Hà Nội thanh bình trong ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ

01/04/2020 15:56 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 1/4, ngày đầu tiên thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức và người dân Hà Nội nghiêm túc thực hiện, đường phố Hà Nội trở nên rộng rãi, phong quang hơn so với những ngày trước đó.

Hình ảnh Hà Nội ngày đầu thực hiện cách ly toàn xã hội

Hình ảnh Hà Nội ngày đầu thực hiện cách ly toàn xã hội

Sáng 1/4/2020, thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cách ly toàn xã hội, tại Hà Nội, đường phố vắng vẻ rất nhiều so với ngày thường.

Ghi nhận của phóng viên TTXVN, tại nhiều khu vực trên toàn thành phố Hà Nội các hoạt động thường ngày của người dân đã giảm thiểu đáng kể, hầu hết mọi người đều ở nhà theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo an toàn sức khỏe, phòng tránh dịch bệnh lây lan trong thời gian này.

Các chợ dân sinh, các cửa hàng  cung ứng những mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt thường ngày của người dân, sáng 1/4, nhịp độ mua bán cũng giảm nhiều. Bởi thực tế, khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, người dân đã chủ động mua sắm để đảm bảo sử dụng trong nhiều ngày, tránh việc đi lại, tiếp xúc xã hội. Nhiều tiểu thương tại một số chợ dân sinh như chợ Xuân La (quận Tây Hồ), chợ Mùng 8/3, chợ phố Bùi Ngọc Dương (quận Hai Bà Trưng)… đã chủ động nghỉ ở nhà. Tuy nhiên, đây là những chợ có quy mô nhỏ, còn những chợ hạng I và siêu thị vẫn đảm bảo việc cung ứng hàng hóa cho người dân.

Chị Hoàng Thị Thắng, một tiểu thương tại chợ dân sinh đường 800A, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, cho biết lượng người mua giảm tới 60% so với những ngày trước. Dù vậy, thực phẩm là mặt hàng thiết yếu, nhu cầu người dân vẫn cần trong những ngày nghỉ chống dịch nên chị vẫn duy trì bán hàng ngày.

Chú thích ảnh
Tuyến phố Trần Duy Hưng vào giờ cao điểm mà rất vắng vẻ. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Đáng chú ý, tại khu vực chợ thuốc Hapulico, 85 Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân), mặc dù là mặt hàng thiết yếu được phép tiếp tục kinh doanh nhưng sáng 1/4, số lượng xe ô tô các tỉnh tập kết đến mua thuốc cũng giảm đáng kể, không còn đông đúc như những ngày trước đây. Đơn vị quản lý Khu Hapulico cho biết, lượng xe đến mua giảm đến 70%, đơn vị yêu cầu chỉ cho xe ở các tỉnh vào vận chuyển hàng đi, chứ không cho khách vãng lai vào trong khu nếu không có lý do chính đáng, ai không đeo khẩu trang, hút thuốc cũng được lực lượng bảo vệ mời ra ngoài...

Tại các đường phố Hà Nội, lưu lượng người đi lại giảm đáng kể. Ngay cả những tuyến phố trung tâm Hà Nội vốn thường xuyên xảy ra tình trạng tắc đường, kẹt xe như: Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Trường Chinh… sáng 1/4 cũng thưa thớt người qua lại. Thậm chí, nhiều điểm dừng đèn đỏ trên các tuyến phố Hà Nội không có một phương tiện dừng đỗ. Trên cầu Chương Dương, giao thông thông suốt, lượng xe tham gia giao thông ít, lực lượng chức năng không phải vất vả điều tiết giao thông như mọi ngày. Trong dòng người lưu thông, chủ yếu là những người có công việc bắt buộc như: Điện lực, vệ sinh môi trường... Hàng quán hai bên đường vốn thường ngày rất tấp nập, bày bán lộn xộn, nhưng hôm nay đều cửa đóng then cài, phố phường trở nên phong quang, gọn gàng hơn.

Chú thích ảnh
Phố Hoàng Ngân (quận Cầu Giấy) sáng 1/4/2020. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, bà Nguyễn Minh Hương - Chủ tịch UBND phường Phạm Đình Hổ cho biết, ngay trong sáng ngày đầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong thời gian 15 ngày theo đúng tinh thần Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các hộ kinh doanh những mặt hàng không thuộc diện được phép hoạt động đã cơ bản đóng cửa; một số ngành hàng khác dù không phải dừng kinh doanh như khu phố bán vải Phùng Khắc Khoan, nhưng các chủ cửa hàng cũng chủ động nghỉ. Riêng các siêu thị, khu vực chợ, cửa hàng bán nhu yếu phẩm thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc vẫn hoạt động bình thường để đảm bảo phục vụ người dân. Nhìn chung, các khu vực trên địa bàn phường Phạm Đình Hổ đến thời điểm trưa 1/4 khá vắng vẻ, người dân phần lớn có ý thức ở yên trong nhà, hạn chế tối đa khi ra ngoài đường.

Ông Đỗ Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) cho biết: Phần lớn người dân trong xã đều nhận thức được sự nguy hiểm của dịch COVID-19 nên chủ động hợp tác với chính quyền trong phòng, chống dịch. Người dân trong các thôn, xóm chủ động bảo nhau dọn vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn bằng dung dịch Cloramin B... Ngày 1/4, UBND xã đã thành lập 5 tổ xung kích (mỗi tổ 5-7 người) với nhiệm vụ tuyên truyền, giám sát việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm theo quy định. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Các chợ gốm xã Bát Tràng những ngày không có dịch đón hàng nghìn lượt người đến tham quan mua sắm, cũng như người đến lao động. Tuy nhiên, ngày 1/4 chợ vắng hẳn, lác đác vài người qua lại chợ.

Ông Phạm Huy Khôi - Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng (Gia Lâm) cho biết, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân làm nghề cũng như các tiểu thương buôn bán gốm sứ thấy được tác hại của dịch bệnh để không mở cửa bán hàng. Ngay đầu giờ sáng 1/4 khi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của xã đi kiểm tra, đã có hơn 90% các cửa hàng buôn bán gốm sứ đóng cửa, chuyển sang bán online, trên 80% cơ sở sản xuất dừng hoạt động, cho thợ nghỉ. Số còn lại đang sản xuất nhưng chỉ với một vài công nhân, làm nốt những đơn hàng đã ký hợp đồng từ trước đó.

Tại khu vực Nghĩa Tân, Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), Linh Đàm (quận Hoàng Mai), phố Ngụy Như Kon Tum (quận Thanh Xuân), Đông Ngạc, Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm), Thanh Lương, Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng)… các cửa hàng ăn sáng mở rất ít. Những người bán hàng ăn trong nhà đều treo biển không phục vụ người ngồi ăn tại chỗ, phục vụ người mua mang đi. Nhìn chung, mọi người thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, người dân đồng tình và tin tưởng vào các quyết sách của Chính phủ.

Chú thích ảnh
Hầu hết mọi người đều không ra đường nếu không thật sự có công việc cần thiết. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Chị Vũ Ánh Nguyệt (quận Tây Hồ) cho biết: "Tôi rất ủng hộ phương án cách ly toàn xã hội, bởi cách làm này sẽ góp phần ngăn chặn được dịch COVID-19 lây lan. Tôi làm văn phòng nên có thể mang hồ sơ về làm việc tại nhà. Ở nhà, tôi cũng có thể kết hợp cùng con học trực tuyến. Hy vọng với sự nỗ lực của toàn xã hội, dịch bệnh sớm được kiểm soát và cuộc sống sẽ trở lại như trước đây".

Điều nhiều người lo lắng trước kia là việc học hành của học sinh trong thời gian nghỉ tránh dịch quá dài, nhưng do ngành chức năng kịp thời triển khai dạy học trên truyền hình và học online nên việc dạy và học đã cơ bàn đi vào nền nếp. Mặc dù còn có ý kiến lo ngại về chất lượng nhưng đây là giải pháp tốt nhất có thể thực hiện trong thời điểm này.

Cô Phạm Thị Hương, giáo viên Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi dạy học trực tuyến, tương tác với học sinh qua mạng internet. Đúng là không thể trao đổi được nhiều như dạy trên lớp nhưng nhìn chung các học sinh rất cố gắng và các em đều hiểu bài, hào hứng tham gia tiết học. Khó khăn chung của xã hội, các ngành nghề cùng chia sẻ, tôi tin dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi".

Kim Anh - Đinh Thuận  - Nguyễn Cúc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm