Bắt đầu điều tra nguyên nhân chuyến bay MH370 rơi xuống Ấn Độ Dương

25/03/2014 16:01 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Bí ẩn về chiếc chuyến bay MH370 có thể dần được hé lộ sau khi xác định máy bay đã rơi ở phía nam Ấn Độ Dương. Tuy nhiên với nhóm tìm kiếm, thông báo này mới chỉ là sự bắt đầu cuộc một cuộc điều tra mới.

Công việc của nhóm tìm kiếm chuyển sang quá trình điều tra nguyên nhân máy bay gặp nạn cũng như vị trí mà chiếc Boeing 777 nằm lại dưới đáy biển.

Quân đội Australia tham gia tìm kiếm chuyến bay MH370 gặp nạn

Ian MacDonald, một giáo sư ở trường Đại học Florida đã mô tả một số công việc quan trọng trong quá trình điều tra chuyến bay MH370. Nhiệm vụ đầu tiên là xác định vị trí tìm kiếm bằng mắt thường, sau đó sử dụng các thiết bị sonar để lập bản đồ khu vực nhằm xác định vị trí có nhiều mảnh vỡ bất thường.

Không loại trừ khả năng nhóm tìm kiếm sẽ phải cử tàu ngầm không người lái xuống đáy đại đương và khoanh vùng những khu vực có thể có các mảnh vỡ. Nhóm tìm kiếm có thể sử dụng thợ lặn cùng với các dụng cụ chuyên dụng nếu có thể.

Tàu ngầm phục vụ cho công tác tìm kiếm Jiaolong là một trong những tàu ngầm nghiên cứu có khả năng lặn sâu nhất thế giới. Trung Quốc từng nói rằng tàu ngầm có người lái này có thể lặn sâu tới hơn 6 km vào năm 2012. Trung Quốc chắc chắn sẽ có đủ khả năng và công nghệ để tìm kiếm các vật thể nằm sâu dưới đáy biển.

Cho đến nay, Trung Quốc là một trong những quốc gia tích cực tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích do có tới 153 hành khách là công dân Trung Quốc và Đài Loan.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc và cũng là Phó Đô đốc John Kirby nói rằng trang thiết bị của Hải quân Mỹ đang trên đường tới Australia để sử dụng trong trường hợp phát hiện vị trí máy bay nằm lại dưới đáy biển.

Máy bay AP3C Orion trong biên chế Không quân Australia

Hệ thống thiết bị tiên tiến của Hải quân Mỹ có khả năng xác định vị trí chiếc hộp đen của máy bay ở độ sâu tối đa 6 km. Bluefin -21 sử dụng sonar để định vị những mảnh vỡ nằm rải rác dưới đáy biển. Thiết bị này có thể hoạt động ở độ sâu lên tới hơn 4 km.

Những công nghệ này tương tự như cách mà các nhà điều tra đã tìm kiếm thành công chuyến bay 447 của Air France biến mất trong khu vực Đại Tây Dương vào năm 2009.

Đăng Nguyễn
Theo CNN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm