Thư Brazil: Ba lần xem Messi chơi bóng

03/07/2014 15:24 GMT+7 | Ký sự World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Ở Sao Paulo chiều ngày 1/7 là lần thứ ba tôi xem Messi chơi bóng từ cự ly rất gần. Khoảng cách chỉ là một hàng rào nhỏ phân chia khán đài với mặt cỏ.

Sáu năm trước nếu nói rằng chỉ để xem Messi thôi thì không đúng lắm vì Argentina ngày ấy là đội Olympic + 3, đá ở Thế vận hội Bắc Kinh 2008 nhưng có nhiều tài năng xuất chúng như Riquelme, Aguero…  và hơn hết là một tập thể gắn kết, rất đáng xem.

Bốn năm trước ở Nam Phi còn là để xem huyền thoại vĩ đại Maradona dù ông chỉ đứng bên ngoài sân trong chiếc áo vest và thi thoảng mới chạm bóng (để đỡ một đường bóng đi hết biên dọc), vì lúc đó ông đang trong vai HLV.

Còn lần này chỉ để xem Messi, vì Argentina tại Brazil 2014 không phải lúc nào bóng cũng được dồn hết cho Messi, nhưng quả thực là chỉ khi nào Messi cầm bóng, Argentina mới có hy vọng.

Bàn thắng quyết định là của Di Maria với cú cứa lòng chân trái, nhưng pha dọn cỗ ấy ấy là của Messi sau khi anh cầm bóng xộc thẳng vào trung lộ, hút toàn bộ hàng thủ của Thụy Sĩ và công việc còn lại của Di Maria là kết liễu.

Với nhiều cầu thủ khác, pha cứa lòng ấy là không đơn giản, nhưng với những gì Di Maria từng làm ở Real Madrid thì không thể gọi là một pha bóng khó. Vậy mà cũng phải nín thở khi thấy anh co chân. Bởi cả trận, Di Maria chơi không khác gì một bóng ma, đỡ bóng cũng hỏng mà sút bóng cũng lệch tâm.

Khi CĐV nhiệt nhất cũng có phút ngã lòng

Nếu như truyền hình chỉ chiếu được cảnh khoảng 45-50 ngàn CĐV Argentina tạo nên một bầu không khí rực lửa trong trận đấu thì đó chỉ là một nửa sự thật. Còn có nhiều thời khắc mà các CĐV Argentina đã dính chặt vào chiếc ghế ngồi, câm nín nghe các tiếng ồ của các CĐV áo đỏ thích thú đếm số lần chuyền bóng của các cầu thủ Thụy Sĩ mà Argentina không tài nào cắt được.

Nhưng cũng đừng dè bỉu các CĐV Argentina là họ thiếu kiên nhẫn. Tôi chưa từng thấy CĐV ở đâu cuồng nhiệt như họ. Nhưng họ cũng chỉ là con người, không thể không thất vọng trước lối chơi rời rạc và các pha xử lý cá nhân không tương xứng với đẳng cấp World Cup.

Argentina có vẻ như là đội bóng lạc hậu nhất World Cup nếu chúng ta coi việc rê dắt bóng là hiện thân của bóng đá 4-5 thập kỷ trước.

Hãy nhìn rộng khắp World Cup một chút, Hà Lan là đội bóng của tấn công, nhưng họ giờ chơi đủ các  miếng, kể cả bóng dài vượt tuyến để tận dụng tốc độ siêu phàm của Robben. Nhưng một thay đổi đáng nói nhất, là Brazil, đất nước của các chuyên gia rê dắt bóng giờ không có chỗ cho những pha cầm bóng, ngoại trừ một vài vị trí như Neymar. Thay vào đó, Brazil lấy chuyền bóng làm lẽ sống.

Vậy mà ở Argentina, ai cũng có quyền rê dắt như Messi, kể cả các trung vệ. Việc đầu tiên các cầu thủ rgentina làm đầu tiên khi có bóng trong chân là tìm cách qua người, còn ông Sabella hai tay đút túi quần thi thoảng mới ưỡn người lên một chút ra vẻ tiếc nuối.

Chính cách chơi đó làm cho tất cả cùng chơi tệ hơn so với khả năng của họ. Bốn tiền đạo Argentina mang đến World Cup lần này là Higuain, Lavezzi, Aguero và Palacio đã ghi được cả thảy 87 bàn thắng ở mùa vừa rồi nhưng tại Brazil, họ mới chỉ có bảy cú sút trúng đích.  

Vẫn chỉ có một Messi dù chơi một trận không phải xuất sắc nhất kể từ đầu giải đấu, những  vẫn làm được những điều tối thiểu mà người ta trông đợi ở anh, đó là những đường kiến tạo từ phía sau, trong vai trò của một tiền vệ, là những pha cầm bóng đột phá, trong đó có tình huống dẫn đến bàn thắng.

Những ai tin Argentina sẽ vô địch?

Nhưng ngay cả khi cần có một đánh giá tổng quát hơn, sau cả bốn trận thì kết luận ở đây là muốn thấy Messi đỉnh cao thì xem Barcelona chứ không thể xem Argentina được.

Messi không phải không hết mình với Argentina. Mà trái lại, sự tận hiến ấy giải thích tại sao các CĐV Argentina giờ đã yêu anh hơn, và họ đưa anh vào bài hát vốn chỉ dành cho một mình Maradona, và hát rất to với vẻ tự hào cho bản thân và giễu cợt người Brazil kình địch.

Với sự tỏa sáng ấy, năm vạn người Argentina trên sân và gần một nửa số đó ngồi ngoài sau trận đấu đã được hát Argentina vô địch trên đường rời sân. Họ hát rung những toa tàu điện ngầm (khi tay đập và chân giậm thình thịch). Họ hát vọng từ trong các quán bar ra tới ngoài đường ầm ĩ xe cộ. Họ như những chiếc lò xo bật vút cao sau bàn thắng của Di Maria ghi lúc hiệp phụ thứ hai chỉ còn hai phút và chưa rơi xuống đất nhiều giờ sau đó.

Nhưng trong những giây phút tĩnh lặng, như ở khu công viên Anhembi tập trung các CĐV di chuyển bằng xe bus tự lái, câu hỏi thường trực giữa các CĐV Argentina ở đây là đội bóng của họ có thể vô địch được không? Cũng không phải là không có ai nói có. Thậm chí nhiều, vì họ trả lời báo chí luôn khoe ra sự lạc quan, như cách nhận định tỉ số bao giơ cũng là 2, 3 hoặc 4-0.

Nhưng cơ sở rất huyền bí. Ngoài Messi thiên tài là hiện hữu, chỉ còn là những sự trùng lặp giữa quá khứ và hiện tại. Năm 1986, Argentina vô địch thế giới là khi họ cũng gặp Bỉ trên đường vào chung kết. Và ở trận cuối, nếu có mặt ở đó cũng có thể là Đức. Năm 1986, Maradona và các đồng đội đã thắng Đức 3-2 để giương cao chiếc cúp.

Hay ở Olympic Bắc Kinh 2008, Argentina vô địch,  đã gặp Hà Lan và loại họ trước khi gặp Brazil ở bán kết. Và họ cũng gặp cả Nigeria (chung kết). Khi đó, Di Maria cũng đã ghi những bàn thắng quyết định. Chỉ có khác biệt với bản thân Di Maria là 6 năm trước, khi còn là cầu thủ tiềm năng, anh đã chơi hay hơn rất nhiều, là nhân tố bùng nổ trên hàng công với pha bứt tốc ngoạn mục, còn giờ đây, anh là niềm hy vọng thứ hai của Argentina nhưng rất phập phù.

Chính điều này giải thích tại sao, dự đoán và thuyết phục người khác rằng Argentina sẽ lên ngôi ở Maracana ngày 13-7 tới đây đa phần chỉ có những người yêu mến Argentina.

Phạm Tấn (Từ Sao Paulo)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm