Đoản khúc World Cup - Thư gửi Die Mannschaft: Câu chuyện một tình yêu bất tử

30/06/2014 16:59 GMT+7 | Vòng 1/8

(Thethaovanhoa.vn) - Đêm nay, trận cầu mà tôi và các fan Đức mong đợi nhất sẽ đến, cùng với đó là trận đấu của Pháp với Nigeria mà một sẽ là đối thủ của Đức vòng kế tiếp.

1. Tôi có kiêu ngạo quá không, khi chắc chắn rằng tuyển Đức tôi yêu sẽ vượt qua Algeria? Không, tôi chỉ đầy tự tin. Một lòng tin không gì lay chuyển được, như là sau đêm là ngày, như trái đất hình cầu và luôn quay.

Đoản khúc này tôi viết cho Die Mannschaft được mường tượng như  “Thư gửi Elise” của Ludwig van Beethoven dành cho người đàn bà mà ông yêu dấu. Dù còn rất nhiều tranh cãi về nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí cả tên của tác phẩm, nhưng điều hiển nhiên từ từng nốt nhạc, lời ca (có sau đó) đã được Ludwig van Beethoven viết trong một tâm trạng rối bời của yêu thương, của hy vọng và cả tuyệt vọng. Nó y như tâm trạng của những người yêu Die Mannschaft mỗi mùa bóng lăn. Nếu như hình bóng Elise không ngày nào vắng trong tâm trí Beethoven, trong giấc mơ, trong từng suy nghĩ... Thì nỗi mong mỏi các chàng trai Đức nâng cúp vàng với người hâm mộ cũng cháy bỏng như thế, cũng ám ảnh thường trực như thế.

Khi Beethoven viết: “Elise muôn vàn lần yêu mến của ta ơi! Ta muốn gọi tên nàng cả trăm ngàn lần. Nỗi nhớ nàng thường xuyên bao phủ lấy tâm trí của ta. Có thể làm gì được đây, khi lòng ta luôn hướng về nàng.”  Đó cũng là lời gọi  của hàng triệu triệu người yêu tuyển Đức dù thầm thì hay gào thét lên. Nỗi nhớ, sự mong đợi chiến thắng của Die Mannschaft “thường xuyên bao phủ tâm trí” với người hâm mộ ngày này qua ngày khác, năm này nối năm sau. Và, ở mùa World Cup này đây, thì Die Mannschaft ơi, người hâm mộ còn có thể làm được gì đây, khi trận đấu chưa bắt đầu và mọi suy nghĩ đều chỉ hướng đến trận đấu đó. Từng trận.  

2. Mặc dù “Thư gửi Elise” được xếp vào thể loại nhạc ngắn bagatelle, nhưng không ít lần người ra dùng nó như một albumblatt. Giai điệu ngọt ngào, ngắn gọn, không cần đến sự cầu kỳ của tổng phổ nhưng để “Thư gửi Elise” chuyển tải hết những thông điệp yêu thương lãng mạn, đôi lúc oán trách, giận hờn, đôi lúc ghen tuông, đôi lúc cầu khẩn… của tác giả khi viết tác phẩm này cho người mình yêu thì lại không hề dễ dàng và nó đòi hỏi một kỹ năng hoàn toàn khác biệt của mỗi lần trình diễn.

Sở dĩ tôi nhắc đến “Thư gửi Elise” bởi nó là của nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức - người dọn đường để âm nhạc cổ điển bước sang âm nhạc lãng mạn, mở ra một xu hướng hoàn toàn mới cho âm nhạc thế giới. Đây cũng là cách mà Die Mannschaft đang thực hiện, đúng ở thời điểm này.

Trên sân Porto Alegre, người Đức sẽ chơi bản nhạc của nhà soạn nhạc thiên tài đất nước mình theo cách giản đơn nhất có thể. Cũng như im lặng là đỉnh cao của âm thanh, thì giản đơn chính là đỉnh cao của nghệ thuật chinh phục và chiến thắng. Khởi đầu là những nét nhạc du dương, chậm rãi ngọt ngào rồi bất chợt bùng nổ chỉ một tích tắc, sau đó lại khoan thai đến dịu dàng… Chú cáo sa mạc tinh ranh mấy cũng sẽ không biết cạm bẫy ở đâu, sẽ sập bẫy lúc nào, và rồi họ sẽ hoàn toàn quy phục trong giai điệu ngọt ngào đó.

3. Đoản khúc đêm qua, tôi đã trích một câu vô cùng nổi tiếng trong lá thư tình mà  Napoleon gửi vợ mình, nàng Josephine, như một lời chúc chiến thắng đến với các chàng trai Pháp. Sẽ có người hỏi, tại sao tôi lại muốn người Pháp chiến thắng, bởi Nigeria hẳn sẽ là đối thủ dễ dàng hơn cho tuyển Đức? Câu trả lời không thể đơn giản hơn, vì tôi là fan của Die Mannschaft mà con đường đi của đội bóng tôi yêu luôn là như vậy: chọn lối khó nhất để đi, chọn đối đầu những đối thủ kỵ giơ và xứng tầm nhất. Ngay cả thời mang danh “xe tăng” thì Die Mannschaft cũng không lặp lại lối mòn cũ, không hài lòng với một chiến thắng dễ dàng. Die Mannschaft qua nhiều thế hệ, vẫn luôn chọn lối đi mới hoàn toàn khác lối đã từng đi, cho dù rất phiêu lưu. Tôi yêu Die Mannschaft ở sự bất ngờ đó, ở cách chọn lối đi khó đó. Đó là cách chọn không cho phép dừng lại, không dành cho kẻ thiếu ý chí, thiếu quyết tâm. Tiến tới và chinh phục bằng mọi khả năng có thể, đến tận giây cuối cùng, không ngoái lại đằng sau…

Và vì thế, như “Thư gửi Elise” đã tồn tại như một biểu hiện của tình yêu bất tử, vượt qua mọi không gian, thời gian cho dù, người ta không biết Elise là ai, nàng ý có thật trên đời, tên đó có phải là tên thật của nàng? Cũng như tình yêu của tôi với Die Mannschaft.

Đoàn Ngọc Thu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm