Vĩnh biệt 'American Idol'!

08/04/2016 06:50 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Với việc show đầu tiên trong mùa 15 lên sóng mà chỉ thu hút được 10,9 triệu người xem, mức thấp nhất từ khi chương trình ra mắt vào năm 2002, số phận của American Idol đã được định đoạt là phải ngừng sản xuất sau đêm chung kết 7/4 (giờ địa phương tại Mỹ).

Đầu những năm 2000, nhập khẩu các chương trình truyền hình thực tế từ Anh đang là một trào lưu tại Mỹ. ABC nổi tiếng với Ai là triệu phú? hay NBC với The Weakest Link (Liên kết mong manh).

Nhưng American Idol mới là cái tên đáng chú ý hơn cả. Chương trình được chuyển thể từ Pop Idol, một cuộc thi ca hát của Anh ra mắt năm 2001 bởi Simon Fuller. Vượt xa kì vọng của mọi người, American Idolnhanh chóng mở ra một kỉ nguyên mới.

Sự lan tỏa và ảnh hưởng to lớn của American Idol

Hè năm 2002, một cuộc thi âm nhạc ra mắt trên kênh Fox. Chỉ vài tháng sau, chương trình này - American Idol (Thần tượng Mỹ)- đã trở thành một thế lực không thể ngăn cản trong lĩnh vực truyền hình thực tế. Sức hút của các show trong mùa 2 thậm chí còn đưa chương trình vươn lên đứng thứ 2 trong BXH tỉ suất người xem của công ty chuyên nghiên cứu truyền thông Nielsen.


Kelly Clarkson, quán quân “American Idol” mùa đầu tiên. Ảnh: Today

Thành công của American Idol được cho là nhờ 2 yếu tố chính. Đầu tiên là những màn tung hứng hấp dẫn giữa bộ ba giám khảo quyền lực gồm ông trùm truyền hình thực tế người Anh Simon Cowell, biểu tượng nhạc pop những năm 1980 Paula Abdul và tay ghi ta bass Randy Jackson. Điểm thứ hai nằm ở tính cạnh tranh của cuộc thi, đáng chú ý nhất là luật bình chọn qua điện thoại, điều khiến các khán giả được quyền nói lên thí sinh nào là người họ ủng hộ, ai sẽ ở lại và ai phải ra về.

Thành công ngoài mong đợi đã biến Cowell trở thành cái tên của mọi nhà còn bản thân American Idol là chương trình truyền hình thực tế thống trị trong nhiều năm, có lượng người xem cao nhất trong 8 mùa liên tiếp.

Ở thời đỉnh cao (năm 2006), lượng khán giả theo dõi American Idol đạt mức kỷ lục, trung bình 31,1 triệu người xem mỗi tuần. Chương trình mở màn của mùa năm đó thậm chí thu hút tới 37,4 triệu người xem.

American Idol sau này vẫn là chương trình TV số 1 trong các mùa 2010 - 2011. Cùng với đó là giá thành quảng cáo cũng ở mức ngất ngưởng. Vào năm 2009, một mẩu quảng cáo 30 giây phát khi chương trình lên sóng có giá 600.000 USD.

Sức hút từ American Idol được xem là hiện tượng cũng vì nó diễn ra trong thời điểm YouTube và các dịch vụ xem trực tuyến theo yêu cầu khác bùng nổ.

Ảnh hưởng của nó cũng mở rộng đến ngành công nghiệp âm nhạc đang gặp khó khăn. Đã nhiều lần chương trình trở thành bệ phóng cho những ngôi sao thế hệ mới, trong đó phải kể tới Kelly Clarkson và Carrie Underwood, khi mỗi người bán được hàng chục triệu bản thu hay Jennifer Hudson (đứng thứ 7 trong mùa 3) tiếp tục thành công trong sự nghiệp âm nhạc với giải Oscar cho ca khúc Dreamgirls.

Qua thời kỳ đỉnh cao

Đáng tiếc là giờ đây American Idol sắp chỉ còn là một “di tích văn hóa” tiêu biểu của những năm đầu của thế kỷ 21, thời điểm mà hàng triệu gia đình quây quần quanh chiếc TV 2 lần/ tuần để theo dõi các diễn biến của chương trình.

Thật không may cho Fox, bản thân American Idol đã chứng tỏ rằng sức bền của nó không bằng những phiên bản truyền hình thực tế khác như Survivor (Kẻ sống sót) hayThe Amazing Race (Cuộc đua kì thú).

Khi The Voice lên sóng trên kênh NBC vào năm 2011 và nhanh chóng trở thành một chương trình ăn khách, nó đã lấy đi một lượng khán giả không nhỏ từ American Idol. Mặt khác, ngày càng nhiều người yêu nhạc chuyển sang xu hướng mới, từ đam mê nhạc pop (sở trường của nhiều thí sinh American Idol) sang dòng nhạc dance điện tử (EDM), hip-hop và các loại khác mà đều không dễ dàng chuyển sang định dạng của một cuộc thi hát.

Lượng khán giả theo dõi chương trình giảm dần qua các mùa dù các nhà sản xuất đã nghĩ ra nhiều "chiêu" mới để giữ chân khán giả, như quyền cứu thí sinh vào phút chót (ra mắt từ mùa 8), mà cho phép giám khảo có thể giữ lại một thí sinh khỏi bị loại. Thành phần ban giám khảo cũng được thay đổi liên tục, với những cái tên như Steven Tyler, Mariah Carey, Jennifer Lopez, Nicki Minaj, Keith Urban, Harry Connick Jr....

Tuy nhiên, chính điều này lạilà nguyên nhân khiến người xem cảm thấy bối rối, vì họ không biết mình mong đợi điều gì từ chương trình. Những quán quân gần đây của cuộc thi, như Candice Glover và Caleb Johnson cũng chỉ bán lượng đĩa khiêm tốn hơn nhiều so với những người chiến thắng các mùa trước đó.

Abdul rút khỏi chương trình vào năm 2009, tiếp theo là Cowell, người chuyển hướngsang một chương trình riêng trên kênh Fox là X Factor (Nhân tố bí ấn). Kể từ đó, chương trình mất đi những nhân vật có tiếng nói mạnh mẽ nhất. Jackson ở lại cho đến năm 2014. Người dẫn chương trình Seacrest là người duy nhất vẫn gắn bó với American Idol qua cả 15 mùa.

Mới đây, các nhà sản xuất thực hiện một phiên bản mới để chương trình có thể trở lại, nhưng sẽ không phải là trong thời gian ngắn. Nhưng dù trở lại hay không, việc tạo ra một chương trình tầm cỡ như American Idol trước đây là cả một thách thức lớn.

Phiên bản tương tác tiên phong

"Đã có nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng xuất hiện qua các năm, gần đây nhất là Star Search (Tìm kiếm ngôi sao)" - Bill Carroll, Phó chủ tịch Tập đoàn Truyền hình Katz ở New York, Mỹ nói - "Nhưng đây là một trong những chương trình đầu tiên sử dụng cả truyền thông xã hội và bầu chọn qua điện thoại. Đây là phiên bản tiên phong sử dụng sự tương tác như là một phần cốt lõi trong nội dung”.

Vân Anh (Theo LA Times)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm