kênh sẽ chỉ có thể thực hiện vào cuối năm sau. Công ty đổ lỗi cho hoạt động đánh giá môi trường diễn ra quá muộn, đã làm chậm toàn bộ dự án. Hoạt động này mới chỉ được nhà chức trách thông qua trong tháng 11.

Tại thành phố Rivas, nằm gần cửa sông Brito, không khí căng thẳng đã xâm chiếm đời sống nơi đây. Dù chính quyền hứa hẹn với 200.000 cư dân thành phố rằng con kênh sẽ mang sự thịnh vượng dài lâu tới cho họ, dân sống ở vùng ngoại ô vẫn lo ngại họ có thể phải rời nhà để dọn đường cho dự án quy mô lớn.  


Nhiều người Nicaragua đã xuống đường biểu tình, phản đối dự án xây kênh đào vì lo ngại tác động môi trường do công trình này gây ra.

"Nếu con kênh đó được xây dựng thì đâu sẽ là nơi định cư?” Ruth Campos, một người dân trong độ tuổi 60, lo lắng hỏi. Bà là một trong số 27.000 người Nicaragua có thể phải rời nhà vì hoạt động xây dựng con kênh, đã được đặt mục tiêu đón 3.500 tàu hàng mỗi năm, như thông báo của HKND.

"Họ có thể giết tôi, nhưng tôi sẽ chẳng đi đâu hết” – cụ bà Cristina Lopez, 95 tuổi, người sống ở thị trấn La Virgen sẽ bị phá bỏ để làm đường cho kênh đào, tuyên bố - “Đây là nơi tôi sinh ra. Đây cũng sẽ là nơi tôi nằm xuống”.

Một hàng xóm, bà Esperanza, 70 tuổi, nói thêm: “Sẽ có những người chết ở đây vì chẳng ai muốn rời khỏi nhà cả. Cớ sao những kẻ đó lại buộc chúng tôi rời khỏi mảnh đất của mình?”

Dự án quá đỗi tham vọng

Năm 2013, tập đoàn HKND đã được cho phép xây dựng và điều hành kênh đào Nicaragua trong 50 năm, đồng thời có cơ hội gia hạn điều hành thêm 50 năm nữa.  

Thiết kế của kênh đào Nicaragua cho phép tạo ra một tuyến đường giúp tàu bè đi lại xuyên qua đất nước này, với chiều dài 278 km, chiều rộng 280 mét và độ sâu tới 30 mét. Mục tiêu của kênh đào này là thu hút 5% lưu lượng vận tải đường biển trên toàn cầu, đặc biệt là các siêu tàu chở hàng sẽ đi từ châu Á tới châu Mỹ, với kích cỡ quá lớn nên không thể đi qua kênh đào Panama.

Tham vọng lớn của những người đứng sau dự án đã khiến giới quan sát nghi ngờ tính khả thi của nó. Ngoài ra, dân địa phương và các nhóm bảo vệ môi trường lo ngại hoạt động xây dựng kênh đào sẽ phá hủy Hồ Nicaragua - hồ nước ngọt lớn nhất Trung Mỹ, vốn nằm trên cung đường con kênh chạy qua.

Bất chấp những lo lắng ấy, HKND vẫn thúc đẩy dự án. Công ty đã có kế hoạch xây dựng một trung tâm kho vận, nhằm chuẩn bị cho hoạt động xây dựng kênh đào, ở Rivas. Tháng 9 vừa qua, theo kế hoạch thì giai đoạn đầu của việc xây kênh đào sẽ diễn ra và công nhân sẽ đào xới khoảng 5 triệu tấn đất đá. Tuy nhiên, những trì hoãn trong hoạt động nghiên cứu môi trường đã khiến kế hoạch bị lùi lại.

Hiện chính quyền Nicaragua bày tỏ tin tưởng rằng dự án vẫn sẽ hoạt động bình thường. Ông Eden Pastora, một thành viên thuộc Ủy ban kênh đào lớn nối biển của Nicaragua tuyên bố công việc “có thể bị trì hoãn, một số kế hoạch có thể phải thay đổi, nhưng dự án sẽ tiếp tục diễn ra”.

Rất nhiều nghi ngờ

Về phần mình, HKND tuyên bố dự án vẫn đang trong giai đoạn “thử nghiệm”. Công ty nói rằng sẽ bắt đầu xây dựng một bến cảng ở Punta Gorda, để mang các loại máy móc hạng nặng tới phục vụ giai đoạn tiếp theo của dự án.

Bill Wild, lãnh đạo dự án kênh đào của HKND, tuyên bố hồi tháng trước rằng công việc đã chậm tiến độ gần một năm trời, mà nguyên nhân là do các chậm trễ trong hoạt động đánh giá tác động môi trường.

Hoạt động này do công ty Environmental Resources Management của Anh thực hiện, kết luận rằng kênh đào có thể mang tới nhiều “hậu quả không nhỏ” cho Nicaragua về mặt môi trường, đặc biệt là với Hồ Nicaragua. Báo cáo do công ty thực hiện cũng lưu ý việc con kênh sẽ chạy qua một khu vực địa hình dễ xảy ra động đất. Dù vậy công ty kết luận rằng nếu được triển khai tốt, kênh đào sẽ có tác động tích cực tới Nicaragua.

Alberto Aleman, một nhà nghiên cứu các vấn đề châu Á, đánh giá HKND đã để lại “rất nhiều câu hỏi về những tác động môi trường mà dự án xây kênh đào có thể gây ra”. Trò chuyện với hãng tin AFP, ông nói rằng công ty còn bộc lộ nhiều vấn đề khác: “Có thể thấy rõ rằng họ (HKND) không có đủ vốn, không thu hút đủ các khoản đầu tư và họ cũng không đưa ra được một nghiên cứu với khả năng phá tan các nghi ngờ nhằm vào mình”.

Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm