Trốn việc công sở - clip gây sốc không chỉ ở 'nước Ý hành chính'

27/10/2015 18:05 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Những hình ảnh mà Cảnh sát tài chính Italy công bố trên truyền hình nước này có thể gây sốc với tất cả những ai ngồi trước tivi.

Một người cảnh sát khu vực mặt vẫn còn ngái ngủ bước đến máy quẹt thẻ ghi danh trước cửa một văn phòng của Tòa thị chính. Trên người mặc độc một chiếc quần ngủ và áo phông, ông này đưa chiếc thẻ từ của mình vào máy, rồi sau đó, quay bước đi, không phải là để tới nơi ông ta làm việc, mà trở về nhà, có lẽ là để tiếp tục giấc ngủ.

Hình ảnh tiếp theo của một ngày khác, được ghi lại bằng camera quay trộm của cảnh sát: vợ của người cảnh sát mang thẻ của chồng mình đến quẹt. Hình ảnh của một ngày khác nữa: đứa con gái út của viên cảnh sát mang thẻ đến chiếc máy và làm cái công việc xem ra có vẻ nặng tính hành chính và đầy nhàm chán mà cha của cô, một viên chức phải làm hàng ngày để được chấm công đầy đủ.

Các nhà điều tra cho biết, "chỉ" 12 lần viên chức này làm điều tương tự.

Nhưng ông không phải là nhân viên duy nhất làm như thế này ở Tòa thị chính Sanremo, thành phố bên bờ biển nổi tiếng với những sòng bạc và Liên hoan âm nhạc Italy thường niên. Rất nhiều người trốn việc với tổng thời gian lên tới hàng tuần và người này đi làm thì quẹt hộ thẻ cho 4,5 người khác nghỉ việc vào lúc ấy, rồi họ cứ thay nhau như thế, trong một sự bao che và đồng lõa của những người đồng nghiệp làm việc trong ngạch hành chính, một thế giới đầy quan liêu, có vẻ đáng buồn chán, nhưng là một thiên đường cho những kẻ trốn việc, vì sự quản lí quá lỏng lẻo.

Một nhân viên đang quẹt thẻ cho mình và "giúp đỡ" các đồng nghiệp trốn việc

195 người, tức là 3/4 số nhân viên của chính quyền Sanremo nằm trong danh sách điều tra và 43 người trong số này đã bị cảnh sát tài chính bắt hôm 22/10. Tội của họ không nghiêm trọng như hối lộ, tham nhũng hay giết người, mà "chỉ" là giả vờ có đi làm việc và tận dụng giờ hành chính để làm những việc riêng, như đi siêu thị, đưa con cái đi khám, đi uống cà phê với bạn bè, đi bơi thuyền, tập gym, thậm chí... ngủ.

Nhưng bằng việc ấy, họ đã làm thất thoát hàng chục triệu euro tiền ngân sách trả cho họ, trong khi họ không hề làm việc.

Và để nghỉ việc, họ tận dụng những lợi thế tuyệt vời nhất có thể để trốn việc: không một ai quản lí họ sau khi thẻ chấm công được quẹt vào máy từ, không một ai kiểm tra xem thực sự họ có làm việc ở công sở không. Rất đơn giản, tôi quẹt thẻ cho anh hôm nay, anh quẹt thẻ cho tôi ngày mai để tính đủ ngày công, và cứ thế.

Ở Sanremo, việc gian lận trong kiểm soát nhân sự xảy ra trong nhiều năm, bởi các sếp của những bộ phận hành chính trong chính quyền cũng là những tấm gương lớn về trốn việc và giúp người khác giả vờ đi làm.

Chẳng hạn một sếp cấp phòng ở đây bị cảnh sát ghi nhận đã 56 lần rời nhiệm sở một cách bất hợp pháp sau khi quẹt thẻ, nhiều trong số đó là đi ra phố để mở cửa hàng hoa mà vợ ông đứng bán. Một sếp cấp phòng khác đã quẹt thẻ 120 lần cho nhân viên dưới quyền, những người không hề đến cơ quan.

Câu chuyện này đã xảy ra một thời gian rất dài, không chỉ ở Sanremo mà trở thành một căn bệnh nặng đối với nền hành chính Italy, gây thất thoát lớn lao cho ngân sách, bởi cuối tháng, những người này nhận lương đều đều, thậm chí cả tiền làm thêm ngoài giờ, trong khi không đóng góp gì cho xã hội.

Scandal ấy trở nên nghiêm trọng, bởi từ nhiều năm nay, chính phủ Italy đã tuyên chiến với căn bệnh "trốn việc" này, và cải cách hành chính theo hướng nâng cao hiệu năng và giảm bớt các chi phí cho bộ máy cồng kềnh nhưng kém hiệu quả này được coi là ưu tiên hàng đầu. Chính phủ của Thủ tướng Matteo Renzi đã lập ra Bộ hành chính công, một Bộ đặc biệt nhằm sắp xếp lại hệ thống hành chính của nước này.

Nhưng bà Bộ trưởng Mariana Madia, một người phụ nữ có khuôn mặt đẹp như trong tranh của Botticelli thời Phục hưng, đã không dưới một lần tuyên bố trên tivi rằng, đây là một cuộc chiến vô cùng khó khăn.

"Nền hành chính này quá cồng kềnh và tốn kém", bà nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình sau khi bùng nổ vụ bê bối liên quan đến cảnh sát giao thông ở thủ đô Rome, khi 83% số người trong lực lượng này không có mặt trong đêm Giao thừa 2015 dù đã được bố trí phân công, hầu hết số người này sau đó tuyên bố "bị cảm".

Việc rất khó sa thải những người trong biên chế nhà nước do họ được bảo vệ bởi luật lao động và sự can thiệp của các nghiệp đoàn khiến cho khu vực hành chính công trở thành một nơi rất khó đụng chạm và cải cách triệt để.


Camera ghi lại cảnh xếp hàng chờ quẹt thẻ rồi... về

Sanremo đơn giản chỉ là một ví dụ điển hình về việc Italy, nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực đồng euro, đã khốn khổ đến thế nào trong việc thúc đẩy một hệ thống viên chức từ cấp trung ương đến địa phương lên đến hơn 2 triệu người vận hành như thế nào. Những quan chức mẫn cán của thành phố miền Tây Bắc Italy này đã gần như tuyệt vọng và bất lực trong một cuộc chiến mà họ hầu như không thể thắng.

Cựu thị trưởng Maurizio Zoccorato đã từng đưa ra một quy định đặc biệt, trong đó quy định nhân viên của mình chỉ được uống cà phê một lần mỗi sáng trong giờ làm việc và không được ngồi bàn, chỉ được uống đứng (!) Ông hy vọng làm thế sẽ giảm bớt thời gian la cà của họ.

Cuộc "cách mạng" của Zoccorato đã chết yểu, do sau đó ông thất cử.

Trốn việc bằng cách quẹt thẻ trên thực tế không nghiêm trọng và trớ trêu bằng việc các công chức giả ốm để khỏi phải đi làm. Đầu năm ngoái, một khu phố của Palermo đã chìm trong rác sau khi hơn 100 nhân viên của công ti vệ sinh môi trường thành phố đồng loạt "nghỉ ốm".

Một cuộc điều tra của Viện công tố Palermo đã cho thấy đấy thực ra chỉ là "trò mèo": hầu hết những người này đã nhờ các bác sĩ quen biết hoặc trả tiền cho họ để có giấy xác nhận ốm, nhờ đó họ khỏi phải đi làm trong những ngày nghỉ lễ sau Giáng sinh.

Nhưng Palermo không phải là một đô thị như Rome. Thủ đô Italy là thành phố lớn nhất nước. Chỉ tính riêng nhân viên của công ti môi trường đô thị ở đây đã có gần 8 nghìn nhân viên thì trung bình mỗi ngày có xấp xỉ 1 nghìn người không đi làm, vì đủ lí do khác nhau, nhưng chủ yếu là "ốm". Nhưng cũng không lấy gì để đảm bảo số 7 nghìn người kia có bao người thực sự đi làm, khi việc giúp nhau quẹt thẻ là chuyện cơm bữa.

Luật Italy quy định bất cứ nhân viên nào nghỉ quá ba ngày đều phải có giấy chứng nhận khám bệnh của bác sĩ. Quy định này đã tạo cơ hội cho không ít người lách luật khi thực hiện việc "khám bệnh ảo" qua người quen để có xác nhận. Một quy định đối phó được đưa ra năm 2009, bắt buộc các bác sĩ phải trình hóa đơn khám bệnh và khoản tiền thực tế phải được nhìn thấy trong tài khoản của ông ta cũng tỏ ra vô ích.

Năm 2013, Italy đã thiệt hại hàng chục tỉ euro do các nhân viên nhà nước đã nghỉ tổng cộng 108 triệu ngày công, trong khi vẫn được hưởng lương. Một điều tra của nhật báo La Stampa cho thấy, tỉ lệ các vụ ốm tăng vọt lên trong những ngày cuối tuần, các đợt nghỉ lễ hoặc các dịp lễ có tính bắc cầu. Gọi đấy là "nghỉ chiến thuật", La Stampa tính ra rằng, hệ đề kháng của các nhân viên hành chính ở Italy trở nên yếu ớt đặc biệt trong những ngày ấy.

Tờ báo cho biết một hiện tượng lạ: sau những ngày nghỉ dài trong dịp lễ thì người Ý thường ốm vào thứ Hai tuần sau đó và khỏi luôn vào ngày hôm sau.

Phải chăng họ mắc cảm đột ngột vào hôm thứ Sáu?

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm