Văn hóa tâm linh: 'kênh' đầu tư mới?

29/06/2014 08:21 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Với quan niệm xưa nay của người Việt “sống gửi thác về”, người khi đã khuất quan trọng nhất vẫn là “mồ yên mả đẹp”. Người sống đi chơi ở công viên thì người chết rồi cũng có công viên đẹp như tiên cảnh. Đầu tư xây dựng nghĩa trang trong các năm gần đây là nét kinh doanh mới dựa trên nền tảng văn hóa và tâm linh của người Việt.

Nắm bắt nhu cầu thực và cả tâm linh của người Việt, rất nhiều nghĩa trang được xây dựng dưới dạng công ty cổ phần xuất hiện từ Bắc đến Nam. Nhưng có lẽ, nghĩa trang đẹp vì phong cảnh kiến trúc và đẹp vì hình ảnh những người nổi tiếng an gửi hình hài tại đây, không nơi nào hơn Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.

Đến… nghĩa trang chụp ảnh cưới!

Hoa viên nghĩa trang Bình Dương được xây dựng trên diện tích 200 ha thuộc xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Trước khi xây nghĩa trang này, nơi đây là một rừng cao su xanh mát, do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Chánh Phú Hòa chuyển đổi chức năng để làm nơi an nghỉ cuối cùng cho nhiều người. Cũng như nhiều nghĩa trang khác, Nghĩa trang Bình Dương sẽ không tạo được sự chú ý nếu không có nhiều người nổi tiếng chọn nơi đây để… trở về đất mẹ.


Viếng mộ nhạc sĩ Phạm Duy tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương

Với người Việt, nơi an táng người quá cố luôn gắn với các yếu tố tâm linh, phong thủy, địa lý. Nghĩa trang Bình Dương cũng khoác lên mình một màu sương khói huyền ảo như thế. Theo giới thiệu của Công ty Chánh Phú Hòa, thì: “Khởi nguyên ý tưởng chủ đạo hình thành Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương chính là hiển thị nghệ thuật phong thủy truyền thống Á Đông, bởi đây vừa là nét văn hóa bố cục không gian sống, vừa là khoa học về quy hoạch bền vững môi trường hiện đại. Xét về vị thế “đắc địa tú khí”, thì hình thể địa lý Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương là lý tưởng! Bởi danh nhân phong thủy Việt Nam: cụ Tả Ao (thế kỷ 17) đã thường căn dặn: bình dương lấy nước làm thầy (hàm nghĩa: ở nơi thế đất bằng phẳng thì phải chú ý quan sát dòng nước chảy)…”.

Sau khi chuẩn bị tâm lý rằng nơi đây là đất tốt cho những ai muốn chọn làm nơi an nghĩ vĩnh hằng. Công ty Chánh Phú Hòa đã đầu tư xây dựng đường sá nội bộ rất đẹp, hoa trồng cỏ xén, tượng đài, công trình thờ cúng, nhà lưu niệm… Tất nhiên, phần lớn diện tích được “phân lô” bán nền giống như người sống đi mua đất cất nhà vậy. Những lô mặt tiền, ở vị trí đẹp luôn có giá cao hơn những nơi trong hẻm, hẻo lánh. Đặc biệt, các ngôi mộ được quy hoạch tổng thể cùng màu sắc, kích thước cho từng khu vực chứ không như ngoài đời người ta muốn xây nhà cao thấp, dày mỏng lung tung.

Hình ảnh Nghĩa trang Bình Dương của Công ty Chánh Phú Hòa sẽ làm thay đổi quan niệm lâu nay của nhiều người về nghĩa địa. Chợt nhớ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Anh ở Tiền Giang, ông là người đã đưa hình ảnh đẹp chụp tại các nghĩa trang đến gần với người xem. Duy Anh đã “khuyến dụ” các đôi uyên ương đến các nghĩa trang chụp ảnh cưới. Tất nhiên, các nghĩa trang trong hình cưới hay tác phẩm nghệ thuật của Duy Anh đều được thực hiện tại các nghĩa trang liệt sĩ sạch đẹp, kiến trúc hài hòa. Những ai từng đến nghĩa trang Bình Dương đều nhìn nhận rằng, nơi đây trong tương lai không xa, sẽ trở thành nơi để người sống không chỉ đến viếng người đã khuất, mà còn là nơi có thể đi dạo và chụp hình. Thật vậy, hiện nay đến tham quan nghĩa trang này đã có xe ngựa đưa đón hoặc xe điện chạy vòng quanh. Ai bảo nghĩa trang chỉ có một màu buồn tang tóc?  

Nghĩa trang của nhiều người nổi tiếng

Những người nổi tiếng khi qua đời chôn cất ở đây được “ưu đãi” ở mức tối đa. Ưu đãi đầu tiên là có thể miễn phí tiền mua đất tại ngay khu trung tâm có vị trí đẹp. Tại Nghĩa trang Bình Dương có một khu dành cho các nghệ sĩ khi quá cố với con đường mang tên đường Nghệ Sĩ. Xung quanh trục đường này là mộ phần được xây dựng không lẫn vào các ngôi mộ khác của các nhà văn Sơn Nam, nhạc sĩ Hoàng Trang, nhạc sĩ Thanh Sơn, soạn giả Nhị Kiều, đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, NSƯT Hồ Kiểng…


Mộ phần nhà văn Sơn Nam

Khi Sơn Nam qua đời, chính Công ty Chánh Phú Hòa đã ngỏ lời với gia đình nhà văn để ông được an táng tại đây. Và cũng chính Công ty Chánh Phú Hòa tư vấn thực hiện mộ phần Sơn Nam với bức tượng và những câu thơ nổi tiếng của ông thành một tác phẩm điêu khắc và sắp đặt. Không chỉ Sơn Nam, mộ phần của những nghệ sĩ càng nổi tiếng thì càng nổi bật ở nghĩa trang này, dù rằng khi còn sống có thể nghệ sĩ ấy rất nghèo không dám ước khi mình chết có được mồ mả đẹp như thế.

Người nổi tiếng khi chọn nghĩa trang này, còn được nhiều ưu đãi khác, chẳng hạn như chọn vị trí khác mà không nhất thiết phải nằm trong khu nghệ sĩ. Gia đình nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Thái Hằng, ca sĩ Duy Quang có riêng một khu. Quần thể mộ phần gia đình nhạc sĩ Phạm Duy được thiết kế đặc biệt để bất kỳ ai muốn viếng thăm cũng đều dễ dàng nhận thấy.

Xét trên tương quan lợi ích đôi bên, Nghĩa trang Bình Dương dành nhiều ưu ái cho các nghệ sĩ nổi tiếng để làm gì? Để thể hiện sự trân trọng những con tằm đã rút ruột nhả tơ cho đời? Điều này hẳn nhiên là đáng quý khi một doanh nghiệp dành tình cảm cho giới văn nghệ. Tuy nhiên, lợi ích trước mắt và lâu dài mà Công ty Chánh Phú Hòa nhận lại không phải ít. Theo giới thạo tin cho biết, giá một lô đất mộ phần ở gần khu vực dành cho người nổi tiếng có giá bằng hoặc cao hơn một lô đất cất nhà tại khu phố mới của tỉnh Bình Dương.

Ngay trong nghĩa trang, Công ty Chánh Phú Hòa xây dựng công trình Linh Hoa Tuệ Đàn dùng cho các lễ cúng, ví như lễ cầu siêu hay Vu lan báo hiếu… Bên trong công trình này là nhà lưu niệm lưu giữ các kỷ vật của các nghệ sĩ hay người nổi tiếng khác. Thiết nghĩ, khi xã hội phát triển, người ta sẽ có nhu cầu tìm hiểu về những người nổi tiếng có tác phẩm để đời như nhà văn Sơn Nam hay nhạc sĩ Phạm Duy…, thì còn nơi nào tốt hơn là đến Nghĩa trang Bình Dương? Được ngắm các kỷ vật của người nổi tiếng, được thắp nhang viếng và chụp hình bên mộ phần của một danh nhân… đã là nhu cầu đang phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển. Vậy mai này ai dám bảo Nghĩa trang Bình Dương không trở thành một điểm du lịch gắn liền với tâm linh và văn hóa?

Rất nhiều nghệ sĩ lớn tuổi đã được Nghĩa trang Bình Dương liên lạc và ngỏ ý dành sẵn mộ phần, như: nghệ sĩ - nhà văn Mạc Can, nhà thơ - soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà… Một số người cho rằng chuẩn bị sẵn cho người còn sống như thế là không hay. Tuy nhiên, từ thời các vua chúa xa xưa đều cho xây dựng lăng mộ trước khi họ mất hàng chục năm ròng. Vua Tự Đức khi còn sống đã đích thân xem xét việc xây Khiêm Lăng và nhà vua quan niệm về cõi nhân sinh rằng: “Khôn dại cùng chung ba tấc đất, Giàu sang chưa chín một nồi kê”.

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm