Động đất Nepal qua trải nghiệm của cậu bé 10 tuổi: 'Mẹ ơi, họ sẽ sống ở đâu?'

29/04/2015 12:35 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Nữ nhà báo Donatella Lorch (đang sống tại Nepal cùng con trai Lucas) đã kể lại những trải nghiệm động đất từ góc nhìn của con trai mình, thông qua các hành động, lời nói và sự chia sẻ của cậu bé trong những ngày đặc biệt này:

Khi trận động đất xảy ra, tôi đang ngồi cùng Lucas, con trai mình, trong xe hơi. Cậu bé đang tìm bài hát The Piano Guys trên chiếc iPhone của tôi để bật nghe qua loa xe. Nó không nhận thấy điều gì bất ổn cho đến khi chiếc xe rung giật dữ dội trên hai bánh xe và sau đó đổ sầm xuống. Tôi đạp phanh và hét lên: “Động đất!”.

Nhờ các bài học ở trường, từ cha mẹ và tất nhiên là qua YouTube, Lucas đã biết quy luật “buông tay, bao phủ và nắm giữ” khi gặp bất trắc. Do đó, ngay lập tức, bé đã thực hiện những động tác trong trường hợp rơi máy bay: cúi đầu xuống đặt giữa hai đầu gối và đặt hai bàn tay trên đỉnh đầu.

Nhiều người trong chúng ta "giống như Siêu nhân"

“Tất nhiên là con sợ” – Lucas nói với tôi. Nhưng điều đó không ngăn con tôi quan sát các sự việc xung quanh. “Có những người chạy ra khỏi nhà và có một anh đi xe máy vượt qua chúng ta, trong khi chúng ta ngã, trượt chân xuống đường và đứng lên chạy tiếp. Giống như Siêu nhân...”.

Lucas, 10 tuổi, thích được chuẩn bị trước cho những tình huống bất ngờ. Khi chuyển đến Nepal vào năm 2013, tôi đã thông báo cho con rằng đây là một đất nước có nguy cơ động đất và cậu cần biết phải làm gì nếu điều đó xảy ra. Lucas đã cùng mẹ chuẩn bị những chiếc “túi hành lý di tản”, là một chiếc ba lô đựng những bộ quần áo thiết yếu, tài liệu và thuốc men. Cạnh giường của cậu bé, tôi treo sẵn một chiếc túi đeo hông, trong đó đựng một chiếc còi, một chiếc đèn pin và một chai nước. Từ lâu, Lucas đã biết rằng nước sạch với sự sống quan trọng biết bao.

Trận động đất hôm thứ Bảy (25/4) tại Kathmandu đến ngay khi hai mẹ con đang đi ăn trưa. Sự căng thẳng tăng cao khi tôi lái xe ngược về nhà. Mặc dù ngôi nhà chưa sập, Lucas hiểu rằng quá mạo hiểm để ở lại. Cậu bé nhanh chóng đi lấy các túi hành lý di tản gần cửa ra vào. Trời nắng, hai mẹ con ngồi trên một tấm chăn. Lucas cuộn tròn trong lòng tôi khi những cơn dư chấn tràn đến, hoàn toàn kiệt sức, bé ngủ thiếp đi.

Kể từ đó đã có hơn 50 cơn dư chấn, một số cơn chỉ hơi rung chuyển, nhưng nhiều cơn khác uốn lượn một cách đáng sợ như thể không bao giờ kết thúc. Mỗi cái rùng mình, mỗi âm thanh, mỗi tiếng kêu của bầy quạ... đều làm chúng tôi phải dừng mọi hoạt động và chờ đợi cú giật đầu tiên của một trận động đất tiếp theo.

Lucas cũng vậy, cậu bé có những lớp sóng sợ hãi bên trong mình. Mỗi khi chúng trào lên, bé ngồi vào một góc nhà và im lặng. “Sẽ tiện lợi hơn nếu động đất gửi thư điện tử thông báo trước các hoạt động của nó cho chúng ta, phải không mẹ?” – cậu bé hỏi mẹ, khi hai mẹ con đang cúi mình trên bãi cỏ và một cú rung lắc lại xảy ra.

Keshav, người bạn 52 tuổi của gia đình, nói rằng sau trận động đất kinh hoàng, Nepal hiện đang trải qua một “cơn say động đất”. Lucas, giống như rất nhiều người trong chúng tôi, tự tưởng tượng rằng mặt đất đang rung chuyển hoặc chồm lên trong khi điều đó không hề xảy ra. Đôi lúc, bé hành xử như một chuyên gia phân tích. Trong buổi sáng nay, khi chúng tôi nghe thấy đâu dó có một vụ tai nạn mà không biết rõ điều gì đang xảy ra, Lucas đã kết luận: “Con không nghĩ đây là một trận động đất. Mặt đất có di chuyển đâu”.

Nỗi ám ảnh tâm hồn trẻ thơ sau động đất

Trường học của bé tất nhiên đã đóng cửa. Lucas quyết định muốn theo mẹ đi viết tin hơn là ở nhà. “Con sẽ theo mẹ đến bất cứ nơi nào, mẹ ơi” – bé tuyên bố. Vì bố của bé đang làm việc tại Bangladesh và các con khác của tôi đi học ở Mỹ, tôi và Lucas đã trở thành một gia đình nhỏ trong một gia đình lớn.

Việc theo mẹ trong các chuyến săn tin không xa lạ với Lucas. Trong 4 năm sống ở châu Phi, cậu bé đã cùng mẹ đi quay phim ở các vùng lãnh thổ Samburu hoang dã ở phía Bắc, gặp và kết bạn với những đứa trẻ khu ổ chuột ở Nairobi. Sau trận tuyết lở ở Everest vào năm ngoái, tôi không tìm được người giữ trẻ nên đã đưa Lucas teo cùng đến bệnh viện, nơi tôi phỏng vấn những người dân Sherpa bị thương.

Nhưng trận động đất là một trải nghiệm nghề nghiệp mạo hiểm hoàn toàn khác đối với cả hai mẹ con. Tai họa xảy ra không phải với những nhân vật xa lạ, mà với chính chúng tôi, với hàng xóm, bạn bè, bạn học của chúng tôi. Và mẹ con tôi phải trải qua điều này khi không có người đàn ông trong gia đình. “Đó là một cách tuyệt vời để trải qua những gì đang xảy ra” – Lucas trấn an mẹ. “Thật tốt khi mẹ con mình được ở cạnh nhau khi dư chấn đến”.


Một ngôi nhà đổ nát sau trận động đất hôm 25/4

Giống như nhiều người khác, giờ đây Lucas rất nhạy cảm với những tiếng ồn gợi liên tưởng đến một trận động đất. Bé nhảy dựng cả khi nghe âm thanh của động cơ xe máy. Bé rất nhạy cảm vì đã tận mắt chứng kiến sức tàn phá của một trận động đất. Bé chứng kiến xe ủi đất san phẳng tàn tích của di tích tháp Dharahara ở trung tâm Kathmandu, một bức tường gạch từng rất kiên cố đổ xuống đầu trên 200 người, phần lớn trong số họ là các học sinh đang trong một chuyến tham quan thành phố từ trên cao.

Vào buổi tối, Lucas trò chuyện với hàng xóm của chúng tôi, người qua đêm dưới một túp bạt cùng 50 người khác, một trong số vô vàn túp lều vừa được dựng lên trên các đường phố của chúng tôi. Bé cũng bị ám ảnh bởi việc kiểm tra ngôi nhà của chúng tôi xem có vết nứt nào không sau mỗi cơn dư chấn, bởi rất nhiều người quen của mẹ con tôi đã mất nhà. Đặc biệt, Keshav (38 tuổi), sống trong một ngôi làng ở trên ngọn đồi cao cách Kathmandu khoảng một giờ di chuyển. Toàn bộ ngôi làng của anh đã bị phá hủy.

Keshav và Lucas ngồi cạnh nhau, nhìn những ngôi nhà sụp đổ và ngôi nhà phủ nhựa, nơi giờ đây cả gia đình của Keshav đang sống. Lucas kể với tôi: “Sáng hôm đó, chú ấy đang mời các linh mục đến nhà để cầu nguyện phía trước nhà, đúng lúc đó thì trận động đất đến”.

Sau đó, Lucas hỏi tôi: “Họ sẽ sống ở đâu bây giờ nếu không ai trong làng có một ngôi nhà?”.

Đồng nghiệp nhí của người mẹ nhà báo

Thông thường, tôi đặt ra nguyên tắc “không đi xe máy” đối với các con mình, lý do là một tai nạn xe máy khủng khiếp xảy ra với chính tôi khi tôi sống ở Peshawar, Pakistan, hồi 26 tuổi. Nhưng trận động đất đã thay đổi điều đó. Chúng tôi đã phải phá vỡ nguyên tắc, thậm chí còn đi 3 người trên một chiếc xe máy, Keshav lái xe và Lucas kẹp ở giữa. Hành động duy nhất đảm bảo an toàn là mỗi chúng tôi đều đội mũ bảo hiểm.


Lorch đã phá vỡ nguyên tắc “không xe máy” của cô chỉ để cậu con trai 10 tuổi Lucas có thể trực tiếp chứng kiến thiệt hại động đất

Phần việc của Lucas là phát hiện những ngôi nhà bị nứt vỡ, tháp Internet đổ hoặc các nhóm dân ngồi chen chúc ngoài trời, trên các tấm vải bạt. Cậu bé sẽ ước chừng độ lớn và loại dư chấn, đồng thời sửa lỗi cho mẹ mỗi khi tôi gặp sai sót về một chi tiết nào đó liên quan đến động đất. Và bé cực kỳ thích sống trong một túp lều ở sân sau ngôi nhà của chúng tôi.

Donatella Lorch là nhà báo có hơn 20 năm kinh nghiệm về chiến tranh và xung đột ở Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu. Chị viết cho New York Times, NBC News Newsweek.


Hạ Huyền (theo NPR)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm