Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9: Bác bỏ thông tin Sabeco thuộc sở hữu của nhà đầu tư Trung Quốc

02/10/2019 22:27 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trước câu hỏi về việc có hay không chuyện Tổng công ty Sabeco bán cổ phần cho doanh nghiệp Trung Quốc được phóng viên nêu ra trong buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2019 diễn ra chiều tối ngày 2/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã bác bỏ thông tin này.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8: Vùng nguy cơ có bán kính 500m từ hàng rào nhà máy Rạng Đông

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8: Vùng nguy cơ có bán kính 500m từ hàng rào nhà máy Rạng Đông

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều 4/9, liên quan tới vụ cháy tại Công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã thông tin về phạm vi vùng có nguy cơ ảnh hưởng do sự cố cháy nhà máy, cũng như việc kiến nghị tẩy độc cho khu vực này.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, về phía Bộ Công Thương rất tạo điều kiện cho nhà đầu tư nếu họ quan tâm đến việc trở thành cổ đông của doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa và tham gia hoạt động đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Riêng với tin đồn Sabeco thuộc sở hữu của nhà đầu tư Trung Quốc thì ông Hải khẳng định là sai sự thật.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, sở hữu vốn của Sabeco hiện thuộc về 2 cổ đông lớn gồm: cổ đông lớn nhất là Tập đoàn của Thái Lan (chiếm hơn 53%) và cổ đông thứ 2 là Bộ Công Thương đại diện Nhà nước giữ 36% vốn. Bởi vậy, không có chuyện doanh nghiệp Sabeco đã được bán cho nhà đầu tư Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Họp báo thường kỳ Chính phủ do Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Cùng đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định, Bộ Công Thương luôn bảo vệ doanh nghiệp và hỗ trợ các đơn vị trong sản xuất kinh doanh để đem lại lợi ích cho các cổ đông; trong đó có cổ đông lớn là Nhà nước.

Ngay như việc Bộ Công Thương vẫn nắm giữ tới 36% vốn nhà nước tại doanh nghiệp này là để đảm bảo quyền phủ quyết đối với hoạt động sản xuất kinh doanh nếu chủ trương của cổ đông lớn nhất không phù hợp.

Hiện Nhà nước đầu tư vốn tại nhiều Tập đoàn, Tổng công ty. Việc các thông tin sai sự thật cần được xử lý bởi nó sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, cổ đông, nhất là doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa - ông Hải nhận xét.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, khi các doanh nghiệp rơi vào tình trạng tin đồn sai sự thật cần xác minh, thu thập thông tin và gửi đến cơ quan chức năng để phối hợp xử lý, thậm chí có hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật.

Thu Hằng - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm