Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019: Đề Ngữ văn đầy đủ các mức độ nhận thức, tính phân loại học sinh cao

25/06/2019 14:38 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 25/6, sau 120 phút dự thi môn đầu tiên - Ngữ văn Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2019, hầu hết các thí sinh đều có tâm trạng khá hồ hởi, tự tin. Nhiều em hài lòng với phần làm bài của mình và cho rằng, đề Ngữ văn năm nay không quá khó, không có yếu tố bất ngờ.

Đề thi và đáp án môn Văn THPT Quốc gia 2019

Đề thi và đáp án môn Văn THPT Quốc gia 2019

Đề thi Văn THPT Quốc gia 2019 và đáp án Văn THPT Quốc gia 2019.

Đề thi Ngữ văn vừa sức, dễ lấy điểm

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, các thí sinh ra khỏi khu vực thi với tâm trạng khá thoải mái vì đã hoàn thành tốt môn thi đầu tiên; nhiều thí sinh hoàn thành bài thi trước thời gian. Nhiều sĩ tử nhận định đề thi Ngữ văn năm nay “dễ thở”, vừa sức và dễ lấy điểm.

Thí sinh Lê Nguyễn Đức Duy, Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Ba Đình, Hà Nội cho rằng, đề Ngữ văn năm nay vừa sức, không quá dài, thí sinh có đủ thời gian để làm bài, thậm chí còn thừa một chút để thí sinh xem lại. Đối với Đức Duy, phần 1 của đề khó đạt được điểm tối đa vì mức độ khó. Đề không gây bất ngờ. Các nội dung đều nằm trong chương trình đã được giáo viên dạy trên trường. Tuy nhiên, trong phần nghị luận 7 điểm yêu cầu thí sinh trình bày cảm nhận về hình tượng sông Hương trong đoạn trích "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường, đòi hỏi thí sinh phải hiểu sâu sắc văn bản cũng như phải có tư duy bằng kiến thức xã hội.

Thí sinh Nguyễn Quỳnh Anh, Trường Trung học Phổ thông Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, Hà Nội lại cảm thấy rất hứng thú với đề Ngữ văn. Em cho rằng phần đọc hiểu khó, phần Làm văn "dễ ngoài sức tưởng tượng". Câu nghị luận yêu cầu kiến thức xã hội và liên hệ bản thân đã khiến Quỳnh Anh cảm thấy thú vị.

Chú thích ảnh
Thí sinh trao đổi sau khi hoàn thành môn thi Ngữ Văn. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN 

"Trước đây, ở những đề Ngữ văn em thường ôn luyện, thường có phần so sánh trong bài thứ hai, nhưng ở đề Ngữ văn năm nay chỉ yêu cầu thí sinh phân tích về hình tượng và sau đó nhận xét về tác giả. So với các năm trước, năm nay khá vừa sức với học sinh hơn. Để làm tốt câu nghị luận, em nghĩ học sinh không chỉ cần học tốt kiến thức trong sách vở mà phải chịu khó đọc tin tức, thông tin bên ngoài. Hướng ra đề mở như thế này rất cần được phát huy vì sẽ giúp học sinh tránh việc học mò, đoán mò trọng tâm đề, cũng như làm các học sinh trong kỳ thi các năm sau cần phải thay đổi cách học, cách thu thập kiến thức xã hội để làm bài tốt hơn" - Quỳnh Anh nhận xét.

Nhiều thí sinh tỏ ra thích thú với phần nghị luận xã hội, bởi sự sáng tạo và có những vận dụng thực tế sinh động. Phần nghị luận văn học được các thí sinh đánh giá khó hơn. Thí sinh Trịnh Thị Vân, lớp 12 Tin, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) cho biết: Đề thi có cấu trúc tương đối sát với đề thi thử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh ban A có thể làm được từ 6-7 điểm, đủ để xét tốt nghiệp. Phần câu hỏi về nghị luận xã hội bàn về sức mạnh của ý chí khá sát với thực tế, trong quá trình làm bài, em có thể lấy được những minh chứng sinh động từ thực tế… Vân cảm thấy hài lòng và thoải mái sau khi hoàn thành xong môn thi đầu tiên.

Thí sinh Mai Anh, lớp 12 chuyên Văn, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) khẳng định đã làm bài thi tốt và thấy rất nhẹ nhõm sau buổi thi đầu tiên này. Đề thi Ngữ Văn năm nay không quá khó, không đánh đố học sinh và có tính phân hóa rõ. Về phần đọc hiểu khá hay, các câu hỏi thể hiện được các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng đều được thực hiện tốt, linh hoạt. Câu nghị luận xã hội có tính định hướng, đi vào cụ thể, học sinh có thể làm bài không chỉ bằng kiến thức ở nhà trường, còn bằng những suy nghĩ, trải nghiệm của cá nhân.

Em Đào Thị Ngọc Diệp, học sinh Trường Trung học Phổ thông Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) rất hào hứng với đề thi lần này. Theo Diệp, trích đoạn thơ trong bài "Trước biển" không nằm trong chương trình học nên lúc đầu đọc đề em hơi lo lắng. Nhưng đến khi làm bài, em vận dụng vốn sống và các kiến thức đã học để làm lần lượt từng câu, đề thi rất thú vị. Theo Đào Thị Ngọc Diệp, câu 2 của phần II Làm văn tương đối dễ, do trong quá trình học thầy cô đã giảng dạy kỹ lưỡng. Tuy nhiên, một vài học sinh còn cảm thấy khá lúng túng khi phải nói về hình tượng dòng sông và cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đoạn trích của đề thi.

Điểm hay của đề thi năm nay được nhiều thí sinh công nhận đó là nói về sức mạnh ý chí và khát vọng của con người. Thí sinh Phạm Thị Xuân Hằng, lớp 12A6 Trường Trung học Phổ thông Quốc học Quy Nhơn, Bình Định chia sẻ: Đề thi mở, nói về ý chí của con người nên em nghĩ mỗi bạn trong phòng thi đều có một ý chí để thi đạt kết quả cao, phù hợp với tâm lý các thí sinh. Em làm hoàn thành tốt bài thi, hi vọng các môn sau cũng làm tốt như vậy.

Tạo thuận lợi trong mở rộng ý tưởng cho thí sinh

Theo đánh giá của giáo viên Phạm Thị Thu Phương, Trung tâm tuyensinh 247.com, nhìn chung, đề thi Ngữ văn của Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019 hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Vì vậy, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức và thuần thục các kĩ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.

Cô giáo Lê Thị Thoa, giáo viên môn Văn, Trường Trung học Phổ thông Triệu Sơn 4 (Thanh Hóa) nhận xét: Với đề thi năm nay, những học sinh có lực học trung bình, có thể giải quyết được đề bài ở mức độ 50- 60%. Với học sinh giỏi, có năng lực, biết suy tư, trăn trở, có thể phát huy được sở trường của mình khi cảm nhận được nội dung sâu xa của đề.

Theo các thầy cô giáo dạy môn Ngữ Văn tại điểm thi Trường Trung học Cơ sở Tô Hiệu, quận Lê Chân (Hải Phòng), đề thi năm nay vẫn đảm bảo cấu trúc đọc hiểu và tự luận. Riêng phần đọc hiểu mang tính chất nghệ thuật hơn, từ một tư tưởng nghệ thuật các em nêu lên quan điểm sống. Phần tự luận là sự nối tiếp của phần đọc hiểu nên các em thuận lợi trong mở rộng ý tưởng về theo đuổi khát vọng của con người.

Tại Bình Định, Ông Phan Thanh Liêm, Phó Trưởng phòng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: Toàn bộ 43 điểm thi tại Bình Định đều được đảm bảo an ninh. Kết thúc buổi thi đầu tiên toàn tỉnh vắng 39 thí sinh, không có thí sinh nào bị kỷ luật. Tại điểm thi Trường Trung học Phổ thông Hùng Vương, thành phố Quy Nhơn, khi thời gian làm bài thi môn Ngữ văn còn khoảng 10 phút, có một thí sinh bị đau bụng dữ dội phải đưa đi cấp cứu.

Chiều 25/6, các thí sinh trên toàn quốc sẽ làm bài thi môn Toán, trong thời gian 90 phút.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm