Mưa lũ làm 8 người thương vong và mất tích, nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương

17/10/2021 20:55 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tính đến 17 giờ, ngày 17/10, mưa lớn đã 3 người chết (Nghệ An 2, Hòa Bình 1) và 1 người mất tích tại tỉnh Quảng Trị, 4 người bị thương ở tỉnh Hòa Bình và Quảng Ngãi với nhiều thiệt hại lớn tại các địa phương.

Từ ngày 17-18/10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to

Từ ngày 17-18/10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng sớm 17/10, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu khắp phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng

Tại địa bàn huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), mặc dù lượng mưa không lớn nhưng kéo dài trong nhiều ngày, tích tụ nước trong đất phá vỡ kết cấu đã gây ra nguy cơ về sạt lở đất tại nhiều địa phương trong huyện. Đặc biệt, tại địa bàn xóm Tát, xã Tân Minh, vào khoảng 2 giờ sáng, ngày 17/10, đã xảy ra sạt lở đất, vùi lấp và sập hoàn toàn 1 nhà dân xây bán kiên cố, lợp mái tôn. Vụ sạt lở đã làm ông Lò Văn San (sinh năm 1952) tử vong tại chỗ. Bà Xa Thị Dừn (sinh năm 1955, vợ ông San) và chị Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1986, con dâu) bị gãy xương, hiện đang được cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Đà Bắc; cháu Lò Thị Lệ (14 tuổi, cháu nội ông San) bị thương nhẹ.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, mưa to làm sạt lở, ách tắc nhiều tuyến đường giao thông. Huyện miền núi Kỳ Sơn và Quế Phong đang có nhiều tuyến đường liên xã và đường nội xã bị sạt lở, đất đá từ trên núi sạt lở xuống đã gây ách tắc cục bộ. Nghiêm trọng nhất là các tuyến đường trên địa bàn các xã Chiều Lưu, Hữu Kiệm, Na Loi (huyện Kỳ Sơn) và xã Đồng Văn (huyện Quế Phong)… Quốc lộ 48D đoạn qua xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai bị đất đá sạt lở từ núi xuống gây khó khăn và nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại;  Quốc lộ 48 và Quốc lộ 7 có nhiều điểm bị sạt lở đất đá từ trên núi xuống, bị ách tắc cục bộ.

Chú thích ảnh
Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, do ảnh hưởng của mưa lớn và các hồ thủy điện điều tiết nước về hạ du, mực nước trên sông Hương và sông Bồ đang dâng nhanh, chảy xiết về hạ du khiến nhiều địa phương vùng trũng như huyện Phong Điền, Quảng Điền bị ngập lụt, giao thông bị chia cắt. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Bên cạnh đó, tại tỉnh Kom Tum, mưa lũ đã làm nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã trên địa bàn huyện Đăk Glei bị sạt lở, ngập nước, gây ách tắc giao thông như tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn Long Nang, thị trấn Đăk Glei và xã Đăk Man xuất hiện 4 điểm sạt lở nặng; Tỉnh lộ 673 xuất hiện 6 điểm sạt lở… Một số tuyến đường liên thôn cũng bị sạt lở, chia cắt, khiến các thôn Lê Vân, Tân Rát (xã Ngọc Linh) và thôn Làng Đung (xã Mường Hoong) bị cô lập; cầu treo qua thôn Đông Thượng (thị trấn Đăk Glei) bị đứt đường bê tông; cầu bê tông Đăk Ven và cầu treo Đăk Đoát (xã Đăk Pek) bị xói lở mố cầu, sụt lún, nứt móng cầu.

Huyện Đăk Glei ghi nhận 27 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó 2 hộ bị sập nhà bếp và 1 nhà kho bị cuốn trôi; hàng chục héc-ta đất sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn huyện cũng bị thiệt hại. Lũ về làm đổ trụ điện 01 TBA – 64 KH (thôn Đông Thượng, xã Đăk Pek) và đường dây 22kV tại thôn Măng Khênh, xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei bị mất điện; các đường dây tại xã Pờ Ê, Ngọc Tem và một phần xã Hiếu, huyện Kon Plông cũng bị ảnh hưởng làm mất điện. Ngành Điện lực Kon Tum đã huy động người và phương tiện khắc phục hệ thống lưới điện ở các xã bị thiệt hại, đảm bảo cho nhân dân có điện ổn định trong thời gian sớm nhất.

Chú thích ảnh
Bộ đội Biên phòng đồn Làng Ho đến các hộ bị ngập để di chuyển người dân đến nơi an toàn. Ảnh: TTXVN

Tỉnh Quảng Bình có mưa to khiến nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt. Tại ngầm Bùng (Km 562+200) Quốc lộ 15, nước ngập từ 1,2 - 1,6m; Quốc lộ 9B tắc đường tại các ngầm tràn ở vị trí Km 41+900, Km 43+700, mực nước ngập khoảng 30 - 40cm. Trên tuyến tỉnh lộ 559B nước ngập từ 0,3 - 0,6m và gây tắc đường từ Km 13+200 đến Km 14+600; đoạn Km 6+00 đến Km 6+500 nước ngập từ 0,5 - 2,3m do nước dâng từ đập thủy lợi Rào Nan.

Các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch cũng có nhiều vị trí bị ngập, chia cắt. Theo thống kê, toàn tỉnh có 39 điểm nguy cơ sạt lở cao tại 7 huyện, thị xã với tổng số 501 hộ/1.903 khẩu cần di dời để tránh sạt lở đất. Đến nay, 6.697/6.697 tàu thuyền trong toàn tỉnh đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương kêu gọi, di chuyển vào khu vực neo đậu an toàn.

Tại tỉnh Gia Lai, mưa lớn đã làm một số vị trí tại đoạn đường Lý Thái Tổ- Lê Đại Hành; khu vực quanh suối Hội Phú và các nhánh suối xung quanh nút giao Nguyễn Viết Xuân- Hùng Vương- Bà Triệu; hẻm 38 Nguyễn Thái Học… bị ngập cục bộ. Một số nhà dân tại đường Triệu Quang Phục, Tôn Thất Tùng bị sập tường nhà, tường rào… Rất may không có thiệt hại về người.

Chú thích ảnh
Mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở núi, đe dọa đến sự an toàn của một số nhà dân trên địa bàn huyện Nam Trà My. Ảnh: Phước Tuệ - TTXVN

Mưa lớn làm ngập cục bộ ở các địa phương trong tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) bị ngập cục bộ 0,15m, nhưng các phương tiện giao thông vẫn lưu thông bình thường. Tại thành phố Huế, một số các tuyến đường khu vực Nam sông Hương bị ngập úng cục bộ từ 0,2-0,3m; Quốc lộ 49B đoạn quan xã Hương Phong ngập cục bộ 0,2-0,3m. Tại huyện miền núi A Lưới, rạng sáng ngày 17/10, mưa lớn, gây xói lở làm sập cột điện trung thế 134 tại thôn Bà lạch, xã Lâm Đớt khiến mất điện tại Trạm biến áp Ngã ba Lâm Đớt - Đông Sơn; trên tuyến đường Hồ Chí Minh địa qua địa bàn huyện bị ngập úng cục bộ một số điểm. Tại huyện Phong Điền, nhiều tuyến đường liên thôn cũng bị ngập từ  20-30 cm.

Tại tỉnh Quảng Nam, đoạn ngầm sông Trường và Nước Oa trên Quốc lộ 40 B từ huyện Bắc Trà My đến huyện Nam Trà My bị ngập sâu. Tuyến đường ĐH.5 (đi về xã Trà Vân - xã Trà Vinh) bị sạt lở nặng, chưa lưu thông được tại điểm gần Ủy ban nhân dân xã Trà Vinh. Nước lớn làm khu vực suối Ông Đề trên tuyến đường xã Trà Đơn - xã Trà Leng không lưu thông được. Ngoài ra, một số tuyến đường tại các xã như Trà Cang, Trà Linh, Trà Mai... có một vài điểm sạt lở nhỏ, đất tràn xuống đường. 

Chú thích ảnh
Nhiều tuyến đường tại tỉnh Kon Tum bị ngập do mưa lớn kéo dài. Ảnh: TTXVN

Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, trên địa bàn huyện vừa xảy ra trận lốc xoáy kèm theo mưa lớn đã làm 75 ngôi nhà của 5 xã bị tốc mái từ 25- 100% (nhà chính và nhà dưới). Cụ thể, xã Bình Thạnh 33 nhà; xã Bình Chánh 12 nhà; xã Bình Đông 7 nhà; xã Bình Nguyên 21 nhà và xã Bình Khương 6 nhà. Lốc xoáy khiến 1 người bị thương; gây hư hại nhiều mái hiên, bảng hiệu hàng quán của người dân.

Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lớn nhiều ngầm, tràn ở huyện Đakrông bị ngập cục bộ và chia cắt. Cụ thể là các ngầm, tràn ở huyện Đakrông như: Tà Rụt- A Vao đường vào xã A Vao; Ba Lòng, xã Ba Lòng; Đá Đỏ, xã Ba Nang; Khe Nghi, xã Hướng Hiệp. Đặc biệt các ngầm, tràn: Làng Cát, Chân Rò, Tà Lềnh, xã Đakrông; tràn Đakrông ở thôn A Rồng, xã A Ngo ngập sâu từ 0,5- 2m gây chia cắt đường vào trung tâm các xã: Ba Nang, A Vao, Ba Lòng và các thôn: Ly Tôn xã Tà Long, Gia Giã xã Hướng Hiệp, Làng Cát và Chân Rò xã Đakrông, khu tái định cư Húc Nghì xã Húc Nghì...

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các đại phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng và phương tiện xuống địa bàn để động viên, thăm hỏi những gia đình có người bị chết, bị thương và mất tích, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ

Để tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1337/CĐ-TTg ngày 12/10; chỉ đạo của Văn phòng Thường trực tại Công văn số 471/VPTT ngày 14/10, trong đó tập trung theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa, lũ; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng kiểm soát, cắm biển cảnh báo, hướng dẫn tại các ngầm, tràn, đường giao thông khu vực ngập sâu, chia cắt.

Các địa phương triển khai công tác bảo vệ đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp; khu vực trũng thấp, đô thị và khu công nghiệp; duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu; tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm