'Em bé Syria' 7 tuổi gây bão với những bài tường thuật chiến tranh

25/12/2016 10:24 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Không phải em bé Syria đã chết bên bờ biển Địa Trung Hải gây chấn động thế giới năm ngoái. Đây là một bé gái, cũng người Syria, mới có 7 tuổi, đang là tâm điểm của dư luận trong những ngày chiến sự kinh hoàng ở Aleppo.

Tài khoản Twitter của cô bé mang tên Bana Alabed có hơn 340.000 người theo dõi dù mới gia nhập thế giới mạng từ tháng 9 năm nay. Nhưng "nhân thân" của cô bé là điều gây tranh cãi giữa truyền thông Nga, Syria và các nước phương Tây.

Cô bé 7 tuổi người Syria bắt đầu thu hút sự chú ý rộng rãi khi đăng tải bức ảnh mình ngồi tại bàn học và đọc sách, với con búp bê, món đồ chơi yêu thích của bất cứ bé gái nào, xuất hiện trên hình nền.

Những tường thuật về chiến tranh của nhà báo “nhí”

"Chào buổi chiều từ Aleppo" - dòng chú thích tươi vui có ghi, nhưng nhanh chóng nhắc người đọc về thực tế “héo úa” ở vế tiếp theo - "Cháu đang đọc sách để quên đi chiến tranh".

Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria, đang bị chia tách trong cuộc xung đột kéo dài tại quốc gia này. Đối với những người dân còn may mắn sống sót, nhưng kẹt giữa phiến quân và lực lượng chính phủ, cuộc sống hàng ngày đã trở thành trận đấu không cân sức với tử thần, nơi sự sống của họ có thể bị tước đi bất cứ lúc nào.


Hình ảnh đọc sách để “quên đi chiến tranh” của Bana Alabed từng gây “bão” trên mạng

Trong bối cảnh đó, những dòng trạng thái mà Bana chia sẻ bằng tiếng Anh, với sự giúp đỡ của người mẹ là giáo viên, đã gây được chú ý lớn tới công chúng thế giới, tới những khó khăn mà người dân ở khu vực Đông Aleppo đang phải đối mặt khi sống dưới sự kiểm soát của phiến quân.

Một lần, Bana xuất hiện với hai cậu em trai, Mohamed (5 tuổi) và Noor (3 tuổi), trong một bức hình kèm theo thông điệp: "Cùng vẽ với em trai trước khi máy bay lại tới. Chúng cháu cần hòa bình để vẽ…"

Một lần khác, cô bé đăng dòng tweet đầy ám ảnh cùng bức hình mờ, chụp lại một tòa nhà đổ nát: "Bom đã rơi trúng nhà bên cạnh, như mọi người có thể thấy".

"Linh hồn cháu có thể bị tước đi bất cứ lúc nào vì bom đạn nơi đây" - Bana sợ hãi chia sẻ.

Ngoài Bana, mẹ cô bé là Fatemah, cũng thường viết lên tài khoản này rồi ký tên mình, với lý do mà cô chia sẻ trong một cuộc trò chuyện với BBC, là vì con gái thực sự "muốn thế giới nghe thấy chúng tôi".

"Con bé nhìn thấy mọi thứ ở đây" - Fatemah nói - "Con bé nhìn thấy bạn mình bị giết, nhà của chúng tôi và cả trường học bị đánh bom. Mọi thứ đều tác động mạnh mẽ tới nó".

Dù ước mơ lớn lên trở thành cô giáo dạy tiếng Anh giống mẹ, Bana đã không thể tới trường từ năm ngoái vì tình hình chiến sự. Cô bé cũng không thể chơi với bạn bè cùng trang lứa như mong muốn của bất kỳ đứa trẻ 7 tuổi nào.


Bana Alabed chăm chỉ đưa hình ảnh lên Twitter

Bị nghi ngờ là “công cụ tuyên truyền”

Không chỉ thu hút hàng trăm nghìn người theo trang, những dòng tweet do Bana và mẹ cô bé viết, miêu tả cuộc sống bị bao vây ở Đông Aleppo, còn được lan tỏa rộng rãi hơn nữa nhờ việc được nhiều trang tin quốc tế đăng lại.

Khi tài khoản Twitter của Bana ngừng hoạt động hồi đầu tháng 12, vào ngày Chủ nhật, rất nhiều người ủng hộ đã bày tỏ sự lo lắng tột độ vì tin rằng gia đình họ đã gặp nạn. Hashtag #WhereIsBana (Bana ở đâu) được chia sẻ rộng rãi nhằm mong tin tốt lành sớm đến.

Trong khi nhiều người đơn giản là rất quan tâm tới “bé gái Aleppo”, nhiều người khác đặt dấu hỏi với tài khoản này và cho rằng rằng đây thực chất chỉ là một nỗ lực tuyên truyền chiến tranh.

Những nghi ngờ như vậy cũng không có gì bất thường, trong bối cảnh một số tài khoản mạng từng gây chú ý trước đó đã nhanh chóng bị lật tẩy. Năm 2011, Amina Abdallah Arraf  al Omari, người nổi tiếng với blog "cô gái đồng tính ở Damascus" bị phát hiện chỉ là trò lừa bịp do một người Mỹ sống ở Edinburgh, tên Tom MacMaster, tạo ra.

Tháng 1 năm nay, bức hình gây xúc động về một đứa trẻ Syria suýt chết đói ở thị trấn Madaya hóa ra là một bé gái không liên quan sống tại Lebanon. White Helmets, hoạt động dưới danh nghĩa một nhóm nhân đạo, cũng bị cáo buộc là công cụ tuyên truyền.

Đối với tài khoản của Bana Alabed, các câu hỏi được đặt ra là làm thế nào cô bé có thể cập nhật thông tin đều đặn từ khu vực thường xuyên rơi vào tình trạng mất điện và mạng internet. Bên cạnh đó, khả năng viết tiếng Anh khá thông thạo của một cô bé người Syria mới 7 tuổi cũng bị nhiều người thắc mắc.

Bức ảnh em bé Syria Aylan Kurdi và những hình ảnh làm 'thay đổi' thế giới

Bức ảnh em bé Syria Aylan Kurdi và những hình ảnh làm 'thay đổi' thế giới

Khi tôi nhận ra không thể làm gì để mang cuộc sống trở lại với cậu bé, tôi nghĩ mình cần phải ghi lại cảnh tượng trước mắt ... để mọi người chứng kiến thảm kịch này.


Đặc biệt, chỉ sau hai ngày lập tài khoản, cô bé đã sử dụng những hashtag nặng tính tuyên truyền và khá phức tạp đối với một đứa trẻ như  #HolocaustAleppo (trại tập trung Aleppo), #MassacreInAleppo (Thảm sát ở Aleppo), #StopAleppoMassacre (Hãy thôi thảm sát ở Aleppo), đồng thời có những dòng tweet chỉ đích danh các nhà lãnh đạo như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Syria Bashar Assad .

“Gửi @potus, @putin @assad, các bác có thể nỗ lực hơn nữa để chấm dứt giết chóc ở Aleppo trước khi mọi người chết hết được không? - tài khoản Bana viết.

Đứng trước những cáo buộc, Fatemah đáp rằng: "Tất cả những lời con mình nói đều xuất phát từ trái tim" và “Tất cả đều là sự thật".

Năng lượng mặt trời đã cung cấp một phần điện đủ để gia đình kết nối mạng và điện thoại dù tín hiệu không được tốt.

Cô cũng khẳng định mình không phải là một phần của bất kỳ tổ chức nào và cũng không nhận sự giúp đỡ từ các tổ chức truyền thông tại Syria. Tuy nhiên, việc từng theo các khóa học về báo chí và chính trị khi học đại học giúp Fatemah biết làm thế nào để thông điệp của mình có thể lan tỏa.

Cô cho biết mình đã dạy Bana tiếng Anh từ khi con gái lên 4 tuổi, đồng thời gửi hình ảnh hộ chiếu của Bana cho công ty xác minh tin tức Storyful và được họ xác nhận nơi sinh của cô bé đúng là Aleppo.

Tuy nhiên, những lời giải thích dường như vẫn không đủ để thuyết phục một số người.

Bắt đầu cuộc sống mới

Dù sao thì tin vui đối những ai yêu mến Bana là gia đình cô bé đã rời khỏi vùng chiến sự. New York Times đưa tin hôm 20/12, mẹ con Bana Alabed cuối cùng đã được sơ tán tới Al Rashideen, một khu vực ở phía Tây Aleppo, cùng với hàng ngàn người khác.

Bana và Fatemah đã xuất hiện trong một số đoạn video do các nhà báo, những người ghi lại cảnh tượng dân thường sơ tán khỏi thành phố, công bố.

"Chúng tôi đã ở trong xe buýt gần 24 giờ, không có thức ăn, không có nước hay bất cứ thứ gì" - Fatemah gầy gò và xanh xao chia sẻ với hãng Thông tấn Qasioun.

Trên Twitter, Bana cũng chia sẻ đơn giản sau khi đến được nơi an toàn: "Tôi đã thoát khỏi Đông #Aleppo".

Đợt di tản diễn ra khi lực lượng chính phủ Syria tái chiếm Aleppo từ quân nổi loạn hồi tuần trước, cộng thêm việc Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran thúc đẩy một thỏa thuận để thường dân có thể sơ tán khỏi khu vực chiến sự.

Duy An (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm