Ứng xử ra sao với vàng mã? (kỳ 1): Khi Phật giáo nói 'không'

26/02/2018 10:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPG VN) đề nghị Phật tử không đốt vàng mã tại các ngôi chùa trên toàn quốc đang được dư luận quan tâm đặc biệt. Bởi, ít nhiều đó vẫn là một cột mốc, trong câu chuyện nhùng nhằng suốt hàng chục năm qua về việc này.

Cụ thể, cuối tuần qua, GHPG VN đã có công văn 031gửi Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm “tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc” hướng dẫn đồng bào Phật tử "loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo".

Giáo lý nhà Phật không dạy đốt vàng mã

“Tập tục đốt vàng mã có xuất xứ từ Trung Hoa và du nhập vào Việt Nam” - Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) - “Tuy nhiên, tập tục này chỉ gắn với các tín ngưỡng dân gian, Phật giáo không hề có kinh sách nào nhắc tới việc đốt vàng mã cả”.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu chính là người đã ký công văn số 031 vừa qua. Theo lời ông, trước đó GHPGVN đã trao đổi khá kỹ để đưa ra khuyến cáo này khi mùa lễ hội xuân Mậu Tuất bắt đầu.

Chú thích ảnh
Nhiều khách hành hương tới chùa nhưng không hề biết rằng việc đốt vàng mã không có trong giáo lý nhà Phật. Ảnh: TTXVN

Thực tế, dù không có trong giáo lý nhà Phật, việc đốt vàng mã tràn lan tại các ngôi chùa lại vô cùng phổ biến. Chỉ cần đi một vòng các ngôi chùa lớn ở bất kỳ nơi nào trên toàn quốc, người ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh vàng mã được bán tràn lan tại khu vực khuôn viên hoặc trước cổng chùa, cũng như cảnh hóa vàng tại các lò đốt (thường được đặt ở sân sau của chùa).

Thực tế ấy có thể giải thích bằng rất nhiều lý do, trong đó nhiều chuyên gia đã nhắc tới tâm lý bắt chước, thiếu hiểu biết về triết lý nhà Phật của khách hành hương. Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua một nguyên nhân: Do các đặc điểm lịch sử, rất nhiều kiến trúc chùa Việt gắn liền không gian (thậm chí gần như trở thành một quần thể chung) với các đình, đền hoặc điện thờ Mẫu. Ở những cơ sở tín ngưỡng này, vàng mã thường xuyên được hóa và “lan” sang phía nhà chùa từ rất sớm trong lịch sử.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ (giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội): “Từ quá khứ, nhiều cơ sở tín ngưỡng của Việt Nam đều…nhập hết vào nhau. Để rồi, người đi chùa bây giờ cứ vậy mà đốt mã mù trời để xin tài xin lộc, trong khi triết lý Phật giáo chỉ hướng tới việc cầu mong cho mình và cho mọi người cuộc sống nhân ái, vị tha, hạnh phúc”.

Quay lại cuộc vận động của khoảng 80 năm trước

Ít người biết, từ giữa thập niên 1930, trong phong trào Chấn hưng Phật giáo được Hội Phật giáo Bắc Kỳ (thành lập năm 1934) phát động, việc vận động Phật tử và nhân dân xóa bỏ tục đốt vàng mã, đồ mã cũng đã được đặt lên hàng đầu.Theo nhà nghiên cứu, thạc sĩ Lê Tâm Đắc (Viện Nghiên cứu tôn giáo), các nhà cải cách Phật giáo ở Bắc Kỳ khi ấy đã ý thức được rằng, vàng mã, đồ mã vừa "có hại" đối với xã hội, vừa có hại với phong trào Chấn hưng Phật giáo.

Để phục vụ cho chủ trương khuyến khích giới xuất gia tu hành, Phật tử và nhân dân nên từ bỏ vàng mã, các nhà cải cách Phật giáo ở Bắc Kỳ đã khảo cứu và cho đăng nhiều bài viết liên tục trên tờ Đuốc Tuệ (ra đời vào cuối năm 1935) về nguồn gốc của vàng mã, cũng như trong các bài thuyết giảng và một số hoạt động cụ thể khác.

Trong số này, bài Bàn về đồ mã (Những điều thiệt hại cho nước Việt, cho người dân Việt khi đốt vàng mã)- hiện có bản sao lục nhưng chưa rõ thời điểm đăng tải - có đặt ra câu hỏi mà đến giờ vẫn còn khá nhiều tính thời sự:

"Các nhà thợ mã ấy đã không làm được các vật thật dụng tinh xảo của đời thực tế này để giúp thêm kiến thức về tinh thần, đỡ bớt đói khát về vật chất cho đồng bào thì chớ, mà lại cứ duy trì mãi cái thói hủ tục nhảm nhí, làm những đồ giả dối khiến cho tàn rụi tinh thần, hư hỏng vật chất của giống nòi Việt Nam như vậy, có thiệt hại không?

Các nhà giàu có, không chịu suy cùng xét cạn, bàn phải luận đúng, chỉ vì cái quan niệm sanh ly tử biệt, chỉ theo cái tập quán xưa bày nay làm, thành thử trong gia sản có những vật dụng gì thì đặt làm đồ mã cho đủ những vật dụng ấy, ước chừng tốn phí có bạc trăm, tiền nghìn chớ chẳng ít. Còn mấy nhà nghèo, cũng chỉ vì cái quan niệm, lối tập quán đó thì đặt làm vài cái lầu kho, đôi ba bộ quần áo, ít ra cũng tốn năm, sáu đồng bạc, mà sau khi đốt rồi, không thấy vong giả về đem đi một món nào cả, thì đã chẳng giúp ích chi cho người vong, lại tổn hại cho người sống, vậy có thiệt hại không?”.

Cũng cần nhắc lại, theo ghi chép của học giả Phan Kế Bính hay Nguyễn Công, vào đầu thế kỷ 20, vàng mã và đồ mã đã phát triển rất mạnh trong đời sống người Việt. Bởi thế, cuộc vận động của Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã được khá nhiều trí thức và Phật tử hưởng ứng, cho dù tục đốt vàng mã, đồ mã vẫn tồn tại sau đó.

Còn bây giờ, khi việc sản xuất và đốt hàng mã, đồ mã đã phát triển lên một tầm mức mới, khá dễ hiểu về việc phần đông dư luận tỏ ra đồng tình với công văn số 031 của GHPGVN.

(Còn tiếp)

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch nói gì về đề xuất xóa bỏ tục đốt vàng mã?

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch nói gì về đề xuất xóa bỏ tục đốt vàng mã?

Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành công văn đề nghị loại bỏ đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam, gần đây, Bộ VH,TT&DL cũng chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm