Vlogger Dino Vũ: 'Hồi bé tôi luôn cố gắng trốn việc nhà vì nghĩ đó không phải là căn nhà của riêng mình'

13/01/2023 11:03 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Dino Vũ lần đầu tiết lộ ước mơ thầm kín, chia sẻ về căn nhà 8 tỷ đang sinh sống cùng những trải nghiệm khi lần đầu "cầm trịch" một chương trình truyền hình thực tế riêng.

Những năm gần đây, Dino Vũ không phải là cái tên quá xa lạ đối với giới trẻ. Anh là một trong những nhà sáng tạo nội dung mảng Lifestyle (phong cách sống) và ẩm thực được khán giả vô cùng mến mộ. Từ một vlogger chuyên nghiệp, hết sức duyên dáng, nay Dino Vũ đã có thêm bước tiến mới trong sự nghiệp của mình trong năm 2022 khi trở thành host Là Nhà - chương trình giúp "F5" không gian sống mới cho nhiều nhân vật, trong đó có cả những người nổi tiếng như Diệp Lâm Anh, Gigi Hương Giang hay Osad. Tại đây, anh giữ vai trò kết nối chủ nhà cùng KTS, đồng thời đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích giúp gia chủ có thể tự tin hơn cho quyết định của mình. 

Lần đầu có cơ hội "cầm trịch" một chương trình thực tế, Dino Vũ đã chia sẻ cùng chúng tôi cảm xúc mới mẻ mà anh có được thông qua Là Nhà. Là một chuyên gia có nhiều kiến thức về phong cách sống, Dino Vũ cũng đã đưa ra những lời khuyên bổ ích với giới trẻ trong việc xây dựng, chăm sóc ngôi nhà của mình. 

Vlogger Dino Vũ: 'Đôi lúc tôi ước mình giỏi ăn nói như anh Trấn Thành...' - Ảnh 2.

Dino Vũ: 'Drama luôn rình rập ekip Là Nhà' - Ảnh 1.

Dino Vũ chia sẻ về Là Nhà

Những ngày này, Dino có vẻ khá bận rộn với những công việc riêng và với Là Nhà?

‏Năm nay là năm tôi khá bận rộn khi quay trở lại với guồng quay công việc. Chỉ còn khoảng 2 ngày quay nữa, tôi sẽ hoàn thiện mùa đầu tiên của Là Nhà. Nói Là Nhà chiếm nhiều thời gian của tôi thì cũng không hẳn vì mọi người trong ekip đều muốn làm sao quay cho gọn gàng nhất, để bảo đảm mặt sản xuất hiệu quả. Đây là chương trình truyền hình thực tế, có thứ tự xảy ra trước sau nên thời gian tôi dành cho Là Nhà dàn trải trong khoảng nửa năm. Thời gian không làm chủ được. Làm 1 căn nhà đã khó, đằng này Là Nhà có đến 10 căn nhà cùng lúc. Có rất nhiều sự cố xảy ra, có nhiều điều ekip không lường trước được nên thời gian của tôi cũng "căng" theo Là Nhà rất nhiều.‏

Ghi hình Là Nhà khá cực đúng không? Không chỉ quay nhiều phần, mà còn phải trải dài nhiều ngày?

‏Khi tôi bắt đầu làm Là Nhà, tôi cảm thấy cực so với những chương trình thương mại hay những chương trình ngắn. Nếu như gameshow quay mất khoảng 1 buổi, những chương trình dài trước kia tôi tham gia quay 2 tuần liên tiếp ở 1 địa điểm để phát cả năm trời thì Là Nhà lại khác. Chương trình ghi hình nhiều địa điểm khác nhau, dàn trải thời gian ở nhiều tỉnh thành. Nhưng nếu so phần việc của tôi với ekip sản xuất thì thật ra tôi cũng không cực đến thế vì có những người còn cực hơn.‏

Vậy bạn có phải sắp xếp, hủy bỏ nhiều lịch trình để ưu tiên cho Là Nhà không?

‏Với vai trò là 1 nhà sáng tạo nội dung, tôi thường làm việc một mình, tất cả sự ưu tiên của tôi chỉ là công việc của bản thân thôi. Nhưng khi tôi làm host Là Nhà thì có cả ekip lên tới tận 100 người. Tôi phải có trách nhiệm với nhiều người hơn. Đôi khi quyết định của tôi không chỉ đơn giản là công việc nào mang lại lợi ích cho mình nhiều hơn mà còn dựa trên việc của mình ảnh hưởng đến nhiều người khác như thế nào. Dựa trên sự ưu tiên đó, tôi cũng phải hủy nhiều công việc, lịch trình để ưu tiên Là Nhà.

Dino Vũ: 'Drama luôn rình rập ekip Là Nhà' - Ảnh 2.

Vì sao Dino nhận vai trò này? Vì bạn quá yêu thích hay vì bạn cũng đầy tự tin về một lĩnh vực mình có hiểu biết?

‏Tôi nhận vai trò này vì một vài lý do. Thứ nhất, được đảm nhận vai trò TV host là ước mơ thầm kín của tôi. Tôi luôn có ước mơ được cầm cân nảy mực một chương trình nào đó. Trước kia, tôi không bao giờ nói ra vì tôi không biết đường đi của tôi có dẫn được tới đó hay không, tôi sợ khi nói ra rồi lại không làm được. Nhìn những ngôi sao trên truyền hình như anh Trấn Thành, đôi lúc tưởng tượng mình ăn nói tốt được như thế. ‏

‏Thứ hai, sau 2 năm dịch, mọi thứ chậm lại, tôi bị trì trệ rất nhiều so với những năm 2018 - 2019 trước dịch. Lúc đó tôi đang rất bùng nổ, được nhiều người quan tâm khi làm vlog, đi khắp nơi, nhiều nước khác nhau, cảm giác rất đã. Sau 2 năm dịch, tôi buộc làm nội dung ở nhà, nhiều khi mình phải tự thuyết phục bản thân rằng mình thích ở nhà, thích ở 1 mình nhưng dần dần cảm giác mình bị thui chột đi. Khi hết dịch một phát, tôi nắm bắt tất cả cơ hội để có thể năng động hơn, làm được nhiều việc hơn. Là Nhà giống như một cơ duyên đúng vào thời điểm tôi rất "ham" để được làm nhiều hơn nữa.‏

‏Trong 2 năm dịch tôi may mắn hơn người khác là tôi có thể hoàn thành một công trình rất lớn. Đó là căn nhà riêng của tôi. Sau khi tôi làm nhà xong, tôi học được rất nhiều, có thể chia sẻ trên nền tảng cá nhân và nhận được sự ủng hộ của mọi người. Tôi cảm thấy mình giúp được nhiều người. Tôi nghĩ tại sao mình không biến sự hiểu biết, kinh nghiệm của mình để giúp được nhiều người hơn nữa. Là Nhà đến đúng thời điểm giúp tôi có thể mang kiến thức tôi đã học, kinh nghiệm tôi đã có để giúp đỡ nhân vật trong chương trình lẫn khán giả theo dõi show.‏

Bạn bảo rằng làm host là ước mơ "thầm kín", vậy bạn chuẩn bị thế nào cho công việc này?

‏Tôi xuất thân là "mọt sách", không có năng khiếu gì về nghệ thuật nhưng tôi luôn có niềm đam mê nhất định với công việc giải trí. Những người làm host hay tập nói trước gương hay chọn cách thường xuyên nói chuyện với người khác nhưng tôi có tiền đề may mắn khi là 1 vlogger. ‏

‏Ngày xưa tôi nói rất tệ, hay ngại, không được như bây giờ đâu. Nhờ công việc làm vlog, làm YouTube, tôi tự luyện nói chuyện một mình với camera, dựng lại chính những điều mà tôi đã nói. Cứ lặp đi lặp lại như thế nên khả năng nói, làm chủ gương mặt của tôi tiến bộ hơn rất nhiều. Dù sao công việc đó chỉ giúp tôi nói tốt hơn ở khía cạnh độc thoại thôi, nên sau đó tôi còn học lớp diễn xuất của cô Kathy Uyên. Ngày đó ước mơ làm diễn viên cũng không nằm trong tầm tay tôi nhưng tôi nghĩ nếu học diễn viên thì tôi sẽ tự tin với người ngoài hơn, có thể nắm bắt tâm lý, giao tiếp với người khác tốt hơn so với 1 đứa suốt ngày ở nhà đọc sách. ‏

Ai cũng biết Dino có trải nghiệm và kiến thức về lĩnh vực này. Nhưng rõ ràng khi tham gia chương trình, hẳn bạn cũng có những lo lắng riêng nhỉ?

‏Thật ra lo lắng nhất của tôi là về format truyền hình thực tế. Trước khi nhận lời Là Nhà, tôi lo lắng lắm vì tôi xem show thực tế nhiều, biết nhiều thứ sẽ xảy ra nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, có những cái gây nên khủng hoảng, scandal cho chính ekip và tất cả mọi người nếu host không đủ kinh nghiệm để có thể điều tiết được câu chuyện, làm sao cho câu chuyện đúng ý đồ NSX. ‏

‏Cái lo thứ 2 đó chính là câu chuyện làm nhà. Tôi chỉ mới có kinh nghiệm làm căn nhà duy nhất của tôi thôi nhưng cũng xảy ra nhiều biến cố không lường trước được. Ban đầu, nhà tôi định làm 3 tháng nhưng sau cùng thành 8 tháng. Còn đằng này, đề bài chương trình là làm 10 cái nhà, tôi cứ tưởng tượng với những sự cố bất ngờ xảy ra thì x10 như thế thì không biết mình làm nổi không và ekip có cân nổi chuyện đó hay không. ‏

Truyền hình thực tế như Là Nhà có drama không?

‏Có drama chứ, rất nhiều drama. Cuộc đời ai cũng luôn có drama chực chờ rồi, bản thân câu chuyện của những nhân vật vốn đã luôn có drama. Để làm nhà, giao nhà cho 1 ekip khác để làm, bản thân họ không được đụng đến nhà trong cả quá trình quay thì tất nhiên cũng drama rồi. Nhiều chủ nhà không tin tưởng, thậm chí kể cả ekip chúng tôi cũng không đủ kinh nghiệm để có thể đảm bảo mọi thứ tốt nhất theo ý họ muốn. Nên drama luôn rình rập ekip. 

Dino Vũ: 'Drama luôn rình rập ekip Là Nhà' - Ảnh 3.

Quá trình tham gia, nghiên cứu từng nhân vật của Dino Vũ ở Là Nhà cụ thể diễn ra thế nào?

‏Khi diễn ra quy trình để nghiên cứu khách mời, thường ekip đưa tôi 1 profile trên giấy, biên tập tóm tắt hết cho tôi về chủ nhà như tính cách ra sao, ước mơ gì, nhà họ thế nào… Mọi người cũng muốn làm sao cho quá trình sản xuất đơn giản nhất, bản thân tôi cũng ít vất vả nhất. ‏

‏Tôi nhận tư liệu từ tháng 8 nhưng tôi vẫn cảm thấy không đủ nên đã chủ động xin mọi người gặp gỡ, đến nhà nhân vật xem hiện trạng nhà họ thêm 1 buổi. Ban đầu format không có đoạn tôi gặp mọi người trước khi giới thiệu họ với KTS đâu, tôi là người chủ động xin chương trình để gặp nhân vật trước để nói chuyện, biết được vấn đề của họ thì mới có thể gợi ý cho quá trình làm việc của họ với KTS. ‏

‏Theo kinh nghiệm của tôi, KTS hay chủ nhà thì có rất nhiều, nhưng ngôn ngữ để 2 bên nói chuyện với nhau thường rất yếu vì chủ nhà thường không có thời gian nghiên cứu kiến thức làm nhà. Với họ, đây là chuyện ngoài tầm họ quan tâm. KTS thì nhiều khi họ luôn nghĩ họ đúng vì họ có chuyên môn, họ không hiểu được cái khó của chủ nhà. Tôi tự tin 1 vấn đề là tôi đã làm nhà tốt, có mối quan hệ tốt với ekip thi công và KTS của nhà tôi nên tôi muốn dùng ngôn ngữ trung gian để có thể kết nối họ tốt hơn.‏

Trong số những nhân vật tham gia chương trình, câu chuyện của nhân vật nào để lại cho bạn nhiều ấn tượng nhất?

‏Cả 10 câu chuyện của các nhân vật để lại cho tôi cảm xúc riêng, nhưng nếu phải chọn trường hợp ấn tượng nhất thì có lẽ là gia đình đầu tiên. ‏

‏Khi làm chương trình, dĩ nhiên ekip muốn được nhiều sự quan tâm nên luôn chọn người nổi tiếng, KOL nhưng vấn đề là tôi sống trong thế giới đấy nên tôi cảm thấy quen thuộc rồi. Với trường hợp đầu tiên thì đấy là trường hợp phổ biến trong xã hội Việt Nam. Một anh chồng rất chật vật để có thể chu cấp, lo cho gia đình mình. Con thì càng ngày càng lớn, vượt đi nhu cầu mà anh ấy đáp ứng được. Anh đến với chương trình với ước mơ giản dị, mong muốn một thiết kế với điều kiện kinh tế sẵn có để làm sao cho gia đình anh ấy tốt hơn. Trong xã hội Việt Nam, mọi người chỉ cần thứ đơn giản là tiền và nhà hợp lý để ở. Đó cũng là cái tôi muốn chương trình mang lại được giá trị cho những người tham gia, hoặc rộng hơn là những khán giả xem chương trình.‏

Đằng sau hậu trường, Dino có đưa ra ý kiến mang yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn thiết kế của các nhân vật tìm đến Là Nhà không?

‏Tôi có. Là một người cá tính mạnh, biết mình muốn gì nên tôi cũng sẽ cố vấn tham vấn, cho nhân vật ý kiến để họ cân nhắc nhưng tôi cũng biết quyền hạn mình tới đâu. Nếu tôi tin đó là đúng thì tôi sẽ cố gắng thuyết phục: "Anh cố gắng cân nhắc cái này và cố nghĩ kỹ xem vì theo kinh nghiệm của em rất đúng". Hầu hết sự lựa chọn của các nhân vật đều giống tôi kỳ vọng. ‏

Theo Dino, giữa "công năng" và "thiết kế đẹp mắt", yếu tố nào nên được ưu tiên hơn?

‏Với cá nhân tôi, tôi sẽ chọn công năng trước bởi vì một căn nhà thì phải đáp ứng được nhu cầu của người sống trong nhà đó. Người tìm đến Là Nhà thường sẽ gặp vấn đề về cách sinh hoạt, nhà của họ nhỏ, bừa bộn,... nên thường sẽ ưu tiên công năng để giải quyết vấn đề nhức nhối này. Sau đó, yếu tố thẩm mỹ cũng sẽ dễ dàng đáp ứng theo. Còn nếu đảo ngược lại thứ tự, thẩm mỹ được ưu tiên trước thì người chịu nhiều sự bất tiện do thiếu công năng cũng chính là những người đã tìm đến chương trình tìm sự giúp đỡ. Nên tôi luôn khuyên mọi người chọn yếu tố công năng trước.‏

‏Đúng là nhiều nhân vật có ước mơ rõ ràng là có căn nhà đẹp nên họ sẽ chọn theo cảm xúc. Là một người kết nối, tôi biết giới hạn công việc của mình, miễn sao chủ nhà vui là được vì dù sao tôi cũng không phải là người sống trong căn nhà đó.‏

Dino nghĩ thành công của Là Nhà tính tới thời điểm hiện tại là gì?

‏Có thể so với những TV Show khác về con số, lượng tương tác, chắc chắn chúng tôi không thể tự hào. Thành công của chương trình mà tôi nhìn thấy được nói to tát là giáo dục, định hướng mọi người làm nhà như thế nào, biết cách làm nhà hơn. Có người liên lạc với tôi để hỏi thăm: "Thấy Dino làm host chương trình này, cô đã sống ở nhà này 20 năm rồi, tích góp được 500 triệu đồng, cô mong được đăng ký chương trình tiếp theo để có người giúp cô làm nhà hợp lý vì cô không biết bắt đầu từ đâu, làm thế nào cho hợp lý. Nhờ xem chương trình, cô mới biết hóa ra làm nhà phải qua các bước đấy". Trong 90 triệu dân, có rất nhiều người đang loay hoay với chính căn nhà của họ, họ cần ai đó làm mẫu để chỉ họ làm như thế nào. 

Dino Vũ: 'Drama luôn rình rập ekip Là Nhà' - Ảnh 4.

Người ta bảo: "Là Nhà là chương trình dành cho người có tiền thôi". Dino nghĩ sao về vấn đề này?

‏Trong khuôn khổ 1 mùa 10 tập, nếu mọi người xem hết thì có thể thấy có những căn nhà, bọn tôi cũng cố gắng làm rất bình thường để mọi người có thể liên tưởng đến những căn nhà của đại đa số bộ phận dân Việt Nam. Chắc chắn chúng ta phải có tiền mới làm được nhà nhưng khi làm mẫu ra thì mọi người biết cần tích cóp 1 khoản bao nhiêu để có thể biến ước mơ thành hiện thực. ‏

Dino Vũ: 'Drama luôn rình rập ekip Là Nhà' - Ảnh 5.

Khám phá nhà của Dino Vũ

Đến hiện tại, cảm giác của Dino Vũ khi sở hữu căn nhà đầu tiên ra sao?

‏Đó chính là cảm giác thật sự yên tâm. Trước kia tôi thuê nhà nhiều, muốn mua món đồ nội thất mình mê nhưng nghĩ rằng mình ở nhà thuê, đầu tư làm gì? Nhưng khi sở hữu một căn nhà rồi thì lại khác. Mình yên tâm hơn khi biết những món đã mua có thể dùng được rất lâu.‏

‏Tôi cảm giác ngày mai, ngày sau nữa tỉnh dậy mình vẫn trong căn nhà này. ‏

‏Tôi rất thích những câu chuyện về gia đình có nhiều thế hệ, có thể để lại cho cháu mình một cái ghế, bàn, chảo,... Nếu có nhà riêng cố định của mình thì mình sẽ làm được chuyện đấy còn đi thuê thì hơi khó.‏

Gần 2 năm có nhà mới, Dino Vũ đã từng tiến hành cải tạo, sửa chữa nhà chưa?

‏Có chứ. Sự tính toán của mình không bao giờ lâu dài được. Hơn nữa, có những cái mình ưu tiên mặt thẩm mỹ nhưng khi dùng công năng thì phải có sự bảo trì, có những cái xuống cấp theo thời gian như sơn hay bản lề cửa, rèm cũng phải giặt,... Tôi cũng bắt đầu sửa một tí như màu sơn hay lắp thêm bàn, có những đoạn sàn bị nứt thì cũng phải vá,... Đó là chuyện bình thường với một ngôi nhà.‏

‏Căn nhà cũng như cơ thể vậy. Khi xác định sở hữu một ngôi nhà, là mọi người phải xác định chuyện chăm sóc, duy trì. Như bản thân mình sống cả đời với cơ thể mình nhưng nửa năm, 1 năm cũng phải đi khám sức khỏe định kỳ.

Dino Vũ: 'Drama luôn rình rập ekip Là Nhà' - Ảnh 6.

Sau khi đã ở một thời gian dài, bạn có bao giờ cảm thấy chán thiết kế cũ?

‏Có đấy, tôi chọn thiết kế này vì khi đó đây là một xu hướng, mặc dù nó khá giản dị, ít chi tiết so với những xu hướng khác vào thời điểm đấy. Nhưng khi có niềm đam mê về nhà, tôi cũng muốn làm thêm. Tôi cũng ước tôi có đủ tiền, có thêm nhà, cơ hội để tôi có thể làm 1 cái nhà theo phong cách khác, có thể thử những ý tưởng mà tôi chưa thử qua. ‏

‏Nhưng không biết tín hiệu vũ trụ đáp lại tôi hay sao ấy (cười). Chương trình Là Nhà tới đập vào mặt tôi 10 căn nhà. Dù tôi không thể can thiệp vào 10 căn nhà đấy như tôi làm nhà riêng cho mình nhưng tôi tham gia vào quá trình từ thiết kế, lên ý tưởng, chọn ý tưởng, thi công đến khi nhà hoàn thiện thì 1 phần nào đó ước mơ, tham lam của tôi đã được đáp ứng, qua 1 chương trình, qua 1 căn nhà của những người khác. ‏

Thế bây giờ có phải bạn đang trong giai đoạn chuẩn bị có căn nhà tiếp theo không?

‏Nói chung tôi cũng thuộc dạng rất thực tế về khả năng của mình. Và cũng hơi sợ rằng nói trước bước không qua nhưng tôi cũng mong… Mặc dù Lê Cát Trọng Lý có câu: "Đừng mua nhiều nhà hơn mình cần", nhưng tôi cũng là người có nỗi tham đấy. Tôi mong bản thân có 1 cái gì đấy để cải thiện được, để những kiến thức sau 2 năm tôi tích cóp được phát triển hơn. Tôi rất thích làm 1 cái gì mới, công trình mới hoặc cái gì khi mình nhìn nó "thành da thành thịt" thì sướng lắm!‏

Có sở thích đặc biệt về nội thất nhưng Dino có phải là kiểu người thường vung tiền để mua không? Đồ cũ trong nhà bạn sẽ xử lý thế nào?

‏Nếu có sự vung tiền ở đây thì sẽ dành cho lĩnh vực khác, đam mê khác của tôi là máy móc. Tôi thích sắm sửa nội thất nhưng không vung tiền để mua nội thất. Khi có nhà mới, tôi không mua liền một lúc tất cả đồ nội thật mà sau đấy tôi đợi đại hạ giá sẽ mua. Tôi có cảm giác yên tâm về nhà nên không việc gì phải vội trong việc lùa hết đồ đẹp về nhà cùng một lúc. Ví dụ tôi mua một cái ghế, lúc sau tôi thanh lý lại, rồi mua cái ghế xịn hơn khi được giảm giá thì nhà cũng sẽ thay da đổi thịt đi một chút. ‏

‏Dùng một thời gian đã thấy nó đủ khấu hao về giá trị bỏ ra thì tôi ưu tiên cho những người xung quanh cần chúng hơn. Nếu khấu hao chưa đủ, tôi chưa dùng hết giá trị của nó thì tôi sẽ thanh lý. ‏

Nghe nói Dino Vũ đã dùng tín dụng để mua nhà 8 tỷ chưa tính nội thất?

‏Không hẳn là tín dụng, may mắn là tôi không phải vay ngân hàng, tôi chỉ vay người thân. Trước khi nhận nhà tôi đã trả xong tiền rồi. Tôi vay tiền vì tôi không yên tâm để dùng dòng tiền của mình vào thời điểm đấy. May mắn là lúc đấy mở lời nhờ người thân, tôi cũng được giúp. Thường tôi sẽ tách bạch chuyện giúp đỡ về mặt tài chính và mặt tinh thần. Khi mình cần mua công trình lớn trong đời, hóa ra sự hỗ trợ về mặt tinh thần có thể xuất hiện dưới hình hài về tài chính.‏

Việc nuôi thú cưng trong nhà đối với trải nghiệm của Dino như thế nào?

‏Tôi bắt đầu nuôi cún khá lâu rồi, cách đây hơn 8 năm. Hồi đấy tôi cũng hơi tham, nuôi 1 con cún to nhưng nhà thì nhỏ nên nó không có nhiều chỗ chạy nhảy, đi lại. 1 trong những yếu tố khiến tôi quyết định có nhà lớn hơn, có 2 tầng là tôi muốn chó của tôi khi bước qua tuổi trung niên có thể dành thời gian cuối đời ở một không gian rộng rãi, chạy nhảy thoải mái, có thể tự do đi lại.‏

Moochi và Matcha hình như là 2 "tên siêu quậy" đúng không?

‏Đúng là vậy. Nhưng Moochi già rồi, đến nay gần 9 tuổi rồi, đằm tính hơn nên tôi bắt đầu thấy nó hơi giống một… ông già trong nhà, là cậu lớn hiểu chuyện. Tôi cũng hơi buồn vì nhận ra rằng chó của mình già nhanh hơn mình rất nhiều. 

Dino Vũ: 'Drama luôn rình rập ekip Là Nhà' - Ảnh 7.

Làm sao để kiểm soát năng lượng của Moochi và Matcha, để cả 2 không ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như ảnh hưởng tới hàng xóm?

‏Nguyên tắc đầu tiên của tôi khi ở chung cư là không làm phiền người khác. Rõ ràng là nuôi thú cưng trong một căn nhà to sẽ không giống như nuôi trong nhà nhỏ. Trong không gian nhỏ, tiếng ồn sẽ ảnh hưởng hàng xóm. Nhà to cũng đỡ cho tôi trong việc tránh ảnh hưởng hàng xóm. Ở đây, họ không quen thú lớn thì tôi tuyệt đối không cho chúng chơi ở khu vực chung bao giờ hết. Tôi chấp nhận chuyện vất vả hơn một chút để dẫn chúng đến những nơi được mọi người chào đón như khu Sala hay Công viên quận 7.‏

Dino chăm chút nhà cửa hàng ngày như thế nào?

‏Trước kia tôi tự chăm sóc, có chị giúp việc đến theo ngày trong tuần. Giờ nhà lớn hơn thì chị giúp việc đến ở với tôi. Tất cả những quy trình chăm sóc nhà cửa tôi sẽ làm ra và chị là người duy trì những điều đấy. Vì tôi biết rằng nhà mình có tiêu chuẩn thế nào và mình cần vận hành nó. Nhưng tôi luôn cố gắng không bao giờ rời việc nhà, kể cả có người làm hộ hay không.‏

‏Nó rất khác khi ở nhà với mẹ. Hồi bé tôi luôn cố gắng trốn việc càng nhiều càng tốt, vì tôi nghĩ đó không phải nhà của mình. Xin lỗi mẹ (cười), nhưng rõ ràng khi ở nhà với mẹ, mẹ có giao việc thì tôi có cảm giác làm vì nghĩa vụ hơn. ‏

‏Tôi vẫn làm việc nhà nhiều, đặc biệt là chăm cây cối. Trong nhà, toàn bộ rác, thức ăn tôi không vứt đi một thứ gì mà sẽ sơ chế, ủ thành phân bón sau đó trồng lại cây. Nếu mọi người luc thùng rác nhà tôi thì sẽ không thấy ướt hay mùi, chỉ thấy rác là những cái không tái chế được ngay như ni lông, bìa các tông, thủy tinh,... còn đồ ướt, thức ăn thì không có một cái gì.

Dino Vũ: 'Drama luôn rình rập ekip Là Nhà' - Ảnh 8.

Nhà Dino có một cái cây giữa nhà, là điểm nhấn ấn tượng đối với mỗi ai đến thăm. Bạn tính toán thế nào để chăm chiếc cây này và có kế hoạch thay đổi không?

‏Đây đã là cây thứ 2, tôi trồng được hơn 1 năm rồi. Cây đầu tiên rất đẹp nhưng tôi không biết trồng nên cũng chết. Dù tôi có khoảng không tầng lớn, nắng chiếu khoảng 12 tiếng 1 ngày thì việc trồng cây lớn giữa nhà cũng là nhiệm vụ khó, chăm sóc rất cực. Cây lớn cần nhiều nắng nên khi tôi trồng cây này, tôi có làm thêm một đèn quang hợp nhân tạo như mọi người trồng cây trong nhà kính, trồng rau trên Đà Lạt để cung cấp thêm nắng cho cây.

Mặc dù cây hay bị bệnh thiếu nắng, sâu rồi ký sinh nhưng đã lỡ trồng rồi thì tôi cũng cố gắng chăm sóc cây tốt nhất trong khả năng. Khi nó bị bệnh, tôi cắt lá, bón phân, cố gắng chăm các chất dinh dưỡng để làm sao bù đắp được chuyện nó không được tiếp thu nhiều nắng ngoài trời. Tôi có nguyên tắc không bao giờ bỏ vật còn đang sống đi. Tôi cố gắng giữ cây lâu nhất có thể cho đến khi nó không thể sống cùng tôi được nữa thì mới thay cây khác. ‏

Dino Vũ: 'Drama luôn rình rập ekip Là Nhà' - Ảnh 9.

Dino Vũ và lời khuyên dành cho người trẻ

Ngày càng nhiều bạn trẻ mua nhà từ rất sớm, nhưng cũng có nhiều bạn trẻ chỉ muốn ở thuê dù đủ tiền mua nhà, Dino nghĩ sao về 2 quyết định này? Bạn nghiêng về ý kiến nào hơn? 

‏Vì là dân học tài chính nên quyết định mua nhà từ sớm hay ở nhà thuê không khác nhau lắm. Với tôi, đó là phụ thuộc vào tài chính mỗi người. Lựa chọn nào phù hợp hơn, đi sâu hơn thì các bạn chuyên về tài chính sẽ có nhiều cái để phân tích thay tôi. ‏

‏Với một người đi thuê nhà nhiều năm, giờ đang sở hữu nhà như tôi, thì ý kiến của tôi còn dựa vào yếu tố khác nữa là cảm xúc. Như tôi đã nói, việc sở hữu nhà riêng cho mình cảm giác yên tâm, không cần bon chen với đời nữa. Đó là cảm giác khó mua được bằng tiền. Tôi có thể chọn những việc bền vững với tôi hơn, chỉ đơn giản là nó kiếm được nhiều tiền hơn. 

Dino Vũ: 'Drama luôn rình rập ekip Là Nhà' - Ảnh 10.

Thường những người có tất cả rồi mới nói: "Nhà đẹp xe xịn không còn là thước đo cho thành công", Dino Vũ nghĩ sao?

‏Công bằng mà nói, khi mình chưa có thì mình sẽ nghĩ rằng nhà đẹp xe xịn chắc chắn là thước đo của thành công khi thấy những người sở hữu những điều đó có cuộc sống tiện nghi. Còn khi có rồi thì mọi người hay có xu hướng nhận định rằng đó không phải là thước đo của thành công, bởi vì đó là chặng đường không nghỉ. Sẽ luôn có nhà to hơn, xịn hơn, xe cũng có xe đắt hơn. Mình có thể mua xe, nhà rẻ nhất nhưng mình không thể có một cái nhà xịn nhất, xe xịn nhất được. Mình không thể là người đứng đầu thế giới về sự giàu có. ‏

Quan niệm tiền bạc của Dino Vũ có gì khác sau năm 30 tuổi?

‏Trước năm 30 tuổi, tôi là một người hơi ngông cuồng. Tôi nghe Henry Ford khuyên mọi người: "Trước 30 tuổi hãy đầu tư vào bản thân vì đó là món sinh hời nhất chứ không phải bất động sản hay tiền, vàng bạc gì cả". Tôi xem phim 3 Chàng ngốc của Ấn Độ, nghe lời khuyên: "Hãy theo đuổi sự ưu tú, thành công sẽ theo đuổi bạn. Mình giỏi, cố gắng xuất sắc trong lĩnh vực của mình thì chắc chắn tiền bạc, sự thành công theo đuổi mình". Tôi thấy điều đó đúng. Đó là sự ngông cuồng của tuổi 30. ‏

‏Quan điểm sau 30 của tôi khác, có phần dè dặt, tính toán hơn. 10 đồng mình kiếm ra, mình không thể xài hết 10 đồng cho bản thân được nữa. Sau 30 có nhiều người phụ thuộc vào mình hơn, có nhiều thứ để lo, có tương lai chờ, gia đình mình càng lớn hơn thì lúc đấy mình nghĩ ngoài việc lo cho thân mình, mình còn lo cho người khác. Mình mà chết, nhiều người khác sẽ chết cùng. Mình còn phải chu cấp cho các thành viên khác trong gia đình nữa. ‏

2023 được dự đoán là năm kinh tế khó khăn, bạn có lời khuyên tài chính gì dành cho mọi người từ kinh nghiệm của bản thân?

‏Khủng hoảng kinh tế lặp đi lặp lại 10 năm 1 lần. Trên thế giới, nhiều người đã cho các bạn lời khuyên dựa vào lịch sử kinh tế thế giới rồi. Còn với tôi, tôi chỉ khuyên các bạn đơn giản: "Hãy tập trung vào những cái thật sự mang lại giá trị cho người khác, để dù có cuộc khủng hoảng nào xảy ra, các bạn cũng sẽ không mất đi giá trị. Việc các bạn sử dụng đòn bẩy, công cụ tài chính để giàu nhanh, có nhiều tiền hơn chỉ hiệu quả khi kinh tế phát triển mạnh. Còn khi kinh tế khủng hoảng, chúng ta sẽ kinh doanh trên năng lực của mình. Đó là những giá trị cốt lõi mà bạn mang lại cho người khác. Bám vào giá trị có ích đó, chắc chắn các bạn sẽ vượt qua khủng hoảng kinh tế một cách dễ dàng hơn". 

Dino Vũ: 'Drama luôn rình rập ekip Là Nhà' - Ảnh 11.

Cảm ơn những chia sẻ của Dino Vũ!

Là Nhà - Chương trình truyền hình thực tế "làm mới" căn nhà thân quen của khán giả, biến từng khoảng không gian sống thành chốn nghỉ ngơi, vỗ về xúc cảm và chứa đựng câu chuyện ý nghĩa của chính gia chủ. Không chỉ là một chương trình về kiến trúc thông thường, Là Nhà lồng ghép kiến thức chuyên môn với câu chuyện cá nhân của mỗi chủ nhà để tạo nên chương trình đầy xúc cảm và nhân văn.

Là Nhà phát vào 15 giờ Chủ Nhật hàng tuần trên VTV3 và 20 giờ cùng ngày trên Megalivestream của VCCorp.

Chương trình được sản xuất bởi WOWMedia cùng Nhà phát triển BĐS Văn Phú - Invest (VPI) ; Nhà tài trợ Kim Cương Panasonic ; Đơn vị truyền thông và phát hành VCCorp - Admicro và VTV; Đơn vị hợp tác thương mại VCCorp - Adsponsor; đồng thời đưa tin trên ELLE Decoration, Group Nghiện Nhà và Happynest.

Vlogger Dino Vũ: 'Đôi lúc tôi ước mình giỏi ăn nói như anh Trấn Thành...' - Ảnh 15.

Quang - Phương Ngân | Ảnh: Lương Khải | Thiết kế: Thành Đạt | Clip: Kinglive

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm