Vĩnh biệt nhà văn Vũ Tú Nam: Tin vào điều thiện ở con người

11/09/2020 07:14 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vẫn biết sinh - lão - bệnh - tử là quy luật của tạo hóa nhưng tôi vẫn thảng thốt, bàng hoàng khi biết nhà văn Vũ Tú Nam - tác giả truyện ngắn nổi tiếng Sống với thời gian hai chiều, Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công đã qua đời lúc 10h15 ngày 9/9/2020 tại Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi. Bao ký ức về ông hiện về…

Nhà văn Vũ Tú Nam qua đời ở tuổi 92

Nhà văn Vũ Tú Nam qua đời ở tuổi 92

NSƯT Vũ Huy vừa thông báo, bố anh - nhà văn Vũ Tú Nam qua đời hôm 9/9, hưởng thọ 92 tuổi.

Tôi có nhiều dịp gặp nhà văn Vũ Tú Nam trong những hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam. Điều tôi ấn tượng đặc biệt ở ông - một nhà lãnh đạo văn nghệ chân chất, hồn hậu, đức độ, khoan dung… Ông là một trong số các nhà văn sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957.

Nhà văn trung thực và nhân hậu

Nhà văn Vũ Tú Nam tên khai sinh là Vũ Tiến Nam. Ông sinh ngày 5/10/1929 trong gia đình nhà Nho ở thôn Lương Kiệt, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Quê hương, gia đình là chiếc nôi quan trọng dung dưỡng tài năng nhà văn. Cha ông là một viên chức nhỏ ở Hòa Bình. Cụ luôn quan tâm chăm dưỡng các con học hành. Ông là con út trong gia đình có 3 anh em. Anh trai cả là nhà thơ Vũ Cao - tác giả bài thơ Núi đôi nổi tiếng. Anh trai thứ 2 là nhà văn, dịch giả Vũ Ngọc Bình - cựu biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng - dịch giả cuốn sách nổi tiếng Cuộc phiêu lưu của Mít đặc và các bạn và đồng thời là tác giả bài thơ Con mèo mướp từng giảng dạy trong chương trình tiểu học.

Ngày bé, ông theo cha lên Hòa Bình học Trường Tiểu học Pháp - Việt và sau đó về Hà Nội học tiếp trung học. Năm 1947, nhà văn Vũ Tú Nam đã quyết định thoát ly tham gia cách mạng. Tố chất văn chương được dung dưỡng trong môi trường học vấn đã là điều kiện quan trọng đưa ông vào học lớp Văn nghệ nhân dân. Sau khi hoàn thành khóa học (khóa 2) ở Thanh Hóa, con đường văn nghệ như đã được “lập trình” và ông dấn thân từ đó.

Ông làm báo Chiến sĩ. Năm 1950, ông nhận công tác ở báo Quân đội nhân dân. Bên đường 12 (1950) là tác phẩm đầu tay của ông gắn với lý tưởng cách mạng của nhà văn. Ông cũng là một trong những biên tập viên đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Sau năm 1954, ông về công tác ở Phòng Văn nghệ quân đội - Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải nghiệm của người chiến sĩ văn nghệ đã cho ông nguồn tư liệu quý giá để sáng tác. Đầu tháng 4/1957, Vũ Tú Nam là một trong 278 nhà văn có mặt tại Câu lạc bộ Đoàn kết (Hà Nội) dự Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ nhất, ông được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa I cùng 24 nhà văn, gồm (xếp theo A, B, C…): Anh Thơ, Bửu Tiến, Cầm Biêu, Đoàn Giỏi, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Hoàng Trung Thông, Mộng Sơn, Nam Trân, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Xuân Sanh, Nông Quốc Chấn, Phạm Huy Thông, Sao Mai, Tế Hanh, Tô Hoài, Tố Hữu, Tú Mỡ, Xuân Diệu, Xuân Miễn.

Sau khóa I, nhà văn Vũ Tú Nam đảm nhiệm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa II, khóa III và IV. Trong đó, ông giữ trọng trách Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay) khóa IV.

Chú thích ảnh
Vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam - Thanh Hương

Sau 12 năm quân ngũ, năm 1959, Vũ Tú Nam chuyển sang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, đảm nhận các nhiệm vụ: Thư ký tòa soạn báo Văn học, Phó Tổng Biên tập báo Văn nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới (Nhà xuất bản Hội Nhà văn).

Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa IX.

Từ cuốn sách đầu tay Bên đường có tuổi đời 70 năm (1950) cho đến nay Vũ Tú Nam đã công bố hơn 10 cuốn sách: Quê hương (1960), Sống với thời gian hai chiều (1983), Mùa xuân, tiếng chim (1985), Có và không (Tuyển thơ dịch, 2003), Tuyển truyện Vũ Tú Nam (2007), Hoa lá trong vườn (tác phẩm chọn lọc cho thiếu nhi, 2007), Túc tắc (thơ chọn, 2009), Hồi ức tình yêu qua những lá thư riêng (đã tái bản, phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt)…

Vũ Tú Nam viết cả văn xuôi (truyện ngắn, ký) và thơ, nhưng truyện ngắn mới là sở trường của ông. Tác phẩm Bên đường 12 đặc sắc đã đưa Vũ Tú Nam đoạt giải Nhất văn xuôi Trại Văn nghệ Lam Sơn (Liên khu 4) và chính tác phẩm đặc sắc này đã đưa ông đến với Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 2001). Quê hương (1960) là tác phẩm ông đã viết về quê hương và những con người chân chất, hồn hậu và giàu lòng nhân ái, đức hy sinh. Tác phẩm Sống với thời gian hai chiều được giới chuyên môn đánh giá cao ở sự “gai góc”, “có vấn đề” so với bản tính thuần hậu, chân chất của ông.

Từ tác phẩm đến biệt danh “Văn Ngan tướng công”

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông được ghi nhận ở mảng văn học thiếu nhi. Năm 1963, cuốn sách Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công do Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt lần đầu tiên và từ đó được tái bản nhiều lần là một trong những cuốn sách hàng đầu của văn học thiếu nhi Việt Nam.

Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công là tác phẩm ghi lại hành trình phiêu lưu của một chú Ngan với đủ cả chuyện vui, chuyện buồn trên những chặng đường mà chú đi qua. Góc nhìn của một người kể chuyện giàu kinh nghiệm sống và có khiếu hài hước như Vũ Tú Nam đã làm nên một tác phẩm dí dỏm mà cũng không kém phần sâu sắc, giàu chất nhân văn. Qua chuyện của Văn Ngan tướng công, bạn đọc rút ra được những điều quý giá cho bản thân mình trên bước đường trưởng thành...

Chú thích ảnh
“Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công” - tác phẩm nổi tiếng viết cho thiếu nhi của Vũ Tú Nam

Đánh giá cao truyện thiếu nhi Văn Ngan tướng công, quý trọng tài năng, nhân cách của nhà văn Vũ Tú Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa “bật mí” biệt danh là "Văn Ngan tướng công" bạn bè văn chương đặt cho ông.

Mối tình qua những bức thư

Tôi và có thể rất nhiều nhà văn đã rất quen thuộc chứng kiến hình ảnh đẹp của cặp đôi nhà văn nổi tiếng Vũ Tú Nam - Thanh Hương sóng đôi bên nhau trong các hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn Vũ Tú Nam đi từng bước chậm chãi bên người vợ hiền thục - nhà văn, nhà báo Thanh Hương - nguyên Tổng Biên tập báo Phụ nữ Việt Nam.

Tôi đọc cuốn Hồi ức tình yêu qua những lá thư riêng liền mạch trong đêm với bao cảm xúc về tình yêu thời chiến tranh qua những bức thư. Cuốn sách là công trình tình yêu được tổng hợp 250 bức thư (mới 1/2 số thư) đã gửi cho nhau trong gần 20 năm (từ 1950 đến 1968) từ giai đoạn tìm hiểu, kết hôn và có những đứa con nhỏ.

Gặp cô chú ở Hội Nhà văn Việt Nam, tôi nói với cô chú cảm nhận của tôi về cuốn sách Hồi ức tình yêu: Cháu đã đọc nhiều bức thư chú gửi cô Thanh Hương trong cuốn sách. Chú chuyển gam quá siêu luôn. Ngày 19/3/1952, chú viết Hương thân! Sau đó là Hương thương yêu của mình! Em thương yêu!... Và từ mức độ: Em rất thương yêu!...”. Cô Thanh Hương nhìn chú cười âu yếm, còn chú thì chỉ nhủm nhỉm cười rất hiền.

Chú nói chậm chãi: “Hai chúng tôi quen nhau năm 1949 ở Thanh Hóa. Chúng tôi trở thành những người bạn. Tình yêu bền chắc hơn bởi được xây dựng từ tình bạn. Qua những lá thư chúng tôi hiểu nhau, quý mến và nảy sinh tình yêu đôi lứa. Tình yêu của thế hệ chúng tôi là thế đó, chỉ qua những bức thư. Có thể khác cách thể hiện thôi, chứ cường độ yêu thì tha thiết chả kém bọn trẻ bây giờ đâu. Tình yêu của chúng tôi gắn liền với nhiệm vụ, với lý tưởng nên phải biết cân lượng cảm xúc vì mục tiêu lớn. Tình yêu ấy đi cùng với chặng đường trưởng thành của hai chúng tôi… Ngày 1/6/1952, chúng tôi đính ước với nhau ở Việt Bắc, nhưng gần 2 năm sau ngày 3/2/1954 lễ cưới của tôi và Hương được tổ chức tại Cục Tuyên huấn Quân đội…”.

Chú thích ảnh
Sách "Hồi ức tình yêu qua những lá thư riêng" Thanh Hương - Tú Nam

Hồi ức tình yêu qua những lá thư riêng của cặp nhà văn Vũ Tú Nam - Thanh Hương thể hiện vẻ đẹp của tình yêu đôi lứa trong chiến tranh son sắt, thủy chung, đạo vợ chồng nghĩa tình sâu nặng, cùng chung ta xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc…

- Ngày 19/3/1952: Mình về nhà. Về nhà lắm việc: viết, họp, học…ấy là chưa kể đến chương trình “tổng vệ sinh” vẫn chưa làm xong… Đọc thư em rất mừng. Đặt một câu hỏi: Tại sao lại không gửi? Nếu Chính Hữu không tới Hương không viết cho mình sao? Cũng rất mong gặp Hương. May ra có thể Đại hội toàn quốc… Lâu lắm rồi đấy. Bắt tay Hương chặt.

- Anh không thích "huyền bí hoá" tình yêu, nhưng tình yêu thực là kỳ lạ. Kháng chiến lần trước, mỗi sớm tỉnh dậy nghĩ tới em, là anh thấy vui rồi, thấy cái gì cũng đẹp, cũng phơi phới. Kháng chiến lần này, nghĩ tới em, bên cạnh cái vui lại thêm lòng thương em vất vả, lo âu, bận rộn vì anh, vì các con... Và tình yêu, qua thử thách, lại càng thêm sâu nặng: Bao nước mắt niềm vui ta chung uống/ Giếng đời trong ngọt lịm nhấp càng say…

- Em rất thương yêu!

Nhận được thư em tối qua. Hôm nay viết thư cho em, mặc dù biết rằng em đã nhận được thư anh. Bởi vì nhớ em nhiều. Và cũng vì muốn kể chuyện cho các con cho em nghe. Nói để em yên tâm: 2 con khỏe ngoan. Giờ này chúng đang ngủ, mỗi đứa tay còn cầm một lá thư của mẹ. Chúng nó vừa bắt bố đọc lại cho nghe xong. Trong 2 đêm theo dõi, Giang hơi sốt, mạch 110… Anh mua thêm 6 viên Sulfa cho Huy và Giang…

Những bức thư của riêng 2 nhà văn đã trở thành tài sản chung, tư liệu lịch sử chung, di sản văn hóa của những lứa đôi trong chiến tranh. Nói như nhà văn Mỹ Lady Borton: "Đây là những lá thư riêng, nhưng cũng là một phần nhỏ lịch sử của đất nước các bạn".

Nhà văn Lê Phương Liên nói về ông với bao xúc động “Sau khi đã trải qua nhiều trách nhiệm nặng nề, khó khăn, những ngày tuổi già ông lại trở về với Tiểu ban Sách thiếu nhi của Hội Xuất bản Việt Nam. Những ngày này tôi đã được làm việc cùng ông. Hàng năm mỗi khi đến kỳ họp xét giải thưởng. Cả tiểu ban gồm nhà văn Vũ Tú Nam, nhà văn Ma Văn Kháng, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà báo Nguyễn Như Mai và tôi thường đến nhà riêng của ông bà Vũ Tú Nam - Thanh Hương để họp bàn trao đổi. Mỗi lần đến nhà, ông bà đều sắp sửa nước trà bánh kẹo rất ngon để anh chị em cùng ngồi nhấm nháp và đàm đạo văn chương thân ái. Hình ảnh những ngày ấy, tình văn nhân thanh tao tinh tế như vẫn còn dư âm mãi trong tôi.Viết đến đây tôi không khỏi ngăn được dòng nước mắt...”…

Tôi cảm nhận được thông điệp nghề văn như phương châm sống, thông điệp viết văn mà cả cuộc đời nhà văn Vũ Tú Nam tin yêu, quý trọng những điều tốt đẹp ở con người “Tôi thường chú ý và tin vào những điều tốt đẹp, điều thiện ở con người. Tôi quý lòng trung thực và lòng nhân hậu…”.

Ông ra đi thanh thản, an nhiên, “túc tắc”:

Giáp Thân đến

Gối đã chồn

Nghĩ đã chậm

Nói đã mòn

Năm tháng nặng

Biết sao hơn?

Túc tắc sống

Hôm lại hôm

Túc tắc yêu

Người quanh mình

Túc tắc viết

Túc tắc đọc

Không dừng bước

Lùi một phân!

Túc tắc sống

Ngày nối ngày

Túc tắc say

Từng phút giây

Tới khi nào

Buông tay bút

Trời xanh ngút

Túc tắc bay...

(Vũ Tú Nam, 8/11/2003)

Lễ viếng nhà văn Vũ Tú Nam được tổ chức vào hồi 7h15 ngày 12/9/2020 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang diễn ra vào 8h45 cùng ngày; an táng tại Nghĩa trang quê nhà - xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm