Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận trách nhiệm về các vụ tai nạn đường sắt

28/05/2018 21:24 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước, thành thật xin lỗi các gia đình có nạn nhân bị tai nạn giao thông đường sắt trong thời gian vừa qua.

Đồng thời, vị Tư lệnh ngành giao thông cũng chịu trách nhiệm trước toàn ngành giao thông vận tải trong đó có đường sắt.

Khẳng định của Bộ trưởng Thể được đưa ra tại cuộc họp về công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt vào chiều tối nay (28/5) tại Bộ Giao thông Vận tải.

Theo Bộ trưởng, an toàn giao thông là nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành giao thông, ngoài nhiệm vụ xây dựng hạ tầng nhằm phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo an toàn cho người dân.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước về các vụ tai nạn giao thông đường sắt vừa qua

“Tình hình tai nạn giao thông vẫn còn diễn biễn phức tạp. Nhiều năm qua dù đã được kiềm chế nhưng thời gian gần đây an toàn giao thông đường sắt có diễn biễn hết sức phức tạp. Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận hệ thống hạ tầng giao thông yếu kém đặc biệt là đường sắt, công tác điều hành hoạt động vận tải đường sắt thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Một số vụ việc xảy ra chưa nghiêm trọng nhưng cảnh báo an toàn giao thông đường sắt có vấn đề,” ông Thể chỉ rõ thực tế.

Thừa nhận những sự cố tai nạn giao thông đường sắt có lỗi nguyên nhân chủ quan rất lớn từ chủ thể là cán bộ công nhân viên đường sắt. Sự cố này ảnh hưởng uy tín ngành giao thông, Bộ trưởng Thể cho rằng, 4 ngày xảy ra liên tiếp 4 vụ tai nạn giao thông đường sắt gây hậu quả kinh tế lớn, thiệt hại về.

“Người dân, bà con sắp tới đi ngành đường sắt sẽ nghĩ gì? Đây là lỗi chủ quan của ngành đường sắt dù có quy chuẩn, quy định quy trình vận hành nhưng chỉ cần vận hành lơ là 2 đoàn tàu đụng nhau trong ga dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về chi phí sửa chữa,” người đứng đầu ngành giao thông nói.

Bộ trưởng cũng truy hỏi trong thời gian qua Cục Đường sắt Việt Nam với vai trò là quản lý Nhà nước đã làm gì? Thanh tra Cục Đường sắt làm gì để đảm bảo an toàn đường sắt ở các ga? Tai nạn giao thông xảy ra ở đâu thì trách nhiệm của Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đều liên quan.

Tạm đình chỉ công tác 3 nhân viên đường sắt tại ga Núi Thành, Quảng Nam

Tạm đình chỉ công tác 3 nhân viên đường sắt tại ga Núi Thành, Quảng Nam

Việc tạm đình chỉ công tác 3 cán bộ đường sắt này nhằm làm rõ nguyên nhân để xảy ra vụ va chạm giữa hai tàu hàng ký hiệu ASY 2 và 2469, xảy ra vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 26/5.

“Bộ Giao thông Vận tải đã có Công văn chỉ đạo nhưng vẫn xảy ra tai nạn đường sắt thì nguyên nhân, trách nhiệm ở đâu? Bộ hoàn toàn chịu trách nhiệm vì yếu kém của đường sắt thì các lãnh đạo Bộ, các đơn vị Cục, Vụ và VNR phải chịu trách nhiệm nhưng phải tìm gốc rễ những vụ việc này sai ở chỗ nào để khắc phục và sửa chữa,” Bộ trưởng đưa ra cảnh báo.

Chưa dừng lại, Tư lệnh ngành giao thông tiếp tục đặt ra hàng loạt câu hỏi như nguyên nhân nào để xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường sắt (cả khách quan và chủ quan)? Tại sao không xảy ra dồn dập mà mấy ngày qua lại liên tiếp? Tổ chức, cá nhân hay cơ quan nào không đúng quy trình hoặc nếu quy trình sai sao không có kiến nghị sửa đổi? Giải pháp trước mắt và lâu dài để chấn chỉnh đảm bảo an toàn giao thông đường sắt đặt ra là gì? Nếu xảy ra thì xử lý như thế nào?

Bộ trưởng chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải nghiêm túc kiểm điểm nội bộ từ Chủ tịch Hội đồng thành viên đến cán bộ, công nhân viên ngành đặc biệt liên quan các vụ tai nạn đường sắt vừa qua đồng thời rà soát kiểm tra kỹ các nguyên nhân dẫn đến tai nạn.

“Vi phạm thì nguyên nhân vì sao, có phản ứng kịp thời không, những vụ nào công an vào cuộc thì chờ kết luận điều tra còn nội bộ Tổng công ty Đường sắt cần làm khẩn trương, trước mắt tạm đình chỉ công tác cá nhân liên quan để có thời gian suy ngẫm về trách nhiệm công việc thời gian qua và giám sát thực hiện nghiêm túc,” ông Thể yêu cầu.

Nhấn mạnh tình hình tai nạn giao thông đường sắt kéo dài thì uy tín Tổng công ty Đường sắt sẽ bị ảnh hưởng, do đó, theo Bộ trưởng Thể, các cá nhân phải có trách nhiệm với Nhà nước và xã hội, mọi hoạt động phải đi vào khuôn khổ.

“Bộ Giao thông Vận tải không bao che cho các đồng chí không làm tròn trách nhiệm, vi phạm và không hoàn thành nhiệm vụ,” Bộ trưởng quả quyết.

Là đơn vị xảy ra các vụ tai nạn đường sắt liên tiếp mấy ngày gần đây, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) nhìn nhận, tai nạn giao thông đường sắt tuy giảm nhưng vẫn còn cao và chưa có tính bền vững. Tai nạn chủ yếu xảy ra ở cac vị trí giao cắt giữa đường sắt và đường bộ.

Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt đó là kiểm tra giám sát các quy định, quy trình; giám sát lẫn nhau giữa các chức danh trong công tác chạy tàu; xử lý nghiêm vi phạm gắn trách nhiệm người đứng đầu; nghiên cứu lắp cần chắn tự động thay cần chắn người gác; lắp chống trật bánh toa xe hàng; cải tạo kết cấu hạ tầng chạy tàu, xử lý các điểm đen tai nạn; quy chế phối hợp với địa phương về xóa các lối đi tự mở…

“Tổng quan tai nạn giao thông đường sắt có giảm 3 năm nhưng tăng đột biến trong mấy ngày qua và tiềm ẩn nguyên nhân chủ quan vẫn lớn. Chủ tịch Hội đồng thành viên và lãnh đạo VNR xin nhận trách nhiệm và chịu mọi hình thức kỷ luật với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải,” ông Minh cho biết.

Vụ lật tàu ở Thanh Hóa: Khởi tố bị can hai nhân viên gác chắn

Vụ lật tàu ở Thanh Hóa: Khởi tố bị can hai nhân viên gác chắn

Theo đó, hai bị can bị khởi tố là Nguyễn Văn Hùng (35 tuổi) và Phạm Văn Vui (40 tuổi), thường trú tại thôn Khoa Trường, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 360, Bộ luật Hình sự. Công an tỉnh Thanh Hóa cũng thực hiện lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với hai bị can này để phục vụ điều tra.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm