Trịnh Công Sơn, nhớ chuyến hát rong cũng có ngày trở về

31/03/2018 09:23 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã từng nói: “Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề” nhưng cái duyên với âm nhạc đã đưa ông trở thành một nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Trong gần 600 ca khúc để lại cho đời, ông đã đưa nhạc và thơ hòa quyện vào nhau, nương tựa vào nhau tạo nên những nhạc phẩm đã, đang và sẽ làm say mê hàng triệu triệu trái tim qua bao thế hệ.

Sinh ngày 28/2/1939 tại Đắc Lắc, nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại lớn lên ở Huế và theo học Cao đẳng sư phạm tại Quy Nhơn. Có lẽ chính vì vậy mà tâm hồn nhạy cảm của người nhạc sĩ chuyên về tình ca này đều mang dấu ấn về những mảnh đất ông từng sống, và từng đi qua như định mệnh.

Không có ham muốn trở thành nghệ sĩ nhưng cái duyên với âm nhạc đã đưa ông trở thành một nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Khởi đầu sự nghiệp sáng tác âm nhạc vào năm 18 tuổi với ca khúc đầu tay Ướt mi, rồi từ đó tận hiến cuộc đời mình cho nghệ thuật, Trịnh Công Sơn và các ca khúc của ông đã tạo nên một bộ phận giá trị không thể tách rời trong dòng chảy ca khúc trữ tình Việt Nam thế kỷ XX.

Chú thích ảnh
Chân dung Trịnh Công Sơn

Qua các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, nhiều người cho rằng ông là một nhà thơ lớn và nhạc chỉ là “chiếc xe tải” chở thơ của ông đến với mọi người. Thực tế rất khó lòng tách bạch giữa thơ và nhạc trong những ca khúc của Trịnh Công Sơn, bởi nhạc và thơ hòa quyện vào nhau, nương tựa vào nhau đến độ khó mà phân định cái nào là chính, cái nào là phụ. Trong đó, phần ca từ đóng một địa vị rất quan trọng.

Ca từ trong các tác phẩm của Trịnh Công Sơn lời đẹp, ý sâu, âm điệu nhẹ nhàng, êm ái. Với những tài năng thiên phú, ông viết lời một cách dễ dàng, tự nhiên và có phong cách. Tài năng này được hình thành rất sớm và nó chi phối gần như suốt cả cuộc đời sáng tác của ông.

Dưới đôi cánh thi ca thiên tài của mình, Trịnh Công Sơn đã đưa những sự vật bình thường trở thành lạ thường. “Nắng” thì ai chả thấy, nhưng chỉ có Trịnh Công Sơn mới thấy Nắng thủy tinh. “Mưa” đương nhiên ai chả biết nhưng Mưa hồng thì chỉ chàng trai họ Trịnh mới hay! Hạ là hè. Mùa hạ tức mùa hè. Điều đó có gì lạ! Lạ chăng là bởi sau chữ Hạ, Trịnh Công Sơn thêm chữ Trắng đầy diễm tuyệt trong ca khúc Hạ trắng. “Mắt xanh xao” có lẽ đối với các nhà bệnh lý học thì đấy là triệu chứng của một bệnh nào đấy, nhưng đối với Trịnh thì “mắt xanh xao” lại là điểm nhấn cho một hình ảnh liêu trai, đài các: “Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao” trong Diễm xưa.

Ngoài hình ảnh phong phú, ca từ Trịnh Công Sơn còn mang nhiều tính ẩn dụ đôi khi làm người nghe khó hiểu, mà chính tác giả cũng không thể nào giải thích một cách đơn giản những suy nghĩ của mình đã chuyển tải sang ngôn ngữ âm nhạc như: “Hòn đá lăn trên đồi, hòn đá rớt xuống cành mai, rụng cánh hoa mai gầy, chim chóc hót tiếng sau cùng”. Quả đúng là: “Tự mình biết riêng mình, và ta biết riêng ta”.

Và cũng có những lối số so sánh hết sức bất ngờ, gây ấn tượng mạnh mà có lẽ chỉ Trịnh Công Sơn mới so sánh được như: “Tình yêu như trái phá/ con tim mù lòa; Tình yêu như vết cháy trên da thịt người; Buồn như giọt máu...”.

Bằng những ca từ đó, những lối so sánh đó, Trịnh Công Sơn đã đem lại cho khán giả những ấn tượng sâu sắc suốt đời không thể quên. Một nhà văn, bạn của nhạc sỹ đã từng nói: “Sau khi nghe câu Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ, chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà” trong Một cõi đi về, thì tôi cảm thấy không còn sợ cái chết xưa nay vẫn thường ám ảnh mình.

Một người khác đã nói về ca từ Trịnh Công Sơn như sau: Tôi rất yêu nhạc Trịnh và thuộc khá nhiều ca khúc. Nhưng hễ nói đến nhạc Trịnh Công Sơn, tôi luôn nhớ đến câu “Người về soi bóng mình, giữa tường trắng lặng câm” trong Ru ta ngậm ngùi. Chỉ một câu đó thôi cũng đủ cho tôi tư duy về cả cuộc đời”.

Có thể nói, ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn cũng chính là tâm nguyện của ông về cuộc sống. Ca từ trong nhạc của Trịnh Công Sơn không có những lời sáo rỗng, vô hồn, to tiếng, đại ngôn, vì ông viết nên nó bằng chính nỗi niềm thật trong sáng, không vụ lợi, không vị nhân; dẫu nỗi niềm ấy đôi lúc nghe như có phần tuyệt vọng, nhưng cũng như Trịnh Công Sơn đã có lần tâm sự: "Mỗi bài hát của tôi là một lời tỏ tình với cuộc sống, một lời nhắn nhủ thầm kín về những nỗi niềm tuyệt vọng và cũng là một nỗi lòng tiếc nuối khôn nguôi đối với buổi chia lìa (một ngày nào đó) cùng mặt đất mà tôi đã một thời chia sẻ những buồn vui cùng mọi người".

Vào một ngày đầu hè năm 2001, Trịnh Công Sơn đã mãi mãi trở về với cát bụi, chuyến hát rong rồi cũng có ngày trở về. Điều đặc biệt là hành trang rong chơi là hàng trăm nhạc phẩm, bức tranh hay bài thơ, thì ngày về Trịnh Công Sơn chỉ mang cho mình một tấm lòng, một tấm lòng dễ nhận thấy rồi cũng để gió cuốn đi!

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn - “Kẻ du ca” đã khuất bóng nhưng dấu ấn để lại chẳng mờ phai. Bởi ông đã viết, đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của tổ quốc mẹ hiền.

‘Nối vòng tay lớn’ của Trịnh Công Sơn đáng lẽ không phải xin cấp phép?

‘Nối vòng tay lớn’ của Trịnh Công Sơn đáng lẽ không phải xin cấp phép?

Theo Phó Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chi nhánh phía Nam, thì gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công ủy quyền 289 tác phẩm dựa trên danh sách ca khúc được cấp phép của Cục và Sở các địa phương.

B.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm