Viếng đền thờ Lê Đại Hành

08/07/2019 11:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng tôi tìm về Xuân Lập (Thọ Xuân, Thanh Hoá) viếng đền thờ Hoàng đế Lê Đại Hành (941-1005), một trong những ngôi đền cổ đẹp nhất xứ Thanh.

Viếng đền Ông Hoàng Mười, ngôi đền thiêng trên thế đất hình mỏ hạc

Viếng đền Ông Hoàng Mười, ngôi đền thiêng trên thế đất hình mỏ hạc

Chúng tôi đến viếng đền thờ ông Hoàng Mười tại làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.

Đây là nơi Lê Đại Hành (Lê Hoàn) ra đời và sống tuổi thơ của mình, trước khi trưởng thành, về Hoa Lư phò vua Đinh Bộ Lĩnh, làm thập đạo tướng quân, sau lên ngôi hoàng đế trong một thời kỳ nhiều biến động, khó khăn của đất nước. Trong 24 năm trị vì, hoàng đế Lê Đại Hành đã giữ vững nền độc lập, phá Tống, bình Chiêm, thực hiện nhiều cải cách, xây dựng nhà nước Đại Cồ Việt hưng thịnh.

Sau khi Lê Đại Hành mất, người dân ở đây dựng đển tưởng nhớ công lao của ông. Với thời gian, đền qua một số lần được xây dựng, trùng tu. Ngôi đền hiện nay mang nét kiến trúc từ thế kỷ XVII. Khu vực đền rộng gần 4 hec ta. Đền chính gồm 13 gian, có sân rồng, các nhà tiền đường, trung đường và hậu cung. Đển có kiến trúc hình chữ Công, với những bức tượng, phù điêu, chạm khắc tinh xảo, đặc sắc do bàn tay của những người thợ tài hoa tạo nên.

Chú thích ảnh

Đền còn giữ được nhiều hiện vật quý như: Bức hoạ chân dung Lê Đại Hành; các đỉnh đồng; bình hương bằng đồng có khắc chữ “Thiên cổ”; chén bạc; 14 sắc phong qua các đời vua .... Đặc biệt trong các cổ vật có chiếc đĩa đá tương truyền là của vua Tống tặng vua Lê Đại Hành có dòng chữ Hán:

Giang Nam nhất phiến tuyết
Trác khí vạn niên trân

(Một phiến đá trắng ở Giang Nam; Mài gọt nên vật quý vạn năm)

Đền có nhiều câu đối, trong đó có câu đối liên quan đến việc bà Đặng Thị, thân mẫu của nhà vua mơ thấy hoa sen khi vua ra đời và chuyện Thái hậu Dương Vân Nga tự tay khoác hoàng bào cho thập đạo tướng quân Lê Hoàn để ông lên ngôi hoàng đế:

Liên hoa kết thực vương đồ triệu
Long cổn thùy quang đế vị tôn

(Mộng kết hoa sen điềm dựng nước
Hoàng bào ánh tỏa xứng ngôi vua)

Chú thích ảnh

Đền còn lưu giữ các tấm bia nói về các sự tích lịch sử và công lao to lớn của Lê Đại Hành đối với non sông đất nước.

Đền thờ Lê Đại Hành đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt; là địa chỉ tâm linh thu hút đông đảo du khách gần xa. Lễ hội ở đền tổ chức vào các ngày 7 và 8 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

  Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm