Cầu thủ nhập tịch ở Việt Nam: Họ là ai?

08/11/2014 19:19 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Trong bản danh sách hơn 20 ngoại binh có quốc tịch Việt Nam, Brazil và Nigeria chiếm phân nửa (11 cầu thủ tổng cộng). Số còn lại đến từ Cameroon (2), Ghana (2), Uganda (2), Kenya (1), Zimbabwe (1), Argentina (1), Thái Lan (2) và Ukraine (1)… Con số này sẽ không (hoặc chưa) dừng lại, nếu bóng đá Việt Nam không phải trải qua giai đoạn khó khăn, với cuộc khủng hoảng kinh tế trên diện rộng.

Khoan nói chuyện chính sách, thời đại thế giới phẳng, việc thu hút nguồn lực nước ngoài phải luôn song hành, đồng bộ. Chỉ là một thời gian dài, nhập tịch ngoại binh còn được xem là thứ trang sức cho các ông bầu, ngoài tiêu chí chuyên môn, phục vụ thành tích đội bóng.

Yếu trâu hơn khoẻ bò

Kể từ trường hợp đầu tiên, một công dân – cầu thủ nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam, Phan Văn Santos (ĐT.Long An năm 2007), cho đến những cái tên cuối cùng gần nhất như Đinh Văn Ta, Nguyễn Quốc Thiện Esele và Hoàng Vũ Samson…, về cơ bản, đều chỉ phục vụ tiêu chí duy nhất: Tăng số lượng “Tây” trong đội hình CLB, kiểu yếu trâu hơn khoẻ bò. Chúng ta đều biết là, sau lần đầu tiên và duy nhất năm 2008, ĐTQG không có chính sách sử dụng các ngoại binh nhập tịch.

Mùa giải năm ngoái (2013), B.Bình Dương nhiều thời điểm đã dùng đến 6 ngoại binh nhập tịch và cầu thủ Việt kiều là Nguyễn Trung Sơn (Jefferson), Huỳnh Kesley, Phan Văn Santos, Nguyễn Hoàng Helio, Đặng Văn Robert, Quốc Thiện Esele. Tất nhiên, cả Santos và Quốc Thiện Esele đều là các thủ môn, song nếu thêm 3 “Tây” xịn theo điều lệ cho phép nữa, số lượng cầu thủ người bản địa trong đội hình của đội bóng đất Thủ chỉ là 2. Nhưng rốt cuộc thì B.Bình Dương chỉ về thứ 8 chung cuộc.

“Tây” nhập tịch không đá hay hơn chính anh ta, thời điểm trước đó, nếu không muốn nói là năng lực chơi bóng còn có thể bị bào mòn bằng với thời gian, tuổi tác. Ví dụ như các trường hợp của Nguyễn Hoàng Helio hay Đoàn Marcelo chẳng hạn, đấy là chưa kể Trần Lê Martin hay Phan Lê Isaac, những ngoại binh loại 2, từng đến Việt Nam tìm việc, sau khi không thể tìm được điểm đến nào lý tưởng hơn. Nếu Santos và Kesley là tiêu biểu cho “đời đầu”, thì Lê Tostao là “đời cuối”.

Từ ít nhất 2 năm đổ lại, đã không có thêm một trường hợp nhập tịch ngoại binh nào nữa, không hẳn vì chính sách mà là từ hệ luỵ từ cuộc khủng hoảng kinh tế, với hàng loạt các ông bầu mỏi gối chùn chân. Một số ít ỏi khác vừa manh mún ý định này, ngay lập tức phải cất vào ngăn kéo các bộ hồ sơ, bởi vướng Quy chế bóng đá chuyên nghiệp liên tục sửa đổi.

Hết giá trị sử dụng thì ra đường?

Bằng với sự ra đời của giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (có thể gọi là kỷ nguyên V-League), dải đất hình chữ S đã từng chào đón rất nhiều ngoại binh chất lượng, trong đó có cả các ngôi sao World Cup như Denilson hay Nasjtia Ceh. Thông điệp mang tới là: Giúp nâng tầm giải đấu (về các giá trị thương mại) hoặc giúp giải đấu trở nên đáng xem hơn (về chuyên môn). Sự thật là, những Santos, Kesley Alves, Philani, Gonzalo, Samson hay Gaston Merlo, Nasjtia Ceh, Leandro…, đã khoác lên V-Leaguet bộ cánh khá bảnh. Bản thân cầu thủ bản địa cũng không phủ nhận, ngoại binh đem đến một hơi thở mới qua đó các cầu thủ nội  học hỏi được nhiều về chuyên môn, cũng như một ít tác phong chuyên nghiệp từ họ. Cầu thủ Việt Nam tiến bộ từng ngày, lẽ đương nhiên, ĐTQG được hưởng lợi.

Tuy nhiên, bên cạnh các chỉ số tích cực, các ngoại binh cũng mang cả mầm bệnh cho các giải đấu. Không ít cầu thủ đã chết (ở Việt Nam hoặc sau khi trở về nước họ) vì ma tuý, trầm cảm và căn bệnh thế kỷ. Cũng không thiếu các trường hợp khác dạy đồng nghiệp bản địa về cách ăn chặn tiền, gian lận hoặc đưa ra các yêu sách cho những bản hợp đồng. Song, gói gọn trong bài báo này, chúng ta chỉ bàn đến các ngoại binh nhập tịch.

Như đã nhắc ở trên, nhập tịch ngoại binh một thời gian dài trở thành trào lưu, thành thú vui của các ông bầu, trong việc khẳng định thanh thế. Từ ĐT.Long An, đến HA.Gia Lai, rồi V.Ninh Bình, XMXT.Sài Gòn, SHB.Đà Nẵng…, đến CLB TP.HCM ở giải hạng Nhất, cũng nhập tịch… Họ, các cầu thủ từ hạng nặng, đến hạng lông và cả hạng ruồi, đều có cơ hội trở thành công dân Việt Nam, khi nhà nhà nhập tịch, người người nhập tịch, lũng đoạn, dẫn đến mất kiểm soát.

Xét biểu đồ đi xuống về chất lượng ngoại binh và ngoại binh nhập tịch, có thể suy ra rằng, bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam đã thực sự mất kiểm soát với vấn đề này. Và không kiểm soát được, thì “bó” lại, chứ không hẳn là sự xuất hiện của các ngoại binh và ngoại binh nhập tịch, có thể cản trở sự phát triển của nền bóng đá, như một vài ý kiến nhận định. Chúng ta có thể mở một đường hướng khác, song không thể phủ nhận vai trò của những người nước ngoài, không thể qua cầu rút ván.

Quy chế bóng đá chuyên nghiệp không thể theo kịp thời đại, vừa chạy vừa xếp hàng. Việc thiếu một định hướng, chiến lược phát triển rõ ràng, khiến chúng ta lúng túng trong việc đưa phương án giải quyết vấn đề và rõ nhất là với ngoại binh nhập tịch. Nếu nói rộng hơn về mặt nhân quyền và quyền công dân, chúng ta còn có thể gặp vấn đề. Họ, các cầu thủ, không những không có lỗi mà ngược lại, đang trở thành những nạn nhân. Nhưng, trách ai, ai trách bây giờ trách ai?!

Họ đã nói

- Cầu thủ Kesley Huỳnh Alves - CLB Bình Dương : "Tôi cảm thấy rất buồn khi họ không coi tôi như một công dân Việt.Nếu như thế, thì họ nhập tịch chúng tôi làm gì cơ chứ?"

- Cầu thủ Nguyễn Rogerio - CLB Cần Thơ: "Chưa có nơi nào ở Việt Nam mà tôi chưa tới, tôi rất thích sống ở đây. Cũng may mà Cần Thơ thăng hạng nếu không với quy định từ VPF, có lẽ tôi lại phải đi tìm CLB mới".

- Ông Nguyễn Hồng Thanh - Ủy viên BCH VFF, Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đá SLNA: “Với SLNA chúng tôi vốn có truyền thống đào tạo trẻ, nếu nói không với ngoại binh luôn thì mừng quá. Nhưng tại hội nghị vừa qua, phần đông các CLB vẫn tỏ ý cần ngoại binh nên chúng ta phải làm từng bước vậy”.

- Ông Huỳnh Mau – Giám đốc điều hành CLB HAGL: “Với cái nền đào tạo trẻ của mình mà “sản phẩm” trước mắt là lứa U19 vừa vô địch Giải U21 quốc tế 2014, chúng tôi ủng hộ không dùng ngoại binh ngay từ V.League 2015. Có điều, các đội bóng khác không thể làm như vậy được.

Một số đội đã ký hợp đồng với ngoại binh 2-3 năm. Nếu cắt luôn, họ sẽ phải mất chi phí đền bù hợp đồng. Hơn nữa, ngoại binh còn liên quan đến chất lượng đội bóng nói riêng, giải đấu nói chung và ảnh hưởng trực tiếp tới nhà tài trợ"”.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm