Dấu hiệu và cách chăm sóc khi trẻ bị sởi

16/04/2014 18:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch.

Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...

Nguyên nhân gây bệnh

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút gây ra, bệnh có tính lây truyền qua đường hô hấp do các chất tiết của mũi, họng có chứa vi rút Sởi bắn ra ngoài không khí khi bệnh nhân nói chuyện, ho, hắt hơi... bệnh thường hay gặp ở trẻ  dưới 5 tuổi, tất cả những trẻ chưa mắc bệnh sởi hoặc chưa được tiêm vắc xin phòng sởi thì đều có thể mắc bệnh này.

Bệnh sởi thường lành tính không gây tử vong nhưng lại dễ bị biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, tiêu chảy, viêm phổi, các biến chứng là nguyên nhân chính của tử vong do mắc sởi. Tử vong chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi với nguyên nhân chủ yếu là viêm phổi, đôi khi là viêm não.

Trẻ em là đối tượng nhiễm bệnh dễ dàng và có thể xuất hiện những biến chứng nặng nề. Trẻ sinh ra từ những người mẹ đã bị bệnh sởi trước đây sẽ được miễn dịch thụ động do mẹ truyền cho trong vòng 6-9 tháng.

Bệnh rất nguy hiểm ở trẻ nhỏ và trẻ suy dinh dưỡng, ở những trẻ này có thể kèm theo ban xuất huyết, ruột không hấp thụ được protein, viêm tai giữa, mất nước, tiêu chảy, nhiễm khuẩn nặng ngoài da. Những trẻ được nuôi dưỡng kém thì bệnh sởi sẽ làm cho nhanh chóng biến thành suy dinh dưỡng cấp tính, nếu kèm theo thiếu vitamin trầm trọng có thể làm trẻ bị mù.

Sự lây nhiễm của bệnh sởi do virut từ những giọt nước bọt li ti của người bệnh bắn ra khi nói và người lành hít phải khi tiếp xúc, do vậy bệnh rất dễ lây thành dịch.

Biểu hiện bệnh

Biểu hiện với các triệu chứng lúc đầu chỉ sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn hoặc có rối loạn tiêu hóa. Sau đó bệnh nhân sốt cao 39 - 40 độ C, có thể lên đến 41 độ C, kèm theo nhức đầu, đau mỏi cơ khớp, ho, hắt hơi, chảy  nước mũi, nước mắt, nhiều dử mắt, tiêu chảy, khám họng có thể thấy những chấm trắng nhỏ nổi trong niêm mạc má màu đỏ, xung huyết.

Khám cho bệnh nhi mắc sởi tại khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Tiếp đó là giai đoạn phát ban, trẻ vẫn sốt cao 40 độ C, ban mọc theo trình tự, bắt đầu ở vùng đầu, trán, sau tai sau đó lan xuống mặt, gáy, lưng, tay, chân ( kéo dài 3 - 4 ngày).

Đặc điểm ban sần màu hoa đào, hơi nổi trên da, sờ có cảm giác mịn như nhung, có thể mọc rải rác hay dính liền với nhau thành từng đám tròn, giữa các ban là khoảng da lành, khi ấn lên các ban biến mất.

Trong thời kỳ ban mọc, các triệu chứng này sẽ giảm dần khi ban bắt đầu bay, ban sởi sẽ bay theo thứ tự như khi mọc (đầu, tay, chân), sau khi bay hết còn để lại vết thâm có tróc da mỏng, mịn kiểu bụi phấn hoặc vẩy cám. Những chỗ da thâm của ban lặn xen lẫn da lành tạo nên màu da loang lở gọi là dấu hiệu “Vằn da hổ”, lúc này trẻ hết sốt, ăn được sức khỏe hồi phục dần, nếu không có biến chứng.

Dưới đây là hướng dẫn chăm sóc và phòng bệnh sởi cho trẻ của Thạc sĩ Nguyễn Văn Lâm - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương:

Phòng bệnh cho trẻ

Phòng bệnh chủ động bằng vắcxin:

- Tiêm chủng 2 mũi vắcxin cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

- Tiêm vắc xin phòng sởi cho các đối tượng khác theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Phòng bệnh chung:

- Cách ly bệnh nhân sởi, hạn chế tiếp xúc nguồn bệnh, hạn chế tập trung nơi đông người.

- Người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân sởi, nhân viên y tế cần sử dụng khẩu trang y tế.

- Nâng cao thể trạng, ăn uống dinh dưỡng đủ.

Chăm sóc trẻ bị sởi

- Cho trẻ cách ly, tránh nơi đông người

- Để trẻ nằm trong buồng thoáng khí, đủ ánh sáng.

- Cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ đủ.

- Vệ sinh răng miệng, thân thể cho trẻ, giữ ấm khi trời lạnh, tránh tập tục kiêng nước, kiêng gió.

- Nhỏ mũi, mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý 9% hoặc dung dịch nhỏ mắt mũi 3-4 lần/ngày.

- Cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu. Tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng, các thức ăn giàu vitamin đặc biệt là vitamin A

- Cho trẻ uống đủ nước, ORS hoặc nước hoa quả. Khi trẻ tiêu chảy cho trẻ bú nhiều hơn, chú ý bù đủ nước và điện giải.

- Chườm ấm khi trẻ sốt nhẹ, uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao.

- Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.

- Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu sốt phát ban dạng sởi để được khám và điều trị kịp thời.

Sởi là một bệnh dễ lây qua đường hô hấp, nếu trẻ chưa có miễn dịch với sởi lại tiếp xúc với trẻ mắc sởi thì nguy cơ lây bệnh rất cao. Vì thế, nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh nào đó trong đó có cả mắc sởi, người dân nên khám trước ở tuyến cơ sở chứ không nên đi thẳng lên bệnh viện tuyến Trung ương để có được hướng dẫn điều trị hợp lý, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện.

Thảo Vy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm