Các 'phi hành gia dưới lòng đất' đã tìm thấy giống người mới ra sao?

12/09/2015 05:36 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Các tảng đá với cạnh sắc nhọn cứa vào người Steven Tucker, khi anh lách qua một khe nứt, nằm sâu trong một cái hang ngầm dưới lòng đất. Lúc bước sang đầu bên kia, vào một khoang rỗng lớn, chiếc đèn buộc trên đầu anh đã rọi sáng một mẩu xương. Rồi anh nhìn thấy thêm nhiều mẩu xương nữa, trước khi thấy một nửa hộp sọ...

Đó là đêm ngày 13/9/2013, ở Nam Phi, và Tucker cùng người bạn chuyên thám hiểm hang động của anh không hề biết rằng họ vừa phát hiện các di cốt thuộc về một thành viên hoàn toàn mới, trong cây phả hệ của loài người.

Không ngại hiểm nguy vì muốn phát hiện điều mới mẻ

Các nhà khoa học đã thông báo về phát hiện mới này trong ngày 11/9, với sự hiện diện của Tucker. Tại sự kiện, Tucker cho biết anh chỉ vô tình tìm thấy các mẩu xương, khi tránh đường người bạn thám hiểm hang động cùng mình là Rick Hunter.

Anh lách sang bên, đi theo một cung đường khác, nhưng vẫn nằm trong kế hoạch, trước khi khám phá khe nứt kể trên, nằm trong một mạng hang động có tên Rising Star. Tucker đã nghe về khe nứt này trước kia. Nhưng dù chui xuống hang Rising Star hơn 20 lần, anh vẫn chưa từng để tâm tới khe nứt, hay nghe tin nói có ai đã thám hiểm nó.


Tucker (phải) trong buổi họp báo về sự kiện phát hiện loài Homo naledi

Lần đó, Tucker chiếu đèn xuống khe nứt tối om và không thể biết nó sẽ dẫn tới đâu. Anh chỉ biết rằng có ít nhất một người thám hiểm hang động cũng từng ngó xuống nơi này và quyết định rằng nó quá nguy hiểm, nên không thể tiếp tục khám phá.

Tucker không dễ dàng bỏ cuộc như thế. Anh dùng dây từ từ hạ mình xuống khe nứt để xem có gì chứa trong nó.

"Thật thú vị nếu tìm thấy thứ gì đó mới mẻ" - Tucker, giờ đã 27 tuổi, cho hãng tin AP biết khi được hỏi rằng vì sao anh lại chấp nhận mạo hiểm.

Tucker đã đi theo khe nứt, theo hướng sâu dần xuống lòng đất, trên một quãng đường dài khoảng 12 mét. "Khe nứt đó rộng 18 mét, đầy đá với cạnh sắc nhọn, châm vào người bạn từ tứ phía. Rồi đột nhiên ở dưới đáy, khe nứt lại dẫn tới một khoang rỗng lớn, với các nhũ đá rất ấn tượng treo trên trần" - Tucker kể.

Những "phi hành gia dưới lòng đất"

Khu vực bãi cỏ rộng 50.000 ha thuộc vùng Magaliesburg, nơi hai người đang tiến hành khám phá ở phía bên dưới, đã được ghi nhận là Cái nôi của nhân loại Maropeng. Nơi này có một mạng lưới hang động khổng lồ và giới nghiên cứu đã tìm thấy ở đây gần 40% hóa thạch của vượn người Hominidae, theo thông tin từ Đại học Witwatersrand ở Johannesburg, Nam Phi.


Một trong số rất nhiều mảnh xương được tìm thấy tại khoang rỗng Dinaledi

Nhưng các mẩu xương nằm trong khoang rỗng kể trên chưa từng được ai phát hiện, cho tới khi Tucker bước vào. Bên trong khu vực hiện được gọi bằng cái tên khoang rỗng Dinaledi, ngọn đèn gắn trên đầu Tucker đã chiếu sáng những khối đá trắng tinh khiết.

Tucker và Hunter rất hứng thú muốn khám phía địa hình hang động mới nằm trong khoang Dinaledi. Thế rồi họ nhìn thấy các mẩu xương nằm rải rác trong lòng khoang rỗng này. "Khi ấy chúng tôi chẳng biết mình đã tìm thấy gì. Điều khiến chúng tôi hứng thú là có khá nhiều xương. Câu hỏi được đặt ra là loài vật nào lại có thể vào trong khoang rỗng, khi họ không hề có ánh sáng và thiết bị bảo vệ như chúng tôi?"

Nhìn vào hàm dưới còn khá nguyên vẹn của hộp sọ, Tucker và Hunter biết rằng họ đã tìm thấy thứ gì đó gần giống với con người. Nhưng do pin của máy ảnh đã hết nên một tuần sau họ mới trở lại hang lần nữa rồi chụp ảnh những gì mình đã phát hiện.

Tiếp đó, họ gửi các bức ảnh tới cho nhà địa chất Pedro Boshoff, người báo tin về sự việc cho nhà nghiên cứu hóa thạch Lee Berger - nhân vật đang lãnh đạo hoạt động phát hiện loài Homo naledi. Chỉ khi Tucker và Hunter nhìn thấy phản ứng phấn khích của Berger, họ mới biết phát hiện của mình lớn như thế nào.

Tại cuộc họp báo về sự phát hiện Homo naledi, khả năng là một loài mới thuộc tông Người, Tucker đã được tôn vinh cùng những người thám hiểm hang động khác, đã tích cực sục sạo dưới lòng đất ở khu vực Cái nôi của nhân loại Maropeng trong 2 năm trời. Berger đã gọi những con người can đảm và tràn đầy nhiệt huyết này là các "phi hành gia dưới lòng đất" - một sự ca ngợi xứng đáng dành cho họ.

Phát hiện giúp làm sáng tỏ quá trình tiến hóa của loài người

Tổng cộng đã có hơn 1.500 mảnh xương, thuộc về 15 người Homo naledi, được khai quật trong khoang rỗng Dinaledi, nằm tại một hang động ở tỉnh Gauteng, Nam Phi.

Khi đứng thẳng, giống người này có chiều cao 1,5m, tức đã to lớn hơn so với phần lớn các loài người nguyên thủy khác. Đôi chân người Homo naledi dài nhưng nhỏ, cho thấy loài này có trọng lượng không lớn, chỉ khoảng 40kg.

Người Homo naledi có phần đầu nhỏ, làm não cũng bị nhỏ theo và chỉ lớn hơn một chút so với loài tinh tinh. Điểm đáng chú ý là họ có cấu tạo tay, chân giống với loài người hiện đại một cách đáng kinh ngạc. Các nhà khoa học tin rằng việc phát hiện ra loài Homo naledi sẽ giúp làm sáng tỏ quá trình tiến hóa của loài người.

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm