Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Điều tra, làm minh bạch nguyên nhân tăng giá nước sạch

14/11/2019 11:59 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 14/11, trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp thứ 8 về thông tin trong mức giá nước 10.246 đồng/m3 (giá nước hiện hành 7.000/m3) tạm tính của Nhà máy nước mặt sông Đuống có khoảng 2.003 đồng là trả lãi vay của nhà đầu tư, các đại biểu Quốc hội cho rằng cách lý giải này “rất khó chấp nhận” và cần phải xem xét lại.

Vụ nước sạch Sông Đà nhiễm dầu: Hà Nội rút kinh nghiệm để ứng phó kịp thời hơn

Vụ nước sạch Sông Đà nhiễm dầu: Hà Nội rút kinh nghiệm để ứng phó kịp thời hơn

Ngày 4/11, tại phiên họp của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội giải trình việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Liên quan đến sự cố Nhà máy nước Sông Đà (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà), ngay khi biết thông tin về sự cố, thành phố đã kịp thời vào cuộc.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phân tích: Có thể Nhà máy nước mặt sông Đuống đã vay vốn với lãi suất cao và như vậy đầu vào không hề hợp lý. Dịch vụ cung ứng nước sạch là một loại dịch vụ công, khi chọn một sản phẩm đầu ra cuối cùng phải là chất lượng, môi trường, giá thành hợp lý, nếu rẻ nhất càng tốt và không được để thất thoát.

Nói về việc Nhà máy nước mặt sông Đuống đặt vấn đề tăng giá nước trong thời điểm vừa xảy ra vụ đổ trộm dầu thải vào nguồn nước sông Đà đang còn nhiều nghi vấn chưa được làm rõ, đại biểu Sinh cho rằng như vậy là không hợp lý. “Người dân chỉ biết rằng một mét khối nước sạch đạt tiêu chuẩn thì hết bao tiền và giá đó không thể đứng cao hơn mặt bằng chung. Nếu tăng thì anh phải có lý giải thuyết phục và minh bạch", đại biểu Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng trong mặt bằng chung hiện nay giá nước sạch chỉ 7.000 đồng/m3 mà Nhà máy nước mặt sông Đuống lại tăng thêm hơn 3.000 đồng/m3 là quá cao, phải có giải thích hợp lý và để người dân giám sát mới khách quan và công bằng. Người dân phải trả tiền cho các dịch vụ đó thì nhà máy phải cung cấp thông tin, đặc biệt là các danh mục đầu tư công hoặc các dịch vụ công mà Nhà nước xã hội hóa.

Chú thích ảnh
Người dân dùng mọi vật liệu để lấy nước tại Nhà máy nước Hạ Đình. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Đại biểu tỉnh Quảng Trị cảnh báo, giá nước sạch không minh bạch sẽ dễ xảy ra nhiều bất cập khiến người dân không tin tưởng. Trước nhiều thông tin chưa rõ ràng về sự cạnh tranh không lành mạnh trong câu chuyện tăng giá nước sông Đuống, đại biểu cho rằng phải mời cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để làm rõ thông tin cũng như cách tính giá nước chứ không phải là chỉ bàn về khía cạnh kinh tế, kỹ thuật, môi trường, phải thông tin cho người dân để tạo sự đồng thuận.

Còn theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), tăng giá nước hay không là việc các doanh nghiệp phải tính toán lại và không nên đề cập trong thời điểm nhạy cảm này. Trước nhiều thông tin nghi ngờ có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, đại biểu cho rằng các cơ quan quản lý, kể cả thành phố Hà Nội, phải có trách nhiệm làm rõ điều đó.

Nghi vấn về đường đi lòng vòng của những chiếc xe chở dầu thải đổ vào nguồn nước sông Đà, đại biểu Nguyễ Anh Trí đề nghị phải điều tra nghiêm túc, vì không tự nhiên lái xe lại đi lên, đi xuống như vậy. “Tôi cũng nghi ngờ có khuất tất trong việc tìm chỗ để đổ dầu vào nguồn nước sông Đà. Trong đầu người mang dầu đi đổ phải có sự tính toán. Trong đó không loại trừ có thể có mục đích hạ bệ nhau, nhưng mà tôi không dám kết luận mà công an cần phải làm rõ”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm.

Đỗ Bình/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm