Đường tới Cúp Vàng: Trật tự thế giới chưa đổi thay

15/07/2014 07:40 GMT+7 | Chung kết

(Thethaovanhoa.vn)- Sau những bất ngờ, cảm giác lạc quan và hưng phấn, thực tế mới vẫn chỉ là thực tế cũ: ngự trị trên đỉnh World Cup 2014 vẫn là những thế lực cũ của hai “trường phái” Nam Mỹ và châu Âu. Sự xuất hiện của Costa Rica tại vòng tứ kết là quá ít để tạo nên một cuộc lật đổ.

Châu Âu đối đầu với Nam Mỹ. Khu vực nào là số 1 thế giới? Sự thực thì câu hỏi này đã kéo dài kể từ năm 1930 đến nay nếu soi lại lịch sử World Cup và những đội tuyển vô địch. Uruguay, Italy, Italy, Uruguay, Đức, Brazil, Brazil, Anh, Brazil, Đức, Argentina, Italy, Argentina, Đức, Brazil, Pháp, Brazil, Italy và Tây Ban Nha. 84 năm với 20 nhà vô địch nhưng chỉ có 8 đội tuyển.

Cũng nên nói thêm là trong 84 năm qua cũng chỉ có hai lần các đội tuyển (Italy và Brazil) có cơ hội bảo vệ thành công danh hiệu vô địch. Vì thế, thất bại của Tây Ban Nha ngay ở vòng bảng năm nay cũng không có gì là bất ngờ cả.

Nhìn vào danh sách trên thì qua 20 lần tổ chức, số danh hiệu được phân bổ như sau: Brazil 5, Italy 4, Đức 4, Argentina 2, Uruguay 2, Anh 1, Pháp 1, Tây Ban Nha 1. Những con số này cũng có nghĩa thành tích đối đầu giữa châu Âu và Nam Mỹ đang là 11-9 và không có một châu lục nào khác chen chân vào.

Đi sâu hơn, các đội tuyển Nam Mỹ đã vô địch ở Nam Mỹ, Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Còn các đội tuyển châu Âu vô địch ở châu Âu và châu Phi và cuối cùng, ở World Cup này, họ đã chiến thắng ở Nam Mỹ.



Người Đức đã phá dớp lịch sử

Một điều chắc chắn là đội tuyển lên ngôi ở Maracana chỉ có thể đến từ châu Âu hoặc Nam Mỹ sau khi Costa Rica phải dừng bước trước Hà Lan tại tứ kết. Kết thúc của Los Ticos chắc chắn sẽ khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối bởi nhìn lại 3 tuần trước đó, những bất ngờ mà họ tạo ra ở bảng tử thần, đánh bại cả Uruguay và Italia, hòa Anh, cũng như thành công mà Mexico, Mỹ hay Algeria có được, tưởng sẽ giúp họ tạo ra một sự thay đổi.

Thay vào đó vẫn chỉ là một trật tự cũ được thiết lập từ vòng bán kết, với 4 đội tuyển đã giành tổng cộng 10 danh hiệu vô địch, 21 lần xuất hiện trong các trận chung kết. Brazil giành 5 danh hiệu (1958, 1962, 1970, 1994 và 2002) và 2 lần á quân (1950 và 1998). Không có Italy, Đức là đội giàu thành tích thứ hai với 3 danh hiệu (1954, 1974 và 1990) và 4 lần á quân (1966, 1982, 1986 và 2002). Trong khi đấy, Argentina giành 2 danh hiệu (1978 và 1986) và 2 lần á quân (1930 và 1990). Cuối cùng, Hà Lan chưa giành được một danh hiệu nào nhưng đã 3 lần á quân (1974, 1978 và 2010).

Costa Rica không thể trở thành đội tuyển thứ ba ngoài hai châu lục này có mặt ở một vòng bán kết World Cup. Trước đó, chỉ có đội tuyển Mỹ năm 1930 và Hàn Quốc năm 2002 là làm được. Thế mới nói tiếc là vòng tứ kết đã không có nhiều hơn một Costa Rica. Tiếc là những đội tuyển như Chile, Algeria, Nigeria, Mexico và Mỹ đã không thể vẽ lại bản đồ World Cup. Họ là những đội bóng có tinh thần tập thể rất cao và dù chỉ được xem là kẻ ngoài cuộc, họ biết bù đắp cho việc thiếu vắng các ngôi sao bằng sự đoàn kết và nỗ lực của từng cá nhân.

Bên cạnh đấy, việc châu Âu và Nam Mỹ vẫn duy trì được sự áp đảo cũng là vì bóng đá châu Á và châu Phi tiếp tục trải qua một kỳ World Cup thất vọng nữa, đặc biệt là châu Á. 12 trận không thắng ở vòng bảng đủ cho thấy khu vực đông dân nhất thế giới này đã sa sút như thế nào khi cả Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Iran đều đứng ở vị trí cuối. Riêng 3 đội sau còn giành được 1 điểm, còn Australia thua cả 3 trận trước Hà Lan, Chile và Tây Ban Nha.


Bộ tứ cuối cùng
gồm 2 đại diện Nam Mỹ và 2 đại diện châu Âu

Trong khi đó, dù World Cup 2014 được xem là một kỳ World Cup lịch sử cho châu Phi, kỷ lục ghi nhận ở đây không phải là lần đầu tiên có hai đội tuyển của lục địa đen lọt vào vòng 1/8 mà là chưa bao giờ người ta thấy cầu thủ châu Phi bị treo giò, đòi lãn công vì tiền thưởng hay thậm chí là bán độ nhiều như thế. Thế mới thấy thật tiếc cho Chile, Mỹ hay Mexico khi họ không có được may mắn như Brazil, Bỉ và Hà Lan để tạo nên một cục diện khác cho vòng tứ kết, rồi bán kết và thậm chí là chung kết.

Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng, Nam Mỹ đã rất đen khi 4 trong 5 đội tuyển mạnh nhất của khu vực - Brazil, Chile, Uruguay và Colombia - nằm cùng nhánh với nhau. Nhánh bên kia có Argentina và rồi Brazil, Argentina đi tiếp mà không để lại nhiều ấn tượng, trong lúc Chile và Colombia, hai đội bóng có lối chơi hấp dẫn nhất đều lần lượt bị loại bởi người láng giềng Brazil.

Dĩ nhiên thì châu Âu cũng bị tổn thất nặng nề dưới nắng nóng và độ ẩm cao ở Nam Mỹ, đặc biệt là ở những đội tuyển nằm tại Nam Âu có khí hậu tương tự. Thất bại của họ vì thế là rất khó giải thích, để rồi lần đầu tiên kể từ năm 1974, vòng knockout không có sự hiện diện của Italy, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha.

Ngược lên phía bắc, Pháp, Bỉ, Hà Lan và Đức đều vào tứ kết. Dường như những đội tuyển này thích nghi tốt hơn với cái nóng và điều kiện xa lạ, trong đó riêng Đức đây là lần thứ 4 liên tiếp họ có mặt ở vòng bán kết.

Và cũng không quên là Hà Lan từng vào đến chung kết ở châu Phi (Nam Phi) năm 2010 và Nam Mỹ (Argentina) năm 1978. Nghĩa là địa lý, khí hậu có thể không phải là nhân tố quyết định chuyện thành bại, đặc biệt khi kể từ năm 1994, châu Âu có nhiều đội tuyển ngoài Đức, Pháp, Italy, lọt vào bán kết ở một châu lục khác nhất với Thụy Điển, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thay vào đó chất lượng đội hình mới là vấn đề đáng nói và giải thích tại sao ở Nam Phi năm 2010, châu Âu có hai đội lọt vào chung kết là Hà Lan và Tây Ban Nha.

Việt Dũng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm