Cha mẹ là bạn đồng hành giúp con trẻ vượt qua đại dịch Covid-19

20/05/2021 13:57 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Động viên, lắng nghe, quan tâm, yêu thương là những cách cha mẹ có thể giúp con trẻ vượt qua căng thẳng và lo âu khi sống giữa đại dịch COVID-19.   

Bố mẹ không hòa thuận gây hại cho sức khỏe con trẻ

Bố mẹ không hòa thuận gây hại cho sức khỏe con trẻ

Sống trong cảnh bố mẹ ly thân hoặc ly hôn khiến sức khỏe của những đứa trẻ bị tổn hại trong thời gian dài, thậm chí là nhiều thập kỷ, ngay cả khi khôn lớn.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang lây lan với tốc độ chóng mặt, trẻ em tại nhiều nơi trên thế giới phải nghỉ học, không được ra khỏi nhà vui chơi để đảm bảo an toàn. Do phải thay đổi nếp sinh hoạt, ở trong nhà nhiều ngày, không ít trẻ có dấu hiệu bị trầm cảm (stress) như bám dính cha mẹ hoặc xa lánh người thân, khóc nhiều, buồn bã, giận giữ, căng thẳng, lo âu, khó tập trung… Trong thời gian khó khăn này, trẻ rất cần tình yêu và sự quan tâm từ người lớn.   

Theo khuyến nghị của Hiệp hội tâm lý học đường Mỹ (NASP), các bậc phụ huynh cần giải thích cho con trẻ về bản chất của đại dịch COVID-19 và cách bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh bằng những ngôn từ dễ hiểu. Những thông tin chính xác về dịch bệnh từ cha mẹ sẽ cho các em nhỏ cảm giác yên tâm và bớt lo lắng, hoảng sợ. Cha mẹ có thể giúp trẻ hình thành những suy nghĩ tích cực về phòng chống dịch hay hiểu đúng về giãn cách xã hội.

Chú thích ảnh
Đưa trẻ đến lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Ví dụ, cha mẹ có thể nói với con cái rằng việc ở nhà trong mùa dịch bệnh là cơ hội để trẻ có nhiều thời gian ở gần những thành viên trong gia đình, hoàn thành các bức vẽ hay trò chơi lắp ghép, đoán ô chữ… Trẻ cũng cần hiểu được rằng ở nhà là cách tốt nhất và dễ nhất giúp bảo vệ bản thân, phòng tránh dịch bệnh.   

Một điều quan trọng các bậc cha mẹ lần lưu ý là trẻ có thể ham mê qua mức tivi và các phương tiện giải trí điện tử (như chơi games, lướt web, lên mạng xã hội…) khi phải ở nhà qua mùa dịch. NASP cho rằng trẻ em có thể biểu lộ cảm xúc lo âu, căng thẳng và bối rối khi tiếp xúc với những thông tin phức tạp, đa chiều và thậm chí là sai lệch về dịch bệnh COVID-19 trên mạng xã hội. Những luồng thông tin không đúng đắn này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự nhận thức của trẻ. Chính vì vậy, cha mẹ cần phải chủ động điều chỉnh thời lượng xem tivi cũng như sử dụng thiết bị điện tử của trẻ một cách hợp lý và khi cần thiết phải giải thích cho trẻ thông tin trên mạng đó là đúng hay sai.   

Trong trường hợp trẻ học trực tuyến khi ở nhà, bố mẹ nên tìm hiểu về cách tổ chức học trực tuyến của nhà trường, giúp trẻ cài đặt và đăng nhập vào các ứng dụng học online cho đến khi thành thạo cũng như giữ liên lạc với giáo viên của trẻ để kịp thời trao đổi thông tin về việc học tập. Ngoài giờ học online, trẻ cũng nên được giao tiếp với bạn bè hoặc người thân qua các ứng dụng trò truyện video để không cảm thấy cô đơn hay buồn chán.   

Việc trường học, công viên, địa điểm tập thể dục hoặc những địa chỉ vui chơi giải trí phải đóng cửa do giãn cách xã hội sẽ khiến trẻ em buồn chán vì phải “chôn chân” trong nhà. Thực tế cho thấy việc tuân theo những thời gian biểu cố định có thể giúp trẻ em cảm thấy yên tâm, dễ chịu và tự giác hơn khi ở nhà. NASP khuyên các bậc phụ huynh nên giúp trẻ chủ động sắp xếp và quản lý thời gian biểu một cách hợp lý.

Thời gian biểu này nên kết hợp một cách khoa học việc học trực tuyến với những hoạt động vui chơi giải trí bổ ích khác trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ như đọc sách, nghe nhạc, chơi cờ, vệ sinh cá nhân, làm việc nhà… Phụ huynh nên lưu tâm đến việc cho trẻ tự chọn những bộ phim, trò chơi hoặc những cuốn sách mà trẻ ưa thích bởi quyền được lựa chọn có thể mang lại cho trẻ cảm giác thoải mái và tự chủ. Khi có thời gian, cha mẹ cũng nên trò chuyện, đọc sách, tập thể dục và vui chơi cùng trẻ để tăng sự gắn kết, đồng thời nên tôn trọng không gian và sự riêng tư của trẻ trong gia đình.   

Đại dịch COVID-19 gây ra sự xáo trộn quá lớn trong mọi mặt của đời sống xã hội toàn cầu, đặc biệt là xáo trộn về tâm lý con người mà trẻ em - với tâm hồn non nớt của mình - sẽ là đối tượng dễ bị tác động tiêu cực nhất. Học viện tâm lý trẻ em Mỹ nhận định rằng trong thời điểm dịch bệnh này, trẻ em rất cần tình yêu, sự quan tâm và gần gũi của cha mẹ để thích ứng với việc phải ở trong nhà do giãn cách xã hội.

Trẻ em rất nhạy cảm khi tiếp nhận tín hiệu cảm xúc (vui, buồn, lo âu, chán nản, sợ hãi…) của người lớn nên các bậc phụ huynh cần kiểm soát sự lo lắng và cảm xúc của mình để tránh ảnh hưởng đến cảm giác an toàn của trẻ. Cha mẹ chính là người đồng hành tốt nhất và cần nhất của con cái trong mọi thời điểm quan trọng của cuộc đời, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn của đại dịch COVID-19.

Nhật Minh/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm