Váy và khố của người Chăm cổ xưa

22/03/2014 10:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Hình ảnh những người Chăm vấn khăn tua ban to và bận đồ trắng dài trùm thân có lẽ mang những đặc điểm tương tự với bộ trang phục Hồi giáo Ấn Độ từ thế kỷ 16. Trang phục này không hẳn là truyền thống trang phục cổ xưa của người Chăm mà chúng ta vẫn thấy trên các bức chạm khắc và tượng Chăm trong các bảo tàng và đền tháp từ thế kỷ 7 - 13.

Thời gian đó đã quá xa, cách đây từ hơn 1.300 năm, khí hậu, địa lý, tôn giáo và kỹ nghệ lúc đó khác xa so với bây giờ, nên có lẽ phải phác họa trang phục của người Chăm từ những di tích đó. Đàn ông quấn khố, đàn bà mặc váy có lẽ là công thức chung của nhiều tộc cư dân Đông Nam Á, khi áo quần kiểu phong kiến Trung Hoa phản ánh một khí hậu lạnh và những tập tục phong kiến lễ giáo từ 2.000 năm trước Công nguyên. Cư dân phương Nam sống trong khí hậu nóng, không sáng tạo ra nhiều kiểu quần áo, mà quấn vải là cách thức căn bản.

Cách thắt khố, bên trong là quần ngắn. Ghi chép từ phù điêu cổ vật Bảo tàng Chăm, Đà Nẵng

Cách thắt khố, bên trong là quần ngắn. Ghi chép từ phù điêu cổ vật Bảo tàng Chăm, Đà Nẵng

Những tấm ảnh người phương Tây chụp cư dân Đông Nam Á cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, còn cho thấy rõ tục quấn khố rất phổ biến ở Việt Nam và Tây Nguyên, riêng phụ nữ quấn ba mảnh - khăn đầu, tấm che ngực và váy, tất cả đều quấn, thậm chí rất thô sơ ở nhiều tộc người thuộc hệ ngôn ngữ Mon - Khmer. Lùi về phương Nam, cái saron trở nên phổ biến ở người đàn ông, nếu nhìn qua không khác cái váy là mấy, nhưng thực ra nó được quấn cầu kỳ hơn khép các vạt chân thành như quần và thắt lên phía bụng, váy của đàn bà thoáng hơn, rộng hơn, do đặc điểm trong nhiều sinh hoạt phụ nữ phải ngồi quỳ, và phần cạp bụng cũng quấn thêm chiếc khăn vải như thắt lưng cho chặt.

Những gì mà chúng tôi họa lại từ điêu khắc Chàm cổ xưa cho thấy những nét đặc biệt của trang phục quý tộc và bình dân Chăm, đòi hỏi chúng ta phải xem xét cái gì là hình mẫu Ấn Độ, chứ không phải là người Chăm ăn mặc như vậy, cái gì là người Chăm dùng hình tượng thần Ấn Độ giáo nhưng dưới hình ảnh của cư dân Chăm. Và chúng tôi nghiêng về phía sau hơn khi so sánh với phục trang trên tượng Ấn Độ. Kiểu đầu, tóc, trang sức, váy, saron, khố có cái giống nhưng có rất nhiều cái khác với văn minh Ấn Độ. Một bằng chứng nữa là những nhà sưu tập Bangkok, Thái Lan, đã cho tôi xem tận mắt những trang sức bằng bạc và vàng tương tự như những tượng Chăm đeo ở cổ, bắp tay, cổ tay, ngực, bụng, chân, và những tấm cài, trâm trên mũ, tóc… Tất cả đều có thật như vậy, thì chắc hẳn nghệ thuật Chăm có những nguồn gốc từ thực tế đời sống của người Chăm hơn là sao chép các hình mẫu tượng thần Ấn Độ.

Khố có quần ngắn, thắt ba vòng tua có ngù hoa sen. Ghi chép trên tượng Siva ở Phong Lệ, Quảng Nam, thế kỷ 10. Bảo tàng Chăm, Đà Nẵng

Khố có quần ngắn, thắt ba vòng tua có ngù hoa sen. Ghi chép trên tượng Siva ở Phong Lệ, Quảng Nam, thế kỷ 10. Bảo tàng Chăm, Đà Nẵng

Trên điêu khắc chúng tôi khảo ra như sau: cái khố đàn ông Chăm không hẳn giống cái khố của người Việt chỉ che phần trước, sau và lộ bắp đùi. Khố Chăm cũng có vạt trước như vậy buông thõng xuống phía trước, dài ngắn tùy theo, dài nhất là buông tới sát đất, vạt sau được vấn vắt ra một bên, hoặc tỏa ra hai vạt hai bên đùi sau cũng buông xuống gót chân, nhưng bên trong lại được quấn như cái quần đùi. Không rõ cái quần đùi này được vấn cùng một mảnh vải dài với các vạt kia hay là một quần lót độc lập. Chúng tôi từng thấy một chiếc khố của người Ba Na dài tới 20 thước, thừa sức vấn kín đáo quanh thân dưới người đàn ông và buông vạt dài trước và sau thân. Để giữ quần đùi và khố cho chặt người ta thắt thêm thắt lưng, xung quanh thắt lưng có thể thêm nhiều trang trí tua ngù, và thắt lưng lại có đai đeo chéo lên vai trái. Chắc là có thể đeo thêm kiếm bên sườn từ đó. Tạm gọi đây là quần khố, và trên một vài pho tượng có thể cái quần khố được may bằng dạ hay nỉ dày có khảm vàng bạc đá quý thành những diềm trang sức. Từ đầu đến chân một hình tượng được đeo nhiều vòng trang trí theo các vị trí - đầu, cổ, tai, ngực, vòng bắp tay, vòng cổ tay, quần khố, vòng cổ chân - tất cả được trang trí thống nhất trên một cơ thể, và tất cả như thế mới là một bộ phục trang hoàn chỉnh.

2. Con người dưới dạng thần là một thực thể huyền thoại và thơ mộng, đàn ông và đàn bà phải làm đẹp một cách diêm dúa, biểu hiện tính phi thường của tầng lớp quý phái hay thần linh. Ăn mặc như vậy đôi khi con người màu mè không khác gì con công, nhưng một thời người ta tôn sùng vẻ đẹp khác thường như vậy.

Hình ảnh các vũ nữ Chăm trên bệ đài thờ Trà Kiệu cho thấy một cách hoàn chỉnh phục trang nữ và các nữ công. Họ có thể mặc quần, váy, hay chân trần nhưng đeo các vòng trang sức vừa làm đẹp vừa che hông, bụng dưới và phía ngực thì lại đeo vòng cổ tỏa xuống eo lưng để tôn bộ ngực trần. Bắp tay, cổ tay và cổ chân cũng có vòng trang sức. Mái tóc thì để nhiều kiểu cầu kỳ hết sức, trong đó nổi bật là các loại độn tóc lớn tết bằng các vòng trang sức cài mái đầu.

Nếu phụ nữ Chăm cổ mặc váy thì rất bình thường, nhưng khảo sát trên các bức chạm khắc cho thấy họ mặc đủ loại. Có cả để trần đeo trang sức (không mặc loại quần gì), có người mặc quần lót (y hệt quần lót ngày nay của phụ nữ), có người mặc váy, có người mặc quần bó sát vào hai ống chân. Vải dệt có hoa văn theo diềm không xa với vải dệt hoa văn của người Chăm hiện nay.


Quấn khố và quần ngắn, ghi chép trên tượng Hộ pháp, Khương Mỹ, Quảng Nam, thế kỷ 11 - 12. Bảo tàng Chăm, Đà Nẵng

Tựu trung lại thì toàn bộ phục trang người Chăm cổ xưa trên các pho tượng thần Ấn Độ giáo cho chúng ta một quan niệm thẩm mỹ nhiều hơn là ăn mặc như thế nào. Người Chăm không mặc gì mà chỉ đeo trang sức, hoặc mặc chút váy, khố cùng với trang sức là để phô diễn vẻ đẹp của cơ thể, hơn là che đậy, thậm chí lối trang phục này tôn vẻ đẹp của cơ thể lên nhiều hơn. Đặc điểm đó hoàn toàn không chung gì với phục trang của người Chăm hiện nay.

Tôi rất nghi ngờ những nghiên cứu gần đây dựng lên những bộ trang phục của người Việt mà áo mũ lòe xòe như phường tuồng. Những bức ảnh của người Pháp chụp nông dân đồng bằng Bắc Bộ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nam giới phần nhiều cởi trần đóng khố, đàn bà váy đụp mặc yếm. Quan lại chỉ khi lễ lạt nhập triều mới đóng quan phục cũng không có gì cầu kỳ. Nhìn lại từ một ngàn năm trước, trên các đồ gốm Lý-Trần, có các hình trang trí binh lính cũng đánh trần, hoặc mặc mỗi chiếc áo lửng, quần chân què. So với người Chăm, mức độ văn minh qua phục trang đã rất phát triển, trong khi phục trang phong kiến Việt Nam cố gắng mô phỏng và dựa trên các kiểu thức Trung Hoa, nhưng không tới nơi tới chốn, còn ăn mặc bình dân thì thô sơ vô cùng cho đến đầu thế kỷ 20.

Những hình chạm khắc trong nghệ thuật chỉ có thể coi là tham khảo khi không có những nguồn tư liệu thực tế. Không thể khẳng định hoàn toàn người Chăm cổ xưa đã ăn mặc như thế, mà chỉ là những giả thiết có chứng cứ từ sự phản ánh đời sống của nghệ thuật và những đồ trang sức còn lưu lạc trong các bộ sưu tập và trên thị trường đồ cổ. Mức độ văn minh là đồng đều cho tất cả các mặt kiến trúc, điêu khắc, trang trí và đồ ứng dụng. Nghệ thuật thì còn mà đồ dùng hầu hết đã tan biến trong quá trình sống, nhưng nó đã được ghi lại dưới dạng phục trang của thần thánh.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm