"Xì-căng-đan cuối cùng" của họa sĩ Lưu Công Nhân

28/07/2009 07:55 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Tưởng vọng hai năm ngày mất của họa sĩ Lưu Công Nhân (21/7/ 2007 - 21/7/2009), nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hữu Hồng Minh nhớ lại vụ trộm tranh có một chưa hai liên quan tới họa sĩ mà nhiều người gọi là “xì-căng-đan cuối cùng” của họa sĩ.

Họa sĩ Lưu Công Nhân là một tên tuổi lớn của làng hội họa hiện đại Việt Nam. Mới đây, nhà sưu tập Lê Thái Sơn tìm chuyển cho tôi một tư liệu về tranh của Lưu Công Nhân đã từng tham gia bán đấu giá ở Singapore với mức giá khởi điểm hơn 4.500 đô-la, thuộc loại cao so với mặt bằng giá tranh bán trong khu vực của các họa sĩ Việt Nam. Thời gian trước ngày họa sĩ qua đời không lâu, trên báo chí đã xảy ra vụ “luận chiến” khá ồn ào về việc có hay không một vụ đánh cắp táo bạo 139 bức tranh của Lưu Công Nhân tại Đà Lạt. Sự việc ly kỳ đến nỗi, trước đó một ngày, tờ nhật báo X tường trình, giựt tít tràn ra ngoài bìa Vụ đánh cắp táo bạo 139 tranh của họa sĩ Lưu Công Nhân nêu vụ việc, tường thuật chi tiết về chuyện mất tranh. Nhưng sau đó một ngày, trên nhật báo Y lại chạy bài to đùng: May quá, tìm thấy rồi! với ảnh họa sĩ đang cầm trên tay xấp tranh giấy, vẻ mặt rất vui mừng vì đã tìm thấy được. Sau đó một ngày nữa thì nhà sưu tập Lưu Quốc Bình, con trai họa sĩ, đại diện gia đình đến tòa soạn báo X cảm ơn và xác nhận vụ mất tranh xảy ra vừa qua trong gia đình anh là có thật. Chính nhờ báo X sớm đưa tin này nên đã tìm ra (!?). Hơn 139 bức tranh bị mất vừa đưa trên báo sau 24 tiếng đã được tìm thấy. Tất cả sự việc mọi việc “xoay vòng vòng” liên hồi kỳ trận như đóng kịch vậy. Và rồi chìm vào quên lãng.


Họa sĩ Lưu Công Nhân và nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh tại gallery
Tự Do - TP.HCM tháng 12/2006. Ảnh: Thái Kỳ


Từ lúc xảy ra chuyện ồn ào đến nay đã mấy năm. Nhiều người vẫn tò mò muốn biết rốt cuộc với “vụ án” kia, tranh có bị mất thật hay không? Nếu mất, tại sao có nhiều bức tranh “to vật” như thế lại tìm thấy quá dễ dàng? Nếu không mất tại sao báo chí lại đưa tin? Từ đâu ra nguồn tin này? Phải chăng Việt Nam đã bắt đầu có những tổ chức đánh cắp nghệ thuật với những vụ án ly kỳ “có một không hai”, những cú “ápphe” siêu lợi nhuận? Hay rốt cuộc tất cả chỉ là giấc mơ cuối đời của họa sĩ Lưu Công Nhân? Thực hư câu chuyện ra sao?

Mọi việc có thể bắt đầu khi Lưu Công Nhân trở bệnh nặng và gia đình đưa ông về Sài Gòn để điều trị cuối năm 2006. Tôi biết việc này qua anh Lưu Quốc Bình, con trai ông, người hợp gu với cha mình và thường “áp tải”, chăm sóc khi họa sĩ đi đây đó. Tôi đề nghị anh Bình sắp xếp cho tôi một cuộc phỏng vấn họa sĩ vì lâu lắm ông mới về Sài Gòn. Anh Bình bảo phải thư thư một thời gian vì lúc này họa sĩ Lưu Công Nhân đang nằm trong bệnh viện Phổi Phạm Ngọc Thạch, vào ra cũng không tiện. Anh Bình hứa khi ông khỏe một chút, sẽ tạo cơ hội cho tôi gặp. Và cơ hội đó đã đến vào dịp họa sĩ Thái Tuấn triển lãm Về nguồn ở gallery Tự Do - Hồ Tùng Mậu tháng 12/ 2006. Lưu Công Nhân và Thái Tuấn không chỉ là hai tên tuổi lớn trong làng hội họa Việt Nam hiện đại mà còn là hai người bạn thân tình. Thái Tuấn, trước đó định cư ở Pháp nhưng đã về Sài Gòn sống những năm cuối đời và phòng tranh Về nguồn là một nỗ lực lớn cuối cùng của ông thực hiện ở Việt Nam. Vì thế, Lưu Công Nhân rất háo hức muốn đến chia sẻ niềm vui với bạn. Tôi đã gặp họa sĩ ở đây và ông hỏi thăm tôi nhiều chuyện, về nghề báo, về mỹ thuật, sinh hoạt văn nghệ, các trường phái sắp đặt và trình diễn, những triển lãm đáng chú ý gần đây của các họa sĩ trẻ... Nói chung, tuy bệnh nặng và tuổi cao sức yếu nhưng ông lại vẫn rất quan tâm đến tình hình mỹ thuật nước nhà. Ông lắng nghe tôi nói và bình luận bằng những ghi nhận, góp ý sắc sảo mà hiếm người già nào còn đủ minh mẫn thể hiện chính xác như vậy được. Tuy nhiên, ông rất mệt, nên đề nghị sẽ tiếp tục cuộc trò chuyện bằng bút đàm. Và mời tôi khi có dịp lên Đà Lạt ghé nhà chơi, xem tranh ông...

Sau đó sức khỏe ông yếu hẳn đi và phải ở thường xuyên trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện. Bài phỏng vấn đành dang dở. Hình như mấy tháng sau, Lưu Công Nhân mới tạm bình phục để trở về Đà Lạt. Gặp lại anh Bình, tôi có nhắc về bài báo dang dở. Anh nói bây giờ có thể tiếp tục vì cuối tuần anh về Đà Lạt thăm cụ sẽ nhắc giùm.

Nhưng chuyến đi đó của anh Bình đã xảy nhiều chuyện ngoài dự tính. Từ Đà Lạt anh gọi điện cho tôi thông báo vừa qua, gia đình phát hiện bị mất một số lượng tranh khá lớn trong xưởng vẽ của họa sĩ. Vụ mất tranh này đã xảy ra lúc nào, bao lâu thì gia đình đang xác minh. Nhưng có một điều chắc chắn rằng tranh đã bị mất trong thời gian họa sĩ về Sài Gòn chữa bệnh. Có thể sẽ làm tường trình báo công an, thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để ngăn chặn đưa tranh quý ra nước ngoài. Cũng theo anh, thời gian mất tranh có thể xảy ra ban đêm. Tranh bị lấy trong nhiều lần chứng tỏ kẻ trộm đã nghiên cứu, nắm rõ thời gian, giờ giấc sinh hoạt của mọi người trong nhà và họa sĩ. Anh gợi ý cho tôi, thay vì bài phỏng vấn “nguội” về họa sĩ có thể viết một bài báo “nóng” về sự việc này được không. Tôi có nói với anh, nếu mất thật và mất một số lượng lớn như thế có lẽ nên cẩn trọng và làm từng bước. Đầu tiên cần xác minh thời gian mất tranh, thống kê cụ thể số lượng tranh, tên tranh bị mất. Và quan trọng hơn hết phải có xác nhận của người tác giả của những bức tranh, chính là họa sĩ Lưu Công Nhân. Sau đó phải có thư gửi của họa sĩ Lưu Công Nhân cho báo chí nhờ đưa tin, viết bài giúp ông đưa vụ việc ra ánh sáng. Một chi tiết khác đáng lưu ý, bọn cướp đã “tinh ý” lấy được một số tranh độc, tranh “cực kỳ tâm đắc” mà giá cao bao nhiêu ông cũng không bao giờ muốn bán. Làm sao bọn cướp lại có thể giỏi “tinh tướng” đến như thế?

Tôi lúc đó cũng bán tín bán nghi. Ba ngày sau tôi nhận được một phong bì dày cộm, gồm hình ảnh, tư liệu, thống kê bước đầu 139 bức tranh đã bị mất cắp tại Đà Lạt do chính tay họa sĩ Lưu Công Nhân viết và gửi. Để kịp thời đưa sự việc ra trước công luận, ông không chuyển thư bằng đường bưu điện vì sợ mất thời gian mà đã nhờ một tài xế chạy xe tốc hành chặng Đà Lạt - Sài Gòn nửa đêm về sáng. Bài báo được đăng nhanh hơn dự kiến của tôi vì tính đặc biệt ly kỳ và nóng hổi của nó. Có thể xem đây là sự kiện đầu tiên về quy mô mất tranh lớn nhất ở Việt Nam.

Và như đã viết ở trên, ly kỳ và nóng hổi hơn nữa khi ngay ngày hôm sau trên một tờ báo khác, xuất hiện bài viết của một phóng viên thường trú tại Đà Lạt May quá, tìm thấy rồi! với hình ảnh họa sĩ Lưu Công Nhân tay mân mê một chồng tranh giấy vẽ màu nước trên tay. Nụ cười của ông vẫn thế, khổ sở và nhăn nhúm. Theo như bài báo tường thuật, ông vì già yếu nên đã lẫn không còn nhìn thấy những bức tranh của mình. Ông vẽ rất nhiều nên phòng làm việc thường bề bộn những bức tranh xếp chồng lên nhau và ông tưởng là đã mất. Một trong những xấp tranh quý vẽ biển bằng màu nước đã được người nhà vì yêu quý lấy cất đi, không kịp báo cho ông. Vì khi chữa bệnh từ Sài Gòn về, gia đình đã sắp xếp lại xưởng vẽ nên ông không tìm được tranh theo thói quen. Có những gì nữa đã xảy ra xung quanh vụ mất tranh? Liệu nó quá đơn giản khi lập luận Lưu Công Nhân muốn làm một điều gì đó để nổi tiếng? Và quan trọng hơn, với những người thạo tin, nhiều những bức tranh sơn dầu, màu nước trong vụ mất tranh hy hữu kia của Lưu Công Nhân đã được tìm thấy trong dinh thự của một nhà sưu tập tranh có tiếng ở Sài Gòn.

Tôi vẫn giữ bức thư của Lưu Công Nhân từ Đà Lạt gửi về trong vụ mất 139 bức tranh như những kỷ niệm khó quên trong quãng đời làm báo của mình cũng như không giấu tình cảm, rung động có thực khi đứng trước nhiều tác phẩm nổi tiếng vẽ biển Vịnh Hạ Long của họa sĩ. Phải chăng, cuộc đời là mặt biển nhấp nhô mà chính cả bản thân mình chưa bao giờ hiểu hết và định trước? Tôi lại nghĩ về những vụ đánh cắp tranh táo bạo, ly kỳ có thật vẫn xảy ra ở những bảo tàng lớn trên thế giới với kiệt tác vô giá của các danh họa và nghĩ về bản kê khai mất tranh, những nét thô ríu, loằng ngoằng, đôi khi không rõ nét, có thể vấn vương, sắp đặt một tính toán đầy hàm ý nào đó từ bàn tay run rẩy của họa sĩ. Liệu có giấc mơ nào buồn và hẹp hơn chăng vì mới hôm qua thông báo mất tranh mà hôm nay đã tìm được tranh? Như vừa mới thoắt bay trên đỉnh thăng hoa vinh quang đã phút chốc giật mình rơi ngược cái hang ổ chật chội của thực tại. Nhưng Lưu Công Nhân đã mất. Chỉ có ông mới nắm giữ được bí mật sau cùng...

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm