Ngày các bà mẹ được giải phóng khỏi cơn đau

31/10/2015 06:02 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây hơn một thế kỷ, các bác sĩ đã mang tới cho những người phụ nữ chuẩn bị lâm bồn phương thức giúp họ sinh con mà không phải trải qua cơn đau khủng khiếp. Món quà đó có tên Giấc ngủ mê.

Một nữ y tá người Đức dẫn Charlotte Carmody vào "căn phòng thân thương nhất mà người ta có thể tưởng tượng", với những bức tường quét vôi trắng và xanh dương, rèm cửa màu trắng.

Ca sinh nở như trong mơ

Cô chuẩn bị sinh một bé trai và vẻ đẹp đẽ của căn phòng  khiến cô choáng ngợp. Căn phòng này không hề giống các phòng sinh thông thường. Nó không có các thiết bị y tế bóng loáng hay bàn mổ, chỉ gồm toàn những đồ vật bình thường, tạo cảm giác gần gũi và thoải mái.

Đó là mùa Hè năm 1914 và Carmody đã đi từ vùng Brooklyn ở Mỹ tới Frauenklinik, Freiburg, Đức để thực hiện một điều giống như phép lạ: sinh con không đau đớn.

Khi ấy, các bác sĩ Đức đã cung cấp một dịch vụ được gọi là Dammerschlaf (Giấc ngủ mê), cái tên gọi đã đủ để khiến người ta mường tượng về một cuộc sinh nở vô cùng lý tưởng. Họ nói rằng người phụ nữ sẽ không bao giờ ghi nhớ cảm giác đau đớn của việc sinh nở. Phụ nữ cũng ít có nguy cơ bị thương hoặc thiệt mạng trong khi sinh.


Kỹ thuật Giấc ngủ mê đã vĩnh viễn thay đổi cách thức phụ nữ nhìn nhận hoạt động sinh nở

Những lời hứa hẹn đó khiến Carmody quyết định thử kỹ thuật mới. Khi đã ở trong căn phòng đẹp đẽ kia, cô nằm xuống giường để được tiêm hỗn hợp scopolamine pha với morphine vào cơ thể. Scopolamine là chất giảm đau có thể gây ảo giác, còn morphine có tác dụng an thần, giúp cô dễ đi vào trạng thái ngủ mơ màng.

Các bác sĩ nói rằng việc tiêm thuốc không khiến Carmody bất tỉnh. Dù mơ màng, cô vẫn cảm nhận được đứa trẻ và rặn theo yêu cầu. Tuy nhiên sau khi thuốc hết tác dụng, cô sẽ chẳng còn nhớ gì về nỗi đau mà mình đã chịu đựng.

Và đó đúng là những gì đã diễn ra. Sau khi sinh, cô tỉnh giấc trên giường bệnh và cảm thấy khỏe tới mức tưởng rằng mình đã chết. Cô đã không thể nhớ chuyện gì diễn ra trong khi sinh và các bác sĩ phải kể lại cho cô biết.

Tuy nhiên họ chẳng nói với Carmody về mặt trái của "giấc ngủ mê".

Thành trào lưu ở nước Mỹ

Theo đó, dù mơ màng, người phụ nữ vẫn nhận thức về sự xuất hiện của cơn đau khi sinh. Một số người sẽ trở nên bạo lực và quẫy đạp trên giường. Gương mặt họ ửng đỏ hoặc tái xanh khi họ liên tục gào thét.

Phản ứng của người phụ nữ mang bầu đôi khi nguy hiểm nên họ phải được buộc chặt vào giường bệnh và được quan sát cẩn thận để đảm bảo sự an toàn.

Dĩ nhiên là Carmody không hề biết những điều này. Cô chỉ nhớ rằng đó là ca sinh nở rất tuyệt vời, nhất là so với lần đầu tiên cô làm mẹ, vốn để lại trải nghiệm không dễ chịu. Cô thậm chí đã có thể đi ôtô chỉ vài ngày sau khi sinh.

Khi Thế chiến I nổ ra, cô nhanh chóng về Mỹ cùng chồng con và trở thành người cổ súy mạnh mẽ cho hoạt động sinh bằng kỹ thuật Giấc ngủ mê. Cô đi thuyết giảng trên khắp đất Mỹ, về việc kỹ thuật này tuyệt vời như thế nào.

Không khó để Carmody thu hút một lượng fan đông đảo. Tính tới năm 1914, gần như mọi người phụ nữ Mỹ đều có bạn bè hoặc thân nhân qua đời trong khi sinh con, theo như lời bác sĩ Carole McCann, một chuyên gia về giới và phụ nữ ở Đại học Maryland.

McCann nói rằng hoạt động nghỉ ngơi trước sinh được nhiều người phụ nữ thời ấy xem như bước đi đầu tiên tới bên tử thần. Trong khi đó, Giấc ngủ mê mang tới hy vọng. Phụ nữ không còn sợ sinh con nữa. Họ không phải chịu đựng nỗi đau và sẽ nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau sinh.

Carmody đã tham gia thành lập Hiệp hội Giấc ngủ mê ở Mỹ cùng những người phụ nữ nổi tiếng khác tại New York. Cô quyết tâm cổ súy cho một phương thức sinh con hiệu quả, không đau và an toàn.

Thực tế thì sinh không đau cũng là điều mà nhiều bác sĩ đã cố gắng tìm kiếm, nhằm giúp phụ nữ vượt cạn dễ dàng hơn, không bị các vết rách lúc sinh con, rất dễ nhiễm  trùng và gây biến chứng nguy hiểm vào thời điểm thuốc kháng sinh chưa xuất hiện.

Họ cũng nghĩ rằng điều đó sẽ khiến việc sinh nở nhẹ nhàng, thoải mái hơn và giúp người phụ nữ sớm trở lại chăm sóc gia đình hơn.

Tia hy vọng đầu tiên

Tuy nhiên nhiều bác sĩ sản khi ấy không chắc chắn Giấc ngủ mê là câu trả lời. Họ chỉ ra rằng sự kết hợp của morphine với scopolamine khiến cơn đau kéo dài hơn. Và khi cuộc sinh nở càng kéo dài, người phụ nữ càng dễ bị băng huyết. Đứa trẻ cũng dễ bị ngạt, buộc các bác sĩ phải dùng thiết bị hỗ trợ để đưa bé ra.

Bất chấp những lo ngại ấy, các bệnh viện Mỹ bắt đầu áp dụng kỹ thuật Giấc ngủ mê. Nhưng đến tháng 8/1915, bệnh viện Johns Hopkins lừng danh đã từ bỏ kỹ thuật này vì thấy nó quá nguy hiểm.

Về phần mình, Carmody vẫn tin tưởng vào Giấc ngủ mê và muốn có thêm một lần sinh nở không đau nữa vào tháng 8/1915. Kết cục là cô chết trong lúc lâm bồn, do băng huyết. Bất chấp việc các bác sĩ và chồng Carmody nói rằng sự cố không phải do Giấc ngủ mê gây ra, kỹ thuật này đã nhanh chóng bị loại bỏ sau đó.

Giấc ngủ mê bị xem là không an toàn. Nhưng nó đã thay đổi vĩnh viễn cách thức phụ nữ nhìn nhận hoạt động sinh nở, rằng đây chỉ là thiên chức tự nhiên và không cần can thiệp. Thay vì thế, phụ nữ muốn được sinh con ít đau đớn nhất có thể.

Giấc ngủ mê đã mang tới cho họ tia hy vọng đầu tiên. Nhiều thập kỷ sau, vào năm 1942, hoạt động gây tê ngoài màng cứng đã biến giấc mơ ấy thành hiện thực.  

Tường Linh (Theo Ozy News)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm