Vợ chồng nhà báo Nguyễn Thế Thịnh - Trần Thị Cúc Phương: 'Làm báo mà gieo cái u ám thì làm sao rạng rỡ'?

21/06/2019 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ở Đà Nẵng có một cặp vợ chồng nhà báo không quá nổi tiếng, nhưng câu chuyện về cuộc sống, về lao động báo chí, về cái cách họ yêu thương nhau cho đến khi một trong hai người từ giã cõi đời vì bạo bệnh đã truyền cảm hứng tích cực cho rất nhiều bạn đọc. Quan điểm “Sống để mình rạng rỡ” như trong cuốn sách chị để lại cũng là quan điểm làm báo của họ.

Nhà báo Lan Anh: 'Những gì nhân văn sẽ thu hút bạn đọc nhiều nhất'!

Nhà báo Lan Anh: 'Những gì nhân văn sẽ thu hút bạn đọc nhiều nhất'!

Nếu phải dùng từ "đầu tiên" thì nhà báo Lan Anh (báo Tuổi trẻ) không phải là người đầu tiên đưa chuyện "cậu bé 13 tuổi ở Sơn La đạp xe hơn 100km xuống Hà Nội thăm em" lên mặt báo. Nhưng có thể thấy rằng, chị và các đồng nghiệp cùng tờ báo của mình đã bám theo câu chuyện đó tới cùng để đưa trọn vẹn các thông tin cần thiết đến với độc giả, cũng như để giúp đỡ cho các nhân vật của mình.

Đó là vợ chồng nhà báo Nguyễn Thế Thịnh – Trần Thị Cúc Phương. Anh Thịnh nguyên là Trưởng văn phòng đại diện báo Thanh niên tại miền Trung. Còn chị Trần Thị Cúc Phương (đã mất hồi tháng 1/2018), nguyên là Trưởng phòng Văn nghệ của Đài PT-TH Đà Nẵng, tác giả cuốn sách Ngoài kia trời rất xanh đang được bạn đọc chào đón và tái bản sau một thời gian ngắn.

Cả nhà làm báo

Anh Nguyễn Thế Thịnh đi bộ đội 8 năm về mới làm sinh viên, học cùng khoa và yêu chị Cúc Phương, ra trường thì thành vợ chồng. Anh lớn hơn chị 10 tuổi.

Sau này, hai con của anh chị lớn lên cùng vào học trường ba mẹ từng học, gọi là đồng môn. Anh làm báo nhưng tham gia thỉnh giảng báo chí của nhiều trường đại học 15 năm nay. Hai con của anh thành sinh viên của bố, gọi anh bằng thầy.

Chú thích ảnh
Vợ chồng nhà báo Nguyễn Thế Thịnh – Trần Thị Cúc Phương

Con đầu của anh chị Thịnh - Phương ra trường thì làm giảng viên báo chí. Khi đi học lớp đào tạo giảng viên của Dự án Nâng cao năng lực báo chí Việt Nam do Thụy Điển tài trợ thì anh và các con thành bạn học.

Sau đó, người con trai lớn đi học sau đại học ở Anh, ngành Truyền thông Quốc tế. Trở về, cậu lại trở thành thầy của bố trong nhiều lĩnh vực báo chí. Con gái thì là đồng nghiệp của bố.

“Cả gia đình làm báo nên đã hỗ trợ nhau rất nhiều. Có thể nói, mỗi bữa cơm là một buổi seminar nho nhỏ. Chúng tôi thảo luận về báo chí hôm đó có gì hay, có gì không hay và nếu mình thực hiện đề tài đó thì mình làm như thế nào” - anh Thịnh kể.

Khi nói chuyện, mọi người gợi ý đề tài cho nhau. Chị Cúc Phương là Hội viên Hội Điện ảnh VN, làm văn nghệ nhưng cũng viết báo nhiều. Anh Thịnh kể, có lần xem tivi, chị bình luận một câu, anh thấy hay và bảo chị viết. Viết bài xong, anh gửi cho mục Chào buổi sáng của Thanh niên. Gửi xong, anh nhận được điện thoại từ tòa soạn khen là bài báo tuyệt hay.

“Đó là bài cô ấy viết đề nghị mục dự báo thời tiết của Đài Truyền hình Việt Nam nên dự báo thời tiết về khu vực Hoàng Sa. Và đến khu vực Trường Sa thì nên dừng lại một tí, nói thêm câu, ví dụ, hôm nay trời mưa, các anh ngoài đó chuẩn bị hứng nước mưa… Sau này rất vui là VTV đã làm như thế” - anh Thịnh nhớ lại.

Khi xem các chương trình văn nghệ, anh cũng nói hay góp ý cho vợ và nhiều đề tài anh “xúi” vợ làm đã được huy chương khiến anh cũng rất vui. Nhiều khi hai vợ chồng cũng xung đột khi tranh luận, nhưng rất đáng quý là cái đích của sự xung đột của anh chị là sự hòa thuận và hiểu nhau hơn.

"Cuộc đời không phải đếm bằng năm tháng mà đếm bằng nụ cười"

Cuộc sống gia đình đang viên mãn, thì giông tố ập đến. Tháng 5/2013 chị Cúc Phương phát hiện ung thư cổ tử cung và đã được phẫu thuật ngay. Nhưng hai năm sau, vào tháng 5/2015, ung thư trở lại, lần này ở vú. Chị đã trải qua tất cả các phác đồ điều trị khác nhau, từ phẫu thuật cắt bỏ khối u, đoạn nhũ, đến hóa trị, xạ trị, đến điều trị nội tiết… Nhưng căn bệnh nghiệt ngã đã không dừng lại. Chị qua đời đầu tháng 1/2018 khi mới 54 tuổi.

“Trong gần 5 năm kể từ khi nhà tôi bị bệnh, vợ chồng, con cái phải gồng mình cùng chiến đấu với bệnh tật với cô ấy” - anh Thịnh kể - “Mọi người xác định, đó là những ngày phải sống một cách chất lượng nhất, tận dụng tối đa từng giây phút để ở bên nhau, mang lại niềm vui cho nhau. Vợ tôi viết trong Ngoài kia trời rất xanh rằng, cuộc đời không phải đếm bằng năm tháng mà đếm bằng nụ cười. Và chúng tôi đã sống như thế. Mỗi người làm tốt công việc của mình, đó cũng là cách mang lại nụ cười. Một tác phẩm vợ tôi và đồng nghiệp hoàn thành trong những ngày cuối cùng của cô ấy, sau khi cô ấy qua đời thì nó được huy chương vàng”.

Chú thích ảnh
"Ngoài kia trời rất xanh" – tác phẩm để lại của nhà báo Trần Thị Cúc Phương

Sau khi chị Cúc Phương qua đời, anh Thịnh đưa chị lên một ngọn đồi rộng khoảng 500m2 ở Đà Nẵng, dựng một ngôi nhà gỗ bên cạnh mộ chị và ở đó. Hàng ngày, anh đều mở những bản nhạc hai vợ chồng thường nghe, pha trà mời vợ như chị vẫn đang sống bên cạnh. Anh vẫn để ngoài bậu cửa đôi dép của bà xã, kính mát, mũ bảo hiểm của chị vẫn còn nguyên trên chiếc xe máy hai vợ chồng hay đi… Còn ở căn nhà cũ, tủ quần áo của chị anh vẫn giữ nguyên, thi thoảng vẫn cặm cụi ủi lại cho phẳng phiu rồi lại treo vào chỗ cũ; những chậu hoa, cây cảnh chị trồng có những cây sắp chết anh ra sức cứu sống, chăm bẵm cho tươi tốt trở lại…

Đặc biệt, ngoài cuốn Ngoài kia trời rất xanh, chị Cúc Phương còn để lại một bản thảo khác tựa “Có một nàng dâu”. Anh Thịnh cũng đã đọc cuốn ấy và cho biết chị viết rất hay và dự định năm sau anh sẽ cho xuất bản.

“Tôi nâng niu từng con chữ vợ mình để lại, khi biên tập viên thảo luận nên bỏ chỗ này vài từ, chỗ kia vài từ, tôi cũng đắn đo lắm, tôi quý nó, yêu nó, thấu hiểu nó và học theo nó…” – anh Thịnh nói.

"Biết đường tìm đến trái tim bạn đọc"

Anh Thịnh kể, ngày chị còn sống, anh chị và các con thường xuyên nói về nghề báo, nhất là lĩnh vực gần gũi với các thành viên trong gia đình, đó là làm báo về văn hóa, văn nghệ. Anh cho rằng văn nghệ, đương nhiên phải có tính giải trí. Nhưng giải trí không phải để cười rồi xong mà nó phải mang lại cảm xúc thẩm mỹ cho người đọc, người xem.

“Cả nhà tôi đề cùng quan điểm, làm báo phải trung thực và có… văn hóa. Trung thực thì ai cũng biết rồi, còn nói có phông văn hóa là để nhìn nhận và thể hiện đề tài một cách sâu sắc” – anh Thịnh nói. “Chúng ta thường phàn nàn với nhau về mật độ thông tin cướp, hiếp, giết, lộ hàng… trên báo chí, nguyên nhân thì nhiều, nhưng tôi chỉ muốn nói về cái phông văn hóa của người viết và người tổ chức bài vở, duyệt bài. Nếu người lãnh đạo cơ quan báo chí nhận thức và hạn chế điều đó thì người viết đâu có đua theo được? Chỉ vì câu view, có lượng truy cập để lấy quảng cáo mà thôi.

Chẳng lấy ví dụ đâu xa, trên Thanh niên, có mục tác giả Nguyễn Thế Thịnh, là tôi. Nếu bạn đọc vào đọc, tôi không hề viết cướp, hiếp, giết, lộ hàng… mà đa phần là những bài viết về đề tài gia đình, tình yêu, hôn nhân, cách nghĩ, cách sống… nhưng lượng truy cập không hề thấp, hơn thế, tôi được tổng biên tập nhiều lần khen vì có lượng truy cập trong tháng bình quân cho các bài cao nhất.

Vậy thì bạn đọc đâu phải không quan tâm chuyện tử tế? Vấn đề là tòa soạn nên có chủ trương, từ đó đào tạo những cây bút có sự nhạy cảm, có văn hóa, biết đường tìm đến trái tim bạn đọc”.

Theo anh Thịnh mọi vấn đề nên “phản hồi tích cực”, tức là, phải tìm ra cái tích cực, hướng thiện trong chuyện tiêu cực đó. “Ví dụ, nhiều người viết về một kẻ sát nhân với những tình tiết rùng rợn, nhưng có người đã đến gia đình, nói chuyện với bà mẹ đó rồi phát hiện ra cái bóng điện trước ban công sáng giữa ban ngày. Bà mẹ nói rằng, dù biết con mình là kẻ sát nhân nhưng trong sâu thẳm, bà vẫn hy vọng con một lúc nào đó trở về, và bà đã dán keo công tắc để không ai tắt được, cho điện sáng mãi, để lỡ con về ban đêm cũng thấy đường lên cầu thang.

Câu chuyện đã lay động trái tim bạn đọc, giúp con người hướng thiện, dù nói về một kẻ sát nhân” - anh Thịnh nói.

Giúp con người hướng thiện, theo anh Thịnh, đó là nhiệm vụ của báo chí và là đạo đức của người làm báo. Anh hiện đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng báo Thanh niên vẫn ký hợp đồng thêm hai năm.

“Sống để mình rạng rỡ”

Hiện anh Nguyễn Thế Thịnh làm giảng viên thỉnh giảng cho nhiều trường đại học, ngoài ra, còn dạy các lớp tập huấn về truyền thông và vẫn viết báo đều đặn.

Anh chia sẻ: “Tôi ít khi nói đi dạy mà nói đi truyền nghề. Bao giờ trước khi vào môn học, tôi cũng nói chuyện về “Luật hấp dẫn”. Con người ta nghĩ thế nào thì năng lượng vũ trụ hấp dẫn vào mình như thế. Cho nên, phải luôn luôn nghĩ tích cực để có năng lượng tích cực.

Trên mạng xã hội, tôi chặn hết những ai cứ ca thán, nhìn mọi việc u ám, vì tôi không muốn năng lượng xấu đó vận vào mình.

Trong Ngoài kia trời rất xanh vợ tôi viết một chương “Sống để mình rạng rỡ”. Tôi thích suy nghĩ này.

Nếu ai cũng nghĩ, sống để mình rạng rỡ, hẳn sẽ có một xã hội rạng rỡ. Người làm báo thì phải sống rạng rỡ hơn. Làm báo mà gieo cái u ám thì làm sao rạng rỡ?” – anh đúc kết.

Phạm Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm