Trên những nẻo đường nước Nga: Yêu ở Saint Petersburg

13/07/2018 21:21 GMT+7 | Ký sự World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Khi mặt trời vừa ló qua đám mây, cảnh tuyệt đẹp ấy hiện ra trước mắt tôi: Họ hôn nhau. Đôi trai gái ấy dường như chỉ chờ lúc ấy để cảm thấy họ thực sự thuộc về nhau. Đấy là một lễ đính hôn giản dị nhất tôi đã từng chứng kiến. Không bạn bè, không người thân, chỉ có những người ít ỏi đang ngồi ghế trong công viên ấy và không phải ai cũng biết điều gì vừa xảy ra.

Lễ đính hôn với Pushkin là chứng nhân

Công viên ấy nằm ở Chernaya Rechka, một địa điểm phía Bắc của Saint Petersburg, trong một cánh rừng với màu xanh bất tận của cây và những con đường mòn chằng chịt đi xuyên qua đó. Tượng đài Pushkin là một cây cột đá giản đơn được dựng lên ở giữa cánh rừng, xung quanh là những thảm hoa đẹp lộng lẫy kể cả trong những ngày u ám. Trên cây cột đá có gắn chân dung của ông hoàng thi ca của nước Nga, và ở dưới là dòng chữ giản dị viết năm sinh và năm mất của ông. Aleksandr Pushkin đã bị bắn trọng thương ở đây trong cuộc đấu súng với tay sĩ quan người Pháp Georges D'Anthes trong một ngày lạnh lẽo dưới mưa tuyết tháng 2/1837. Ông được đưa về căn nhà bên con sông Moika ở trung tâm Saint Petersburg và mất sau đó vài ngày. Đấy là một cú sốc nặng nề với không ít người ở thời kỳ ấy. Nhà thơ lãng mạn nhất, người đã làm phong phú tiếng Nga hiện đại, đã chết trong một cuộc đấu súng để bảo vệ danh dự cho mình, khi kẻ si tình kia tìm cách tiếp cận người vợ xinh đẹp của ông, Natalya Goncharova.

Chú thích ảnh
Cột tưởng niệm Pushkin ở Chernaya Rechka, Saint Peterburg, nơi Pushkin đã thách đấu với Georges D'Anthes và bị trọng thương, sau đó mất ở nhà riêng, tháng 2/1837. Ảnh: Anh Ngọc

Và đôi thanh niên kia làm đính hôn ở đây, tại nơi mà một thi sĩ vĩ đại đã ngã xuống, nhưng tình yêu cuộc sống của ông không bao giờ chết, như một lời nhắn nhủ với nhau rằng, dù có thế nào đi chăng nữa, tình yêu của họ cũng sẽ không chết. Một tuyên ngôn lãng mạn và thật đẹp. Hứa hôn ở nơi Pushkin đấu súng có lẽ cũng giống như làm đám cưới ở mộ chàng Romeo và nàng Juliet ở Verona, như một lời nhắn nhủ về tình yêu có thể trở nên bất tử. Những người chết trẻ luôn sống mãi trong tâm hồn, thể xác và sự khao khát sống, khao khát yêu của họ.

Trong cái thế giới đảo điên và đầy bất trắc này, những câu chuyện như thế khiến ta xúc động. Và rồi chính tôi, người lữ khách lãng mạn luôn kiếm tìm những giây phút thăng hoa của một cuộc đời lang bạt trên những cung đường, cũng cảm thấy một tình yêu dâng tràn nơi đáy lòng khi đi theo những lộ trình đã gắn liền với người thi sĩ ở Saint Petersburg lộng lẫy và nguy nga này, từ nơi ông đã sống, đã giao lưu với bạn bè, từ quán văn trên đại lộ Nevsky, nơi ông đã uống những tách cà phê cuối cùng trước khi đi đấu súng ở Chernaya Rechka, và rồi trở về, chết ở nhà mình.

Chú thích ảnh
Một bức tranh đương thời tái hiện cảnh Pushkin bị bắn trọng thương tại Chernaya Rechka

Ở thành phố của những "cánh buồm đỏ thắm"

Gần ga metro Chernaya Rechka có một khu tưởng niệm nhỏ đặc biệt dành riêng cho Pushkin. Một bài thơ được khắc vào đá. Một chiếc ghế sắt có đặt chiếc mũ của nhà thơ. Đấy cũng luôn là nơi hành hương của những người yêu Pushkin trong mỗi dịp Valentine, khi ông mất chỉ cách lễ tình nhân có một tuần. Tôi cứ thế lần theo những dấu chân Pushkin ở Saint Petersburg với những vần thơ tình ông viết vương vấn trong đầu, vốn đã thuộc từ thuở còn đi học, và lớn lên trong sự lãng mạn của thơ ca Nga và văn học lãng mạn Pháp. Để rồi cuối cùng, khi đặt chân đến đây, sau biết bao hành trình trên thế giới để trải đời và lắng đọng mình trong những suy tư về cuộc sống, chứng kiến sự kỳ vĩ của thành phố này, chợt hiểu rằng, những vần thơ ấy không chỉ là về lứa đôi, mà còn là nồng nàn tình yêu cuộc sống, yêu những gì ta đang có, yêu nơi ta đã đến, yêu cả những giấc mơ điên rồ hoang dại của tuổi trẻ.

Chú thích ảnh
Tượng Pushkin tại Saint Petersburg. Ảnh: Anh Ngọc

Đi dọc sông Neva nhìn sang bờ bên kia trong một ngày nắng êm đềm mát rượi, sau khi đã xuôi theo những dòng kênh, mới hiểu làm sao ta có thể không yêu nơi này, nếu một ngày ta đến đây, và rồi cuối cùng ngắm màn đêm bắt đầu buông xuống vào gần nửa đêm, khi những cung điện, nhà thờ, ngọn tháp in trên nền trời, những dòng kênh bắt đầu lung linh ánh điện mờ ảo, các cây cầu mở ra cho tàu lớn đi vào và các đôi tình nhân hôn nhau trên đại lộ Nevsky, trong Vườn mùa hè, hoặc trên vỉa hè của nhà thờ Thánh Isaac.

Tôi đến Saint Petersburg khi những ngày đêm trắng và lễ hội "cánh buồm đỏ thắm" đã qua được một thời gian, nhưng những dư âm của nó vẫn còn ở lại, mãi mãi như thế, bởi Saint Petersburg là một thành phố của tình yêu. Aleksandr Grin đã viết ra ở chính Saint Petersburg này "Cánh buồm đỏ thắm", một thiên truyện tuyệt đẹp và lãng mạn về sức mạnh của những ước mơ vượt lên thực tại, lồng trong câu chuyện của một cô gái mới lớn chờ đợi cánh buồm đỏ thắm và chàng thuỷ thủ sẽ đến với cô một ngày. Mỗi năm, có đến hơn hai triệu người đổ đến đây trong lẽ hội ấy, khi một con thuyền có cánh buồm đỏ thắm thả trôi trên sông Neva và pháo hoa bắn rực đỏ trên bầu trời.

Chú thích ảnh
Yêu bên dòng Neva. Ảnh: Anh Ngọc

Đấy là lễ hội dành cho những học sinh mới tốt nghiệp trung học, và cánh buồm ấy là những hoài bão, ước mơ, tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi đang chờ đợi họ ở phía trước. Hãy yêu lấy những gì đang có, và mơ ước những điều đẹp nhất. Ở thành phố của những "cánh buồm đỏ thắm", thấy chính bản thân mình như được làm mới mẻ bằng những cảm xúc ập đến từ những gì mình đã ngắm, từ không khí mình hít thở, từ những người mình đã gặp, từ những tình yêu mình đã chứng kiến trên mảnh đất bồng bềnh trên mặt nước này. Cứ yêu đời đi và sống lạc quan đi, chân thành hơn, những điều đẹp đẽ và lãng mạn sẽ chờ ta ở phía trước, nhưng thực ra ta cũng yêu cuộc sống này mà chẳng đòi hỏi gì nhiều.

Pushkin và những nhà thơ tình nổi tiếng khác từng sống ở Saint Petersburg, như Anna Akhmatova, đều đã như thế. Họ đã yêu ai đó nhưng trên hết là yêu cuộc sống ở nơi này, dù chính cuộc đời họ cũng đã trải qua biết bao sóng gió, hoặc vì Saint Petersburg, hoặc vì những lý do khác. Ngay cả Dostoevsky, người đã viết những dòng u tối về cuộc đời ở nơi này trong "Tội ác và trừng phạt", hay những tự sự trống trải trong "Đêm trắng" cũng yêu cuộc sống theo cách của riêng mình.

... Tôi ngồi lại một lúc ở đài tưởng niệm Pushkin, sau khi đôi tình nhân đã bỏ đi và mặt trời lại trốn sau mây, khiến cái lạnh lại ùa tới. Ở trên một ghế băng, một phụ nữ trung niên đang ngồi một mình, phải chăng đang suy nghĩ về những gì đã xảy ra trong đời mình, hoặc tự vấn về những mối tình đã qua? Ở một ghế băng khác, một người hoạ sĩ đang vẽ khu công viên. Liệu anh có vẽ cảnh đôi bạn trẻ hôn nhau, vẽ những con chim bồ câu đang rong chơi trên mặt đất và những đoá hoa tươi thắm nở trên đường dẫn đến tượng đài? Tôi đọc lại những vần thơ tình của Pushkin ngày xưa, chính là những dòng thơ đã đưa tôi đến đây, trong một ngày mùa hè lãng mạn của Saint Petersburg. Ngày ấy, trong cảm hứng của những vần thơ ấy, ta đã yêu, bây giờ đang yêu và sau này vẫn sẽ yêu cuộc sống này.

Anh Ngọc (từ Saint Petersburg, Nga)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm