Hà Nội khởi công xây dựng đường đua Công thức 1: Cơ hội và nỗi lo cho Việt Nam

22/03/2019 18:20 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Chủ tịch Liên đoàn Ôtô quốc tế (FIA) Jean Todt không sai khi nói rằng, Vietnam Grand Prix ở Hà Nội là cơ hội tuyệt vời để mở ra cánh cửa cho những người đam mê tốc độ tại Đông Nam Á. Nhưng…

Vingroup cam kết hoàn tất đường đua F1 Hà Nội đúng hạn

Vingroup cam kết hoàn tất đường đua F1 Hà Nội đúng hạn

Phát biểu trong buổi lễ khởi công đường đua Công thức 1 (F1) Hà Nội diễn ra vào sáng ngày 20/3/2019, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho biết Vingroup cam kết sẽ hoàn thành công việc xây dựng đường đua vào tháng 3/2020, để chặng đua F1 Hà Nội có thể khởi tranh đúng như dự kiến vào tháng 4/2020.

… Lịch sử cho thấy không phải quốc gia nào ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung cũng thành công khi tổ chức cuộc đua Công thức 1 (F1).

Háo hức chờ đợi

Nói là chờ đợi bởi Việt Nam là quốc gia châu Á mới nhất tham gia tổ chức giải F1 đã có từ năm 1950. Và trong nhiều năm qua, một số nước chủ nhà đã thu hút được sự quan tâm của người hâm mộ, một số lại thất bại vì sự thờ ơ của khán giả.

Những đường đua F1 trong mơ

Cũng nên nói thêm là hiện nay, Singapore là thành viên duy nhất của ASEAN đang tổ chức một chặng F1. Giờ ASEAN sẽ có thêm Việt Nam từ năm 2020 và không rõ F1 có thành công với tham vọng mở rộng thị trường ở khu vực này hay không khi họ muốn giảm sự phụ thuộc vào các thị trường châu Âu truyền thống.

Theo Chase Carey, chủ tịch và giám đốc điều hành F1 cho biết vào tháng 11/2018, Việt Nam là một điểm đến thích hợp cho môn thể thao tốc độ này. “Chúng tôi đã nói đến việc phát triển những địa điểm mới để mở rộng F1 và Vietnam Grand Prix hiện thực hóa cho tham vọng đó,” ông Carey tuyên bố. “Chúng tôi rất phấn khích khi chặng đua sẽ diễn ra ở Hà Nội, một trong những thành phố hấp dẫn nhất.”

Cảm nhận của các quan chức F1 hoàn toàn có cơ sở. Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á và việc Hà Nội vừa tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai đã mang đến những cơ hội quảng bá cho thanh phố cũng như đất nước.

Vì thế, trong khi nhiều người đều cho rằng, Việt Nam không có truyền thống văn hóa đua xe thể thao, việc tổ chức một chặng F1 sẽ mang đến cơ hội tiếp thị cho chúng ta về khả năng tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới.

Thực tế thì một đường đua chạy qua các con phố của Hà Nội, nơi thường chỉ thấy những chiếc xe máy, ô tô, sẽ tạo ra một ấn tượng đặc biệt về một chặng đua chưa từng thấy ở nơi nào và giới thiệu cho tất cả về một Việt Nam năng động, mới mẻ tới 1,7 tỉ lượt người xem (con số của năm 2018). Nên nói thêm là Vietnam Grand Prix sẽ diễn ra ở đường đua dài 12km nằm ở phía Tây Hà Nội, nơi một số đoạn sẽ được xây mới bên cạnh những tuyến đường đã có sẵn.

Để đưa được F1 về Việt Nam, các nhà tổ chức, trong đó có tập đoàn Vingroup, theo được hiểu đã phải chi 57 triệu USD/năm tiền phí, một con số không hề nhỏ nếu so với số tiền mà những quốc gia khác đã bỏ ra.

Chú thích ảnh
Đường đua Mỹ Đình trên thiết kế

Những thách thức

Dĩ nhiên, điều đáng nói nhất không phải là chi phí kể trên nếu so với những gì chúng ta thu được từ việc tổ chức F1 mà là thách thức đằng sau đó. Thậm chí, hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng thì Việt Nam sẽ phải thắt dây an toàn, mở to mắt để theo dõi F1 khi lịch sử cho thấy, việc thu hút người xem ở một môn thể thao rất đặc thù này tại các quốc gia châu Á là không hề dễ dàng.

Chẳng hạn như Nhật Bản có rất nhiều cái gọi là “gashead” để tiếp nhiên liệu cho một chặng Grand Prix đã bắt đầu năm 1963 và người hâm mộ nước này coi đây là một phần trong lịch thi đấu quốc gia thì ở nước láng giềng Hàn Quốc, F1 không được đón nhận nhiệt tình.

Thực ra thì việc xây đường đua ở vùng nông thôn phía Tây Nam, cách quá xa thủ đô Seoul, là một sai lầm của các nhà tổ chức Hàn Quốc. Khi F1 bắt đầu tại đây vào năm 2010, họ không thể tạo ra một hiệu ứng như kì vọng và thổi niềm đam mê đua xe thể thao vào người dân của một trong những quốc gia giàu nhất châu Á này.

Hệ quả của việc lượng khán giả thấp khiến các nhà đầu tư không thể thu được chi phí đã bỏ ra và chặng đua tại Hàn Quốc đành chấp nhận bị xóa sổ vào năm 2013. Đó cũng là năm Ấn Độ rút khỏi giải F1, chỉ sau 2 năm bắt đầu và vướng vào những bất đồng về thuế giữa các nhà tổ chức với chính quyền.

Dĩ nhiên, Việt Nam có lợi thế là việc tổ chức F1 được Hà Nội và chính phủ ủng hộ. Như thế có nghĩa chúng ta có thể vượt qua được những trở ngại ban đầu để biến Vietnam Grand Prix thành một địa điểm du lịch hấp dẫn như Malaysia làm được vào năm 1999.

Đó sẽ là mục tiêu của Hà Nội và Việt Nam, mặc dù trong trung hạn và dài hạn, chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức. Như thủ tướng Malaysia năm 2017 là Najib Razak có nói thì lợi nhuận thu được sẽ làm giảm gánh nặng chi phí tổ chức, dù năm 2018 là năm đầu trong thế kỉ này, Malaysia không tổ chức một chặng đua của F1.

Tiếp tục học hỏi

Ngược thời gian thì năm 1999, chỉ có 16 nước tham gia tổ chức các chặng đua của F1, trong đó có 2 quốc gia châu Á. Con số này giờ tăng lên 21 nước, bao gồm 6 nước châu Á. Ở đây, việc mở rộng F1 đồng nghĩa sẽ làm giảm cơ hội tổ chức lại của những nước từng đăng cai bởi các nhà tổ chức đã có nhiều lựa chọn hơn.

Thế nên, đưa được F1 đến Hà Nội và giữ được chặng đua này trong tương lai sẽ là thách thức lâu dài cho Việt Nam cũng như Liberty Media, công ty sở hữu F1, để tạo ra một dấu ấn đặc biệt cho Vietnam Grand Prix như Singapore Grand Prix với đường đua đêm quanh thành phố hay như Malaysian Grand Prix với đường đua Sepang đã quá nổi tiếng.

Cũng phải nói thêm là năm 2018, Việt Nam không nằm trong Top 20 thị trường theo dõi F1 lớn nhất thế giới và trong 10 đội đua của mùa giải 2019, có đến 9 đội từ châu Âu và 1 đội từ Mỹ. Trong 20 tay đua chỉ có một tay đua có gốc gác châu Á là Alexander Albon, người sinh ra và lớn lên tại Anh nhưng có mẹ là người Thái Lan.

Việc thiếu kết nối mang tính địa phương sẽ là rào cản lớn để thu hút các nhà tài trợ và người hâm mộ châu Á, cũng như những tay đua bản địa tiềm năng. Thậm chí, ngay cả khi có những tay đua châu Á đam mê như thế, họ sẽ không thể đạt tới đẳng cấp thế giới nếu không chuyển đến và đua tại châu Âu.

Vì vậy, trong ngắn hạn, chúng ta có thể lạc quan vào việc tổ chức F1 tại Hà Nội và học hỏi kinh nghiệm của Malaysia, Singapore. Còn nếu muốn thành công như Nhật Bản và xây dựng được văn hóa F1 lâu dài, chặng đường đó sẽ rất lâu và rất khó khăn.

Mạnh Hào

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm