Đổi mới giáo dục nghệ thuật tại VN: Bài 1: Cần đặt giáo dục nghệ thuật ở vị trí xứng đáng

02/06/2016 10:29 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Những năm qua, ngành giáo dục đã cố gắng trong giáo dục nghệ thuật cho học sinh từ việc xây dựng nội dung chương trình, viết sách giáo khoa môn học ở phổ thông, đào tạo đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, đến nay giáo dục nghệ thuật vẫn chưa có vị trí xứng đáng trong công cuộc phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của học sinh.

Số phận “long đong” của các môn nghệ thuật

GS-TSKH Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương chia sẻ: Ở nhiều quốc gia, giáo dục nghệ thuật được quan tâm đặc biệt bởi họ đánh giá cao tác động tích cực của nghệ thuật đến sự hình thành nhân cách, trí tuệ của lớp trẻ. Chương trình giáo dục ở các bậc học phổ thông, một số loại hình nghệ thuật như Âm nhạc, Mỹ thuật, Điêu khắc, Sân khấu, Điện ảnh... đã được đưa vào nhà trường làm phương tiện để giáo dục và tác động vào thế giới tinh thần của thế hệ trẻ. Ở Việt Nam, từ năm 2002 hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật được chính thức đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, nhưng đến nay vẫn những người làm công tác giáo dục nghệ thuật chưa thực sự hài lòng về chất lượng của việc giảng dạy trong nhà trường.

Học âm nhạc ở các trường THCS và THPT hiện nay, những giờ học đàn như thế này hoàn toàn thiếu vắng...

Theo nhạc sĩ Hoàng Long (Hội Âm nhạc Hà Nội), ở nước ta có lẽ không môn học nào ở trường phổ thông có số phận “long đong” như 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Từ chỗ không có môn học đến có môn học, là môn học nhưng phải ghép thành môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật, Thủ công). Từ một môn học Nghệ thuật lại được chuyển thành hoạt động giáo dục; mỗi môn Âm nhạc, tút thời lượng giảng dạy, từ chỗ là môn học nội khóa muốn đưa thành hoạt động mang tính ngoại khóa... Nghĩa là cứ muốn thay đổi gì, người ta hay nghĩ đến Âm nhạc và Mỹ thuật.

Cùng chung quan điểm trên, thạc sĩ Hoàng Thị Oanh (Trưởng Khoa Thiết kế thời trang, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) cũng chỉ ra thực tế: Hiện tại, nhiều trường phổ thông không tuyển dụng giáo viên giảng dạy Mỹ thuật và Âm nhạc do không có chỉ tiêu, các trường sử dụng giáo viên không đúng chuyên ngành giảng dạy hai môn học này. Điều này cho thấy rõ tư duy không coi giáo dục nghệ thuật là cần thiết. Trong khi tại các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... lại rất xem trọng giáo dục nghệ thuật. Đặc biệt, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có chính sách quốc gia về giáo dục nghệ thuật.

Một số chuyên gia nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Một người được học nghệ thuật hoặc tham gia một loại hình nghệ thuật nào đó dù không làm việc trực tiếp trong ngành nghệ thuật đều có khả năng tiết chế, mềm dẻo trong công việc hơn những người không học nghệ thuật hoặc yêu thích nghệ thuật. Ở các nước phát triển, những người phạm tội trong xã hội liên quan đến nghệ thuật rất ít. Việc đam mê nghệ thuật hoặc theo đuổi một loại hình nghệ thuật cũng giúp con người cân bằng nhân cách trong công việc và cuộc sống. Như vậy, học nghệ thuật hay được giáo dục thông qua các loại hình nghệ thuật sẽ góp phần hoàn thiện nhân cách con người. Do vậy, việc quan trọng cần làm là thay đổi tư duy của xã hội để giáo dục nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, có chỗ đứng xứng đáng trong xu thế hội nhập và phát triển.

Đổi mới nội dung, chương trình học nghệ thuật

Nhìn lại thực trạng chương trình, sách giáo khoa Âm nhạc, Mỹ thuật đang được giảng dạy ở các trường phổ thông hiện nay, nhạc sĩ Hoàng Long chia sẻ: Bức tranh tổng thể về giáo dục nghệ thuật của Việt Nam đã có nhiều màu sáng so với trước năm 2000, trong đó chương trình, sách giáo khoa Âm nhạc, Mỹ thuật đều có những ưu điểm đáng ghi nhận. Tuy nhiên, một vài nội dung dạy lý thuyết âm nhạc ở trung học cơ sở còn nặng, không cần thiết...

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể của giáo dục phổ thông. Trong đó, Âm nhạc, Mỹ thuật tiếp tục được đưa vào giảng dạy ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, mỗi tuần một tiết như hiện tại. Còn ở bậc trung học phổ thông sẽ là môn học tự chọn cho học sinh có năng khiếu và yêu thích nghệ thuật với thời lượng 2 tiết mỗi tuần. Như vậy, việc đưa các môn nghệ thuật vào trung học phổ thông dù dưới hình thức nào cũng là một bước tiến mới...

Nói riêng về âm nhạc, nhạc sĩ Hoàng Long cho rằng, trên cơ sở kế thừa cấu trúc chương trình sách giáo khoa Âm nhạc hiện hành, vẫn cần tiếp tục chỉnh sửa, thay đổi để phù hợp định hướng phát triển năng lực và thiết kế các bài học của sách giáo khoa theo các chủ đề. Điểm mới nhất là cần bổ sung thêm nội dung dạy học một nhạc cụ theo hướng tự chọn dành cho học sinh.

Thạc sĩ Lê Anh Tuấn (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cũng cùng chung quan điểm với nhạc sĩ Hoàng Long về việc dạy nhạc cụ trong trường phổ thông. Ông cho biết: Ở các nước trên thế giới, giáo dục âm nhạc trong trường phổ thông thường dạy học sinh cách chơi một hoặc vài nhạc cụ, làm phong phú về nội dung và môi trường dạy học âm nhạc. Việc dạy học sinh chơi nhạc cụ cũng giúp các em được học âm nhạc bằng đa giác quan: Mắt nhìn, tai nghe, tay tiếp xúc và chơi nhạc cụ... Học nhạc cụ còn giúp học sinh được trải nghiệm và phát triển năng lực thực hành, cảm thụ, ứng dụng âm nhạc, góp phần phát triển năng khiếu âm nhạc. Đặc biệt, nhiều học sinh không có khả năng ca hát, nhưng có thể chơi được một nhạc cụ đơn giản. Vì vậy, nhạc cụ chính là phương tiện giúp các em thể hiện bản thân, giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp, hợp tác, tự học và nhiều năng lực khác.

Góp ý về đổi mới chương trình sách giáo khoa âm nhạc phổ thông, nhạc sĩ Hoàng Lân (Hội Âm nhạc Hà Nội) cũng nhấn mạnh: Các nhà biên soạn sách giáo khoa cần nắm vững thực tế cấp học này để không đưa ra nội dung, ý tưởng xa vời, phi thực tế. Đối với giáo dục âm nhạc ở tiểu học cần chú ý cho các em tiếp cận với tiết tấu nhiều hơn qua các nhạc cụ gõ đơn giản. Đối với cấp trung học phổ thông, bên cạnh việc hình thành kỹ năng âm nhạc, phải chú ý hướng dẫn học sinh về thưởng thức âm nhạc và phân tích, bình luận tác phẩm. Những hình thức giáo dục này nhằm hướng tới đào tạo một thế hệ mới phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng không mất đi cốt cách truyền thống văn hóa của dân tộc nghìn năm văn hiến.

Việt Hà TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm