Xây Thủy Cung Hòn Ngưu tại Vũng Tàu: Sẽ 'phá nát' cảnh quan và di tích

15/10/2019 08:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Có một công trình mang tên Thủy Cung Hòn Ngưu đang dần mọc lên sát đường biển Bãi Trước Vũng Tàu với mức đầu tư khủng lên đến 50 triệu USD. Điều đáng nói là công trình này sẽ phá nát cảnh quan môi trường, bởi nó “lấn chiếm” đường biển, án ngữ đầu đường Trần Phú.

 Những homestay được khách du lịch Vũng Tàu ưa thích, hết lời khen ngợi

Những homestay được khách du lịch Vũng Tàu ưa thích, hết lời khen ngợi

Nếu bạn không muốn ở khách sạn, nhà nghỉ hay resort khi đến Vũng Tàu thì bạn có thể chọn ở homestay. Vũng Tàu có nhiều homestay khá tốt dành cho du khách nhé.

Sáng qua 13.10 chúng tôi đã “mục sở thị” công trình Thủy Cung Hòn Ngưu nằm ở số 1 A đường Trần Phú (giáp địa danh Hòn Rù Rì). Xót xa chen lẫn bức xúc khi tận mắt chứng kiến một bãi đá hộc khổng lồ được các xe tải hạng nặng chở từ đâu về đổ xuống biển kéo dài chừng 300 mét. Hai xe ủi đang “nghỉ” ngày Chủ nhật.

Có phải công trình dân sinh?

Chỉ tay về phía bãi đá hộc đang “phá nát” đường biển, một người đàn ông trạc 70 tuổi nói: “Tôi sống ở đây đã gần hết đời người, giờ nhìn thấy cảnh bãi biển bị xâm lấn để làm Thủy Cung, bức xúc lắm. Cái lợi thì chưa thấy đâu nhưng cái hại thì đã rõ. Khi công trình này hoàn hiện, xây nhà cao tầng, còn đâu là không gian bãi biển nữa, rồi đây sẽ là một “bãi” hỗn độn của bao dịch vụ. Chúng tôi yêu cầu dừng và hủy công trình ngay”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, công trình trình Thủy Cung Hòn Ngưu thuộc dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo do Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 9.2019, dự kiến hoàn thành vào tháng 9.2023. Đây là công trình có mức đầu tư 50 triệu USD, diện tích lấn chiếm ra biển khoảng 70.000 m2. Điều đáng nói là công trình này “mọc” ra biển không những sẽ làm thay đổi dòng chảy, mà còn “phá nát” đường biển, che chắn tầm nhìn của người đi đường, làm mất mỹ quan và vẻ đẹp vốn tự nhiên vốn có hiện hữu.

Chú thích ảnh
 Hai máy xúc, ủi đang san gạt đá trên biển

Trước việc lấn biển xây “Thủy Cung Hòn Ngưu” của Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu, hàng ngàn người dân Vũng Tàu bày tỏ bức xúc, nhất là nhân dân sống dọc đường Trần Phú. Ngoài người dân ý kiến với tư cách cử tri lên cơ quan chức năng, nhiều người cũng bày tỏ trên mạng xã hội zalo, facebook. Trước sự bức xúc của dư luận, chiều 10.10, tại cuộc họp thông tin sơ kết 9 tháng do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức, các vấn đề về dự án lấp lấn biển kể trên đã được đặt ra. Các Sở, ngành liên quan của tỉnh này khẳng định, tất cả thủ tục của dự án đều hợp lệ. Chủ đầu tư cũng cho rằng về cơ bản, dự án tốt và sẵn sàng lắng nghe ý kiến trái chiều.

Giới chuyên gia nói gì?

Trước “vụ” công trình Thủy Cung Hòn Ngưu “bỗng dưng” vươn ra biển, có hàng ngàn ý kiến trái chiều từ phía người dân. Theo tìm hiểu của chúng tôi người dân không đồng tình việc xây Thủy Cung Hòn Ngưu tại vị trí số 1 đường Trần Phú. Họ cho rằng, công trình này không phải phục vụ du lịch, hoặc dân sinh. Có người còn đặt câu hỏi, phải chăng có lợi ích nhóm?

Để đánh giá, phân tích một cách khoa học “hơn- thiệt” về công trình Thủy Cung Hòn Ngưu, TS Vũ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Viện Sinh thái học Miền Nam, cho rằng không nên xây dựng lấp lấn biển. Bởi những bãi biển của Vũng Tàu là những bãi biển “chuyển động”, lượng phù sa dịch chuyển theo dòng chảy lưu biển từng mùa. Năm nay biển Vũng Tàu đứng im hoặc bồi, nhưng năm sau có thể lở theo dạng “gặm nhấm”. Với những vùng biển như Vũng Tàu, nguyên tắc bất di bất dịch là không làm kè cứng (xây dựng nhà cửa, công trình kiên cố sát bờ biển) vì sẽ gây xói lở “kè mềm” bên dưới, làm “xói mòn hõm sâu” vào chân địa chất trong lòng đất.

Càng những nơi sát bãi biển, sát đường biển càng không nên làm các công trình kiên cố, công cộng. Nếu công trình Thủy Cung Hòn Ngưu mọc lên, sẽ án ngữ toàn bộ đoạn đường biển đầu đường Trần Phú, phá vỡ “độ thoáng” của mặt biển nơi đây. Cần phải cân nhắc thật kỹ tính đến hiệu quả lâu dài. “Không thể mạnh ai nấy làm. Hãy lấy bài học từ Cần Giờ (TP. HCM), Kiên Giang. Dù đặc thù mỗi nơi khác nhau nhưng cảnh quan cần phải giữ, không thể xây dựng tràn lan. Hãy dừng ngay việc làm biến đổi tự nhiên tràn lan như vậy”, TS Vũ Ngọc Long nhấn mạnh. Trong khi đó, tại cuộc họp giao ban nói trên, với sự có mặt của các đại diện các Sở, ngành, ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu đã đề nghị UBND tỉnh, các Sở, ngành liên quan cần rà soát lại, nghiên cứu ý kiến của người dân và dư luận nói chung xung quanh dự án lấn biển.

Còn TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ - Quản lý Môi trường, Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TP HCM cho rằng, khu vực bờ biển bị lấp ở ngay trung tâm Bãi Trước, bên con đường Trần Phú có bờ kè rất đẹp, ngay trước di tích Bạch Dinh, dưới chân cáp treo lên núi Lớn. Đây cũng là vòng cung tuyến đường kết nối cảnh quan khu vực đường Hạ Long, có bến tàu cánh ngầm, là một trong những điểm đến được coi là đẹp nhất tại Vũng Tàu. Nên việc xây dựng Thủy cung Hòn Ngưu phải xem xét kỹ lưỡng. Lấn biển mà không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh là chuyện phi lý. Thực tế, ba tỉnh Kiên Giang, Khánh Hòa và Quảng Ninh từng cho phép doanh nghiệp lấn biển làm dự án, chỉ sau đó vài năm phải đối mặt những nghịch cảnh như sạt lở, gây ra hiện tượng nước biển bị đục. Hậu quả hôm nay chưa thấy nhưng tương lai sẽ nguy hại.

KTS Hoàng Văn Phước cho rằng, công trình Thủy Cung Hòn Ngư đang “bê tông” hóa biển, một điều không nên làm trong thời buổi hiện nay, bởi nó không thân thiện với môi trường. “Cứ nhìn thì thấy, biển Vũng Tàu lâu nay một phần bị độc chiếm bởi những nhà hàng, khách sạn. “Tại sao không làm nơi hóng mát, điểm dừng chân cho khách du lịch mà cứ nhất thiết phải bê-tông hóa bằng cách xây dựng Thủy Cung Hòn Ngưu, trong khi đó không lợi cho dân sinh, phá nát cảnh quan môi trường, lấn biển làm thay đổi dòng chảy… từ các yếu tố bất lợi đó, không nên xây dựng Thủy Cung Hòn Ngưu”, KTS Hoàng Văn Phước đề xuất.

Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm