Đoản khúc World Cup: Kéo cưa lừa xẻ, ông thợ nào khỏe về ăn cơm vua

13/07/2018 14:03 GMT+7 | Góc nhìn chuyên gia

(Thethaovanhoa.vn) - World Cup vốn không phải là sân chơi của những chú ngựa ô, có ô mấy cũng chỉ tứ kết, quá đáng là bán kết.

Chú thích ảnh

Nhưng tại Luzhniki đêm 11/7 đã có một ngựa ô với những ô vuông trắng đỏ sải vó, tung bờm để đến trận chung kết. Mà đã ở chung kết thì biết đâu đấy… Ai biết điều gì sẽ đến? Khối rubic hai màu đỏ trắng đã khiến 6 nhà toán học từ giỏi giang trường chuyên lẫn học sinh làng nhàng bó tay. Và bây giờ thử thách thuộc về thầy trò anh chàng Didier Deschamps. Nhưng đó là câu chuyện của 2 ngày nữa. Giờ đây, chúng ta sẽ nói về chuyện của ngày hôm qua đã.

Nhiều người đã đùa rằng, Cúp bóng đá Thế giới đã trở thành Cúp bóng đá châu Âu. Chắc chắn lời nhận xét vui này đã không được thống kê đầy đủ. Đây đã là lần thứ 4 trong 21 lần World Cup đã được tổ chức 4 đội cuối cùng là những đội châu Âu. Tất cả 4 lần đều là World Cup tổ chức tại châu Âu.

Đoản khúc World Cup: Chặng đường dài, ai rớt lại sân ga...

Đoản khúc World Cup: Chặng đường dài, ai rớt lại sân ga...

Những cái tên có mặt tại Luzniki đêm 15 tháng 7 đã được điền, họ là ưu tú nhất, họ đến với trận chung kết đầy kiêu hãnh và tự hào, bỏ lại sau lưng biết bao tên tuổi, giết chết bao ước mơ… Ngôi cao túc cầu chuẩn bị đón một nhà vua mới.

Lần đầu tiên vào năm 1966 tại Anh: Anh, Đức, Bồ, Liên Xô (cũ); Lần thứ 2 tại Espana 1982: Ý, Đức, Ba Lan, Pháp; Lần gần đây nhất là 2006 giải đấu tại Đức: Đức, Bồ, Pháp, Ý và lần này Nga 2018.

Nam Mỹ vắng mặt trong Top 4 đội mạnh nhất cũng không có gì thảm họa hay đáng ngạc nhiên.

Thực tế Nam Mỹ trừ Brazil thì ngay cả Argentina - sự mạnh của họ cũng là "hư danh" khi họ chỉ có 2 danh hiệu Vô địch thế giới đã cách đây 32 năm và 40 năm (Argentina 1978 và Mexico 1986). Uruguay thì càng "xưa cũ" hơn khi 2 chức vô địch họ có được là từ World Cup đầu tiên được tổ chức năm 1930 chính tại Uruguay và năm 1950 tổ chức ở Brazil. Và Brazil - lần vô địch gần đây nhất của đấng vô đối với 5 lần vô địch đã 16 năm.

Các đội bóng lục địa già vẫn vốn là chiếm vị trí cao hơn so với Nam Mỹ 11 so với 9 lần vô địch và số đội từng đăng quang cũng vượt trội 5 so với 3. Họ cũng đã vô địch ở hầu hết các châu lục khác mà World Cup được tổ chức: Âu, Phi, Mỹ. Và tới chung kết năm nay, nhà vua bóng đá thế giới mới chắc chắn là châu Âu, chiếc Cúp vàng Nike - niềm ao ước của 32 đội bóng sẽ ở lại lục địa già. Nó sẽ được chuyển từ Đức sang Pháp hoặc Croatia! Thiết nghĩ, các bạn Nam Mỹ cũng không nên buồn khi châu Âu lấn lướt, bóng đá vốn là phát minh của châu Âu và, ngay cả châu Mỹ cũng do những người châu Âu tìm ra mà.

Croatia không phải đội bóng mạnh, ở trong đội hình họ ngôi sao sáng nhất là Modric và Mandzukic. Họ là nước nhỏ, rất nhỏ, toàn bộ dân số của họ bằng dân số Thanh Hóa, diện tích thì hơn Thanh Hóa chút (chắc bằng Thanh-Nghệ cộng lại) và đi vào chung kết theo đúng cách cò cưa.

Cả 3 trận sau vòng loại, 3 trận kế tiếp của rubic đỏ trắng đều kéo dài 120 phút và ở trận bán kết, Mandzukic, cựu tiền đạo của Bayern Munich đã giúp Croatia không phải bước vào loạt đấu súng như là 2 trận đấu trước. Cả 3 trận Croatia đều bị dẫn trước, đều lội ngược dòng.

Cứ vậy thôi cò cưa kéo xẻ và ông thợ nào khoẻ về ăn cơm vua. Croatia khỏe, quá khỏe, đến mức người ta đòi kiểm tra doping. Có doping không thì đợi "kiểm định", chỉ biết giờ rubic đã có tên trên bàn tiệc của vua. Ăn cơm vua thì chắc rồi. Thành rể, lấy công chúa để kế nghiệp ngai vàng ngay lễ kết hôn thì còn xem trong tiệc kén rể ông ứng viên đẹp trai, dẻo mỏ giàu có lại nổi tiếng galant kia vận may đến đâu.

Nhưng khỏe thôi không đủ, cò cưa hoài cũng không đủ, cốt yếu vẫn là tập thể và sự đồng lòng. Bốn năm trước, đã có câu: Argentina có Messi. Brazil có Neymar. Bồ Đào Nha có Ronaldo, Đức có một đội! Tuyển Đức của tôi đã lên ngôi trên đất Brazil với cả một đội bóng, với một huyền thoại 16 bàn thắng tại World Cup chưa bao giờ có tên trong danh sách Bóng vàng và các chàng trai mà có người Maradona từng gọi là thằng đánh giày... Mùa giải này, Die Mannschaft đánh mất chữ "Team" và họ mất tất cả. Tương tự là Argentina, Tây Ban Nha... là những đội bóng có sao, họ đều sớm bê sao về xứ sở mình.

Croatia và Pháp thì khác, họ đang có những tố chất mà khiến trận chung kết sẽ trở nên vô cùng khó đoán. Nếu tiền đạo không ghi bàn, hậu vệ sẽ làm việc đó. Nếu người thiết kế có chút hụt hơi, sẽ có người đảm nhiệm. Nếu hậu vệ mải tấn công trung vệ sẽ dạt biên để phòng ngự...

Những ngôi sao không quá chói và biết lấp khi đồng đội lánh, họ sẽ cùng nhau làm điều không thể thành có thể, như slogan của tuyển Đức đã đề ra song không làm theo được. Croatia và Pháp họ đã làm điều đó quá tốt, bởi thế cơm vua đã dành cho họ. Những kẻ không có vé mời thôi đành:

"Rưng rưng trăng buông mềm vô thức

Bàng hoàng đêm

Ta đi ngang nhau như không quen..."

Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm