Hà Nội dành 3.000 tỷ xây dựng thành phố thông minh, kết nối ứng dụng một cửa

06/12/2017 15:11 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến Hà Nội sẽ dành 3.000 tỷ đồng để xây dựng Thành phố thông minh. Đồng thời, Thành phố sẽ kết nối ứng dụng một cửa điện tử với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Chiều 5/12, HĐND thành phố Hà Nội đã xem xét Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020.

Hoàn thành nền tảng Chính phủ điện tử

Theo UBND TP. Hà Nội, đến nay, nền tảng của chính quyền điện tử Thành phố từng bước được củng cố, hoàn thiện giúp cho bộ máy chính quyền Thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Thành phố Hà Nội đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội và đưa vào khai thác hiệu quả từ năm 2016.

Chú thích ảnh
Hà Nội đang ráo riết triển khai công nghệ và chính sách triển khai các công nghệ xây dựng thành phố thông minh

Năm 2017, Thành phố đã hoàn thành việc xác định các yêu cầu và tích cực chuẩn bị triển khai các thành phần quan trọng xây dựng Thành phố thông minh như: Trung tâm giám sát, điều hành tập trung của Thành phố; hệ thống giao thông thông minh; hệ thống du lịch thông minh... Hiện nay, Hà Nội đã thí điểm thành công ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (Iparking) trên 2 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm); tiếp tục chỉ đạo triển khai mở rộng ứng dụng I-parking tại 4 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa) và 89 điểm trông giữ phương tiện phục vụ không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Dự kiến đến 31/12/2017 sẽ hoàn thành triển khai “Hệ thống thông tin giao thông tích hợp, xây dựng bản đồ giao thông Hà Nội" để cung cấp thông tin về tình trạng giao thông và vận tải hành khách công cộng theo thời gian thực phục vụ công tác quản lý, điều hành, điều tiết giao thông của các cơ quan quản lý nhà nước, cho người dân và du khách.

Hà Nội cũng sẽ hoàn thành Cổng thông tin du lịch Hà Nội cung cấp đầy đủ các thông tin thiết yếu cho du khách đến thăm Hà Nội và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giải đáp, hướng dẫn công dân, doanh nghiệp về Dịch vụ hành chính công của Thành phố.

Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, Hà Nội đặt ra mục tiêu cụ thể là 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. UBND Thành phố cũng nêu rõ trong thời gian tới Hà Nội sẽ hình thành các thành phần cơ bản của Thành phố thông minh, tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu lớn (Bigdata), ứng dụng trí tuệ nhân tạo, IoT (intertnet kết nối vạn vật), phân tích và xử lý dữ liệu hỗ trợ lãnh đạo các cấp ra quyết định kịp thời, chính xác... Trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến Hà Nội sẽ dành 3.000 tỷ đồng để xây dựng thành phố thông minh.

3 giai đoạn xây dựng Thành phố thông minh

Thảo luận tại Hội trường, Đại biểu Đỗ Thùy Dương (quận Cầu Giấy) cho rằng, Thành phố thông minh là xu hướng không thể đi ngược dòng và cho rằng con số 3.000 tỷ cho mục tiêu quan trọng này là không nhiều với các hiệu quả mang lại. Tuy nhiên, vấn đề mà bà Dương quan tâm là việc thu hút nguồn nhân lực giỏi, người tài, kể cả người nước ngoài.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phan Lan Tú cho biết, khung kiến trúc Thành phố thông minh đang được Chính phủ giao các bộ ngành xây dựng và mỗi đô thị sẽ có cách tiếp cận khác nhau.

Bà Phan Lan Tú cho biết, lộ trình xây dựng Thành phố thông minh của Hà Nội sẽ có 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2016-2020: Hình thành cơ bản các thành phần như nền tảng cơ sở hạ tầng; xây dựng hệ thống thông minh: Giao thông, du lịch, giám sát môi trường, bảo đảm an ninh trật tự. Giai đoạn 2 từ 2020-2025, coi người dân là trung tâm, người dân sẽ tham gia quản lý, hình thành kinh tế số cơ bản. Giai đoạn 3 là đến 2030, Hà Nội sẽ là Thành phố thông minh phát triển cao.

Về nguồn vốn, theo Giám đốc Sở TT&TT Phan Lan Tú, việc thuê dịch vụ thông tin đang được Chính phủ khuyến khích và nhờ thuê dịch vụ Hà Nội đã giảm dự toán từ 6.000 tỷ xuống 3.000 tỷ đồng. Việc thuê dịch vụ sẽ giúp triển khai nhanh, rõ lợi ích, không phải đầu tư ban đầu nhiều.

Chú thích ảnh
Giám đốc Sở TTTT Phan Lan Tú tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP. Hà Nội khoá XV. Ảnh: Gia Linh

Giám đốc Sở TT&TT Phan Lan Tú cho biết, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội đã có những cơ chế, chính sách cụ thể, lâu dài…Và Hà Nội sẽ đầu tư 80% nguồn vốn và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư.

Trong nội dung thẩm tra, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND Thành phố đồng tình việc cần thiết điều chỉnh nội dung Chương trình, để bảo đảm phù hợp với các định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Thành phố về ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước từ nay đến năm 2020.

Đồng thời, sớm hoàn thành nền tảng của Chính phủ điện tử giúp bộ máy chính quyền Thành phố hiện đại, hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn, cải thiện mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng các dịch vụ được chính quyền cung cấp, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố. Hình thành các thành phần cơ bản của thành phố thông minh, tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý trong một số lĩnh vực như: giao thông, du lịch, an ninh trât tự, môi trường.

Gia Linh

Hà Nội có thêm 19 tuyến đường, phố được đặt tên mới

Hà Nội có thêm 19 tuyến đường, phố được đặt tên mới

Hà Nội quyết định đặt tên mới cho 19 tuyến đường, phố và điều chỉnh độ dài 5 tuyến phố. Đây là nội dung vừa được HĐND TP biểu quyết thông qua.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm