Hoàn thiện chính sách, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

22/12/2017 12:12 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 21/12, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Văn Tài cho biết, trong bối cảnh năm 2017 với nhiều áp lực giải quyết các vấn đề về môi trường, Tổng cục đã thực hiện được nhiều vấn đề trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là những vấn đề bức xúc, vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Tuy vậy, để tạo bước đột phá trong phòng ngừa và xử lý các sự cố gây ô nhiễm môi trường, trong năm 2018 cần phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Kiện toàn văn bản pháp luật gắn với công tác thanh tra

Năm 2017, Tổng cục Môi trường được giao chủ trì xây dựng 14 văn bản, đến nay đã ban hành 4 văn bản, 6 văn bản đã trình cấp có thẩm quyền ban hành, 4 văn bản đang triển khai xây dựng. Đồng thời đã tập trung triển khai các hoạt động xây dựng Đề án Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường và các luật khác có liên quan đến bảo vệ môi trường; rà soát toàn bộ hệ thống 44 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; tổ chức rà soát, đánh giá bước đầu việc triển khai thực hiện Luật Đa dạng sinh học năm 2008.

Thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với 439 cơ sở trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến nay có 107 kết luận thanh tra, 104 quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành với số tiền xử phạt là trên 17 tỷ đồng. Tổng cục đã triển khai 3 cuộc kiểm tra đột xuất đối với 5 cơ sở, ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 2 tỷ đồng. Công tác xử lý đơn thư, kiến nghị về môi trường cũng được quan tâm với 22 đơn thư, kiến nghị được tiếp nhận xử lý theo đúng trình tự pháp luật quy định.

Chú thích ảnh
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản. Ảnh: Internet

Tổng cục cũng đã phê duyệt 5 báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, 290 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 23 đề án bảo vệ môi trường chi tiết; cấp mới, cấp điều chỉnh 23 giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại, 8 giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm, 66 giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, 3 quyết định chỉ định tổ chức đủ điều kiện giám định phế liệu, 81 giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, 11 văn bản chấp thuận điều chỉnh về quy mô, quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, danh mục ngành nghề trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Đặc biệt, Tổng cục xây dựng Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư, đảm bảo không thu hút công nghệ sản xuất lạc hậu vào Việt Nam. Hướng dẫn thực hiện quy trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đến nay đã có 209 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg cơ bản hoàn thành biện pháp xử lý triệt để, đạt tỷ lệ 44%.

Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ môi trường các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, nên tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đã được nâng lên 78%, các khu công nghiệp có thiết bị quan trắc nước thải tự động lên 41%, các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung lên 9%, tăng 3%-12% so với năm 2016. Tổng cục xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về môi trường làng nghề trong cả nước để kịp thời theo dõi, tổng hợp các thông tin có liên quan; tích cực triển khai 3 Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, hệ thống sông Đồng Nai.

Ngoài ra, Tổng cục đã tập trung chỉ đạo, phối hợp để tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra, xử lý được hơn 20 vụ việc, điểm nóng về môi trường; thành lập và duy trì thường xuyên Tổ giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của Dự án Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam, thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình khắc phục các lỗi vi phạm của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, khắc phục, bồi thường thiệt hại ở các tỉnh ven biển miền Trung.

Tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh với việc thiết lập đường dây nóng, Tổng cục Môi trường đã tiếp nhận được 206 thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân về ô nhiễm môi trường, trong đó có 50 vụ việc đã được xử lý, còn lại 156 vụ việc hiện đang được các địa phương xử lý.

Công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tiếp tục được chú trọng với việc trình Bộ ban hành Kế hoạch hành động năm 2017 về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020; hoàn thiện hồ sơ đề cử khu Di sản ASEAN cho Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà; trao bằng công nhận khu di sản ASEAN cho Vườn quốc gia Bái Tử Long.

Về công tác quan trắc, Tổng cục đã tích cực triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia; tiếp tục duy trì 12 chương trình quan trắc môi trường; xây dựng dự án "Xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường 4 tỉnh miền Trung", đã hoàn thiện báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016.

Kiểm soát đặc biệt các dự án, cơ sở nguy cơ gây ô nhiễm

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2017 của Tổng cục Môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, năm 2018 Tổng cục Môi trường cần tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, trong đó có quy chuẩn, định mức kỹ thuật Việt Nam, khắc phục tình trạng chồng chéo; kiện toàn công tác tổ chức theo tinh thần tinh giản, nâng cao chất lượng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng cho biết, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, năm 2018 Tổng cục tập trung hoàn thiện các đề án, đề xuất về luật liên quan đến bảo vệ môi trường; kiểm soát đặc biệt đối với các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Việc quan trọng được xác định là kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc Tổng cục theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức mới; tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý môi trường.

Các công tác chuyên môn như triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020;  một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các Chương trình, Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đề án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được ban hành. Tổng cục Môi trường sẽ ban hành Quy chế tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng.

Mặt khác, Tổng cục tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm soát ô nhiễm, tập trung vào các khu công nghiệp đang hoạt động nhưng chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước; triển khai các hoạt động khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng và suy thoái nặng; chủ động phối hợp xây dựng đề án về cơ chế đột phá huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa bảo vệ môi trường.

Với lượng văn bản lớn, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm, Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường cho rằng cần đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp cho địa phương xử lý, ứng dụng tin học để đảm bảo chế độ báo cáo đúng tiến độ trong công tác thẩm định thủ tục hành chính.

Tổng cục Môi trường kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường, tạo cơ chế chính sách và đầu tư cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường; xem xét, giải quyết chế độ chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức được biệt phái đến công tác tại Cục Bảo vệ môi trường ở các khu vực. Có cơ chế tài chính đặc thù để giải quyết các sự vụ, sự cố môi trường phát sinh đang diễn ra thường xuyên hơn.

Tham vấn chuyên gia Nhật các giải pháp quản lý môi trường nước lưu vực sông

Tham vấn chuyên gia Nhật các giải pháp quản lý môi trường nước lưu vực sông

Ngày 22/12, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tổ chức Hội thảo tham vấn các văn bản pháp luật phục vụ công tác quản lý môi trường nước lưu vực sông.

Minh Nguyệt  

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm