Chỉnh trang Hồ Gươm: Nên tìm lại không gian cũ

05/07/2016 06:40 GMT+7 | Hà Nội ngày nay

(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ UBND thành phố Hà Nội về các phương án chỉnh trang cảnh quan quanh Hồ Gươm đang nhận sự quan tâm lớn từ dư luận. Sau rất nhiều năm, đây là lần đầu tiên khu vực này được tổ chức cải tạo một cách quy mô và đồng bộ.

Những dự án trước đó như chỉnh trang tháp Rùa, dựng tượng Lý Công Uẩn hay thậm chí là thay đá vỉa hè quanh hồ… cũng đồng nghĩa với việc chỉ tiếp cận quần thể không gian này ở một bộ phận cấu thành.

Không còn là “ý tưởng”

Thông báo số 212 của UBND Hà Nội cho biết: theo yêu cầu của lãnh đạo Thành phố, tới 10/7, toàn bộ các nghiên cứu thiết kế đang triển khai về chỉnh trang cảnh Hồ Gươm cần được tổng hợp để trình phê duyệt, cũng như đưa ra lấy ý kiến chuyên gia trước khi hoàn thiện.

Trước mắt, lãnh đạo thành phố đồng ý về hướng tiếp cận của một số nghiên cứu thiết kế này, đồng thời yêu cầu tiếp tục bổ sung một số vấn đề liên quan.

Đặc biệt, ngoài các công trình công cộng, theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, các tuyến phố quanh Hồ Gươm sẽ được cải tạo mặt đứng (thay vì can thiệp sâu vào thiết kế hiện có). Các yếu tố cần được nghiên cứu chỉnh trang bao gồm màu sơn, hệ thống cửa, mái, ô văng, ban công, lan can, hoa sắt, sân, cổng, tường rào…


Chỉ cần chỉnh trang, những ngôi nhà Pháp cũ trên phố Đinh Tiên Hoàng sẽ có sức hút lớn về thẩm mỹ và du lịch. Ảnh: Thiên Thạch - vnphoto.net

Dự kiến, sau khi thiết kế chi tiết cho các mặt phố này được hoàn thành và phê duyệt, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm sẽ tiến hành vận động các chủ công trình dỡ bỏ những phần mái vẩy, mái che sai quy định, đồng thời tiến hành chỉnh trang mặt tiền nhà theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Phần triển khai lắp đặt lại hệ thống mái che, mái vẩy và treo hoa trang trí tại mặt tiền nhà sẽ do chính quyền hỗ trợ.

Riêng các thiết kế biển hiệu, biển quảng cáo vẫn do người dân thực hiện và trình phê duyệt theo những quy định hiện có về kích cỡ, vị trí.

Cần nói thêm, trong 15 năm qua, khá nhiều ý tưởng về chỉnh trang, cải tạo Hồ Gươm đã đưa ra, trong đó có cuộc thi do chính UBND Hà Nội tổ chức vào 2008. Tuy nhiên, sau khi công bố kết quả vào năm 2009, các đồ án được giải cũng chưa được triển khai.

Theo giới chuyên môn, bên cạnh những lý do khách quan, việc các đồ án đề nghị “can thiệp sâu” vào những công trình xây dựng hiện có quanh Hồ Gươm theo hướng đập bỏ để xây lại hoặc cải tạo chức năng sử dụng cũng là điều khó khả thi, do giá đất tại đây quá cao. Bởi vậy, ở thời điểm này, việc chỉ chỉnh trang phần mặt tiền của các khối nhà quanh Hồ Gươm là một giải pháp hợp lý và khả thi.

Nên tìm lại “không gian cũ”

“Tôi hiểu cái khó chung của thành phố, khi đất tại đây luôn là đất vàng. Nhưng trong việc chỉnh trang các mặt phố, chúng ta cũng nên tiến hành ở mức tốt nhất có thể. Để rồi khi tạo hiệu ứng cao và được toàn xã hội quan tâm, việc huy động nguồn lực để tiếp tục đầu tư hoàn thiện hơn cho không gian Hồ Gươm sẽ trở nên thuận lợi”– KTS Hoàng Thúc Hào nói.

KTS Hoàng Thúc Hào chính là tác giả của đồ án thiết kế cảnh quan Hồ Gươm từng đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) năm 2009. Như lời anh, có tới già nửa các công trình quanh hồ hiện đang giữ chức năng trung tâm thương mại hoặc trụ sở cơ quan. Phần còn lại là những nhà dân, với kiến trúc hầu hết mang phong cách từ thời Pháp thuộc.

“Với những căn nhà có kiến trúc Pháp cũ, chúng ta nên chỉnh trang theo hướng tìm về thiết kế ban đầu, nghĩa là mang phong cách đầu thuộc địa hoặc Tân cổ điển. Thực tế, các dự án tương tự từng được triển khai tại phố Tạ Hiện hoặc Lãn Ông đã cho thấy hiệu quả tương đối tốt về hiệu ứng thẩm mỹ, cũng như thu hút khách du lịch” – nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế góp ý về dự án đang được nghiên cứu.

Từng nhiều năm nghiên cứu về kiến trúc Pháp cũ, Trần Hậu Yên Thế cho biết, việc “giải mã” kiến trúc cũ của các ngôi nhà Pháp quanh Hồ Gươm không phải quá khó khăn, dù đã bị biến dạng ít nhiều theo thời gian.

Điều đáng nói, khi cải tạo mặt tiền nhà, các yêu cầu về màu sắc, chất liệu, thiết kế mẫu… cần được quy định thật chi tiết để làm “chuẩn” bắt buộc. Nếu chuẩn bị tốt về vật liệu, việc chỉnh trang các ngôi nhà Pháp cũ theo phong cách truyền thống cũng không đòi hỏi quá lớn về kinh phí.

“Chẳng hạn, các ngôi nhà này khi xưa thường được quét vôi ve. Màu sắc chủ đạo là gam màu vàng ấm để tương thích với khí hậu có độ ẩm cao và nhiều mây mù của Hà Nội. Phần vữa xây nhà hoặc đắp thành họa tiết thường có độ dẻo cao vì sử dụng thêm mật mía và bột giấy, chứ không cứng như xi măng. Những trường hợp này đều có thể triển khai bằng các vật liệu xây dựng “giả cổ”. Riêng phần lan can sắt và hoa văn thì hơi đặc biệt về loại phôi sắt từng được sử dụng, nhưng chúng ta có thể khắc phục bằng các loại sắt nhập từ Thái Lan” – nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nói.

Về việc khôi phục “không gian cũ”, KTS Hoàng Thúc Hào khẳng định: “Tôi cũng tán thành với việc tìm lại phong cách kiến trúc cũ và màu sơn vàng ấm cho các công trình từ thời Pháp. Nhưng, cũng đừng vì thế mà chúng ta lại máy móc… sơn vàng lên các công trình xây dựng muộn, mọc lên quanh Hồ Gươm từ 1950 tới nay. Trước mắt, có thể nghiên cứu bố trí hệ thống dây leo xanh phủ lên mặt tiền của các kiến trúc này để giảm bớt sự nặng nề sẵn có, đồng thời tạo thêm không gian xanh quanh Hồ Gươm”.

Nên quản lý biển hiệu quảng cáo thế nào?

“Riêng với các biển hiệu quảng cáo, phía quản lý nên nghiên cứu yêu cầu sử dụng chất liệu gỗ và sắt như thời trước, thay cho việc lạm dụng mica hay đèn neon. Ngoài ra, cũng nên phân tích kĩ cho các hộ kinh doanh. Ở thời điểm thương mại điện tử phát triển như hiện nay, biển quảng cáo tại những khu vực trung tâm cũng không nhất thiết phải thật to mới hiệu quả” - nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho biết.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm