Hà Nội: Thả cá Koi Nhật Bản xuống sông Tô Lịch và Hồ Tây để đo độ trong sạch của nước

16/09/2019 17:57 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Để minh chứng cho việc xử lý nước ở sông Tô Lịch và Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor đạt hiệu quả, ngày 16/9, chuyên gia Nhật Bản đã thả cá Koi Nhật Bản và cá chép Việt Nam xuống khu vực nước sau khi xử lý.

Làm sạch Sông Tô Lịch bằng nước Hồ Tây có khả thi?

Làm sạch Sông Tô Lịch bằng nước Hồ Tây có khả thi?

Việc xả hàng triệu m3 nước từ Hồ Tây xuống sông Tô Lịch khiến dòng sông này trong xanh hơn đang khiến dư luận chú ý. Nếu áp dụng phương pháp này thì có mang lại hiệu quả và việc xả nước có ảnh hưởng đến kết quả thí điểm công nghệ nano - bioreactor của Nhật Bản đang triển khai tại sông Tô Lịch hay không?

Trước khi thả cá, Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cùng các chuyên gia về ngành nước của Việt Nam và Nhật Bản đã tiến hành lấy mẫu đánh giá quá trình xử lý ô nhiễm môi trường bằng công nghệ Nano - Bioreactor tại đoạn sông Tô Lịch và góc Hồ Tây.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE), đơn vị đã thả 50 con cá chép Nhật Bản (hay gọi là cá Koi) và 50 con cá chép Việt Nam xuống bể số 4 trong hệ thống xử lý nước sông của công ty trên sông Tô Lịch; thả 200 con cá rô phi, mè của Việt Nam tại khu lưới quây trên sông Tô Lịch. Tại Hồ Tây, Công ty JVE cũng thả 50 con cá chép Nhật và 100 con cá chép vàng Việt Nam xuống trực tiếp khu vực thí điểm trong sáng cùng ngày.

Chú thích ảnh
Thả 300 cá Koi, cá chép Việt Nam xuống vùng nước đã được xử lý, đồng thời thả 200 con cá rô phi xuống lòng sông Tô Lịch

Trước khi thả cá xuống sông Tô Lịch, Công ty JVE đã xin ý kiến các Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội. Theo đó, đơn vị đã gia cố cọc chôn xuống đáy sông để quây lưới một khu kích thước dài 12m x rộng 25m sát bờ phía đông phố Nguyễn Đình Hoàn (Nghĩa Đô, Cầu Giấy). Việc gia cố quây khu thả cá này đảm bảo cá được trực tiếp thả xuống nước trong lòng sông Tô Lịch nhưng không bị trôi xuống hạ lưu và để đánh giá khách quan về việc cá có thể sống trong môi trường nước sông Tô lịch hay không. Lượng cá sau khi thả sẽ được theo dõi, đánh giá thường xuyên bởi các kỹ thuật viên của đơn vị thí điểm.

Trước đó, ngày 16/5, thành phố Hà Nội đã thực hiện dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản. Sau thời gian triển khai, bước đầu nước sông Tô Lịch, Hồ Tây tại khu vực thí điểm ghi nhận cải thiện bớt mùi hôi và nước trong hơn.

Mạnh Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm