'Pháp sư mù': Phim 'chiếu mạng' không dễ nâng cấp thành 'chiếu rạp'

13/11/2019 07:58 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Sau Chị Mười Ba ra rạp hồi tháng 4/2019 và một, hai phim không đáng kể khác, điện ảnh Việt lại có thêm một phim chiếu rạp được phát triển từ web drama: Pháp sư mù (đồng đạo diễn: Lý Minh Thắng - Huỳnh Lập). Phim công chiếu toàn quốc từ ngày 8/11/2019.

Huỳnh Lập than khó đủ đường khi làm phim kinh dị hài 'Pháp sư mù', hi vọng khán giả ủng hộ

Huỳnh Lập than khó đủ đường khi làm phim kinh dị hài 'Pháp sư mù', hi vọng khán giả ủng hộ

Pháp sư mù: Bộ phim kinh dị 18 + tâm linh, huyền ảo pha hài hước hiện đã được công chiếu toàn quốc. Huỳnh Lập chính là cái tên thu hút sự quan tâm nhất, khi vừa đóng vai trò đạo diễn vừa tham gia diễn xuất vai chính Tinh Lâm

Nếu như web drama (phim chiếu mạng) Ai chết giơ tay - tiền thân của Pháp sư mù - là một thử nghiệm vừa sức với Huỳnh Lập, thì với Pháp sư mù, anh có vẻ hụt hơi, khi cùng lúc muốn tung hoành trên màn ảnh rộng ở cả ba vai trò: Biên kịch, đạo diễn, diễn viên chính.

“Kịch hóa” phim chiếu rạp

Phim kể về hành trình tìm lại ánh sáng của pháp sư trẻ Tinh Lâm (do Huỳnh Lập đóng) dưới sự giúp sức của hai người bạn Thụy Du (Quang Trung) - người có khả năng cho hồn mượn xác và Liên Thanh (Hạnh Thảo đóng) - người có khả năng nhìn thấy các linh hồn.

Dường như chỉ dành cho những ai đã từng xem web drama Ai chết giơ tay nên Pháp sư mù mặc dù dài hai tiếng đồng hồ nhưng không dành thời lượng để giới thiệu về các tuyến nhân vật, mối quan hệ của họ với nhau, khiến người xem thấy rối rắm, khó hiểu. Chẳng hạn quan hệ giữa Nguyệt Minh, Út quái với Tinh Lâm, hoặc chuyện con chó biến thành Thụy Du… đúng là “trên trời rơi xuống”, nếu chưa xem Ai chết giơ tay.

Chú thích ảnh
Do quá ôm đồm, Huỳnh Lập (giữa) đã không đủ sức để làm cho “Pháp sư mù” có thể thành một phim chiếu rạp đúng nghĩa

Phim bê nguyên xi dàn diễn viên chủ chốt từ web drama sang, điều này giúp cảm xúc của nhân vật và khán giả được liền mạch, nhưng cũng vì sử dụng nhiều diễn viên sân khấu nên diễn xuất trong phim phần nào bị “kịch hóa”. Vai của Huỳnh Lập, Khả Như… là những ví dụ.

Việc có quá nhiều nhân vật phụ nhưng đất diễn ít ỏi như các vai do Việt Hương, Lê Giang, Phương Thanh đóng đã khiến họ trở nên mờ nhạt, thừa thãi, dù nét diễn khá duyên. Trong khi ở chiều ngược lại, vai bác sĩ Nhi (Kiều Trinh) được ưu ái xuất hiện nhiều, nhưng thể hiện quá “đơ”.

Chú thích ảnh
Việt Hương, Phương Thanh, Lê Giang diễn khá duyên, nhưng rất tiếc quá ít đất diễn để phát huy được sức hút từ họ

Thời lượng phim dài hai tiếng là một thách thức không nhỏ với biên kịch Huỳnh Lập vì không dễ phát triển một câu chuyện có độ dài như vậy từ một phiên bản gốc chỉ hơn 30 phút. Kết quả là Pháp sư mù có nội dung khá ôm đồm, trong đó có vài câu chuyện, nhân vật chẳng liên quan, ví như bà bán vé số (NSND Ngọc Giàu đóng), cậu con trai nghiện ngập của bà An (Ngọc Trai đóng) và đỉnh điểm là tuyến truyện về tiền kiếp của Tinh Lâm.

Chỉ đạo diễn xuất là việc của đạo diễn, chất lượng kịch bản phụ thuộc tay nghề của biên kịch. Nếu chỉ xét riêng hai khía cạnh này, rõ ràng Huỳnh Lập đang làm một việc quá sức mình.

Chú thích ảnh
Cùng xuất thân sân khấu, nhưng nhờ kinh nghiệm và tay nghề cao, Đại Nghĩa (mép phải) đã thoát được chất kịch, Khả Như và Huỳnh Lập thì chưa

“Chỉ như một bản web drama “sang chảnh” hơn”

Phim có điểm sáng, nhưng không ở khía cạnh dàn dựng, mà nằm ở góc nhìn đa chiều của người làm phim đối với thế giới tâm linh. Trong phim có những người mù quáng đến mức mê tín dị đoan như ba bà thầy tướng số, có người chỉ tin vào khoa học như bác sĩ Nhi, cũng có người có khả năng nhìn xuyên vào thế giới tâm linh đầy sắc màu.

Là một người nghiên cứu kỹ về lĩnh vực này nên Huỳnh Lập sáng tạo ra thế giới tâm linh sống động trong Pháp sư mù thông qua những bài chú, cuốn sổ ghi chép bùa phép, nghi lễ cúng trừ tà lạ mắt. Kỹ xảo trong phim cũng thể hiện sự đầu tư lớn so với bản web drama.

Tất cả cho thấy cái tâm của Huỳnh Lập khi muốn mang đến cho người xem một sản phẩm giải trí có chất lượng. Tuy nhiên tiền và tâm có lẽ chưa đủ để tạo nên một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa, bởi điện ảnh nằm ở đẳng cấp khác, vốn đòi hỏi cao hơn.

Suy cho cùng thì web drama Ai chết giơ tay cũng chỉ là phim chiếu mạng, màn hình nhỏ, khán giả xem miễn phí, còn Pháp sư mù ra rạp bán vé, màn hình lớn, chỉ riêng điều này thôi đã là khác biệt rất lớn.

Người xem được quyền đòi hỏi cao hơn ở Pháp sư mù, những điều mà họ có thể cho qua ở Ai chết giơ tay. Nhưng thực tế cho thấy Pháp sư mù chưa đáp ứng yêu cầu cơ bản về một phim chiếu rạp, vì cả phim không có ngôn ngữ hoặc chi tiết hình ảnh nào đắt giá, đậm chất xi-nê, mà chỉ như một bản web drama “sang chảnh” hơn, do đầy ắp kỹ xảo tốn tiền hơn.

Phim chiếu rạp làm lại web drama sẽ còn là hướng đi của nhiều nhà làm phim trong tương lai, nhưng để được công nhận là phim điện ảnh thực thụ, e rằng hơi khó. Việc nóng vội hô biến web drama thành phim chiếu rạp khi nền tảng chuẩn bị chưa đủ chín muồi không chỉ khiến phiên bản mới khó thành công, mà nguy hiểm hơn là có thể đánh mất niềm tin, cảm xúc đã tạo dựng được từ bản web drama trước đó. Thật vậy, Pháp sư mù chỉ là một bản web drama nối dài, một dạng “hậu truyện” của Ai chết giơ tay, nhưng ít tươi mới và ít cảm xúc.

Dương Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm