Gặp lại nữ Anh hùng, 'kiện tướng trên công trình Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải'

09/06/2018 15:45 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Trong không khí cả nước kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, tại quê nhãn Hưng Yên chúng tôi đã gặp lại nữ Anh hùng Lao động Phạm Thị Vách, người từng được mệnh danh là "Kiện tướng trên công trình Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải" năm xưa. Bà cũng nhiều lần vinh dự được gặp Bác Hồ và 2 lần được tặng Huy hiệu của Người.

"Nữ Sơn Tinh" giang tay ngăn lũ sông Hồng

Trong câu chuyện của nữ anh hùng Phạm Thị Vách nay đã ở tuổi 78, vẫn còn nguyên vẹn những ký ức về một thời lao động tập thể đầy gian lao vất vả, nhưng rất đáng tự hào về phong trào thủy lợi ở giai đoạn từ năm 1958 - 1962 ở miền Bắc. Bà lớn lên trong một gia đình nghèo ở vùng bãi ven sông Hồng thuộc xã Hùng Cường, huyện Kim Động. Gia đình bà có truyền thống cách mạng, 4 anh trai đều tham gia bộ đội. Ngay từ khi còn trẻ, cô thôn nữ Phạm Thị Vách đã rất hăng hái tham gia các hoạt động ở địa phương.

Vùng châu thổ sông Hồng xưa tuy màu mỡ nhưng luôn phải đối mặt với mưa lũ, nắng hạn nên sản xuất nông nghiệp luôn chật vật trong cảnh "chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn", mùa vụ thường xuyên thất bát. Để khắc phục tình trạng đó, Đảng Chính phủ đã chủ trương xây dựng công trình Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương để đáp ứng nguyện vọng chống hạn, thoát úng bao đời của nông dân đồng bằng Bắc Bộ.

Chú thích ảnh
Anh hùng Phạm Thị Vách đang ôn lại những ngày sôi động trên công trường Bắc – Hưng – Hải. Ảnh: Báo KQ3

Huy động sức mạnh toàn dân, mọi người đến tuổi dân công đều đi làm thủy lợi, người dân Hùng Cường đã hăng hái góp công, góp sức cùng nhân dân cả nước xây dựng trên đại công trường Bắc - Hưng - Hải. Cả xã chia thành các nhóm làm theo đợt gối nhau, nhóm này làm xong theo thời gian quy định nhóm khác lại lên thay. Riêng nữ thanh niên Phạm Thị Vách thì miệt mài quên tháng ngày trên công trường Bắc - Hưng - Hải, hết đợt này đến đợt khác. Ngày ấy máy móc thiếu thốn, chủ yếu dùng sức người, nhưng kết quả đạt được thật kỳ diệu. Chỉ trong 7 tháng từ tháng 10/1958 đến tháng 5/1959 công trình được hoàn thành với khối lượng  công việc khổng lồ: xây đúc 7.500 m3 bê tông, xây lát đá hơn 200.000 m3, đào gần 3 triệu m3 đất…

Trong hồi ức của bà Vách, không khí lao động trên công trường thật sôi động, hăng hái. Các đội tự nguyện thi đua lao động, động viên nhau làm thêm giờ, bất kể ngày đêm nên đội nào cũng vượt năng suất chỉ tiêu. Riêng đội thủy lợi xã Hùng Cường mà bà Vách làm đội phó được phong là đội "Tên lửa" luôn dẫn đầu, với năng suất lao động bao giờ cũng vượt trội các đội khác, có khi vượt gấp đến 3, 4 lần định mức được giao.     

Sau khi công trình Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải hoàn thành, tiếp tục phát huy khí thế của thanh niên Hưng Yên "nghiêng đồng đổ nước ra sông", "vắt đất ra nước thay trời làm mưa", đội thủy lợi "Tên lửa" của nữ thanh niên Phạm Thị Vách lại được giao nhiệm vụ tiếp tục đắp con đê bối Hùng Cường dài 7,5 km bao quanh hai xã nằm ở bãi Giữa sông Hồng. "Hồi ấy với sức trẻ, lao động hăng say lắm, cứ có đợt kêu gọi là tôi lại xung phong đi lao động. Tinh thần lúc ấy là vô giá, thanh niên cứ được gọi là đi, hoàn thành nhiệm vụ mới về", bà Vách nhớ lại.   

Nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, đội phó Vách vẫn là lá cờ đầu của cả đội, vinh dự được trao tặng Huy hiệu Bác Hồ năm 1958. Rồi liên tiếp là Chiến sĩ Thi đua trong hai năm 1960, 1961 và được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 1962, tại Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3, nữ thanh niên 22 tuổi Phạm Thị Vách vinh dự được tuyên dương là Anh hùng Lao động nông nghiệp và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Khắc cốt ghi tâm lời Bác dạy

Trong hồi ức của Anh hùng Phạm Thị Vách, niềm hạnh phúc nhất với bà là nhiều lần vinh dự được gặp Bác Hồ, đó sẽ mãi là những kỷ niệm không bao giờ phai mờ dù đã gần 60 năm trôi qua. Cuối năm 1958, khi về Hưng Yên thăm đại công trường Bắc - Hưng - Hải, Bác Hồ nghe báo cáo về thành tích làm thủy lợi và được biết công lao của các tập thể cá nhân tiêu biểu, Bác đã gửi huy hiệu nhờ Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Lê Quý Quỳnh tặng lại cho nữ kiện tướng Phạm Thị Vách.

Năm 1960, khi Bác Hồ về thăm Hưng Yên dự Hội nghị thủy lợi miền Bắc cũng là lúc công trình Bắc Hưng Hải hoàn thành. Với thành tích xuất sắc và là người đi đầu trong phong trào hăng say lao động, bà Vách đã vinh dự được nhận huy hiệu Bác Hồ lần thứ 2. "Tôi không thể nào quên được ngày hôm đó. Khi nghe tên mình được vinh danh, tôi rất run nên Bí thư Quỳnh dẫn tôi lên nhận huy hiệu Bác Hồ trực tiếp trao tặng. Bác cười tươi gọi tôi là "bé Vách" và hỏi: "Mọi người thấy thành tích của bé Vách có tốt không? Mọi người có đồng ý để Bác tặng bé Vách huy hiệu lần thứ hai không? ". Cả hội trường đều hô to "đồng ý ạ". Bà Vách kể lại đầy xúc động. "Bé Vách” chính là tên Bác Hồ đã đặt cho bà từ hồi đó.

Không chỉ trực tiếp gắn huy hiệu cho "bé Vách" trước hội nghị, Bác còn ân cần động viên, nhắn nhủ những lời căn dặn mà "bé Vách" không bao giờ quên: "Cháu làm tốt rồi, học tập tốt rồi thì phải làm tốt hơn nữa, học tốt hơn nữa. Phải gần gũi lắng nghe quần chúng, học tập quần chúng để mà làm".

Ghi nhớ lời dạy của Bác, Anh hùng Lao động Phạm Thị Vách đã quyết tâm phấn đấu học hết văn hóa, rồi tốt nghiệp Trường Cán bộ quản lý kỹ thuật của tỉnh Hưng Yên, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Sau này bà được tín nhiệm giữ các cương vị từ Chủ nhiệm hợp tác xã, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Huyện uỷ đến Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kim Động; được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa III, IV và V. Trong suốt cuộc đời, bà luôn sống mẫu mực, giản dị và đôn hậu nên được mọi người quý mến, coi bà là tấm gương sáng giữa đời thường.

Giờ đây ở tuổi xấp xỉ 80, Anh hùng Phạm Thị Vách vẫn giữ vững niềm tin và luôn khắc cốt ghi tâm những lời dạy của Bác Hồ, luôn lấy đó làm lẽ sống và vận động mọi người, con cháu các thế hệ sau học và làm theo Bác. Bà chia sẻ: "Dù cương vị nào, tôi cũng lấy lời dạy của Bác để làm tròn trách nhiệm của mình với Đảng, với nhân dân. Thế hệ chúng tôi trước đây có thể làm được những điều mà mọi người cho là kỳ tích như công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Đó là nhờ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và tinh thần yêu nước, đoàn kết, đồng lòng, nhất trí. Trong khung cảnh đất nước hòa bình, thống nhất hôm nay, mỗi người chúng ta cần sống và làm việc theo lời dạy của Bác, làm được điều đó, tôi nghĩ công việc nào cũng thành công".

Anh hùng Lao động Lê Công Cơ và thương hiệu Duy Tân

Anh hùng Lao động Lê Công Cơ và thương hiệu Duy Tân

Nhắc đến ĐH Duy Tân, người ta nghĩ ngay đến hiệu trưởng Lê Công Cơ, sau gần 22 năm dưới sự chèo lái của ông, ĐH Duy Tân đã nằm trong top 6 trường đại học tư nhân tốt nhất Việt Nam hiện nay.

TTXVN/Mai Ngoan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm