Vì sao gốm Chăm được đề cử cho danh hiệu Di sản Thế giới?

26/03/2019 07:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, hồ sơ "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đệ trình UNESCO xem xét đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Như vậy, chúng ta đang đứng trước cơ hội lần đầu tiên có một nghề thủ công truyền thống được UNESCO vinh danh.

Trình UNESCO hồ sơ 'Nghệ thuật Xòe Thái' và 'Nghệ thuật làm gốm của người Chăm'

Trình UNESCO hồ sơ 'Nghệ thuật Xòe Thái' và 'Nghệ thuật làm gốm của người Chăm'

Thủ tướng Chính phủ đồng ý Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thay mặt Chính phủ ký Hồ sơ "Nghệ thuận Xòe Thái" và "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Và, rất nhiều người đã đặt ra câu hỏi: di sản của gốm Chăm là gì? Vì sao cần phải bảo vệ khẩn cấp?

May vì vẫn… “bảo thủ”

Gốm Chăm hiện nay còn hiện diện chủ yếu ở hai làng là Ligok (Trì Đức, tỉnh Bình Thuận) và Hamu Crok (Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận). Trong đó, tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ 12 đến nay, Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất thô sơ từ ngàn xưa.

Chú thích ảnh
Tam vị Trimuti (Brahma - Vishnu - Shiva) của gốm Bàu Trúc

Về cơ bản, loại gốm này được sản xuất thủ công qua nhiều công đoạn như đập đất, sàng đất bỏ sỏi, ngâm đất sét mịn, trộn cát... Việc chế tác hoàn toàn bằng tay, nghệ nhân tự đi giật lùi quanh bàn chế tác tạo hình gốm, không dùng bàn xoay như hầu hết các làng gốm khác. Do đi quanh chế tác, cách vuốt gốm của nghệ nhân Chăm là vuốt thẳng, khác với cách vuốt ngang ở các làng gốm có sử dụng bàn xoay.

Gốm được xử lý bề mặt, trang trí, chỉnh sửa, phơi khô và sắp xếp thành đống, tủ rơm củi nung lộ thiên trong khoảng 6-8 tiếng, tùy dòng sản phẩm. Đặc biệt với một số sản phẩm mỹ nghệ, nghệ nhân còn sử dụng một số cách tạo màu tự nhiên như rưới, phun nước hạt điều, nước cây thị - trong khi loại tượng nghệ thuật lại có thể được om trấu hoặc củi để tạo những vết loang đen do khói lửa.

Đất sét làm gốm Bàu Trúc được lấy từ lưu vực sông Quao (Ninh Phước, Ninh Thuận), nơi được cho là có độ dẻo cao, phù hợp với cách làm gốm truyền thống này. Thực tế việc thử dùng đất sét những nơi khác lại không cho nhiều thành phẩm an toàn, có độ bền như Bàu Trúc.

Việc nung lộ thiên (không dùng lò kín) như hầu hết các làng gốm khác tạo nên sự khác biệt, khi nhiệt độ cho gốm Bàu Trúc chỉ dao động khoảng 800 độ C. Do đó, đặc trưng của gốm Bàu Trúc là không có men tráng, dẫn đến chuyện các sản phẩm không giữ nước và ngấm nước.

Chú thích ảnh
Nghệ nhân đi vòng quanh và vuốt thẳng để làm gốm

Một đặc trưng quan trọng của gốm Chăm là thế giới tâm linh tín ngưỡng, phong tục, văn hóa Chăm thể hiện qua gốm. Ở Bàu Trúc, chúng ta dễ dàng bắt gặp dáng hình và điệu múa mềm mại của nàng tiên thịnh vượng Apsara, vũ điệu thần Shiva qua tượng hoặc phù điêu, các kiểu sinh thực khí linga-yoni, cặp bình đực-cái, điệu múa Chăm, nghệ nhân chơi kèn saranai… cùng những tác phẩm mô phỏng đời sống văn hóa tâm linh khác.

Cần nói rõ, không hẳn nghệ nhân Chăm không biết đến những phương thức sản xuất hiện đại, như việc dùng bàn xoay để giảm sức người hoặc nung trong lò kín. Thực tế, ở làng Bàu Trúc hiện tại đã có một vài hộ đầu tư lò nung, nhưng dường như lò nung chỉ giải quyết được câu chuyện thời tiết của nung lộ thiên, chứ nhiệt độ nung vẫn không khác nhiều.

Gốm thành phẩm vẫn là gốm non, mộc, không men. Nghĩa là người Chăm tương đối “bảo thủ” trong sản xuất. Chính điều này giúp gốm Bàu Trúc tồn tại được cách làm xa xưa, phần nào giữ được bản sắc gốc. Và, đó là một điều may.

Chú thích ảnh
Đốt gốm lộ thiên theo cách truyền thống

Thách thức trước mắt

Nghệ thuật làm gốm Chăm có tính trình diễn, cần được đặt trong một không gian sống, kiến trúc thuần Chăm. Tiếc là hiện nay, những ngôi nhà truyền thống Chăm không còn nhiều, thay vào đó là nhà tường cấp 4.

Nếu việc quy hoạch quản lý cẩn trọng, có lẽ không gian truyền thống nên được khuyến khích giữ lại. Không gian truyền thống là phông nền cho nghệ thuật gốm.

Từ khoảng năm 2000, gốm mỹ nghệ Chăm bước vào giai đoạn phát triển xôm tụ nhất, khi các hộ làm gốm có thể sống với nghề. Nhưng, vài năm gần đây, gốm Chăm đang trong giai đoạn thoái trào. Điều này đến từ việc mẫu mã không còn mới, đặc trưng sản xuất giữa các lò dần phai nhạt, nghệ nhân sản xuất không có đơn hàng thường xuyên và thường bị thị hiếu của khách hàng bình dân chi phối.

Chú thích ảnh
Gia tăng các yếu tố văn hóa đặc thù như chữ viết, biểu tượng Aumkar, hoa Champa… là một cách mở rộng truyền thống

Thực tế, giá bán gốm Chăm Bàu Trúc cũng đang tương đối rẻ. Để nghệ nhân có thể sống được bằng nghề thì phải làm rất nhiều, nên chất lượng sa sút. Do đó, việc thống kê số lượng các hộ gốm trên số liệu sổ sách có thể đông, nhưng thực tế nhiều hộ vẫn xem gốm là công việc làm thêm, làm tay trái.

Nhiều nghệ nhân phải tranh thủ đi hái cà phê, làm phụ hồ, thợ xây… để trang trải cuộc sống. Do vậy, tại Bàu Trúc, người trẻ theo nghề cha ông là việc khó khăn. Nhất là khi, nghề này đòi hỏi thời gian học nghề và rèn luyện rất lâu.

So với các dòng gốm khác như Bát Tràng, Chu Đậu, Lái Thiêu, Biên Hòa… gốm Bàu Trúc chưa được phổ biến ngay cả trong nước, dù có giá trị và đặc trưng riêng. Tuy nhiên, gốm Chăm không nhất thiết phải chạy theo những tiêu chuẩn của các dòng gốm khác, mà cứ phải là chính nó, với câu chuyện của nó. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, gốm Chăm thuần thủ công, tưởng chừng thô sơ, lại là một thế cạnh tranh, nếu truyền thông và nhận diện đúng.

Xuân Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm