Hoàn thành dự án Cát Linh - Hà Đông trước 31/3/2021

07/01/2021 19:43 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Ban Quản lý dự án Đường sắt diễn ra ngày 7/1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã dành nhiều thời gian chỉ đạo việc triển khai Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông thấp nhất là 8.000 đồng/lượt

Giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông thấp nhất là 8.000 đồng/lượt

Giá vé đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được HĐND TP Hà Nội phê duyệt. Giá vé được chia thành nhiều loại khác nhau, tùy nhóm khách hàng và loại hình vé.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án đã hoàn thành vận hành thử toàn hệ thống trong tháng 12/2020 với hơn 70.000 km và hàng nghìn lượt tàu chạy, được xã hội, người dân ghi nhận và kỳ vọng dự án sớm hoàn thành để bàn giao cho Hà Nội đưa vào khai thác, vận hành thương mại. Thành phố Hà Nội đã sẵn sàng tiếp nhận dự án này, Ban Quản lý dự án đường sắt cần hết sức tập trung, ưu tiên đặc biệt cho việc hoàn thành dự án.

“Thời gian qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tiến độ dự án, nhưng đến nay đã hoàn thành vận hành thử nên không thể tiếp tục kéo dài. Chủ trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án đã rõ ràng. Ban Quản lý dự án đường sắt có trách nhiệm trực tiếp đối với dự án, vì vậy, cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tập trung cao độ, ưu tiên đặc biệt, huy động tất cả nhân lực để sớm hoàn thành dự án để bàn giao cho Hà Nội”, Bộ trưởng yêu cầu, đồng thời nhắc nhở các cán bộ, kỹ sư tham gia quản lý, điều hành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tuân thủ các quy định của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đường sắt đô thị Cát Linh Hà Đông, Cát Linh Hà Đông, Giá vé Cát Linh Hà Đông, giá vé Đường sắt đô thị Cát Linh Hà Đông, dự án Cát Linh Hà Đông
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 12 nhà ga trên cao. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Trước đó, báo cáo về tình hình triển khai Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Nguyễn Khánh Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, dự án đã hoàn thành việc vận hành thử toàn tuyến. Hiện đơn vị đang tích cực làm việc cùng Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, tổng thầu, tư vấn đánh giá độc lập về an toàn, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị tiếp nhận dự án) và các đơn vị liên quan để chuẩn bị công tác nghiệm thu, hoàn thiện thủ tục để bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội khai thác, sử dụng.

“Từ đầu năm đến tháng 6/2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tổng thầu, tư vấn giám sát và tư vấn đánh giá an toàn hệ thống không thể đưa nhân sự sang Việt Nam để thực hiện các công việc còn lại của dự án. Đồng thời, do vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng trọn gói và thực hiện kết luận của Kiếm toán Nhà nước chưa được tháo gỡ dẫn đến tiến độ thực hiện dự án kéo dài. Theo văn bản chấp thuận của Thủ tướng và quyết định điều chỉnh tiến độ của Bộ Giao thông Vận tải ban hành tháng 12/2020, dự án được điều chỉnh tiến độ thực hiện đến 31/3/2021”, ông Nguyễn Khánh Tùng thông tin.

Đánh giá chung về kết quả năm 2020 của Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, năm qua đơn vị có một số điểm sáng so với các đơn vị trong lĩnh vực quản lý dự án. Đó là triển khai quyết liệt, đạt tiến độ tích cực các dự án đường sắt quan trọng, cấp bách; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt và hoàn thành giải ngân đạt 100% kế hoạch (2.891 tỷ đồng); ổn định việc làm, thu nhập cho cán bộ, viên chức.

“Năm 2020, Ban Quản lý dự án đường sắt đạt kết quả tốt nhất trong cả nhiệm kỳ vừa qua, bộ máy tổ chức cũng vận hành tốt nhất trong giai đoạn vừa qua. Bộ Giao thông Vận tải ghi nhận sự đóng góp quan trọng của tập thể lãnh đạo và cán bộ, viên chức của Ban đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2020”, Bộ trưởng Thể cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Ban Quản lý dự án  đường sắt có vai trò, vị trí đặc biệt hơn so với các đơn vị quản lý dự án khác trong ngành giao thông vận tải, với đặc thù chuyên quản lý, điều hành dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường sắt. Hầu hết dự án được giao triển khai hoặc chuẩn bị đầu tư đều có tính chất đặc biệt quan trọng (dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, Yên Viên - Ngọc Hồi, đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, các dự án đường sắt quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn 7.000 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam....) nên áp lực đối với Ban rất lớn, trách nhiệm nặng nề. Do đó, Ban Quản lý dự án đường sắt cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, những mặt tích cực đã được, vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt các dự án, các nhiệm vụ được giao.

Ông Vũ Hồng Phương, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, ngay từ đầu năm 2021, Ban Quản lý dự án đường sắt tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết và nghiêm túc triển khai ngay các nhiệm vụ được Bộ trưởng giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Quang Toàn - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm