Vĩnh biệt nhạc sĩ Phong Nhã: 'Nhạc sĩ của tuổi thơ'

30/03/2020 07:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ai đã từng cắp sách đến trường đã từng sinh hoạt “Đội”, chắc chắn đều thuộc vài ba bài hát của nhạc sĩ Phong Nhã. Giai điệu trong sáng, tươi vui, hồn nhiên trong các bài hát của ông là ký ức đẹp đối với nhiều thế hệ học sinh…

Nhạc sĩ Phong Nhã, người đặt nền móng cho âm nhạc thiếu nhi 

Nhạc sĩ Phong Nhã, người đặt nền móng cho âm nhạc thiếu nhi 

Thông tin nhạc sĩ Phong Nhã, tác giả bài hát "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 28/3, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho các đồng nghiệp, cho những người yêu thích ca khúc của ông, đặc biệt là các cháu thiếu nhiên, nhi đồng.

Nhưng nhạc sĩ Phong Nhã - người “nhạc sĩ của tuổi thơ” đã qua đời lúc 4h08 ngày 28/3/2020 tại Hà Nội, hưởng thọ 97 tuổi.

Sự nghiệp phục vụ thiếu nhi

Nhạc sĩ Phong Nhã tên thật là Nguyễn Văn Tường, sinh ngày 4/4/1924, quê ở làng Ngọc Động, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ông tiếp xúc với âm nhạc dân tộc từ thuở thiếu thời, bằng con đường tự học ông đã viết nên những bài hát thiếu nhi nổi tiếng.

Nhìn chung những bài hát thành công mà nhạc sĩ Phong Nhã viết cho thiếu nhi, chúng ta thấy rằng, ông đã thể hiện những tình cảm, suy nghĩ đúng như tâm lý của lứa tuổi này. Những bài hát của nhạc sĩ Phong Nhã đa số dựa trên thang âm 5 cung nên gần gũi với người nghe. Giai điệu trong các bài hát của ông trong sáng, hồn nhiên, nhưng có chiều sâu, cảm xúc chân thành. Âm hình tiết tấu giản dị rất phù hợp để hát tập thể, nội dung các bài hát mang “tính thiếu nhi” cao, giúp đông đảo công chúng nhỏ tuổi dễ dàng tiếp nhận bài hát của ông. Những bài hát của ông thường gắn liền với những chủ điểm sinh hoạt, chủ đề giáo dục hoặc hoạt động của thiếu nhi, của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Cả cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông gần như dành trọn cho thiếu nhi. Ông là một cán bộ hoạt động trong phong trào thiếu nhi, từng giữ các chức vụ như: Bí thư Hội Nhi đồng Cứu quốc Hà Nội, Tổng biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong, Trưởng Ty Thông tin Tuyên truyền Sơn Tây, ủy viên BCH Trung ương Đoàn TNCSHCM, ủy viên Hội đồng phụ trách Đội Trung ương…

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Phong Nhã

Ông viết khoảng hơn 250 bài hát, trong đó gần như toàn bộ là cho lứa tuổi thiếu nhi. Các tác phẩm của ông đã xuất bản như: 2 tập nhạc Đội ta lớn lên cùng đất nước (NXB Văn hóa, 1974) và Nhanh bước nhanh nhi đồng (NXB Kim Đồng, 1984), Album Phong Nhã (DIHAVINA)…

Với những cống hiến của mình, ông đã được tặng: Giải thưởng Nhà nước về Văn học và nghệ thuật (2001), Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương vì sự nghiệp âm nhạc, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng… cùng nhiều huy chương, huy hiệu và giải thưởng khác. Đặc biệt hơn, báo chí dành tặng tặng cho ông biệt danh “Nhạc sĩ của tuổi thơ”.

Những bài hát nổi tiếng viết cho thiếu nhi

Năm 1944, ông hoạt động trong phong trào Việt Minh ở quê nhà và bài hát Nhanh bước nhanh nhi đồng ra đời để cổ vũ lực lượng “măng non” tham gia phong trào. Đây cũng là sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Phong Nhã. Được xem là “chính ca” của Đội Nhi đồng cứu quốc, bài hát được xây dựng trên thang âm 5 cung gần gũi với âm nhạc dân tộc, viết theo phong cách hành khúc, nhưng không dùng những mô típ quen thuộc của hành khúc châu Âu.

Một bản nhạc chính ca khác mà nhạc sĩ Phong Nhã cũng viết cho Đội, đó là Hành khúc Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh: "Đi ta đi lên nối tiếp bao anh hùng/ Như quân tiên phong bước trên đường giải phóng"... Bài hát sáng tác năm 1970, giai điệu bài hát tươi sáng với nhịp đi rộn rã, thúc giục, bản nhạc mà bất cứ ai đã trải qua thời học sinh, sinh hoạt Đội đều thuộc nằm lòng.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Phong Nhã đệm đàn cho các thiếu nhi hát

Nhưng bài hát được xem là chính ca “đỉnh cao” của nhạc sĩ Phong Nhã là bài Cùng nhau ta đi lên. Bài hát này được dùng làm bài hát chính thức của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, rất quen thuộc với các bạn nhỏ ở nhiều thế hệ từ lúc nó ra đời vào năm 1950. Bài hát mang tính hành khúc và là sự hòa quyện thú vị giữa âm nhạc 5 cung truyền thống với âm nhạc 7 cung của châu Âu.

Ngoài những bài hát “chính ca” nói trên, Phong Nhã cũng nổi tiếng khi viết về Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ.

Viết về Bác Hồ, Phong Nhã có những bài hát như: Bác chúng em đã về, Bác sống đời đời… Nhưng có lẽ bài hát nổi tiếng nhất của ông là bài Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Bài hát này được sáng tác năm 1946, sau khi nhạc sĩ Phong Nhã dẫn các em thiếu nhi đi đón Bác khi Bác đi đàm phán ở Pháp trở về. Đây được xem là một trong những bài hát xuất sắc nhất của Phong Nhã và là bài hát hay nhất viết về tình cảm của thiếu nhi đối với Bác Hồ. Bài hát dựa trên thang âm 5 cung gần gũi với âm nhạc dân tộc.

Cũng là bài hát đựa trên thang âm 5 cung, nhưng ra đời trước đó 1 năm. Đó là bài hát Kim Đồng. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tại Hà Nội có một chi đội mang tên Kim Đồng, đại diện chi đội đã tìm gặp Phong Nhã và đề nghị ông viết 1 bài hát để chi đội làm đội ca, bài hát Kim Đồng ra đời (1945) trong hoàn cảnh đó và nó trở thành ca khúc được thiếu nhi cả nước mến mộ. Bài hát toát lên cảm hứng lạc quan, lời bài hát có những đoạn như: “đùng đùng đùng, đoàng đoàng đoàng” rất sinh động và phù hợp với tâm lý thiếu nhi.

Kim Đồng được xem là bài hát mở đầu cho những bài hát về đề tài nêu gương những anh hùng liệt sĩ thiếu niên, thanh niên như: Bài hát Dương Văn Nội (1947), Lê Văn Tám (1956), Anh còn sống mãi (1964, viết về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi)…

Nhạc sĩ Phong Nhã đã vĩnh viễn xa rời chúng ta, nhưng giai điệu của những bài hát: Kim Đồng, Nhanh bước nhanh nhi đồng, Cùng nhau ta đi lên, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng… có lẽ sẽ còn vang mãi trong đời sống âm nhạc và sinh hoạt của thiếu nhi Việt Nam.

Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm