Vì sao khách thăm Hoàng thành vẫn 'khiêm tốn'?

24/11/2015 08:42 GMT+7 | Hà Nội ngày nay

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 10 năm kể từ khi phát lộ và 5 năm kể từ khi thành Di sản Thế giới, Hoàng thành Thăng Long (HTTL) vẫn đang chỉ là những móng kiến trúc nằm dưới lòng đất và đón lượng du khách bằng… 1/15 so với tiềm năng của mình.

Một lần nữa, câu chuyện này lại được nhắc tới trong cuộc Hội thảo quốc tế về phát huy giá trị của HTTL, diễn ra tại Hà Nội trong ngày 23/11.

Chưa xứng với “thủ đô của thủ đô”

Một khảo sát của các chuyên gia Pháp được nhắc lại: với diện tích hơn 18,3 ha (gồm cả khu 18 Hoàng Diệu và khu Thành cổ HN), quần thể này có đủ khả năng đón tiếp một lượng khách du lịch lên tới gần 2,4 triệu người/năm. Cụ thể, khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu đủ sức đón 1500 khách/ngày (547.500 khách/năm), trong khi khu thành cổ đón 5000 du khách/ngày (1,825 triệu khách/năm).

Vậy nhưng, thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội (đơn vị quản lý HTTL) cho thấy: lượng du khách tới đây trong vài năm qua vẫn khá khiêm tốn. Cụ thể, thống kê vào 3 tháng cuối năm 2012 cho thấy lượng khách đến HTTL là gần 45.000 người.

Trong năm 2013 và 2014, các con số này là 120.000 và 160.000 lượt người. Riêng ở thời điểm hiện tại, thống kê chưa đầy đủ cho biết: có khoảng 150.000 lượt người đã tới HTTL trong 10 tháng đầu 2015.


Những kiến trúc hiếm hoi còn lưu giữ tại HTTL như Đoan Môn chưa thể làm du khách thỏa mãn

Và, nếu tìm hiểu kĩ hơn, lượng khách tới HTTL cũng chủ yếu vào dịp lễ tết, khi có các hoạt động văn hóa hoặc những  kiện trưng bày, triển lãm mà phía quản lý cố gắng tổ chức thường xuyên để tạo… sức sống cho quần thể di sản này.

Còn lại, lượng khách du lịch nước ngoài (đối tượng luôn là tiềm năng lớn tại các Di sản Thế giới) chỉ chiếm 20% lượng khách tới đây hàng năm, và phần lớn trong số này là du khách đến từ Nhật Bản.

“Hoàng Thành là thủ đô của thủ đô, là kinh thành của kinh thành. Rõ ràng, lượng khách tới đây còn quá khiêm tốn so với tiềm năng và bề dày lịch sử của di sản” – TS Dương Văn Sáu (ĐH Văn hóa HN), nhận xét.

Thực tế, việc thu hút du khách đến với HTTL những năm qua luôn được dư luận nhắc tới không chỉ ở góc độ kinh tế, mà còn là những câu chuyện liên quan tới giáo dục truyền thống hay giới thiệu văn hóa VN với du khách nước ngoài.

Lý do của sự “khiêm tốn” ấy cũng đã được các chuyên gia phân tích tất nhiều trong vài năm qua. Trong đó, cơ bản nhất, khi đã mất gần hết những kiến trúc từng có trong lịch sử và chỉ còn lại phần móng trụ sâu dưới lòng đất, HTTL chưa thể thỏa mãn được nhu cầu thưởng ngoạn của du khách phổ thông.

Nhưng không thể “ăn xổi”

Khá thú vị, dù thừa nhận lượng khách tới HTTL là chưa nhiều, một số chuyên gia bảo tồn trong và ngoài nước vẫn lưu ý Di sản này về yêu cầu… “kiểm soát tăng trưởng du lịch”. Theo đó, lượng khách tới HTTL cần được tiếp tục thống kê và nghiên cứu đầy đủ, để có thể lập tức tìm được biện pháp điều chỉnh khi mật độ du khách bắt đầu “chạm ngưỡng” khai thác trong tương lai.

Hoàng thành Thăng Long: Không thể đón khách theo kiểu bao cấp!

Hoàng thành Thăng Long: Không thể đón khách theo kiểu bao cấp!

Rộng mênh mông, có bề dày hơn 1000 năm và sở hữu danh hiệu Di sản Thế giới từ 4 năm trước, vậy nhưng Hoàng Thành Thăng Long vẫn rất hạn chế trong việc trở thành điểm đến của các tour du lịch Hà Nội.


“Các bạn hãy luôn nhớ tới việc bảo tồn di sản cho tương lai. Không chỉ chúng ta mới có quyền chiêm ngưỡng di sản, mà các thế hệ con cháu cũng hoàn toàn xứng đáng được hưởng điều đó” - bà Mechthid Roessler (Giám đốc Trung tâm di sản thế giới của UNESCO), chia sẻ tại Hội thảo. Được biết, việc kiểm soát tăng trưởng du lịch cũng là một khuyến nghị mà UNESCO yêu cầu phía VN cam kết khi sở hữu danh hiệu DSTG cho Hoàng Thành.

Có nghĩa, dù quan trọng, việc khai thác du lịch tại HTTL vẫn không thể đặt lên hàng đầu để thay thế cho yêu cầu gìn giữ, bảo tồn các hệ giá trị cở bản của di sản này. Và kèm với đó, tâm lý nóng vội, khai thác “ăn xổi” bằng việc xây dựng những công trình dễ dãi nặng về thương mại trên di sản…vẫn là bài học mà các chuyên gia luôn lưu ý đối với trường hợp của HTTL.

Hiện tại, dù kế hoạch xây dựng Công viên văn hóa lịch sử (tại 18 Hoàng Diệu) hoặc nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên ( khu thành cổ) đã được phê duyệt, sự thận trọng, khoa học của những “điểm nhấn” tương lai tại HT vẫn được các chuyên gia nhắc tới. “Xin nhớ, di sản này mới được phát hiện hơn chục năm.

Trong khi đó, cố đô Nara của Nhật Bản đã trải qua tròn 60 năm nghiên cứu trước khi tôn tạo và trở thành một điểm du lịch lớn”- PGS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ VN, nhận xét. “Do vậy, chúng ta cần tỉnh táo xác định đâu là mục đích dài hạn, đâu là ngắn hạn của HT, để từ đó có hướng phát triển bền vững và khoa học”.

“Trước mắt, chúng ta nên nghiên cứu thêm hình thức diễn giải, cung cấp kiến thức về HTTL cho du khách để thay thế những gì… không thể nhìn thấy bằng mắt thường” - TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế, chia sẻ. “Với vị trí nằm tại Hà Nội, cũng như được dư luận chú ý tối đa, tôi tin rằng cách làm này cũng sẽ có tác động rất tích cực để thu hút khách tham quan”.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm