Hội chứng tập thể Lucha Libre

26/11/2014 14:49 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Gọi là đấu võ tự do thì quả là oan cho cho khái niệm võ thuật vốn hàm chứa tính cao thượng, vì ở đây là trò diễn đấm, đá, vật, bóp cổ, móc mắt. Nhưng cũng khó có thể chê bai môn thể thao khả dĩ chinh phục cả 120 triệu hậu duệ của tộc người Aztec hiển hách. Đơn giản là tận mục sở thị chứ không thể dịch khái niệm Lucha Libre.

“Rồng đỏ” hoặc “Quỷ xanh”

… là những cái tên được các đấu sĩ ưa chọn, nhưng điểm nhấn quan trọng là họ luôn thượng đài trong trang phục như trong phim hoạt hình trẻ con, đeo mặt nạ gớm ghiếc, vậy mà trong bộ dạng khá ngớ ngẩn đó họ lôi kéo khán giả lấp đầy những nhà thi đấu hoàng tráng nhất.

Được Salvador Lutteroth học mót từ Texas đem về Mexico đầu thập niên 1930, nay Lucha Libre đã trở thành ngày hội chung của người Mexico. Ngôi sao sáng nhất của môn thể thao này đã trở thành diễn viên điện ảnh nổi tiếng được tôn vinh như anh hùng dân tộc. Mà lạ thay, khuôn mặt thật của ông ta có lẽ không mấy ai được thấy.


Tái xuất khẩu: Lucha Libre ngày nay rất được ưa chuộng ở Mỹ (một trận đấu ở Mayan Theater, Los Angeles)

Cơ đốc giáo vốn là tín ngưỡng phổ biến nhất ở quốc gia Trung Mỹ này, đi đâu cũng thấy tượng và ảnh Chúa. Vậy mà chính giữa ngã tư náo nhiệt nhất trong đô thị Mexico City khổng lồ, du khách ngã ngửa khi nhận ra tượng đài một người đàn ông lực lưỡng, ánh mắt hiền từ, tay giơ lên chào, cơ thể cuồn cuộn cơ bắp. Đó là một trong vô số tượng của Rodolfo Guzman Huerta trên đất Mexico, một người tuy chẳng lộ mặt mà ai cũng thuộc tên: El Santo. Trong tiếng Tây Ban Nha, El Santo là “Thánh”, và El Santo của chúng ta là một vị thánh khá kỳ lạ: El Santo không đem thông điệp của Chúa đến với những người sùng đạo, mà gây sợ hãi với những người đối mặt với ông trên võ đài. Thay vì dang tay che chở người nghèo hay bị bệnh, ông có ngón độc là kẹp cổ địch thủ vào giữa cặp đùi thép của mình để chấm dứt mọi cuộc đọ cơ bắp.

Để hiểu được vì sao Huerta trở thành anh hùng dân tộc được ca ngợi trong vô số bài hát, sách và phim, để lý giải lý do mười nghìn dân rồng rắn đi theo quan tài của ông hồi năm 1984 - người ta phải bỏ công tìm hiểu vị thế văn hóa của môn Lucha Libre ở đất nước Mexiko này.


Một trợ lý chỉnh lại mặt nạ bị xô lệch trong giờ nghỉ. Trong giới Lucha Libre, mất mặt nạ coi như mất mặt

Thủ đô Mexico City

... chứa 15 nhà thi đấu lớn nhỏ, nơi thường xuyên diễn ra các trận đọ tài Lucha Libre. Tuy nhiên không nên gọi đó là thi đấu đơn thuần, mà đây là một chuỗi vũ đạo mãn nhãn được tập dượt chính xác từng giây như một màn ballet cổ điển. Dù vậy (hay chính vì thế?) mà mỗi trận đấu đều được truyền hình trực tiếp đến từng phòng khách. Lucha Libre dường như là một dạng thể thao nguyên thủy của dân tộc thượng võ này, nhưng thực tế nó là… hàng Mỹ, được một người Mexico có đầu óc kinh doanh học mót đem về.

Năm 1929, trong thời gian lưu trú ở El Paso (Texas), doanh nhân Salvador Lutteroth lần đầu xem đấu Wrestling. Cái môn hổ lốn này pha trộn cơ bắp với diễn kịch, không nhằm chọn người chiến thắng mà chỉ để mua vui khán giả. Ở thời điểm ấy hầu như không ai ở Mexico biết đến Wrestling. Lutteroth cực phấn khích bởi tốc độ ra đòn, các động tác hấp dẫn và đặc biệt là khí phách của các đấu sĩ diễn viên. Cứ rảnh rỗi là Lutteroth lại có mặt bên võ đài, để rồi một ngày đẹp trời trong đầu ông hiện ra câu hỏi: liệu có thể nhập khẩu ý tưởng kinh doanh sáng láng đó về quê không?

Năm 1933 Lutteroth lập ra Công ty Empresa Mexicana De Lucha Libre để quảng bá ý tưởng, nhưng không thành công khi rủ rê các nhà thi đấu cho ông thuê nơi tổ chức. Ông đành bắt đầu sự nghiệp tại một nhà đa năng đang đợi ngày phá bỏ để lấy đất xây dựng. Vận may mỉm cười với Lutteroth ngay trong năm đầu: mỗi trận Lucha Libre ở Nhà đa năng Arena Modelo thu hút đến 5.000 người xem. Chưa hết, ông còn ngẫu nhiên trúng xổ số độc đắc 40.000 peso, một số tiền không nhỏ hồi năm 1934, đủ để xây một nhà thi đấu lớn hơn. Đồng thời trong ông cũng chín dần âm mưu đưa Lucha Libre vượt tầm Wrestling theo khuôn mẫu Mỹ bằng cách cho nó một khuôn mặt mới - khuôn mặt theo đúng nghĩa đen: từ nay trở đi, các đấu sĩ đeo mặt nạ và mang những tên gọi độc đáo. Mỗi cuộc thượng đài từ đây sẽ được nâng lên thành cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa ma quỷ và thánh thần.


Mục sư Gutierrez Benitez là đấu sĩ Lucha Libre 23 năm và dùng tiền thưởng xây cô nhi viện. Ông đeo mặt nạ cả khi giảng đạo!

Rodolfo Guzman Huerta

... ngày ấy vừa mừng sinh nhật thứ 16. Năm 1934 lần đầu tiên Huerta tham dự Lucha Libre ở Nhà thi đấu Arena Peralvillo Cozumel và để lại ấn tượng tích cực. Theo đúng luật chơi, Huerta chọn vài cái tên dễ nhớ như El Demonio Negro (Quỷ đen) hay El Hombre Rojo (Ông đỏ), thay tên xoành xoạch sau mỗi lần thất bại.

Rốt cuộc, ở tuổi 24 Huerta lọt vào mắt xanh của ông bầu Don Jesus Lomelí. Giữa các tên El Angel (Thiên thần), El Diablo (Quỷ)… Huerta chọn El Santo và thượng đài lần đầu với tên này hôm 26/7/1942, và từ đó trở đi chiếc mặt nạ màu bạc sẽ đi theo Huerta ngay cả khi ra phố. Mẹo marketing: Don Jesus Lomelí và Salvador Lutteroth quyết định giấu kín nhân thân của Huerta để biến ông thành một huyền thoại sống.

Trong một thời gian ngắn, El Santo làm lu mờ tên tuổi các người hùng khác như Mil Mascaras (1.000 Mặt nạ), Blue Demon (Quỷ xanh) hay Dragon Rojo (Rồng đỏ). Với mỗi trận đấu, El Santo càng tiến gần tới biểu tượng của cái thiện ở trong và ngoài biên giới Mexico nhờ kỹ nghệ truyền hình đang phát triển. Năm 1952 họa sĩ hoạt hình Jose G.Cruz đã sáng tác loạt truyện El Santo được chào đón nồng nhiệt và sống dai tới 35 năm.

Năm 1961 El Santo còn nhờ nghệ thuật thứ 7 mà trở thành cứu tinh của dân tộc Mexico: một nhà khoa học độc ác đã tạo ra vô số hồn ma, chuyên đi bắt cóc trẻ mồ côi làm thí nghiệm, và dĩ nhiên El Santo chiến thắng huy hoàng!

Tháng 2/1984 “vị thánh” về hưu trả lời phỏng vấn trên màn ảnh nhỏ và, trái với mọi kịch bản, đột nhiên giật mặt nạ xuống - lời từ biệt các fan cuồng nhiệt, vô tình cũng là lời vĩnh biệt: một tuần sau, Rodolfo Huerta chết vì vỡ tim.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm