Trường Sòn: Trẻ em không bao giờ nhìn dối trá

09/06/2012 06:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Đặng Xuân Trường, đầu trọc, có râu, bạn bè thường gọi là Trường râu, hoặc Trường Sòn. Cũng chẳng rõ ý nghĩa của từ "sòn" ra sao, nhưng nhìn chung, Trường sòn chả lẫn vào đâu trong những gã "đầu trọc", "có râu", lại "chụp ảnh". Ngay kể cả những tác phẩm trong các cuộc triển lãm của Trường cũng thế, nó có gia vị lạ, ngay cả khi đó là những thứ mà người ta thường thấy, thường nhìn, và cả thường chụp, thế mà ở Trường, nó toát lên vẻ ấm áp, nhân bản, nhưng gợi mở không ít nỗi niềm đau đáu.

Nhiếp ảnh gia Trường Sòn

* Điều gì khiến anh lấy tên các cuộc triển lãm của mình là Nhìn?

- Tôi đặt tên triển lãm của mình là Nhìn bởi vì nó có ý nghĩa trọn vẹn. Tôi nhìn bằng mắt. Tôi nhìn bằng trái tim. Tôi nhìn bằng hơi thở. Tôi nhìn bằng đôi tay. Tôi nhìn bằng cả cơ thể đang chuyển hóa những xúc cảm tự nhiên mang đến trong cái nhìn của tôi.

* Nhân vật chủ yếu trong sáng tác của anh là trẻ em, vì sao vậy?

- Vì có trẻ em nên tôi mới biết mình đã là người nhớn một tý. Với lại vì có trẻ em nên tôi mới biết sống để làm gì. Cả nữa là trẻ em thì không bao giờ nhìn dối trá. Trẻ em đã nhìn là nhìn, không nhìn thì sẽ quay đi chứ không có chuyện nhìn mà lại không thấy gì cả.


Chân dung những trẻ người H'mông trong triển lãm Nhìn 2

* Nhìn 2 sẽ có gì giống và khác Nhìn đầu tiên?

- Cái nhìn đầu tiên tôi như đứa trẻ thơ mở to đôi mắt ra để nhìn trực diện vào cuộc sống đầy quyến rũ và lạ kỳ. Tôi tự do vui chơi cùng những em bé mà không phải nhắm đôi mắt lại cũng không phải tránh né điều gì. Tôi nhìn chúng và chúng tặng lại cái nhìn tinh thần cho tôi.

Nhìn 2 có 20 tác phẩm tất cả. Ở Nhìn 2 tôi đã người lớn hơn nhưng chỉ một tý thôi và cảm giác là người lớn thì đương nhiên phải khác khi ta nghĩ mình còn là đứa trẻ con đúng không? Người lớn trong tôi nó đậm đà hơn, riêng tư hơn, mạnh mẽ hơn với lại đau đáu nhiều hơn. Nhưng mà tôi vẫn nhìn trẻ con và chúng lại tặng cho tôi cái nhìn tinh thần rất mạnh mẽ.


*  Những chuyến đi đã mang lại cho anh nhiều điều lý thú, và tác phẩm, là một phần kết quả, nhưng điều gì là hay nhất?

- Tôi không bao giờ lên lịch cho mình rằng phải đi chuyến này, chuyến khác, thời gian này, thời gian khác để nhìn và “đẻ” ra Nhìn 1 hay là Nhìn 2. Tôi đi, hay tôi nhìn vốn dĩ tự nhiên như tôi thở. Vì vậy tôi không thể trả lời chúng là kết quả của bao nhiêu chuyến đi, bao nhiêu thời gian, bao nhiêu năm hay nhiêu tháng nhiêu ngày. Điều hay nhất mà tôi cảm nhận được đó là khi nào đôi mắt của tôi già nua không thể nhìn nữa thì tôi sẽ nhìn bằng đôi tai. Khi nào đôi tai già nua quá không thể giúp đôi mắt nhìn nữa thì tôi sẽ nhìn bằng mọi giác quan còn lại và khi nào chúng cũng già nua quá rồi thì lúc đấy lại có nhiều câu chuyện khác.


* Nhà văn Nam Cao có tác phẩm Đôi mắt, nói về một cách nhìn cuộc sống: "Vẫn giữ đôi mắt ấy để nhìn đời thì càng đi nhiều, càng quan sát lắm, người ta chỉ càng thêm chua chát và chán nản”. Là một người đi nhiều miền núi, vùng cao, đôi mắt nhìn, góc nhìn của anh thế nào?

Triển lãm Nhìn 2 của Trường sòn-Đặng Xuân Trường, tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội kéo dài đúng 5 ngày, từ 27-31/5/2012, đóng cửa ngay trước ngày Quốc tế Thiếu nhi. Sau triển lãm, nếu có ai muốn ngồi trò chuyện vùng cao, chuyện miền núi, chuyện ảnh, chuyện Phật giáo hoặc muốn xem các tác phẩm thì xin mời tới nhà Đặng Xuân Trường, một ngôi nhà nhỏ gần đền Voi Phục thờ thần Linh Lang (Cầu Giấy). Ở đó sẽ có trà ngon, có bức thangka Tibet mà ai đó yêu quý Trường sòn tặng và nó được treo trang trọng trong nhà. Hoặc đơn giản hơn, cứ ra quán cà phê vỉa hè phố Hòe Nhai, thể nào cũng gặp vài gã "cùng chí hướng" ở đó.

- Tôi chẳng thấy mình có đồng cảm gì cả dù tôi cũng yêu quý bác Nam Cao và trọng cái nhìn của bác ấy lắm. Nhưng bác ấy nhìn cách nhìn của bác ấy, thế hệ của bác ấy, còn tôi nhìn cách nhìn của tôi, thời gian của tôi. Với lại tôi không đồng cảm bởi vì càng nhìn tôi càng yêu cuộc sống. Tôi cũng không thấy chua chát hay chán nản gì khi mình có được may mắn trời ban cho đôi mắt có thể nhìn và thấy mọi thứ.

Tôi không biết “Đôi mắt ấy” của bác Nam Cao như thế nào? Còn đôi mắt của tôi nó vẫn như vậy thôi từ lúc tôi sinh ra và tôi không có ý định thay đổi cách nhìn của đôi mắt mình. Tôi thấy trẻ con khi đã sống được thì trong hoàn cảnh nào sự sống của chúng cũng đẹp, cũng đáng yêu, đáng quý, chỉ có điều ta đừng bóp méo nó là mừng lắm rồi.

* Anh sử dung loại máy ảnh nào là chủ yếu trong cuộc triển lãm này?

- Máy Hasselbad và ống kính 80mm.

*  Sự đòi hỏi của chính anh về tác phẩm của mình, có khắt khe không?

- Hoàn toàn không! Tôi nhìn là lẽ tự nhiên tôi nhìn và khi tôi thấy là lẽ tự nhiên phúc đáp lại cái nhìn của tôi. Tôi chuyển hóa xúc cảm đó thành năng lượng sáng tác của mình, có thế nào tôi làm ra thế ấy thôi chứ chẳng có tiêu với chuẩn gì cả. Tôi làm sao mà can thiệp được vào tự nhiên. Trong tự nhiên nghĩa là con người và ngọn cỏ như nhau phải không?

Cái hồi mà thế vận hội Olypic Bắc Kinh, mấy anh Trung Quốc bảo rằng bắn cái gì đấy lên trời để ngăn mưa. Tôi thấy họ vĩ đại lắm vì họ can thiệp để thay đổi cả tự nhiên. Vì tôi không thể vĩ đại được như họ nên tôi chẳng thể làm gì để can thiệp được cái nhìn của mình và những gì mình thấy. Có chăng điều tôi có thể làm có lẽ là tưới 1 gàu nước cho 1 cái cây đang khô héo.



* Vậy làm thế nào để cái nhìn của anh không nhạt?

- Ôi, cái câu hỏi này khó quá nhưng mà thôi chị đã hỏi thì tôi đành phải trả lời rằng thì là nó đậm thì lẽ tự nhiên là nó đậm. Tôi đố ai mà đổ nước khoáng làm nhạt nước biển đấy. Còn nó mà nhạt thì lẽ tự nhiên nó đã nhạt, tôi đố ai mà đổ muối làm mặn cả dòng sông đấy. Tôi cũng thế thôi, tự nhiên ấy mà.



* Nghe nói mỗi cuộc triển lãm của anh, lại là một sự muốn đổi mới, trong ý thức trưng bày triển lãm. Có phải anh muốn thay đổi một tư duy cũ, một kiểu có gì bày nấy, bày sao cũng được?

- À, thực ra tôi chẳng biết mọi người thế nào mà làm khác cả. Tôi chỉ làm đúng những gì tôi linh cảm thấy khi tôi nhìn thôi. Tôi đã gặp rất rất nhiều các bạn nhỏ ấy nhưng mà mỗi bạn tiếp tôi bằng một ánh mắt, một nụ cười chẳng bạn nào giống bạn nào. Thế nên tôi muốn sơn lại ngôi nhà cũ để đặt một tinh thần mới lên đó thôi.

* Sau mỗi cuộc triển lãm, tâm trạng của anh thế nào?

- Thì tôi vẫn tiếp tục nhìn thôi.

Nhiều người gọi Trường sòn là con ma xó Tây Bắc bởi bao năm qua, Trường mầy mò, chỗ nào ở miền núi cũng thấy mặt gã. Gã đi như một tình yêu rất đỗi hồn nhiên trên con xe máy cùi bắp (Gã không đi được ô tô, ngồi lên ô tô là say chết thôi!). Trẻ con nhìn thấy gã là cười toe toét như thấy người thân. Gã biết cả nhà nào có bao nhiêu đứa trẻ, năm nay thêm đứa nào, nhà có còn gì ăn hay không. Ngoài việc bỏ tiền túi, bạn bè sẵn sàng “tài trợ” một cách quá yên tâm cho gã đi giúp bà con vùng cao. Gã ào tới bệnh xá, trạm y tế, loáng cái đã phát hết bao tải áo len cho lũ trẻ đang đau ốm. Ào cái gã lại dừng xe, chạy lên ngôi nhà sàn bằng nứa có quá nhiều chỗ hổng gió thừa sức lùa để cho lũ trẻ mấy gói mỳ tôm. Hỏi han ríu rít như người nhà. Có bận tới Sapa, cái chỗ tưởng như quá chán vì “nhiễm” thương mại, nhưng lũ trẻ ở đâu thấy gã là như người nhà, tụ tập quanh gã, và gã lại xởi lởi mời các em xếp hàng, mua cho mỗi em một cái bánh mỳ Kebab, thế đã là “yến tiệc” rồi. Đi đâu gã cũng kêu “lùa, lùa” (cười), tay gã xăm dòng chữ “hẹn gặp phía bên kia piên giới” nghe chừng cũng gắn với một giai thoại rừng núi nào đó. Ít người biết gã là cánh tay phải trong việc chọn bối cảnh cho đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trong phim Chơi vơi và tham gia làm hậu kỳ tại Thái Lan. Sắp tới, gã lại bôn ba với một đạo diễn trẻ với một bộ phim “tầm cỡ” mà gã úp mở bí mật. Dù sao đi nữa, một kẻ ngang ngạnh không chịu đi làm với ý thức kiếm tiền như gã, cương quyết không chụp ảnh số, “chém gió” cũng phần phật với anh em bạn bè, nhưng nổi lên trên hết, đó là sự ấm áp, đầy nhân ái mà cái Nhìn của gã đem lại như một sự ưu ái mà cuộc đời dành riêng cho gã!


Codet (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm