'Truy tầm' di tích khảo cổ từ... trên trời

07/08/2019 20:26 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu như ngày trước, máy bay là phát minh hỗ trợ đáng kể cho các nhà nghiên cứu trong quá trình khảo cổ, giúp họ khám phá những địa điểm chưa từng được biết tới trước đây do khó định vị từ mặt đất, thì ngày nay, công nghệ tiên tiến, mà cụ thể là vệ tinh, đã tiếp tục đưa quá trình này lên một tầm cao mới.

Afghanistan xây dựng bảo tàng mới lưu giữ di sản khảo cổ

Afghanistan xây dựng bảo tàng mới lưu giữ di sản khảo cổ

Afghanistan sẽ xây dựng một bảo tàng mới ở Kabul để trưng bày bộ sưu tập đồ khảo cổ được tìm thấy tại nhiều di chỉ, trong đó nhiều di sản có niên đại hơn 2.000 năm tuổi.

Thuật ngữ “space archaeology” (tạm dịch là “khảo cổ học từ không gian") đã xuất hiện, chỉ việc các nhà khoa học sử dụng hình ảnh vệ tinh và nhiều kỹ thuật viễn thám khác để tìm kiếm các di tích cổ đại trên bề mặt hành tinh của chúng ta.

Công nghệ vệ tinh đẩy nhanh quá trình nghiên cứu gấp vài chục lần

Như nhà khảo cổ học Sarah Parcak giải thích trong cuốn sách mới của mình, Archaeology From Space (Khảo cổ học từ không gian), những công cụ hiện đại đã cách mạng hóa việc các nhà khoa học nghiên cứu về thời cổ đại.

“Chúng ta đã thay đổi, từ việc lập bản đồ tìm kiếm vài chục địa điểm khảo cổ trong một mùa Hè kéo đến việc lập bản đồ cho hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn địa điểm trong vài tuần” - Parcak viết.

Chú thích ảnh
Ảnh chụp vệ tinh có thể tiết lộ nhiều điều thú vị về quá trình khảo cổ

Với lối viết dí dỏm như một hướng dẫn viên, Parcak mang tới một chuyến đi sống động, đầy cảm hứng qua cuốn sách, bắt đầu với một số kiến thức cơ bản như thế nào là khảo cổ học từ không gian hay cách các hình ảnh vệ tinh tiết lộ vị trí những bức tường hoặc nền móng của một tòa nhà cổ. Tác giả nói thêm rằng ngay cả những tàn tích bị chôn vùi từ lâu cũng có thể để lại dấu vết trên bề mặt, như ảnh hưởng đến sự phát triển của thảm thực vật, từ đó tạo ra các dấu hiệu đáng lưu tâm.

Tất nhiên, công tác đào bới kiểu cũ vẫn không thể thiếu trong quá trình xác nhận những tàn tích cổ xưa trên mặt đất. Nhưng dựa trên các nền tảng công nghệ khác nhau, nhiều điều thú vị hơn đã được tiết lộ trong quá trình nghiên cứu thực địa.

Chú thích ảnh
Hình ảnh những bức tượng khổng lồ trên đảo Easter

Ví dụ, trong khi các nghiên cứu về di tích và lăng mộ cho thấy những đặc trưng về cuộc sống hàng ngày của người Ai Cập, “giống như chúng ta, họ đã viết trên tường và bị ám ảnh bởi những con mèo”, dữ liệu vệ tinh mang về thêm một số chi tiết khác, như nhóm nghiên cứu của Parcak đã phát hiện ra rằng, các cư dân gần như đã bỏ hoang khu vực gần phía cuối của Vương quốc Ai Cập cổ, tồn tại khoảng 4.000 năm trước.

Nhìn về tương lai, Parcak dự đoán trí thông minh nhân tạo sẽ là yếu tố tiếp theo có ảnh hưởng lớn tới khoa học khảo cổ từ không gian. Cô ước tính rằng mới chỉ có khoảng 10% diện tích bề mặt Trái đất được lập bản đồ khảo cổ. Sau này, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp quét các dữ liệu vệ tinh nhanh hơn nhiều so với tốc độ con người đang làm hiện nay, từ đó đẩy mạnh quá trình này thêm nhiều lần nữa.

Những khám phá khảo cổ điển hình nhờ vệ tinh

Thông qua quá trình phân tích hình ảnh vệ tinh, chụp từ khoảng cách xa bề mặt Trái đất 400 dặm (khoảng 644 km), xử lý chúng để làm nổi bật các phần quang phổ điện từ mà mắt thường không thể nhìn thấy, các nhà khoa học sẽ lưu ý những điểm bất thường biểu thị cho các địa điểm khảo cổ ẩn dưới lòng đất.

Đây là công việc mang tính chuyên môn cao. Những đốm sáng nhỏ trên bản đồ sẽ chẳng có ý nghĩa gì với người bình thường, nhưng với một nhà khoa học lâu năm như Parcak, chúng đã cung cấp manh mối giúp cô khám phá vị trí của 3.100 khu định cư, 1.000 lăng mộ bị thất lạc và 17 kim tự tháp trải khắp Ai Cập.

Chú thích ảnh
Một trong những điểm khai quật khảo cổ ở Ai Cập

Một chiến tích khác của ngành khảo cổ từ không gian là việc phát hiện ra một số di tích quan trọng về nền văn minh Maya ở vùng rừng rậm Peten, thuộc phía Bắc Guatemala. Các nhà khảo cổ học đã kết hợp với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), sử dụng công nghệ viễn thám để “quét” rừng Peten từ không gian nhằm xác định các địa điểm mất tích liên quan đến Maya, nền văn minh từng đạt đến đỉnh cao trong khoảng thời gian thế kỷ 7-9 và sau đó sụp đổ vào khoảng thế kỷ 10.

Để hiểu rõ hơn về sự sụp đổ này, Tom Sever, nhà khảo cổ học đầu tiên làm việc cho NASA, đã phân tích các hình ảnh được chụp từ một chương trình vệ tinh của cơ quan có tên là SERVIR, phóng từ Trung tâm Hàng không Vũ trụ Marshall ở Huntsville, Alabama (Mỹ) năm 2005.

Sever sử dụng các dữ liệu để củng cố cho lý thuyết của mình, (dù chưa được tất cả các học giả nghiên cứu về Maya chấp nhận) rằng những gì khiến Maya sụp đổ chính là một thảm họa sinh thái do họ tự gây ra.

Các bằng chứng mà Sever đưa ra cho thấy người Maya đã làm nông nghiệp dựa trên cách thức phá rừng ồ ạt. Họ cũng rút cạn các vùng đất ngập nước, bằng chứng là hình ảnh của các cống thoát nước cổ đại, gây ra hạn hán và dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ. Số phận của người Maya thường được coi là ví dụ điển hình về hậu quả của việc phá rừng và biến đổi khí hậu mà con người hiện đại phải đối mặt.

Chú thích ảnh
Tàn tích của nền văn minh Maya còn sót lại tới nay

Một trường hợp khác, khi nghiên cứu đảo Easter (thuộc Chile), công nghệ vệ tinh đã lý giải bí ẩn tồn tại từ nhiều thế kỷ trước, đó là làm thế nào con người có thể di chuyển những bức tượng khổng lồ và đặt chúng vào vị trí mong muốn.

Năm 2012, việc phát hiện ra dấu vết của những tuyến đường cổ xưa nhờ ảnh chụp vệ tinh đã khiến các nhà khoa học hiểu rằng những bức tượng dựng đứng có thể đã được di chuyển nhờ sử dụng dây thừng. Để kiểm chứng lý thuyết này, Hội đồng thám hiểm của Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ đã tài trợ cho một thí nghiệm, trong đó một bản sao đá nặng 10 tấn được chế tạo. Sử dụng dây thừng chắc chắn, 18 người có thể dễ dàng khiến bức tượng đồ sộ tự “đi bộ” cả cây số.

Duy An (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm