'Jingle Bell Rock' - bài Giáng sinh hay nhất mọi thời

19/12/2016 06:11 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cứ đến tháng 12 là làng nhạc Giáng sinh lại đón chào sự trở lại của một ngôi sao, đều đặn suốt 60 năm qua. Đó chính là ca khúc Jingle Bell Rock, một trong những bài hát Giáng sinh hay nhất trong lịch sử và chưa bao giờ ngừng cất tiếng tại mỗi mùa Noel.

Jingle Bell Rock là một bài hát Giáng sinh nổi tiếng của Mỹ và đáng nhớ hơn, là bài Giáng sinh đầu tiên trong kỷ nguyên rock’ n’roll, mở đường cho rất nhiều bài rock về Giáng sinh sau đó lần lượt ra đời.

60 năm qua nó vẫn là bài hát Giáng sinh đem lại rất nhiều niềm vui cho công chúng. Tuy vậy, những người trong cuộc thì lại buồn thiu.

Mở đầu kỷ nguyên Rock’ n’roll

Rock’n ‘roll khai sinh chưa lâu thì Jingle Bell Rock ra đời. Đó là vào năm 1957 khi ca sĩ nổi tiếng Bobby Helm lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng qua một đĩa đơn phát hành chỉ 2 ngày trước lễ Giáng sinh.

Đó thật sự là một bài hát lạ lùng khi trước đó, những bản Giáng sinh đều êm ả, mượt mà, lắng đọng, hợp với khung cảnh trong khi Jingle Bell Rock lại rất sôi động, tiết tấu nhanh và cách hòa âm thì đậm mùi rock’n ‘roll.


Nghệ sỹ guitar nổi tiếng Hank Garland. Ông cũng là người đứng sau nhiều bài hit của Elvis Presley

Hãng Decca đã suy nghĩ rất kỹ trước khi tung ra đĩa đơn này bởi sợ thị trường sẽ phản ứng tiêu cực. Phải đến 2 ngày trước khi Giáng sinh bắt đầu, một cuộc họp quan trọng được mở ra và kết thúc với đa số phiếu thuận, đồng tình cho việc phát hành.

Thời điểm đó, nhạc Giáng sinh bao giờ cũng phải phát hành trước lễ gần 1 tháng để hâm nóng thị trường, trong khi Jingle Bell Rock phải đến cận ngày mới phát hành. Ngay cả ông chủ của Decca cũng tin rằng, bài hát sẽ không thắng, nhưng cái ông cần là bài hát được lan tỏa và lăng xê con gà cưng của hãng, Bobby Helm.

Nhưng đó là một sự cả nghĩ hơi tiêu cực bởi chỉ trong 3 ngày, bài hát này đã đạt hạng Billboard, tốc độ còn nhanh hơn cả vận động viên điền kinh 100m. Năm ấy, thị trường âm nhạc Mỹ náo động với Jingle Bell Rock, đi đâu người ta cũng nghe bài hát này. Các cửa hàng đĩa đông nghẹt người đứng chờ mua single.

Ông vua nhạc rock Elvis Presley khi đó đã tỏ ra tiếc nuối khi không được hát bài này và thốt lên rằng “Đây là một bài Giáng sinh hay nhất mọi thời”.

Jingle Bell Rock mở ra một cánh cửa khai phá cho rock’n ‘roll. Rất nhiều nghệ sỹ sau này nói rằng họ chịu ảnh hưởng của nó. 120 triệu đĩa bán ra khắp toàn cầu, mỗi năm, hàng ngàn đài phát thanh hát đi hát lại bài này, chưa kể những đĩa nhạc, chuỗi siêu thị, cửa hàng đã góp phần đưa Jingle Bell Rock trở thành bài hát được nghe nhiều nhất thế giới.

Bài hát này thật ra có phần lời chẳng quá sáng tạo, nó gần như là một phiên bản nối dài của bài hát Jingle Bell kinh điển với những lời ca như “Tiếng chuông ngân vang và đung đưa. Tuyết rơi và hoa tuyết nở mang niềm vui đến cho mọi người. Và bây giờ vũ điệu giáng sinh sẽ bắt đầu, hòa vào trong âm thanh của thời khắc huy hoàng. Nào bạn ơi, chúng ta cùng khiêu vũ trong tiếng chuông ngân vang, trong tiết trời giá lạnh của đêm giáng sinh”.

Tuy vậy, giai điệu bài hát thì lại rất vui tươi, xóa bỏ mực thước của những bài Giáng sinh kinh viện. Cùng với đó, giọng hát của Bobby Helm chính là hơi thở của Giáng sinh, vừa nồng ấm, vui tươi và hết sức sinh động. Ngoài ra, phải kể thêm tiếng đàn của Hank Garland, người đã thổi hồn cho Jingle Bell Rock một không khí lễ hội với tiếng guitar mạnh mẽ, tràn đầy sinh lực với những tiết tấu rộn rã, sảng khoái.

Cho đến nay Jingle Bell Rock là một trong những bài hát được cover nhiều nhất thế giới và nó mang về cho tác giả sáng tác, ca sĩ thể hiện cơ màn nào tiền bản quyền.


Bobby Helm và single "Jingle Bell Rock" phát hành 22/12/1957

Tiền vào túi ai?

Cho đến giờ, về mặt chính thức, Jingle Bell Rock được xem là sáng tác của Joseph Carleton Beal (1900-1967) và James Ross Boothe (1917-1976). Beal là người hoạt động trong lĩnh vực marketing còn Boothe là một cây viết hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo.

Đến bây giờ, nhiều người vẫn chưa hiểu vì sao mà cả 2 tác giả này lại có thể có một bài hát khiến cho ông chủ hãng đĩa Decca phải quyết tâm phát hành cho bằng được.

Đó là tháng 10 năm 1957, ông trùm Paul Cohen đi cùng nhà sản xuất âm nhạc Owen Bradley đến gặp ca sĩ Bobby Helm và nghệ sỹ guitar Hank Garland để bàn về một bài hát mới.

Khi đó, Bobby Helm đang được xem là ngôi sao của Decca khi có một số bài hát trở thành hit và rất được yêu thích. Tuy nhiên lúc đó Bobby Helm chưa có một bài nào về Giáng sinh. “Tôi muốn cậu hát bài này vì nó sẽ đưa cậu vào phân khúc mua sắm mạnh nhất thế giới, là mùa Giáng sinh”.

Nhìn xuống tập bản thảo, Bobby Helm thấy tên ca khúc Jingle Bell Hop và anh mỉm cười nói với ông chủ rằng “Tôi sẽ cố gắng”.

Nhưng thật sự, càng cố gắng thì Bobby Helm cùng Hank Garland càng tuyệt vọng. Bài hát có mở đầu khá ấn tượng nhưng càng về sau càng đuối. Bobby Helm kể lại rằng, cột hơi của ông cứ liên tục bị hạ vì chuỗi giai điệu không ăn nhập gì vào với nhau.

Cuối cùng, để không làm đổ kế hoạch đột xuất của công ty, Helm và Garland quyết định sửa bài hát này. Họ thay một vài chỗ giai điệu, sửa điệp khúc, thêm vào đoạn cầu nối và viết lại lời. Sau đó, quan trọng hơn, họ sửa luôn tựa bài hát thành Jingle Bell Rock.

Và như lời khẳng định của Dave Davis, quản lý của Bobby Helm, thì sau khi bài hát được sửa xong “thì nó hoàn toàn là một bài hát mới, một hơi thở mới”.

Sau đó, Bobby Helm cùng Garland bước vào phòng thu âm và trình làng một ca khúc sau đó đã đi vào lịch sử.

Thế nhưng sau đó, trong phần tác giả được in lên mặt đĩa đơn, lại hoàn toàn vắng 2 cái tên Bobby Helm và Hank Garland.

Lúc đó Hank Graland khá tức giận, ông quyết định làm cho bằng được để đòi lại sự công bằng nhưng Bobby Helm thì lại khá yếu ớt. Dù Helm cũng rất tức giận nhưng bù lại, ông vẫn nhận đủ tiền bản quyền ca sĩ thể hiện. Chỉ mỗi Garland là bị đối xử bất công.

Garland nói rằng, “nếu chúng tôi chỉ sửa bàn hòa âm thì chẳng có gì đáng nói, còn đây chúng tôi làm lại cấu trục giai điệu, thêm cầu nối, sửa ca từ, sửa tít bài vậy mà chúng tôi không hề nhận được một đồng xu tác quyền”

Cuối cùng, Garland đâm đơn kiện ra tòa nhưng vụ việc liên tục bị ỉm đi. Tuy vậy, Garland không hề nao núng, ông vẫn kiên trì theo tới cùng.

Nhưng tiếc rằng, năm 1961, một vụ tai nạn xe hơi đã khiến ông bị mất trí nhớ. Theo như lời kể của người em trai, “đây là vụ mưu sát chứ không phải là tai nạn ngẫu nhiên”. Ông vua Elvis Presley khi đó đã rất tiếc nuối khi làng nhạc bị mất đi một tay guitar cự phách.

Đến bây giờ Hiệp hội các nghệ sĩ sáng tác và xuất bản (ASCAP), vẫn ghi nhận Joseph Carleton Beal và James Ross Boothe là đồng sáng tác của Jingle Bell Rock. Trong khi đó, Hank Garland đã qua đời từ năm 2004 thì giờ đây, gia đình ông vẫn thay nhau đi kiện.

“Nền công nghiệp âm nhạc đang nợ anh tôi cả 100 triệu USD tác quyền ca khúc Jingle Bell Rock và chúng tôi sẽ vẫn quyết định đi tới cùng”, Billy Garland, em trai của Hank Garland, nói.

Tuy vậy, sự việc ngày càng khó khăn hơn. Cả 4 người liên quan đến ca khúc này đều đã qua đời và cũng chẳng có một bằng chứng nào cho thấy Bobby và Garland đã làm việc cùng nhau trên bản thảo trong phần sửa lại ca khúc này.

“Đáng lẽ ngay khi phẩn sửa đổi hoàn thành thì họ phải làm cho ra nhẽ ngay từ đầu nhưngvẫn cứ im lặng, mà không chỉ họ, có rất nhiều trường hợp xảy ra cũng tương tự vậy và cuối cùng chẳng đi được đến đâu. Nhiều người nghĩ rằng đây là công biên tập nhưng thực tế nó chính là công việc sáng tạo và họ phải được công nhận là đồng tác giả. Đây là một bài học cho bất cứ ai manh nha muốn bước vào thị trường kinh doanh âm nhạc”, trang Business lessons from rock (Bài học kinh doanh từ rock), kết luận.

Với Jingle Bell Rock, cho dù mỗi năm nó vẫn ngân vang trong mùa Giáng sinh, đem lại niềm vui cho mọi người nhung vẫn có thiểu số khi bài hát vang lên, lại nặng trĩu nỗi buồn.

Cùng nghe lại ca khúc "Jingle Bell Hop":


Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm