Ai về nước Nam cho tôi về với

10/12/2018 07:59 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Câu nói lay động lòng người ấy của Đại danh y Tuệ Tĩnh được khắc trên một tấm bia đá lớn, đặt trang trọng trên hòn non bộ ở sân chùa Giám-Cẩm Giàng, Hải Dương, nơi ông được các nhà sư nuôi cho ăn học từ nhỏ đến khi trưởng thành. Hơn 600 năm đã qua, lời nhắn gửi của ông trước khi qua đời ở phương Bắc vẫn vang vọng nỗi khắc khoải, tình yêu quê hương xứ sở của một người xa xứ.

Bác sĩ Tôn Thất Tùng - Người thầy thuốc làm rạng danh y học Việt Nam

Bác sĩ Tôn Thất Tùng - Người thầy thuốc làm rạng danh y học Việt Nam

Là một bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan, suốt cuộc đời, Giáo sư Tôn Thất Tùng luôn gắn bó với bệnh viện và bệnh nhân.

Tuệ Tĩnh (1330-1400), tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, từ lâu đã được gọi là ông thánh thuốc nam với câu nói nổi tiếng "Nam dược trị Nam nhân", kim chỉ nam cho y học dân tộc nước nhà. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ông được gửi vào chùa, được chăm sóc và cho ăn học. Năm 22 tuổi, ông đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà tiếp tục con đường tu hành, lấy pháp danh là Tuệ Tĩnh, chuyên tâm nghiên cứu y học, đặc biệt là các bài thuốc nam, trị bệnh, cứu người, và nổi tiếng với y thuật của mình.

Ông dày công nghiên cứu các cây thuốc, bài thuốc dân gian, ngoài việc chữa bệnh còn chăm lo đào tạo các học trò, viết sách để truyền bá kiến thức đến mọi người. Ông tổng hợp các nghiên cứu của mình trong các sách Nam dược thần hiệu, Hồng nghĩa giác tư y thư (trong đó có giới thiệu về 500 vị thuốc nam viết bằng thơ Nôm đường luật), bài Phú thuốc nam cũng bằng thơ Nôm ... Những tác phẩm này không chỉ có giá trị y học mà còn là những tác phẩm văn học rất có ý nghĩa.

Chú thích ảnh
Tranh chân dung danh y Tuệ Tĩnh

Năm 55 tuổi, ông bị đưa đi cống sang triều đình nhà Minh. Ở đấy, Tuệ Tĩnh vẫn chuyên tâm và rất nổi tiếng về nghề thuốc, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư. Khi qua đời ở phương bắc, Tuệ Tĩnh đã có lời dặn ghi trên mộ chí của mình như trên.

Năm 1690, nghĩa là khoảng gần ba thế kỷ sau, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đi sứ sang Trung Quốc, thăm mộ Tuệ Tĩnh và nhận ra đại thiền sư là người cùng quê với mình. Rất xúc động với lời nhắn của Tuệ Tĩnh, ông đã sao chép bia mộ và tạc khắc bia đá mang về Việt Nam. Có nhiều câu chuyện lưu truyền ly kỳ liên quan đến tấm bia này. Như chuyện đang mang bia trên đường mang về quê Tuệ Tĩnh thì thuyền chìm, bia rơi xuống nước.

Khi nước cạn, mọi người tìm thì thấy doi đất bia bị chìm giống hình con dao cầu thái thuốc nam. Người dân cho là có sự linh ứng với danh y nên lập đến thờ luôn ở đấy. Từ đấy, đông đảo người dân các vùng đến viếng đền Bia cầu xin sức khoẻ, có ngày đến cả ngàn người.

Chuyện đến tai nhà vua khi ấy là Thiệu Trị. Cho là mê tín dị đoan, vua Thiệu Trị bắt đưa bia về giữ ở tỉnh, rồi ra lệnh đục bỏ hàng chữ ghi trên bia.  Nhưng người dân quê hương Tuệ Tĩnh vẫn bí mật lấy được tấm bia, đem về cất giữ trong tường của ngôi đền... Nhờ đó tấm bia có hàng chữ bị đục bỏ vẫn còn đến ngày nay.

Chúng tôi đã về thăm chùa Giám và đền Bia, hai địa danh gắn bó với tên tuổi đại danh y Tuệ Tĩnh. Chùa Giám còn lưu giữ nhiều tượng, hiện vật và tư liệu quý, một công trình kiến trúc cổ từ đời Lý, được công nhận là di tích quốc gia.

Chú thích ảnh
Chùa Giám

Điểm đặc biệt của chùa là toà Cửu phẩm liên hoa, một công trình độc đáo của đạo Phật, bằng gỗ sáu cạnh, chín tầng, chạm khắc các tượng Phật với các hoạ tiết tinh xảo, hiện còn lại rất ít ở nước ta. Chùa Giám cũng là nơi có tượng thiền sư Tuệ Tĩnh, để tưởng nhớ đến đại danh y, người có nhiều gắn bó và gió nhiều công sức xây dựng chùa. Đây cũng nơi ông nghiên cứu, hành nghề chữa bệnh cho người dân trong vùng cũng như đào tạo nhiều người theo nghề thuốc.

Chú thích ảnh
Tượng Tuệ Tĩnh ở chùa Giám

Đền Bia, cách chùa Giám không xa, cũng là một di tích quốc gia. Sau khi được trùng tu, đền Bia bao gồm các công trình khang trang trên diện tích rộng 4 héc ta; với các khu thờ tự và khu y xá, theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Trong khán thờ có tượng Tuệ Tĩnh bằng đồng, ngồi trên ngai, gần gũi mà trang nghiêm.

Chú thích ảnh
Tượng Tuệ Tĩnh ở đền Bia

Trong đền có treo câu đối ca ngợi công đức của đại thiền sư Tuệ Tĩnh : Hoàng giáp phương danh đằng Bắc địa/ Thánh sư diệu dược trấn Nam bang. (Thi đậu Hoàng giáp tiếng lừng lẫy đất Bắc/Chữa bệnh thần diệu tài quán nước Nam)

Một ngày bình thường, đền Bia vẫn đông khách thập phương tới tham quan , hành lễ kết hợp với chữa bệnh. Trong đền có vườn thuốc, có khu bắt mạch, kê đơn và bốc thuốc- những bài thuốc nhiều thế kỷ trước đây Tuệ Tĩnh đã nghiên cứu, sưu tầm và trị bệnh cứu người khi ông còn sống.

Trong hậu cung, tấm bia hình một cột đá nhỏ, cao 80 cm, rộng 20cm được đặt trang trọng trong tủ kính.

Chú thích ảnh
Tấm bia khắc lời Tuệ Tĩnh ở đền Bia 

Trên mặt tấm bia, hàng chữ khắc lời Tuệ Tĩnh đã bị đục đi, chỉ còn lại những dấu vết, không thể đọc được nữa. Nhưng trăm năm bia đá thì mòn... Dù hơn 600 năm đã qua, và mãi tới mai sau, vẫn luôn vang vọng, lay động trong lòng bao thế hệ cháu con những lời dặn dò nặng tình yêu non nước, quê hương xứ sở của ông, vị đại danh y làm vẻ vang cho nước Việt:

AI VỀ NƯỚC NAM CHO TÔI VỀ VỚI !

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm